Nghề trồng rau Trà Quế trong ngữ văn dân gian Hội An

Thứ hai - 19/09/2022 05:34
Làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ XVI từ những cư dân ở phía Bắc của Đại Việt di cư đến khai hoang lập làng xã. Qua hàng trăm năm, người dân làng Trà Quế đã tận dụng những lợi thế về tự nhiên, đất đai và duy trì cách trồng rau truyền thống mà cha ông để lại nhằm tạo ra những sản phẩm rau sạch, hương vị đặc trưng riêng.
lang rau tra que
Một góc làng rau Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Ngữ văn dân gian Hội An đã phản ánh hết sức chân thực, sinh động đặc điểm vùng đất, bề dày văn hóa cũng như ghi lại sự lao động cần cù chịu khó của người nông dân cùng với những kinh nghiệm, kĩ thuật trồng rau.

      Bức tranh phong cảnh làng rau Trà Quế được tác giả dân gian mô tả thật đẹp, gợi hình, bởi những màu sắc cuộc sống sinh hoạt của người dân. Từ sáng sớm đến chiều tà, người dân Trà Quế luôn tất bật với những công việc như: tưới nước, làm cỏ, xới đất, trồng rau, thu hoạch,… Vì thế câu ca dao đã thể hiện một bức tranh làng rau Trà Quế có tĩnh, có động, có những sắc thái riêng tạo nên một tổng thể hài hoà: “Ai về Trà Quế thì về, Trà Quế có nghề rấm giá đậu xanh, Buổi mai buôn hẹ, bán hành, Buổi chiều đi tưới năm canh chưa nằm”. Hay: “Ai về Trà Quế quê ta, Rau xanh thơm ngát mượt mà xưa nay”.

      Gói gọn trong những lời ca, tiếng hát, người dân Hội An đã thể hiện lòng tự hào về một làng rau nổi tiếng của quê hương, xứ sở mình: “Rau sống Hội An, Khoai lang Trà Đoã”, “Nặng tình hạt muối Sa Huỳnh, Rau thơm Trà Quế đượm tình bữa trưa”.

      Người xưa ví von mùi thơm và vị thanh của rau thơm Trà Quế như hạt muối Sa Huỳnh nổi tiếng của đất Quảng Ngãi, cũng như nói đến đặc sản Quảng Nam không thể thiếu rau sống Trà Quế. Có thể thấy vị tươi mát cùng với mùi thơm đặc trưng của rau Trà Quế đã được sánh ngang với các đặc sản của các vùng miền khác.

      Cũng như bao nghề khác, nghề trồng rau của người Trà Quế cũng phải một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ đã đổ bao mồ hôi cày xới, vun trồng vườn rau được xanh mát. Sự lao động cần cù chịu khó của con người nơi đây làm sao kể xiết: “Muốn về Trà Quế mà chơi, Nghĩ lại sự đời gánh nước chai vai”, “Muốn về Trà Quế trồng rau, Sợ e gánh nước hai gầu không quen”.

      Bên cạnh sự chăm chỉ, siêng năng, cần cù trong quá trình sản xuất lao động, người nông dân cũng đúc rút ra nhiều kinh nghiệm sống trong sản xuất nông nghiệp. Công đoạn làm đất và chăm bón là hai công đoạn quan trọng nhất, được bà con nông dân khắc họa hình ảnh qua câu ca dao: “Đất tốt cày sâu, Mưa lâu thấm đất”.

      Rau Trà Quế thơm ngon không chỉ nhờ thổ nhưỡng thích hợp, mà còn được bổ sung bằng nguồn rong phong phú vớt từ sông Đế Võng. Nguồn phân bón tự nhiên này làm cho sản phẩm rau bảo đảm về chất lượng và có mùi thơm rất đặc trưng. Và đây chính là bí quyết mà người nông dân Trà Quế đã tích luỹ được qua hàng trăm năm sinh sống với nghề: “Gió trăng đưa khách hữu tình, Làng rau truyền thống của mình lên xanh, Rong về em bón cùng anh, Cho thơm luống cải ngò hành tốt tươi, Mồng tơi é tía tỏa hương khắp vườn, Rau ta đi khắp mọi miền”.

      Công cụ sản xuất của nghề trồng rau Trà Quế cũng khá đa dạng gồm: cào, cuốc, liềm, bình tưới tre, vòi tưới, thùng nước,… và một số nông cụ khác như: nông rổ tre, xe cút kít,... Đôi gàu được khắc họa trong câu ca dao: “Ai về Trà Quế mà chơi, Gánh nước bằng bộng không rơi sợi nào”.

      Lối sống canh tác đã góp phần hình thành cho cư dân nơi đây những phong tục, tín ngưỡng, tập quán đặc thù. Họ thường chọn thân tre có đủ 6 lóng và 7 nút để làm “đòn gánh” vì điều đó được tin là mang lại nhiều may mắn: “Mương, chày, may, rủi”.

      Rau sống Trà Quế không những phong phú về chủng loại, mà mùi, vị thơm ngon của nó rất đặc sắc. Hình dáng kích thước của rau cũng khác so với nơi khác như lá nhỏ, dày, cây cứng cáp, đặc biệt rất thơm, vị đậm đà hơn; rau mềm, dịu, không dai. Các loại rau ở Trà Quế không chỉ là món ăn hàng ngày trong bữa cơm gia đình, mà còn là nguyên liệu không thể thiếu để tạo nên sự thơm ngon cho các món ăn đặc sản của địa phương như tam hữu, ram cuốn, mỳ Quảng, cao lầu, bánh xèo,… Với kinh nghiệm chế biến của mình, người dân nơi đây đúc kết thành tục ngữ, ca dao: “Cá giếc nấu với rau răm, Đền ơn cho bậu bấy lâu bọc đùm”.

      Một số loại rau thơm Trà Quế được nấu với từng loại cá để khử mùi tanh, cũng được tác giả dân gian cụ thể hoá: “Cá bống kho tiêu, cá thiều kho nghệ”.

      Trong việc kho cá, người địa phương đã biết cách kho kèm với một hoặc vài nguyên liệu phụ phù hợp như cá đối kho dưa cải, các loại cá có mùi tanh nặng như cá tràu, cá giếc, lươn, lạch,... thì bỏ thêm một quả ớt xanh giã dập hoặc một vài loại rau thơm để khử mùi.

      Ở Hội An, món ngon gần như là hợp âm giữa vùng biển, vùng cửa sông. Canh cá nục dưa hồng thường được nấu nhiều nhất vào mùa hè, đó là mùa cá nục ngon nhất, cũng là mùa của những trái dưa hồng xanh non và tươi mát: “Cá nục nấu với dưa hồng, Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi”. Tự trong mỗi loại nguyên liệu của món ăn, đã có vị ngọt vị tươi, mang một nét ẩm thực rất riêng.

      Ngoài những đơn vị ca dao, tục ngữ, thành ngữ thể hiện tình yêu và lòng tự hào về mảnh đất Trà Quế, những kinh nghiệm tri thức dân gian trong việc gieo trồng và chăm bón, ngữ văn dân gian Hội An cũng thể hiện tình yêu nam nữ trong những buổi gặp gỡ lao động, trong sinh hoạt. Đó là những lời ướm hỏi, tỏ tình tế nhị: “Em ra gánh nước mấy lần, Tưới rau xanh được để phần cho anh”.

      Chính từ tình yêu lao động cũng là nơi bắt đầu cho các mối nhân duyên, là nơi chứng nhân cho tình yêu giữa con người với nhau: “Đưa tay mà bứt cọng ngò, Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ”.

      Tình cảm đôi lứa được thể hiện một cách uyển chuyển, ý nhị những sâu bên trong luôn chất phác, thành thật, cái tình cái nghĩa cứ thế mà sâu đậm: “Cá giếc nấu với rau răm, Đền ơn cho bậu bấy lâu bọc đùm”.

      Nghề trồng rau Trà Quế đã hình thành nên nguồn tri thức dân gian bản địa rất đa dạng và độc đáo. Những di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến trồng rau, đặc biệt là những phong tục, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến nghề nghiệp,… đi vào ngữ văn dân gian Hội An đã tích luỹ kho tàng tri thức phong phú về nghề, tạo nên nguồn tư liệu phong phú, đa dạng cho công tác nhận diện, nghiên cứu.
 
 
 
 
 
* Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ phi vật thể cấp quốc gia nghề trồng rau Trà Quế, lưu tại Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An.
2. Trần Văn An (2015), “Một số thói quen ẩm thực ở Hội An”, trích từ trang
https://hoianheritage.net/vi/di-san-van-hoa/Tri-thuc-dan-gian/mot-so-thoi-quen-am-thuc-o-hoi-an-274.html

Tác giả: Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây