Thông tin về di tích mộ ông Cửu phẩm họ Trần

Thứ ba - 13/12/2022 04:57
Di tích mộ ông Cửu phẩm họ Trần hiện tọa lạc tại tổ 48, khối Hậu Xá, phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Từ vị trí bến xe buýt Hội An, rẽ phải đi theo đường Nguyễn Tất Thành khoảng 500m, sau đó rẽ trái vào đường bê tông (đường vào chùa Long Tuyền), tiếp tục đi thẳng khoảng 280m, nhìn theo hướng tay phải (theo đướng đi) sẽ nhìn thấy di tích.
di tich nhin tu mat ben
Di tích nhìn từ mặt bên - Ảnh: Trần Phương
 
      Trước năm 1945, khu vực này thuộc địa phận ấp Hậu Xá, một trong 13 ấp của làng Thanh Hà, tổng Phú Chiêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn. Ấp Hậu Xá là khu vực có nhiều ngôi mộ cổ có giá trị về lịch sử - văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đã được ghi vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa thành phố Hội An. Đặc biệt, nhiều ngôi mộ được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc có sự kết hợp giữa cấu trúc phương Tây với các chi tiết trang trí địa phương đã tạo nên những công trình mộ táng có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Trong số đó có ngôi mộ ông Cửu phẩm họ Trần.

      Qua nội dung bia mộ cho biết đây là nơi yên nghỉ của ông họ Trần, tự là Minh Hiên, thụy là Đại Quang, người làng Minh Hương tại Hội An. Ông được triều đình nhà Nguyễn sắc thụ Đăng Sĩ Lang, hàm Chánh Cửu phẩm. Mộ ông do các con lập vào năm Bảo Đại thứ 3 (năm 1928). Trải qua thời gian dài cùng tác động của nhiều yếu tố, ngôi mộ dần xuống cấp, các mảng tường rêu phong nhuốm màu của thời gian, các đồ án trang trí bị bong tróc lớp vữa, trong đó hạng mục xuống cấp nặng nhất là mái che nhà bia bị bong vỡ gần một nửa. Vào năm 2017, hậu duệ của ông đã thực hiện tu bổ, phục hồi lại hạng mục mái che nhà bia bị hư hỏng và quét vôi toàn bộ các hạng mục ngôi mộ theo màu sắc hiện trạng.

      Ngôi mộ tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng có diện tích 83,6m2, mặt tiền xoay theo hướng Đông Nam, bên phải giáp nhà dân, các hướng còn lại giáp đất vườn trồng hoa màu. Ngôi mộ được xây dựng với bố cục đăng đối trong kích thước rộng 4,84m, dài 7,12m; tổng thể gồm có các hạng mục chính: cổng, tường rào, nấm mộ, nhà bia. Vữa và gạch là vật liệu chính được sử dụng để xây dựng ngôi mộ; các màu vàng, đỏ, xanh dương, trắng là màu sắc chủ đạo được sử dụng để trang trí.

      Hạng mục cổng được xây dựng theo kiểu thức tam quan với 03 lối đi dạng hình cuốn vòm, trong đó gian giữa có kích thước rộng hơn hai bên. Mặt tiền cổng bố trí 04 trụ vuông, chân và đầu trụ được đắp phào chỉ, đỉnh hai trụ ngoài cùng trang trí hình quả bí, bề mặt thân trước của cả 04 trụ được kẻ roan lõm chạy dọc theo thân trụ. Đường diềm cổng được đắp phào chỉ liên kết với phào chỉ đầu trụ. Mặt trước hai đầu trụ ngoài cùng đắp nổi đồ án hoa đào, mặt bên đắp nổi hình tứ giác, mặt trong đắp nổi đồ án hoa thị 6 cánh. Mặt trước hai đầu trụ giữa đắp nổi đồ án hoa thị 4 cánh. Mảng tường mặt tiền tại vị trí cuốn vòm 03 lối đi được đắp phào chỉ, hai bên góc đắp nổi hình lá cây. Hiện trạng hạng mục cổng đã có sự thay đổi so với trước đây khi lối đi ở cả ba gian đã bị xây tường chắn hơn một nửa, tại vị trí bên phải trụ cổng liên kết với tường rào có một lối đi vào mộ rộng 1,28m, để tạo nên lối đi này thì một đoạn tường rào gốc đã bị tháo dỡ, thay vào đó là một đoạn tường rào xây chếch về bên phải.[[1]] 
 
hang muc cong di tich
Hạng mục cổng di tích - Ảnh: Trần Phương
 
      Lùi vào bên trong là hạng mục “phương đình” gắn liền với lối đi gian giữa của cổng, có 04 trụ đỡ vuông, thân trơn, đầu trụ được đắp phào chỉ nối liền với phào chỉ trên bề mặt các mảng tường. Hệ mái bằng bê tông cốt thép, tạo hình cuốn vòm (cao 1,95m), mái được xây tường chắn dạng lan can, diềm tường chắn được đắp phào chỉ, bề mặt các trụ bổ được đắp nổi ô hộc hình chóp. Khoảng trống giữa các trụ được tạo hình cuốn vòm, mảng tường trên cuốn vòm có chi tiết trang trí nhưng đã bị mài mòn khá nhiều nên chưa thể nhận diện được đồ án. Phần mái của “phương đình” được xây nhô cao hơn so với tường chắn của cổng, bề mặt trụ và tường thành được đắp phào chỉ, trên đầu trụ trang trí đồ án hoa sen đúc bằng chất liệu vữa. Ô hộc mặt tiền được đắp nổi đồ án trang trí nhưng đã bị mài mòn khá nhiều. Mặt trước hai đầu trụ được trang trí hình tượng 03 vòng tròn đan xen nhau, trên mỗi vòng tròn đều được điểm xuyến hình hoa cách điệu, cạnh bên của hai trụ tại vị trí giao nhau với tường thành trang trí phù điêu hình tượng cụm mây theo kiểu thức cách điệu. Bên trong “phương đình” được bố trí một bàn sập bằng xi măng, bên trên sập đặt lư hương được đúc bằng vữa, mặt trước và sau thân lư hương đắp nổi đồ án hoa mai.[2]
 
hang muc phuong dinh
Hạng mục "phương đình" - Ảnh: Trần Phương
 
      Liên kết với cổng là hạng mục tường rào được xây dựng theo kiểu lan can bằng cốt tường gạch, tô trát vữa, có trụ bổ chia thành 03 đoạn, bên dưới có gắn các thanh chắn hình trụ được đúc bằng xi măng.

      Nấm mộ nằm chính giữa khu mộ, cách “phương đình” 0,72m, cách nhà bia 2m. Nấm mộ dạng hình bát giác được xây bằng gạch, tô trát vữa, thành dày. Toàn bộ nền mộ được láng xi măng.
 
hang muc nam mo
Hạng mục nấm mộ - Ảnh: Trần Phương

      Hạng mục nhà bia được bố trí ở cuối khuôn viên, kết hợp với hai mảng tường hai bên tạo thành dạng hình cuốn thư, đây có thể được xem như là bình phong hậu của ngôi mộ. Hai cạnh ngoài cùng của nhà bia là trụ dạng vuông liên kết với hạng mục tường rào, đầu trụ được đắp phào chỉ. Liên kết giữa hai trụ với mảng tường bên trong thông qua một đoạn tường cao 1,04m được xây theo kiểu thức lan can, bên trên trang trí đồ án “tứ giác liên hoàn” được đúc bằng vữa (02 hình tứ giác đan xen nhau).
 
hang muc nha bia
Hạng mục nhà bia - Ảnh: Trần Phương

      Mảng tường chính giữa có kích thước lớn nhất (rộng 1,64m, từ nền mộ đến nhỏn cao 2,67m, đến vị trí đuôi mái thấp nhất 2,24m), đỉnh tường được xây mái che hình vòm đắp giả mái ngói ống, chính giữa trang trí đồ án cụm mây bao quanh viên ngọc màu xanh dương, vị trí cuối hai bờ chảy trang trí đồ án các cụm mây và lá cây cách điệu, diềm mái trang trí đồ án hình lá. Mảng tường bên dưới mái che đắp nổi đồ án hoa và dây lá cách điệu. Phần đế được xây theo kiểu thức chân quỳ, chính giữa đắp nổi đồ án “hổ phù”, hai bên đắp nổi đồ án cụm mây cách điệu. Chính giữa mảng tường gắn bia mộ bằng chất liệu cẩm thạch trắng (kích thước: 0,89m x 0,69m), diềm bia mộ để trơn, không có hoa văn trang trí, lòng văn bia chạm chìm các Hán tự thể chân, dẹp, nội dung văn bia:
Nguyên văn:
      皇 朝 敕 授;
      登 仕 郎 明 江 顕 考 正 九 品 字 明 軒 謚 大 光 陳 府 君 墓;
      保 大 弎 年 歲 次 戊 辰 三 月 吉 日;
      嗣 男 言 嘉 女 氏 譽 仝 拜 奉.
Phiên âm:
      Hoàng triều sắc thụ;
      Đăng Sĩ Lang Minh giang Hiển khảo chánh Cửu phẩm tự Minh Hiên thụy Đại Quang Trần phủ quân mộ;
      Bảo Đại tam niên tuế thứ Mậu Thìn tam nguyệt cát nhật;
      Tự nam: Ngôn, Gia; nữ: Thị Dự đồng bái phụng.

      Mảng tường hai bên bình phong hậu được tạo hình giống nhau, bố cục đăng đối qua trục mảng tường chính giữa, mái che được đúc bằng vữa, đắp giả mái ngói ống, chính giữa bờ nóc gắn đồ án mặt nhật cách điệu. Phần đế được đắp nổi theo kiểu chân quỳ, bề mặt đắp nổi hình tượng cụm mây và lá cây. Phần thân đắp nổi tạo thành ô hộc hai lớp, ô hộc lớp trong đắp nổi đồ án dây lá, ô hộc lớp ngoài đắp nổi đồ án hồi văn ở bốn góc.

      Trong thời gian qua, ngôi mộ được gia tộc Trần thường xuyên chăm nom, bảo quản. Năm 2000.

      Di tích mộ ông Cửu phẩm họ Trần được xây dựng năm 1928, cách ngày nay 93 năm, là địa điểm, mốc ký ức của tổ tiên để các thế hệ hậu duệ tộc Trần hướng về nguồn cội, là nơi thể hiện lòng thành kính của các thế hệ con cháu tộc Trần, qua đó gắn kết tình cảm yêu thương, gần gũi giữa các thành viên, góp phần chung tay gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của gia tộc nói riêng, của địa phương nói chung. Đây là nguồn tư liệu thực địa có giá trị để nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình định cư của người làng Minh Hương ở Hội An trong lịch sử. Bên cạnh đó, về phương diện kiến trúc nghệ thuật, ngôi mộ ông Cửu phẩm họ Trần là một trong những công trình mộ táng khá tiêu biểu của giai đoạn cuối những năm 20 của thế kỷ XX, có sự kết hợp độc đáo giữa các đồ án trang trí truyền thống của địa phương và phương Tây, còn được gìn giữ khá tốt ở Hội An; là nguồn tư liệu thực địa góp phần nghiên cứu về kiến trúc, nghệ thuật loại hình di tích mộ táng ở Hội An.
 
*Tài liệu tham khảo:
- UBND thành phố Hội An (2015), Di tích - Danh thắng Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chủ trì biên soạn, Nxb Đà Nẵng.
- Tống Quốc Hưng (2003), Đề tài Điều tra, nghiên cứu bước đầu về các mộ cổ ở Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An.
 
[1] Do chưa tiếp cận được hậu duệ của chủ nhân ngôi mộ nên chưa thể biết được nguyên do của sự thay đổi lối đi này cũng như thời gian thay đổi.
[2] Bước đầu, chúng tôi đoán định công năng của “phương đình” là nơi dâng lễ vật trong ngày kỵ của chủ nhân ngôi mộ (các vật phẩm cúng được đặt trên bàn sập).

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây