Một số chính sách, giải pháp khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An

Thứ hai - 10/10/2022 05:27
Xuyên suốt trong nhiều năm, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An gắn với du lịch theo hướng bền vững nhằm tạo động lực cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ then chốt của thành phố.
KHONG ANH HOI AN
 
Một góc Phố cổ Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Khu phố cổ là hạt nhân của di sản văn hóa Hội An. Bảo vệ và phát huy Khu phố cổ đã là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể mà còn của cả chủ/đại diện chủ di tích, cộng đồng, doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Vì thế bên cạnh vai trò của Nhà nước, việc khuyến khích, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ là rất cần thiết.

      Về chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, chủ trương của các cấp chính quyền về xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa đều dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa địa phương mà Khu phố cổ là hạt nhân. Do đó việc bảo vệ và phát huy Khu phố cổ được lồng ghép, mở rộng qua nhiều đề án, dự án, quy hoạch,… lớn như: Đề án xây dựng thành phố Hội An sinh thái - văn hóa - du lịch, Đề án Hội An nhân tình thuần hậu, Quy hoạch kiến trúc đô thị Hội An,… nhằm tạo điều kiện, động lực cho cộng đồng và doanh nghiệp, những người yêu mến di sản tham gia bảo tồn và phát huy di sản. Các quy định như Quy chế bảo vệ Khu phố cổ luôn hướng đến sự hài hòa, gắn kết vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có cộng đồng và doanh nghiệp hoạt động trong Khu phố cổ để đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả các quy định này.

      Về chính sách phát triển du lịch trên nền tảng di sản văn hóa, hạt nhân là Khu phố cổ đã tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, hiện nay nhóm ngành dịch vụ - thương mại chiếm khoảng 70% tỉ trọng trong nền kinh tế tạo nguồn thu ngân sách để không chỉ tái đầu tư cho bảo tồn Khu phố cổ mà còn trong phát triển các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Sự phát triển của nhóm ngành này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ về nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch khác,… trên địa bàn thành phố. Số liệu năm 2019 cho biết có 4.978 đơn vị hoạt động trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch; trong đó lĩnh vực vận chuyển có 33 đơn vị, lữ hành có 51 đơn vị, lĩnh vực cơ sở lưu trú có 774 đơn vị với tổng cộng 11.879 phòng. Đặc biệt lĩnh vực lưu trú homestay trong những năm qua có sự phát triển rất mạnh ở Hội An, trở thành loại hình dịch vụ lưu trú có số lượng lớn nhất với 321 cơ sở (năm 2019). Ngoài ra còn rất nhiều doanh nghiệp, một bộ phận không nhỏ người dân hoạt động nông nghiệp và các lĩnh vực ngành nghề khác cũng được hưởng lợi gián tiếp từ lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch. Riêng trong Khu phố cổ, hầu hết người dân đều tham gia các ngành nghề gắn với dịch vụ du lịch. Sự phát triển của du lịch còn làm cho giá trị của mỗi ngôi nhà tăng lên. Việc sinh lời có thể qua hình thức tự kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh phục vụ du lịch. Cho thấy chính sách này tác động rất tích cực không chỉ cho sự phát triển của thành phố mà còn tạo sự hưởng lợi trong đại bộ phận nhân dân và doanh nghiệp; tạo sự gắn bó, trách nhiệm của những thành phần hưởng lợi từ di sản cùng chung tay bảo vệ di sản.
 
      Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc bảo tồn Khu phố cổ được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh nhiều hoạt động tuyên truyền của nhà nước, cộng đồng còn được khuyến khích phản ánh thường xuyên tình hình di tích cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương qua hội họp, tiếp xúc cử tri,… hàng năm. Đặc biệt hàng năm, thành phố đều tổ chức gặp mặt chủ di tích nhân dịp chào mừng kỷ niệm ngày Khu phố cổ được công nhận di sản văn hóa thế giới. Đây là dịp để lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các ban ngành, địa phương được nghe chủ di tích, doanh nghiệp phản ánh nhiều ý kiến trực tiếp tại hội nghị hoặc gián tiếp qua phiếu lấy ý kiến. Từ đó, nhiều chính sách, biện pháp được triển khai kịp thời, khắc phục các vấn đề hạn chế từ thực tiễn.

      Ban hành các cơ chế hỗ trợ kinh phí (trong một số trường hợp đặc biệt nhà nước hỗ trợ 100%) để khuyến khích chủ di tích tham gia công tác trùng tu, bảo vệ di tích. Ngoài kinh phí vay và tham gia vào Cơ chế hỗ trợ của thành phố, chủ di tích cũng đã tự đầu tư nguồn kinh phí rất lớn cho tu sửa nhỏ, trung bình khoảng 200 trường hợp giấy phép được cấp mỗi năm. Ngoài ra, kinh phí bỏ ra của chủ di tích, doanh nghiệp còn rất lớn qua các hoạt động góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích như: Phòng chống mối mọt, quét vôi, trang trí, kinh doanh, tổ chức sinh hoạt văn hóa tại di tích tập thể - cộng đồng: hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu,…

      Về tổ chức hoạt động tham quan trong Khu phố cổ, từ năm 1986, hoạt động này đã được triển khai, mỗi năm đón lượng khách tham quan tăng dần. Nếu trong năm 2000, Hội An có 192.420 lượt khách đến thì đến năm 2019 con số này là 5.699.960 lượt khách, tạo nguồn ngân sách quan trọng để tái đầu tư cho công tác trùng tu di tích, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện phát huy và chi cho công tác quản lý. Đặc biệt, trong số các điểm tham quan có hơn ½ điểm tham quan thuộc sở hữu tư nhân - tập thể là đình, hội quán, nhà cổ, nhà thờ tộc. Các điểm này cũng được trích lại % trên giá vé tham quan để chi cho hoạt động quản lý tại điểm.

      Bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hình thành các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn gắn với giá trị vật thể của mỗi di tích là những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú. Trong đó, các hoạt động lễ hội truyền thống, diễn xướng dân gian được cộng đồng, tộc họ và từng gia đình nuôi dưỡng, duy trì khá tốt tại không gian các di tích. Gần như xuyên suốt quanh năm, Hội An đều có các lễ hội truyền thống. Trong đó nổi bật là Tết Nguyên tiêu tại di tích chùa Ông, các hội quán và di tích tín ngưỡng cộng đồng diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng là một lễ hội lớn thu hút hàng ngàn du khách và nhân dân trong và ngoài thành phố tham gia.

      Ngoài ra, hoạt động dựng cây nêu ngày tết ở Hội An là một trong những hoạt động hiệu quả nhằm phục hồi giá trị di sản văn hóa phi vật thể bị mai một. Hơn 10 năm qua, hoạt động này từ mục tiêu phục hồi nay đã trở thành hoạt động thường xuyên, thu hút trung bình hàng năm khoảng 30 đơn vị tham gia với nhiều thành phần: di tích, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư tạo không khí ngày tết và là sản phẩm du lịch độc đáo ở Hội An dịp này. Việc phục hồi các di sản có nguy cơ mai một cũng được quan tâm mà thành công nhất là nghệ thuật hô hát bài chòi. Từ nguy cơ thất truyền, nghệ thuật này nay đã được hồi sinh, đi vào công chúng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách hằng đêm tại Khu phố cổ.

      Bên cạnh đó, trong những năm qua, cùng với quần thể Di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, “Phố không có tiếng động cơ xe máy”, các khu Chợ đêm, dịch vụ ghe bơi trên sông được xây dựng khẳng định thương hiệu. Nhiều sự kiện văn hóa quốc gia và quốc tế cũng được tổ chức như: Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế; các sự kiện quốc gia và quốc tế như các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất; hội nghị APEC; nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc,... trong đó sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” đã bước sang năm thứ 18.

      Các giải pháp về đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển phương tiện giao thông thân thiện môi trường, hình thành các điểm tham quan ở vùng ven,… vừa giảm áp lực lên Khu phố cổ, vừa tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tiếp cận, tham gia hoạt động dịch vụ du lịch.

      Trong hoạt động bảo tồn Khu phố cổ, Hội An nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương, tỉnh, nhất là đã hỗ trợ kịp thời kinh phí cho các dự án trùng tu di tích. Ngoài ra, Hội An còn chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân quốc tế, qua đó cũng tranh thủ được các nguồn lực quan trọng để ngày càng thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.
 

Tác giả: Phạm Phú Ngọc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây