Công trình chuyên khảo này được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp vào năm 1943 và in lại vào năm 1949. Được dịch và xuất bản tiếng Anh, tiếng Việt vào đầu thế kỷ 21. Ngoài phần mô tả bằng chữ viết, tập sách có rất nhiều hình vẽ chi tiết về ghe thuyền, thúng chai rất có giá trị trong nghiên cứu về văn hóa biển, sông nước của Việt Nam. Chuyên khảo này là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu, biên soạn tập sách Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Trung Việt Nam thực hiện năm 1965.
Hội An là vùng đất nằm ở cửa sông, ven biển của tỉnh Quảng Nam với Đại Chiêm hải khẩu nổi tiếng trong lịch sử. Vùng đất này là nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn của xứ Quảng, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, phía đông là vùng biển rộng lớn và cụm đảo Cù Lao Chàm. Từ đặc điểm tự nhiên nổi bật là yếu tố sông nước, biển đảo cùng với đặc điểm về lịch sử là cảng thị mậu dịch quốc tế một thời vang bóng nên trong quá khứ cũng như hiện nay, ghe thuyền trong hoạt động đi lại, chuyên chở hàng hóa thương mại, đánh bắt thủy hải sản, tham gia vào các hoạt động văn hóa lễ hội… ở Hội An rất đa dạng về loại hình, chất liệu và kích cỡ. Sự đa dạng, phong phú đó vào nửa đầu thế kỷ 20 được J. B. Piétri nhận xét: “
Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng”
[1]. Đồng thời còn nhấn mạnh thêm: “
chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín mà trên hai bờ của nó, những tiếng kêu gọi í ới của những người chèo đò, của những thương nhân di chuyển trên sông nước, những phu bốc vác, hòa trộn với tiếng búa xảm trét thuyền và những tiếng rì rầm của những công xưởng đang hoạt động”
[2] J. B. Piétri cũng mô tả về cảnh đua ghe ở Hội An như sau: “
Vào những dịp lễ tết trong năm, người ta tổ chức những cuộc đua thuyền. Thế là trong một cảnh diệu kỳ nhiều màu sắc, trong âm thanh ồn ào của trống kèn cồng chiêng, trong tiếng pháo đì đùng, mọi tàu thuyền, từ thuyền mành Trung Hoa, ghe bầu, ghe nan, ghe trường, tới ghe mành, tất cả kéo lên những lá cờ đuôi nheo có răng cưa của người Việt với màu vàng, đỏ, xanh lá, cam, tất cả những dải vải báo gió sặc sỡ, những cờ hiệu, cờ đuôi én, cờ lệnh, quốc kỳ phấp phới trên mọi cột buồm”
[3]. Qua đoạn mô tả trên về cảnh đua ghe, Piétri đã liệt kê khá nhiều ghe thuyền ở Hội An gồm ghe bầu, ghe nan, ghe trường, ghe mành,… và cả thuyền mành Trung Hoa. Trong số đó, Piétri đã dành sự quan tâm khảo tả tỉ mỉ về ghe bầu và ghe trường.
Ghe Bầu
Về ghe bầu, Piétri cho biết:
“Ghe bầu Hội An cùng với ghe Mũi Né là những chiếc thuyền buồm ven biển Việt Nam đạt được tải trọng cao nhất. Hiện nay nó nằm trong giới hạn 70 tấn mặc dù trong quá khứ chúng ta còn gặp thuyền này chở tới 120 tấn”. Ghe có
“cái lầu sau đuôi và một bộ ba chiếc vành đai mạn thuyền được ghép chặt dưới đường cong dọc boong thuyền. Đáy không có sống chính và những ván be được ghép bằng chốt và mộng, sau đó được liên kết với đà ngang đáy,... Tại khúc gỗ cong nối tiếp sống mũi với đáy, có một loại thanh kẹp hay cánh đứng có tác dụng đáng kể như một tấm xiếm khi thuyền chạy sát hướng gió lúc gió ngược... Sống mũi luôn luôn được bao ngoài bằng ván be, ván này được ghép bằng mộng làm mỏng đi một nửa, tại khoảng sườn thứ hai tính từ mũi, nơi có vách ngang đầu tiên...” Ghe
“được chia khoang bằng 9 vách ngăn tương đối kín nước như trên tất cả các thuyền buồm Việt Nam, vách ngăn gồm những tấm ván ghép với nhau và có những nẹp đỡ trên một trong hai bề mặt vách. Vách dựa vào những dầm ngang và tại bông thuyền là dầm ngang hình vòng cung có cắt khấc để nhận những sống dọc boong. Toàn mặt boong được phủ những tấm có thể tháo lắp được bằng phên tre đánh vec ni tạo nên boong thuyền sống trâu, đó là kiểu boong chung cho thuyền bè Việt Nam. Ghe bầu này có hai lối đi rộng 40cm chạy dọc boong ở hai bên mạn thuyền. Boong dựa trên khung hay các sống dọc”. Ghe có
“những dầm ngang boong hơi nhô ra ngoài một chút. Có tất cả 6 dầm ngang nhô khỏi vỏ thuyền, đó là dầm để đỡ phần dưới cột buồm chính và những dầm ngang để cắm cột buồm đuôi thuyền.Trên ghe bầu này có lầu sau đuôi, với 1 cánh gà kéo sát tới mỗi bên mạn theo kiểu thuyền người Hoa”. Về buồm ghe bầu, Piéri mô tả:
“dây chằng cột buồm đuôi kéo về phía sau, tới đầu một thanh gỗ và vòng qua một chốt nhỏ chạm khắc hình con cá. Cột buồm chính có thể hạ xuống, được ghép chặt với phần cột phía dưới, phần ghép khá sâu và được gia cố bằng những thanh ngang. Trong khi đó cột buồm mũi lại trồng trên cặp má giữ, một kiểu thịnh hành ở Việt Nam. Có bốn thanh chốt dây néo cột buồm được dựng thẳng đứng ở mỗi mạn thuyền với những bộ tăng đơ thép hay những bộ lá bàng, và tại một trong hai mạn là một bộ dây neo thang dây cột buồm”. Piéri cho rằng, điểm độc đáo của ghe bầu Hội An là thiết bị bánh lái:
“Một sống đuôi di động có hình dạng như một ống dẫn cong trượt trong sống đuôi cố định của thuyền. Trục của bánh lái được cố định vào phần trên của ống trượt đó bằng một cái chốt, trong khi bản bánh lái có hai lỗ chốt, một ở chính giữa, cái kia ở đế. Những lỗ chốt này cũng trượt dọc theo một thanh sắt dẫn hướng cố định trên bửng đuôi thuyền, tại chỗ ván được nối bằng những mối nối khỏe. Bởi vậy, việc di chuyển dọc và ngang của bánh lái cũng được bảo đảm. Sống đuôi di động hay ống dẫn trượt có hình bầu dục, trên có những lỗ khoét nhỏ dọc theo cạnh để xỏ chốt bằng sắt nhằm điều chỉnh độ cao cho vừa ý và chịu sức nặng của thiết bị. Để nâng lái lên, có một ròng rọc được móc vào một vòng bắt trên bề mặt bản bánh lái rồi kéo về boong phía đuôi thuyền. Một sợi dây bảo hộ cũng được mắc trên cùng một móc.”Ghe Trường
Bên cạnh ghe bầu, ghe trường ở Hội An lúc bấy giờ cũng được Piéri khảo tả kỹ lưỡng. Danh xưng ghe trường dùng để chỉ “
tất cả những thuyền nhỏ của Hội An, cùng một kiểu, nhưng có tải trọng không vượt quá 20 tấn. Thuyền này có cùng kiểu bánh lái và bộ buồm. Tuy nhiên không có lầu phía sau đuôi”. Về cấu tạo,
“vỏ thuyền có thể có hay không có một sống chính nhưng có một “thanh kẹp” tức là một tấm nhọn xẻ nước ở khúc cong sống mũi. Hai bên mạn cùng với tấm chắn nước được kéo cao lên về phía đuôi để khép kín phần mui thuyền thành nơi trú ngụ của gia đình chủ thuyền và cũng là nơi được dùng làm nhà bếp”. Phía mũi ghe có
“những chiếc ngã (ngà) với hai đầu vểnh và cong lên khiến trông chúng như cái sừng tạo ra một dáng vẻ không chỉ để trang trí mà còn phục vụ nghi lễ. Ngã được trang trí rất nghệ thuật. Sau cái ngã này là những chiếc “ngã” khác, chỉ đơn giản nhô ra khỏi mạn dùng để buộc dây, trong đó có một khúc gỗ tròn ở phía sau để đỡ neo và dùng để thả kéo neo. Tại hai đầu mũi và đuôi thuyền, những dầm ngang boong nhô ra khỏi vỏ thuyền chừng 50cm và dùng để đỡ cột chống thuyền, khi ta lật ngang đề sửa chữa đáy thuyền”. Phía mũi ghe có vẽ mắt ghe, mắt
“có đuôi mắt ở về phía trước và phân đầu mắt ở về phía sau, khác với hình dáng chung của con mắt trên hầu hết thuyền bè ven bờ Việt Nam”.
Theo Piétri, vật liệu để đóng ghe bầu và ghe trường là gỗ kiền kiền, chò chỉ, mù u, vắp, huỳnh, bằng lăng. Gỗ chò chỉ dùng làm be phía dưới gần long cốt, be phía trên là gỗ kiền kiền. Gỗ vắp dùng làm chốt, gỗ huỳnh làm bánh lái, chèo làm bằng gỗ bằng lăng,...
Thuyền buồm Đông Dương (
Voiliers d’Indochine) của J.B. Piétri là tư liệu quý, chứa đựng nhiều thông tin khoa học để nghiên cứu, tìm hiểu về ghe thuyền tại Hội An nói riêng, ở Việt Nam, Đông Dương và vùng lân cận nói chung.
[1] J. B. Piétri (1943),
Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, NXB Trẻ, năm 2015, tr.122.
[2] J. B. Piétri (1943), Thuyền
buồm Đông Dương, sđd, tr.122.
[3] J. B. Piétri (1943),
Thuyền buồm Đông Dương, sđd, tr. 122.