Một góc phố cổ - Ảnh: Quang Ngọc
Trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 41/1990, GS. Nguyễn Phan Quang đã trích dịch và giới thiệu tập hồi ký này. Hiện nay tập Hồi ký về xứ Cochinchine được lưu giữ tại Kho lưu trữ Quốc gia Pháp ở Paris (
Bộ phận lưu trữ của hội truyền giáo). Hồi ký gồm 25 trang chép tay, chứa đựng nhiều thông tin về xứ Đàng Trong trong thời kỳ chúa Nguyễn nửa đầu thế kỷ XVIII.
Trong tập hồi ký này, Pierre Poivre đã dành nhiều đề mục ghi chép tỉ mỉ về Hội An. Trong đề mục Hải cảng, Pierre Poivre đã miêu tả về Hội An như sau: “
Ở Cochinchine có nhiều cảng. Quan trọng nhất là hải cảng mà người Bồ Đào Nha gọi là Faifo và người Cochinchine gọi là Loja… (?). Hải cảng này thuộc tỉnh Cham (Chàm), cách kinh đô vài ngày đường. Cảng sâu và an toàn, đặc biệt thuận lợi cho thương nhân vì tàu có thể cập bến ngay trước sở thương chính. Faifo là hải cảng thương mại năng động nhất của xứ Cochinchine. Ở đây có khoảng 6000 người Trung Hoa và là những thương nhân cỡ lớn. Họ lấy vợ bản xứ và nộp cống thuế cho nhà vua… Viên quan tỉnh đóng trụ sở tại Kéta (?) dọc bờ sông. Tại Faifo có sẵn những thương điếm cho thuê, muốn bao nhiêu cũng có. Những thương quán lớn cho thuê suốt vụ gió mùa giá 100 piastre”
[1]. Ngoài những ghi chép về thương cảng Faifo - Hội An, Pierre Poivre còn nhắc đến một thương cảng khá quan trọng của Đàng Trong, đó là thương cảng Nước Mặn ở Quy Nhơn. Pierre Poivre đã nhận định và so sánh với thương cảng Hội An rằng: “
Tại tỉnh Quy Nhơn có một thương cảng khác gọi là Nuocman (Nước Mặn) là một cảng tốt, an toàn, được lái buôn lui tới nhiều nhưng kém hơn Faifo, lại không thuận tiện vì quá xa kinh thành, mà các thuyền trưởng thì nhất thiết phải đến kinh thành nhiều lần và phải đi ròng rã 6 ngày đường. Cảng này chỉ thuận tiện đối với các tàu đến mua lụa và cau là hai mặt hàng dồi dào của tỉnh này. Còn có nhiều cảng nhỏ khác, nhất là ở Nhatlang, nhưng đều kém sâu, thiếu an toàn đối với các tàu lớn…”
[2].
Về hoạt động thương mại của người Châu Âu ở thương cảng Hội An và toàn xứ Cochinchine được Pierre Poivre cho biết: “
Người dân ở Cochinchine rất tín nhiệm, ưa chuộng hàng hóa Châu Âu. Có những thứ ở Pháp chẳng có giá trị gì nhưng ở xứ này lại rất quý. Các mặt hàng bằng đồng, sắt, đồ pha lê, các loại vải mỏng màu sặc sỡ (màu đỏ chẳng hạn) rất dễ bán. Mọi thứ vũ khí chế tạo ở Châu Âu, nhất là lưỡi kiếm làm theo kiểu dáng bản xứ, các đồ vật bằng đá, từ kim cương đến đá vùng Rhin đều bán chạy với giá rất đắt cho nhà vua và các quan. Họ cũng rất thích các loại chỉ kim tuyến, có thể thu lãi 100% nhưng không nên mang đến quá nhiều. Có thể chở sang lưu huỳnh (giá rất đắt), các mặt hàng dược liệu, y tế như quinquina (mà ở đây rất rành), sâm canada và các dược liệu khác của Châu Âu. Ở Pháp có nhiều mặt hàng mang sang Cochinchine bán rất đắt, nhưng chỉ nên mang ít thì sẽ bán chạy. Ví dụ tấm vải lụa thêu hoa kim tuyến. Họ thích lụa này để may túi đựng trầu và thuốc lá, vì kẻ nào có nhiều túi kim tuyến được coi là sang, chịu chơi! Cũng có thể mang đến vài tấm vải hồng điều, vài tấm thảm kiểu Ba Tư, vài tấm vải Anh Cát Lợi, hàng kim loại, đừng quên các kiểu vòng tay và khuyên tai”
[3].
Đối với hoạt động giao thương, buôn bán với người Trung Hoa và người Nhật, theo Pierre Poivre: “
Về mặt này, người dân Cochinchine không giàu và cũng không phải là những tay buôn thành thạo. Cho đến nay, họ chỉ buôn bán với người Trung Hoa và người Nhật Bản. Họ tạm thoả mãn với những mặt hàng do người Trung Quốc mang đến: đồng đỏ, đồng bạch, trà, đồ sứ, lụa thêu, dược liệu các loại như cây đại hoàng (rhubarbe), mộc hương (aristoloche), nhân sâm hoàng liên (chélidoine), các loại hương liệu và rể cây không kể xiết mà lái buôn Trung Hoa đã tìm thấy ở xứ Cochinchine một nơi tiêu thụ lý tưởng… Ngoài ra, người Trung Hoa còn mang đến bán nhiều loại giấy thô dùng liệm chôn người chết, giấy ngũ sắc dùng trong nhà chùa, trong tế lễ, một ít giấy trắng của Nam Ninh. Đặc biệt là những lô hàng của Haynam (Hải Nam) với đủ loại bình lọ và dụng cụ làm bếp bằng sành sứ, được tiêu thụ rất nhanh và lãi nhiều. Người Trung Hoa mua về các mặt hàng như vàng, ngà voi, trầm hương, đường phèn, cau, gỗ chế thuốc nhuộm và làm ván ghép, hồ tiêu, gạc huơu, muối, yến sào, sừng tê, dầu sơn”
[4].
Ngoài ra, Pierre Poivre còn ghi chép lại quy trình buôn bán của người Trung Hoa khi đến giao thương, buôn bán ở các hải cảng của xứ Cochinchine: “
Sau đây là cách thức người Trung Hoa buôn bán với xứ Cochinchine: khi họ vừa đến cảng đã có ngay hoa tiêu dẫn vào bến. Thuyền trưởng lên bờ cùng vài nhân viên, nộp lên triều đình một vài danh sách tất cả hàng hoá trên tàu, kể cả các loại quà biếu dâng lên vua. Sau đó, thuyền trưởng dở hàng chuyển lên sở thương chính. Tại đây, viên quan thu thuế đến “thăm”… Viên quan thu thuế chưa đến “thăm” thì chưa được phép bán bất kỳ mặt hàng nào”
[5].
Bên cạnh những ghi chép về hải cảng, các hoạt động thương mại với người Châu Âu, người Trung Hoa và người Nhật ở Hội An và toàn xứ Cochinchine, Pierre Poivre còn dành nhiều đề mục ghi chép về cương vực, phong tục, rừng, sản vật, thuế khoá, tiền tệ và giá vàng… của xứ Cochinchine.
Về phong tục ở xứ Cochinchine: “
Người dân Cochinchine dũng cảm và cần cù, bản tính giản dị, thẳng thắn, tôn trọng sự thật. Họ nghèo và ít học nhưng lịch thiệp, đặc biệt đối với người ngoại quốc. Họ rất giống người Trung Hoa, chỉ có nước da sẫm hơn. Đàn bà, con gái xứ này vừa đẹp vừa trắng… Tầng lớp có học thích ăn mặc theo lối Nhật Bản. Họ giữ gìn bộ tóc rất cẩn thận, nhất là phụ nữ. Nhiều bà nhiều cô bộ tóc dài lê thê sát đất”
[6].
Về rừng và sản vật của xứ Cochinchine, Pierre Poivre cho biết: “
Xứ Cochinchine là cả một dải rừng dài với những thung lũng phì nhiêu. Cọp, voi với nhiều loại thú khác sống trên núi, trong rừng sâu. Rừng có nhiều loại gỗ. Người dân khai thác gỗ huê mộc (bois de rose), gỗ mun, gỗ lim, gỗ tô mộc (sapan), gỗ calambar… Nói chung các loại gỗ quý ở Ấn Độ đều có ở xứ Cochinchine. Họ dùng gỗ làm nhà, đóng thuyền, làm đồ đạc gia dụng hoặc để chế biến hương liệu, nhựa thơm, dầu sơn. Dân xứ Cochinchine khai thác các loại trái cây, mật ong, sáp, mây song, cây vang nhựa (gomme gutte), rất nhiều ngà voi, nhưng quan trọng nhất là vàng trữ lượng lớn. Các mỏ vàng trữ lượng lớn thuộc tỉnh Cham (Chàm), ở một địa điểm gọi là Phunrác, cách Faifo ngót 8 dặm… Nhờ đất đai phì nhiêu, người ta thu hoạch mỗi năm hai vụ lúa mà tốn phí rất ít. Ở xứ này đủ loại trái cây như Ấn Độ: thơm, vải, xoài, mít, dừa, cam, chanh, chuối và nhiều loại trái đặc sản khác. Hồ tiêu, cau và trầu thì rất nhiều. Quả cau là sản vật làm giàu của nhiều tỉnh, hàng năm người Trung Hoa đến mua vét với số lượng lớn. Lại có nhiều bông vải, nhưng dân ở đây chưa biết dệt thành vải đẹp. Họ trồng dâu nuôi tằm và thu hoạch nhiều tơ tằm, nhưng lụa dệt chưa đẹp, trừ vải loại đoạn (satin). Có thể nói không quá đáng rằng đường của xứ Cochinchine thuộc loại đường tốt nhất của Ấn Độ, và đã thu hút nhiều thương nhân Trung Hoa đến mua đường tại Faifo để chở đi bán ở Quảng Đông hoặc Nhật Bản, lãi 400%”
[7]. Đối với hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá bằng tiền tệ, vàng bạc ở xứ Cochinchine được Pierre Poivre cho biết: “
Hàng hoá ở Cochinchine được mua bán bằng vàng, bạc nhưng thông thường bằng đồng tiền kim loại (đồng, kẽm). Người ta xâu chuỗi 600 đồng tiền thành một “quan”, mỗi “quan” gồm 10 “tiền”, mỗi “tiền” 60 đồng. Ở xứ này, vàng bạc cũng là hàng hoá và không có giá nhất định… Họ không biết giá đồng “piastre” của chúng ta. Họ đúc 15 piastre thành 1 thỏi, trước đây giá trị tương đương 22-23 quan tiền, nay chỉ còn 17-20 quan”
[8].
Qua những thông tin ghi chép của Pierre Poivre trong Hồi ký về xứ Cochinchine, có thể thấy Hội An có vai trò, vị thế đặc biệt trong hoạt động thương mại của xứ Đàng Trong.
Hồi ký về xứ Cochinchine là tư liệu lịch sử quan trọng, có giá trị khi nghiên cứu về vùng đất, con người Hội An nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung trong giai đoạn lịch sử nửa đầu thế kỷ XVIII.
Tài liệu trích dẫn:[1] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
Hồi ký về xứ Cochinchine của Pierre Poivre năm 1744, GS. Nguyễn Phan Quang trích dịch và giới thiệu, tr.9.
[2] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.9.
[3] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.9.
[4] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.8.
[5] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.8-9.
[6] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.7.
[7] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.7-8.
[8] Tạp chí Kiến thức Ngày nay số 41/1990,
bài viết đã dẫn, tr.9.