Nhà thờ tộc Nguyễn Văn, phường Thanh Hà

Thứ ba - 27/12/2022 21:06
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn hiện tọa lạc tại khối Thanh Chiếm, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Đây là nơi thờ cúng thủy tổ và tiền nhân của tộc Nguyễn (Nguyễn Văn), là một trong “Bát tộc tiền hiền” của làng Thanh Hà. Tương truyền, vào khoảng đầu thế kỷ XVI, tiền hiền các tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Lê, Phạm, Bùi, Ngụy từ Thanh Hóa, Nghệ An đến khai cơ, lập nghiệp tại vùng đất này, lập nên làng Thanh Hà. Căn cứ vào gia phả tộc Nguyễn Viết, tộc Võ Văn ở Thanh Hà, có thể nhận thấy việc di dân, lập làng diễn ra từ rất sớm.
      Theo tư liệu lịch sử của tộc Nguyễn Văn[1], thủy tổ của tộc là cụ Nguyễn Văn Công (? - 1516) và vợ là bà Nguyễn Thị Sơn (? - 1515), nguyên quán ở Quảng Xương – Thanh Hóa. Theo các chúa Nguyễn vào lập nghiệp tại Quảng Nam, các cụ đã dừng lại tại vùng đất này, khai hoang lập ấp. Sinh kế của các thế hệ trước chủ yếu làm nông và làm gốm, một số làm nghề mộc chạm. Qua bao thăng trầm, các tiền nhân tộc Nguyễn Văn đã có rất nhiều đóng góp cho công cuộc khai cơ lập nghiệp, xây dựng làng Thanh Hà nói riêng, Hội An nói chung. Ngoài ra, rất nhiều người trong tộc Nguyễn Văn đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng. Qua quá trình phát triển, tộc Nguyễn Văn đến nay đã trải qua 17 đời, phát triển thành 2 phái (phái I có 4 chi, phái II có 3 chi). Con cháu trong tộc cư ngụ ở nhiều nơi, một số định cư ở nước ngoài nhưng tập trung đông nhất là tại địa bàn phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà và các xã phường lân cận ở Hội An.
 
toan canh nha tho toc nguyen van
Toàn cảnh nhà thờ tộc Nguyễn Văn - Ảnh: Hoàng Phúc

      Khu đất xây dựng nhà thờ do một người trong tộc hiến. Theo nội dung bảng thông tin “Công tác xây dựng nhà thờ qua các thời kỳ” tại nhà thờ tộc Nguyễn: “… Con cháu các thế hệ trước đây đã xây dựng ngôi nhà thờ lần thứ nhất đường bệ khang trang vào khoảng năm 1802[1] (Nhâm Tuất)”, tọa lạc trên một thửa đất rộng rãi tại khối Thanh Chiếm, phường Thanh Hà. Ngôi nhà thờ đã bị hư sụp trong chiến tranh. Đến năm 1972, con cháu đóng góp xây dựng lại ngôi nhà thờ trên nền móng cũ. Nhà thờ lúc khởi dựng là nhà gỗ 3 gian, có kiểu thức khá đơn sơ. Sau khi bị hư sụp, nhà thờ xây dựng lại năm 1972 chỉ gồm một nếp nhà với kiểu thức nhà 3 gian, hiên rộng với kết cấu: Hệ khung bê tông cốt thép chịu lực, tường bao xây gạch, tường xây gạch trên trính bê tông đỡ hệ mái (không có kèo gỗ), cửa đi pano lá sách gỗ, nền láng xi măng, mái lợp ngói âm dương (không có con giống trang trí), mái hiên bằng BTCT. Đỉnh tường hồi hai bên xây giật cấp tạo mái dục nhỏ, đầu hồi đắp vữa xi măng tạo hình cuốn thư. Nội thất có 5 bàn thờ, riêng bàn thờ chính giữa có khám bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc câu đối và nhiều đồ án trang trí mang ý nghĩa cát tường. Phía bên trái nhà thờ có nhà kho nhỏ, mái lợp tôn. Bình phong phía trước nhà thờ xây kiểu cuốn thư đơn giản, mặt trước vẽ hình hổ ở chính giữa, hai bên cuốn thư trang trí chữ 壽 (Thọ) biến thể (mỗi bên nửa chữ) và hồi văn chữ 卍 (Vạn); mặt sau vẽ hình hai con hạc và sen.
 
      Trải qua thời gian dài sử dụng, nhà thờ bị xuống cấp. Năm 2014, được sự đồng thuận của con cháu và các chi, phái trong tộc, nhà thờ được tôn tạo với quy mô tương đương nhà thờ cũ nhưng có nhiều chi tiết khác biệt so với kiến trúc trước đó. Do khám thờ gỗ cũ bị hư mục nên gia tộc đã làm lại khám thờ mới bằng xi măng và giữ nguyên nội dung các câu chữ Hán Nôm trang trí (kể cả nội dung các liễn đối tại nhà thờ cũng được làm lại như cũ). Sau lần tôn tạo này, hình thức kiến trúc nhà thờ giữ ổn định cho đến ngày nay. Trong khuôn viên di tích, phía bên phải nhà thờ tộc còn có khu mộ vợ chồng ông Thủy tổ tộc Nguyễn Văn (mộ ông Thủy tổ trước đây ở Bàu Ốc, mộ bà Thủy tổ ở An Bang, sau này mới được đưa về cải táng trong khuôn viên nhà thờ tộc). Ngoài ra còn có một số ngôi mộ khác của các vị trong gia tộc.
 
nha tho nguyen van
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Nhà thờ tộc Nguyễn tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, có mặt tiền xoay hướng Nam (hơi chếch một chút về phía Tây), hướng ra sông Thu Bồn. Tổng thể di tích gồm có bình phong, sân trước, nhà thờ và khu mộ gia tộc (ở phía bên phải nhà thờ), không có tường rào cổng ngõ. Phía bên phải sân trước có một khám thờ nhỏ đúc bê tông, thờ bà Tổ cô (祖 姑).  
Sân trước có diện tích khá rộng, cao hơn nền đất tự nhiên chung quanh 0,60m. Bình phong nằm chính giữa, phía trước sân, tạo hình kiểu cuốn thư, hai bên có trụ biểu vuông. Mặt trước bình phong đắp nổi tứ linh (long – lân – quy – phụng), sơn nhụ vàng trên nền đỏ; hai bên cuốn thư trang trí bộ tứ quý (mai – lan – cúc – trúc) tượng trưng cho tứ thời. Chính giữa mặt sau bình phong có một vòng tròn lớn, bên trong đắp nổi, cẩn mảnh chén chữ 福 (Phúc); bốn góc có hoa văn cách điệu hình dơi. Hình thức kiến trúc và đồ án trang trí của bình phong rất khác so với bình phong trước đây (xây năm 1972).
Nhà thờ nằm lùi về phía sau của khu đất, là nhà một tầng có mặt bằng hình chữ nhật gồm 2 nếp nhà song song với nhau, nếp trước là phần hiên rất rộng (có thể xem là nơi tiếp khách hoặc tiền đường), nếp sau là nơi thờ tự (hậu tẩm). Do nằm trong khu vực thấp lụt nên nền nhà thờ được nâng cao so với nền đất tự nhiên khoảng 1,45m (khi lụt lớn thì mực nước có thể lên đến nền nhà thờ hiện nay).
Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 3 gian 2 chái (đầu hồi ở hai chái không nằm đúng theo nhịp cột như thường thấy trong kiến trúc truyền thống mà nằm ở khoảng giữa gian chái), kết cấu: tường bao xây gạch, hệ khung (cột, trính) bê tông cốt thép chịu lực, nền lát gạch men, mái lợp ngói âm dương. Kèo (suốt), trụ đội bằng gỗ. Bờ nóc xây thẳng, trang trí dây lá chầu mặt nguyệt (?). Bờ chảy uốn cong mềm mại, phía dưới gắn con giống hình dây lá (hình thức tương tự con giống ở bờ nóc). Mặt trước hai cột gian chính giữa đắp nổi cặp câu đối bằng chữ Hán, nội dung[4]: 日 照 門 前 花 滿 地 \ 風 和 堂 内 木 生 香 (Nhật chiếu môn tiền hoa mãn địa \ Phong hòa đường nội mộc sinh hương). Mảng tường mặt tiền hai gian chái lắp bông gió hình chữ 壽 (Thọ) cẩn mảnh chén, trang trí bên ngoài khung bao là đồ án “Ngũ phúc”.

      Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian, hệ khung chịu lực chính (cột, trính) bằng bê tông cốt thép, kèo, trụ đội, đòn tay bằng gỗ; tường bao xây gạch, nền lát gạch men, mái lợp ngói âm dương. Kèo theo kiểu kèo suốt, trốn cột cái tiền. Bờ nóc trang trí hồi văn gãy khúc, chính giữa là quả châu bằng thủy tinh. Ngăn cách giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau là 3 bộ cửa 2 cánh pano lá sách gỗ, thường xuyên đóng kín, chỉ được mở vào những dịp lễ lạc quan trọng của tộc họ. Trên đầu cửa gian chính giữa có bức cuốn thư đúc bằng bê tông, đề: “Tộc Nguyễn Văn” và “Giáp Ngọ - 2014” để ghi dấu thời gian tôn tạo nhà thờ.
 
bo tri ban tho tu ben trong nha tho toc
Bố trí thờ tự bên trong nhà thờ tộc - Ảnh: Hoàng Phúc
     
      Việc trang trí ở không gian thờ tự rất được chú trọng, gợi sự tôn nghiêm. Bàn thờ được bố trí ở cả 3 gian, bàn thờ hai gian bên có hình thức đối xứng qua bàn thờ gian chính giữa. Các bàn thờ có hình thức tương tự nhau, bệ thờ xây gạch, mỗi bàn thờ có khám thờ đúc bằng xi măng gắn cố định vào tường, trang trí nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường.

      - Bàn thờ gian chính giữa: Quần bàn trang trí phù điêu rồng phun lửa ở chính giữa, hai bên là đồ án hạc cưỡi rùa; bên trên có hoa dây cách điệu hình rồng chầu vòng tròn lưỡng nghi. Mặt khám thờ có hai đại tự cẩn mảnh chén trên nền đỏ: 太 始 (Thái thủy). Trán khám thờ trang trí tứ linh, có các chữ: 福 如 東 海 (Phước như Đông Hải) ở chính giữa. Ô hộc ở bốn góc trang trí hình đàn, bàn cờ, thư bút và bầu rượu (các đồ vật trong bát bửu) quấn dải lụa. Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 尊 功 祖 德 乾 坤 大 \ 地 義 天 輕 日 月 長 (Tôn công tổ đức càn khôn đại \ Địa nghĩa thiên khinh nhật nguyệt trường).

      - Bàn thờ gian trái: Quần bàn vẽ hình hoa mai, lan và đề chữ “Cây có cội”, bốn góc có hoa dây cách điệu hình dơi. Mặt khám thờ có hai đại tự cẩn mảnh chén: 族 興 (Tộc hưng). Trán khám thờ trang trí giao lá chầu lưỡng nghi. Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 清 化 祖 貫 立 \ 阮 文 宗 族 榮 (Thanh Hóa tổ quán lập \ Nguyễn Văn tông tộc vinh).
- Bàn thờ góc tường biên bên trái có hình thức rất đơn giản, chung bệ thờ với bàn thờ gian trái. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 從 祀 (Tòng tự). Trán khám thờ trang trí dây lá, tia lửa và mây bao quanh vòng tròn lưỡng nghi.

      - Bàn thờ gian phải có hình thức kiến trúc và kích thước tương tự bàn thờ gian trái, quần bàn vẽ hoa cúc, tùng – lộc và đề chữ “Nước có nguồn”. Mặt khám thờ cẩn hai chữ: 世 盛 (Thế thịnh). Cặp câu đối hai bên thân khám thờ có nội dung: 會 安 開 基 盛 \ 清 占 繼 業 興 (Hội An khai cơ thịnh \ Thanh Chiếm kế nghiệp hưng)

      - Bàn thờ góc tướng biên bên phải: đối xứng với bàn thờ góc tường biên bên trái. Mặt khám thờ kẻ hai chữ: 從 祀 (Tòng tự).

      Ngoài ra, gian giữa hậu tẩm có treo bức hoành: 阮 文 族 (Nguyễn Văn tộc). Lạc khoản: 癸 丑 年 三 月 初 一 日 \ 本 社 仝 造 (Quý Sửu niên tam nguyệt sơ nhất nhật \ Bản tộc đồng tạo).

      Trên thân hai cột cái hậu có đắp vữa xi măng tạo liễn đối, sơn đà, kẻ chữ vàng, nội dung: 阮 文 承 傳 子 孫 仁 智 善 \ 清 霞 繼 緒 兄 弟 孝 和 親 (Nguyễn Văn thừa truyền tử tôn nhân trí thiện \ Thanh Hà kế tự huynh đệ hiếu hòa thân).  

      Hai bên bàn thờ chính (vị trí trụ bổ ở tường biên phía sau) đắp vữa xi măng tạo câu đối nền đỏ chữ vàng, nội dung: 先 祖 千 年 傳 後 世 \ 子 孫 萬 代 譜 前 恩 (Tiên tổ thiên niên truyền hậu thế \ Tử tôn vạn đại phổ tiền ân).

      Bên cạnh đó, tộc họ hiện còn lưu giữ một số hiện vật quý, tuy nhiên, để đề phòng mất cắp, các hiện vật này được gia tộc lưu giữ cẩn thận ở một nơi khác, không đặt tại nhà thờ. Cụ thể:

      - Chuông cổ bằng đồng. Trên thân chuông có hai dòng chữ Hán như sau: 壬 戌 年 孟 秋 吉 日 請 \ 青 霞 社 阮 文 族 仝 奉 造 鐘 (Nhâm Tuất niên mạnh thu cát nhật thỉnh \ Thanh Hà xã, Nguyễn Văn tộc đồng phụng tạo chung).

      - Một số văn bản Hán Nôm (sắc, chiếu, tờ sai).

      Mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, nhà thờ tộc Nguyễn được ghi vào Danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2024 tại Quyết định số 3508/QĐ-UBND, ngày 05/11/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam. Di tích là công trình tín ngưỡng quan trọng của tộc họ, có lịch sử lâu đời, tuy mới được tôn tạo gần đây nhưng vẫn mang dáng dấp kiến trúc truyền thống, góp phần làm phong phú, đa dạng về loại hình nhà thờ tộc ở Hội An. Bên cạnh đó, di tích còn là minh chứng cho sự đóng góp của tộc Nguyễn trong quá trình hình thành và phát triển làng Thanh Hà trước đây nói riêng và Hội An hiện nay nói chung.
 
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ di tích Nhà thờ tộc Nguyễn, khối An Bang, phường Thanh Hà (lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa).
2. Các tư liệu liên quan khác tại nhà thờ do đại diện gia tộc Nguyễn Văn cung cấp.
* Tài liệu trích dẫn:
[1] Thông tin, tư liệu liên quan đến tộc họ và ngôi nhà thờ do ông Nguyễn Văn Sinh, 70 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn cung cấp.
[2] Dẫn theo Đơn xin xét công nhận từ đường tộc Nguyễn Văn, khối 6 phường Thanh Hà là di tích lịch sử văn hóa do gia tộc lập năm 2008.
[3] Thông tin về niên đại khởi dựng nhà thờ chưa hẳn chính xác. Tộc hiện còn lưu giữ một chuông đồng cổ, trên chuông có ghi niên đại Nhâm Tuất. Căn cứ vào hình thức chuông và niên đại trên chuông, có nhà nghiên cứu nhận định rằng chuông được đúc vào khoảng thế kỷ XIX, tạm đoán định là năm Gia Long nguyên niên (1802) hoặc Tự Đức năm thứ 16 (1862). Có thể gia tộc đã dựa vào thông tin này để làm cơ sở xác định niên đại khởi dựng nhà thờ.
[4] Ký tự chữ Hán, phiên âm do CN. Lê Thị Lưu – Chuyên viên Phòng Tư liệu & Thông tin Di sản thực hiện.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây