Hình cây cau trên Anh đỉnh - Ảnh: Hồng Việt
Quảng Nam được mệnh danh là vùng đất màu mỡ, trù phú, dồi dào sản vật cả trên nguồn lẫn dưới biển, nhiều sản vật có giá trị thương phẩm cao mà cau là một trong số đó. Lê Quý Đôn vào giữa thế kỷ XVIII đã viết trong
Phủ biên tạp lục: “
Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc đoạn, lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đây”
[1]. Cau ở Quảng Nam có ở khắp nơi từ miền ngược cho đến miền xuôi. Tại các làng xã ở Hội An cau cũng được trồng khá nhiều và hằng năm cung cấp sản lượng rất lớn. Lê Quý Đôn trong
Phủ biên tạp lục cho biết, “
Ở chân núi Ải Vân cùng các xứ phường Lạc, phường Giá, phường Rây thuộc Quảng Nam, cau mọc thành rừng, quả già da sém, người địa phương lấy hạt chất cao như gò, tàu Bắc mua chở về Quảng Đông, bán uống thay chè”
[2]. Như vậy, cau (hạt cau khô) ở Quảng Nam trở thành mặt hàng thường được thương nhân Trung Quốc thu mua để chở về nước buôn bán, sử dụng. Lê Quý Đôn dẫn theo lời thương nhân Quảng Đông họ Trần đến buôn bán ở Đàng Trong cho biết giá cau và các mặt hàng khác tại thương cảng Hội An giữa thế kỷ XVIII như sau:
“Tục ở Quảng Nam gọi 100 cân là 1 tạ, cau khô thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu 12 quan, tô mộc 6 quan, ô mộc 6 quan, đậu khấu 5 quan, gân hươu 15 quan, vây cá 4 quan, tôm khô 6 quan, gỗ sơn 1 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, sa nhân 12 quan, gỗ trắc 1 quan, giải ba ba 12 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan, hoạt thạch, thiết phân, hải sâm cùng các loại cây làm thuốc rất nhiều. Còn kỳ nam mỗi cân giá phải đến 120 quan,...”[3] Nam Phát - một hiệu buôn thổ sản ở Hội An xưa - Ảnh: Utsumi
Năm 1793, sứ bộ Macartney đến Hội An và có những ghi chép về việc buôn bán hàng hóa, trong đó có cau như sau: “
Vùng bờ này có rất nhiều sông đủ lớn cho tàu di chuyển. Vào thời bình, hàng trăm thuyền mành từ nhiều cảng khác nhau của Trung Quốc, với trọng tải từ 40 đến 150 tấn, vẫn thường lui tới các cảng Đàng Trong để mua hàng, chủ yếu là cau và đường, chỉ riêng đường hàng năm đã được xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn”
[4] Không chỉ thương nhân Trung Quốc, cau còn được các thương nhân Nhật Bản và phương Tây (Bồ Đào Nha) ưu tiên thu mua. Theo số liệu thống kê, cau là một trong 27 mặt hàng lâm thổ sản và khoáng sản được Bồ Đào Nha thu mua tại thương cảng Hội An trong khoảng thời gian từ năm 1614 - 1665
[5]. Trong sách
An Nam ký do thương nhân Nhật Bản là Kydoya Shichirõjirõ Ariyoshi và Matsumoto Dadõ biên soạn, niên đại 1807 có 1 trang ghi chép hạt cau và nhiều thổ sản thương mại nổi tiếng của Đàng Trong qua thương cảng Hội An như kỳ nam, trầm hương, hộ thần hương, hoàng ty, trừu, sa, La, hồ tiêu, thụ bì, tô mộc... Việc buôn cau nói riêng, thổ sản nói chung với xứ Đàng Trong mà hầu hết qua thương cảng Hội An đem lại nguồn lợi rất lớn cho các thương nhân. Theo các tư liệu mà Ch.B.Maybon đã thu thập cho thấy đường lãi 100%, cau lãi gần 80%
[6] .
Tại hội chợ Faifoo năm 1937 có nhiều mặt hàng lâm sản, nông sản, khoáng sản của các địa phương ở Quảng Nam buôn bán như: tơ lụa Quảng Nam, tussor lụa, xuyến, lãnh của các làng Bảo An, Xuân Đài, Thi Lai, Mã Châu, Hà Mật; trầm, quế, cau được đóng hộp của phủ Thăng Bình; chuối khô, cau khô, quế của huyện Tiên Phước; thuốc lá Cẩm Lệ của phủ Hòa Vang; mật ong, sáp ong, quế của Quế Sơn....
Hội chợ Hội An năm 1937 - Ảnh: Nguyễn Bội Liên
Văn bia tại các di tích tín ngưỡng ở Hội An có niên đại từ năm 1848 đến 1936 cho biết có khoảng 332 hiệu buôn cúng tiền để tu bổ sửa chữa di tích, trong đó có 57 hiệu buôn thổ sản như cau, quế, hồ tiêu,… Các hiệu buôn ở Hội An như Nam Phát buôn trầu, cau, quế, gạo; Phước Thạnh buôn bào ngư, cau, chè, vi cước cá, hạt đười ươi; Phước Xuân buôn cau, chè đen...
Thổ sản nói chung, cau nói riêng được thương nhân mua về Hội An rồi sơ chế, đóng kiện để xuất khẩu. Nguyễn Bội Liên trong bài
Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây mô tả:
“Từ ngã ngang chùa Bà đi lên, các nhà của Hoa thương đều là kho hàng (gọi là tào khâu) nào quất, cau, chè đường từ Quảng Ngãi ra hoặc từ Tam Kỳ, Trà My, Tiên Phước đến. Phu khuân vác lên đi vào cửa ngõ, một Hoa Kiều bụng phệ mặc may ô (maillot) ngồi ngang ngõ tay cầm một bó thẻ, miệng ngậm điếu dài, cứ mỗi vác hàng đi qua thì trao 1 thẻ.”
[7] Các loại thổ sản, trong đó có cau được các ghe vợi chở ra Đà Nẵng cho các hiệu xuất cảng hoặc chở thẳng ra tàu đậu ở Vũng Thùng
[8] Hoạt động sơ chế (chải cau) và buôn bán nhộn nhịp tại thương cảng Hội An đã được khắc họa qua ca dao giàu cảm xúc:
“Tai nghe Triệu Hưng nọ làm đayChị em mình xúm làm giấy vui đà quá vuiĐàn ông cho chí đàn bàChải cau, chọn quế vui đà thậm vui”Để có một Hội An
“Tơ, cau, thuốc chở đầy ghe, Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần”Tài liệu trích dẫn:
[1]Lê Quý Đôn (1977),
Phủ biên tạp lục, NXB. Khoa học xã hội, tr.337
[2]Lê Quý Đôn:
Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.323.
[3]Lê Quý Đôn:
Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.234-235
[4] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.234.
[5]1. Long não; 2. Vải bông; 3. Hạt areca khô; 4. Gạo; 5. Hương liệu; 6. Quế; 7. Trái cây; 8. Đồng; 9. Tôm khô; 10. Hạt cau; 11. Trầm hương; 12. Gỗ mun; 13. Chì; 14. Phốt-pho; 15. Sắt; 16. Ngà voi; 17. Tổ yến; 18. Hổ phách; 19. Vàng; 20. Đồng bạc; 21. Tiêu; 22. Gỗ trắc; 23. Da cá; 24. Lô hội; 25. Chuỗi hạt trai; 26. Mật ong; 27. Song mây. Nguồn: Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais sur les côtes du VietNam et du Campa, L’école Française d’Extrême-Orient, Paris; tr. 249.
[6]Ch.B.Maybon (1916), Les Marchands européens en Cochinchine et au Tonkin (1600 - 1775). Revue indochinoise
[7]Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017),
Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây, Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, NXB Đà Nẵng, tr. 61-62
[8]Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Chuyện trăm năm cũ, Hội An chừng 1 thế kỷ trước đây, NXB Đà Nẵng, tr. 60.