Vua Minh Mạng với Hội An, Quảng Nam

Thứ hai - 14/11/2022 04:32
Trong số 13 vị vua triều Nguyễn, Minh Mạng (1820-1841) là vị vua nổi tiếng với tài trị quốc. Trong suốt 20 năm ở ngôi, ông đã ban hành nhiều văn bản hành chính (châu phê, châu điểm…) về vấn đề khai thác, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Không chỉ có vậy, vua Minh Mạng còn hết sức quan tâm đến vấn đề ổn định dân sinh, phát triển xã hội, điều này được thể hiện qua các chính sách an dân và các cuộc tuần du thị sát dân chúng ở các địa phương trong cả nước.
      Đối với Hội An, Quảng Nam, vua Minh Mạng đã ban hành nhiều văn bản hành chính quan trọng liên quan đến các vấn đề thuế khóa, quân đội, việc khơi thông sông ngòi, vấn nạn cướp biển, thiên tai, mất mùa… qua đó góp phần ổn định, phát triển kinh tế, xã hội.

      Về thuế khóa của người Minh Hương ở Hội An, năm 1820 (năm Minh Mạng thứ 1), vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu cho xã Minh Hương, doanh Quảng Nam, cả năm mỗi người nộp bạc trung bình 2 lạng, cho miễn mọi khoản thuế thân, tiền dây xâu tiền và vải sưu; nguyên vẫn nhận làm thông ngôn và cân hàng đánh giá thì cứ theo mà làm.[1]

      Để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, củng cố hệ thống chính quyền, vua Minh Mạng cho phát triển thêm các đội thuộc cơ Quảng Nam: “Khoảng thời Gia Long, đặt thuộc binh ở các đội: Nội cần, Hữu nghi, hàng năm nộp tiền miễn dịch. Năm Minh Mạng thứ 4, lấy các đội ấy, bổ làm 5 đội, từ 1 đến 5, thuộc cơ Quảng Nam, còn việc nộp tiền miễn dịch, thời cho đình chỉ mãi mãi. Năm thứ 7, đem dân lệ thuộc cửa sông Cổ Cò, lính coi kho Thăng Bình và thợ ở các cục châu xuất, thuộc hạt ấy, cộng 256 tên, bổ thêm làm những đội 6, 7, 8, 9 và 10, cộng trước sau là 10 đội”.[2]

      Về vấn đề khơi thông sông ngòi, năm 1824 (năm Minh Mạng thứ 5), vua Minh Mạng xuống chỉ cho đào sông Vĩnh Điện: “mùa xuân năm nay khơi đào một dải dòng sông Quảng Nam (từ cửa sông Cái ở xã Câu An đến đò ngang xã Cẩm Sa) tất cả dài 1647 trượng 7 thước 5 tấc, hạn rộng 5 trượng, sâu 8 thước. Lại xuống chỉ: dòng sông mới đào ở Quảng Nam, cho đặt tên là sông Vĩnh Điện[3] và di dời huyện lỵ Diên Phúc, trong đó: “có triệt dời nhà của dân mất 8 hộ và mở vào ruộng đất công, tư hơn 50 mẫu; về ruộng đất tư hơn 15 mẫu, chiểu cấp tiền là hơn 1.600 quan để đền bù”.[4]

      Vua Minh Mạng đặc biệt quan tâm đến vấn nạn cướp biển và việc phát triển các xưởng đóng sửa ghe thuyền ở khu vực Hội An, Quảng Nam. Năm 1829 (năm Minh Mạng thứ 10), vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Ngoài hải phận đảo Đại Dữ thuộc tỉnh Quảng Nam có giặc bể đón thuyền đi buôn mà cướp của, quan trấn thành dâng sớ tâu lên, vua dụ quan Binh bộ rằng: Trước kia vùng Thanh Hoa và Nam Định, bọn giặc bể thường có vài ba chiếc thuyền đón các thuyền buôn mà cướp bóc, sau đều bị quan quân vây bắt, địa phương được yên ninh; nay tỉnh Quảng Nam lại có tin báo này, liệu những hồn ma, lũ chuột, không thể để lâu, cần bắt giết ngay, tức thì sai quan Vệ uý là Nguyễn Đức Trường quản lãnh binh thuyền ra bể dò thám vây bắt…[5]. Cũng trong năm này, vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu cho các hạng thuyền ở trấn Quảng Nam 31 chiếc nay đã dời sang dựng ở xã Thanh Châu huyện Hòa Vang, chi tiền công để đặt mua vật liệu, liệu bắt biền binh xây dựng xưởng thuyền[6].

      Về vấn đề thiên tai và nạn mất mùa, năm 1831 (năm Minh Mạng thứ 12), vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Tại tỉnh Quảng Nam, lúa mùa Hạ bị tổn thương, các quan trấn tâu rằng: Về bốn huyện Lễ Dương, Duy Xuyên, Diên Phước, Hòa Vang bị tai ương tương đối nặng hơn, tâu xin cho phép được nạp thuế lúa bằng tiền… Trẫm thà giảm thâu để cho dân được no ấm, nay xét lời các quan trấn tâu[7]. Năm 1839 (năm Minh Mạng thứ 20): “Hai tỉnh Nam, Nghĩa bị nạn mưa to gió lớn, lụt dâng cao, ngoài thành tỉnh Quảng Nam có nhiều nhà phải bắc sàn lên nóc nhà mà ở, không thể nấu ăn được. Tỉnh thần trước hết chiếu theo miệng ăn từng nhà mà cấp muối gạo, liền đem việc tâu lên. Vua xuống dụ ra lệnh xét nghiệm lại, nếu cần phát chẩn nữa thì tiếp tục phát, lại sai hỏi rõ trong dân gian ai muốn lãnh trước tiền bán đường, bán quế, thời cũng cho phép xuất lúa công ra để ứng trước theo giá”.[8]

      Năm 1833 (năm Minh Mạng thứ 14), vua Minh Mạng cho xây dựng thành tỉnh Quảng Nam ở huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn chu vi 489 trưởng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, xây tường đá ong; 4 cửa, 1 kỳ đài. Hào rộng 4 trường 5 thước.[9]

      Đối với việc tuần du thị sát dân chúng, chỉ riêng Quảng Nam, vua Minh Mạng đã ba lần tuần du xa giá vào các năm 1825, 1827 và 1837, trong các chuyến đi ông đã đến thăm danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố Hội An. Với quan niệm “xa giá đi tuần du cốt để xem xét phương dân, kiểm soát quan lại, ra ơn cho dân chúng[10].

      Chuyến tuần du đặc biệt vào năm 1825, vua Minh Mạng đã ban dụ rằng: “Trẫm nay Nam tuần, chỉ muốn xem xét địa phương dò hỏi phong tục, nhân đấy mà làm phúc thi ân để tỏ cho dân biết, xa giá một lần qua, là một dịp vui vẻ, ân huệ đều xuống khắp dân ta. Bèn giảm bốn phần mười thuế thân cho dân sở tại núi Ngũ Hành, và ba phần mười cho toàn hạt Quảng Nam; giảm bạc thuế năm phần mười cho dân Minh Hương. Cho đến những nơi xa giá đi qua, đều được ban thưởng, khiến cho dân các giới hội họp cùng nhau đều tỏ lòng vui vẻ[11]. Trong chuyến thị sát này, khi đến phố Hội An vua Minh Mạng đã cho trừng trị những quan tham, lý trưởng nhũng nhiễu dân chúng: “Phố Hội An thuộc trấn Quảng Nam là nơi dân cư đông đúc, trăm thức hàng hoá quy tụ cả vào đấy. Như có những hạng tham bỉ yêu sách mua rẻ làm kinh động nơi chợ búa, thì chuẩn cho Doanh thần kíp thời tra xét, những người buôn bán và lý trưởng cũng được tố cáo lùng bắt, nếu bắt được quả tang sẽ có thưởng. Vua lại truyền dụ cho phố phường chợ búa, làng mạc, cứ làm ăn như thường đừng bày việc trang hoàng, làm trái ý thương dân của nhà vua” [12] và thưởng ngân khoản cho miếu Quan Thánh 300 lạng bạc, miếu Thiên Hậu 100 lạng bạc để chi dùng việc hương hoả.[13] Sau khi hồi loan, vua Minh Mạng còn xuống dụ quần thần rằng: “Tỉnh Quảng Nam gần kinh kỳ, đường sông và đường biển hai ngả liên tiếp nhau, khi xa giá đến nơi trẫm thấy non sông xinh đẹp… những đường sông bờ biển, thuỷ đạo, dinh thự, thành quách đều đã qua hết cho đến việc mừng rỡ ra ơn già trẻ trai gái đều được thấm nhuần như vậy chuyến tuần du này việc quan yếu không một chút thiếu sót vậy”.[14]

      Có thể nói, Minh Mạng là vị vua triều Nguyễn để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong lịch sử dân tộc. Qua một số văn bản hành chính và các cuộc tuần du thị sát cơ sở cho thấy vua Minh Mạng đặc biệt quan tâm đến vùng đất, con người Hội An, Quảng Nam. Với tầm nhìn, tài lược của mình, vua Minh Mạng đã tạo nên sự ổn định, phát triển của Hội An, Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung trong suốt giai đoạn lịch sử do ông trị vì.
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Nội các triều Nguyễn (Bản dịch Viện Sử học năm 2005), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập III, Nxb Thuận Hóa, tr.188.
[2] Nội các triều Nguyễn (Bản dịch Viện Sử học năm 2005), Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập V, Nxb Thuận Hóa, tr.223.
[4] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập III, Bản dịch đã dẫn, tr.112.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch năm 2010), Minh Mệnh chính yếu, Nxb Thuận Hóa, tr.1542.
[6] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập VII, bản dịch đã dẫn, tr.258.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.270.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.321.
[9] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VII, Bản dịch đã dẫn, tr.90.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.243.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.244.
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.243.
[13] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Hội An qua Châu bản Triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng,2021, tr.40.41.
[14]Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chính yếu, Bản dịch đã dẫn, tr.199.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: Vua Minh Mạng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây