Một số thông tin về Hội An trong ấn phẩm Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19

Thứ hai - 17/10/2022 05:47
Vào các thế kỷ 17, 18, 19, Hội An, Quảng Nam nói riêng, Đàng Trong nói chung đã có sự hiện diện người Anh đến giao thương, buôn bán, truyền giáo,…
con duong thien ly
Bìa ấn phẩm Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19
 
      Bên cạnh sự tìm hiểu thị trường để giao thương, buôn bán, truyền giáo,… nhằm phục vụ mục đích kinh tế, chính trị, những phái đoàn người Anh đã có những ghi chép về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam thế kỷ 17-19 trong nhật ký hành trình của mình, trong đó có Hội An, Quảng Nam. Trong nội dung bài viết này xin giới thiệu một số thông tin về Hội An qua ghi chép của các phái đoàn, sứ bộ người Anh trong ấn phẩm Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19.

      Ấn phẩm Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19 do Giáo sư Alastair Lamb sưu tầm, thu thập thông tin và nghiên cứu từ những báo cáo, thư tín, nhật ký, tường thuật của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam từ văn khố về Công ty Đông Ấn tại Thư viện văn phòng Ấn Độ (London) và Thư viện Wellcome (London). Ấn phẩm đã được những nhà nghiên cứu, sưu tầm tư liệu của Thư viện Nguyễn Văn Hưởng tổ chức biên dịch, biên tập và xuất bản vào năm 2022.

      Ngoài phần tựa, lời cảm ơn và danh mục tranh ảnh, cuốn sách được chia thành 6 phần, mỗi phần viết về một phái đoàn người Anh đến Việt Nam gồm: phái đoàn Bowyear (1695-1696), phái đoàn Chapman (1778), sứ bộ Macartney (1793), phái đoàn Roberts (1804), phái đoàn Crawfurd (1822), phái đoàn Davis và Wade (1847, 1855).

      Vào năm 1695, phái đoàn Bowyear đến Đàng Trong, thả neo tàu xuống độ sau 46 sải (khoảng 84m) cách đảo Cù Lao Chàm 3 hải lý về phía Đông, sau đó Bowyear sai viên tàu vụ lên bờ đưa tin cho người dân trên đảo xin cập bến và yêu cầu thuyền giúp đỡ. Tại đây, phái đoàn của ông được người dân giúp đỡ đưa lên đảo, vài ngày sau thì khởi hành đi vào Hội An[1].

      Khi đến Hội An vào năm 1695-1696, Bowyear đã miêu tả trong nhật ký: “Hội An cách cồn cát ba lý, một con phố dọc bờ sông với hai dãy nhà, khoảng chừng 100 căn nơi người Trung Quốc sinh sống, trừ 4 hoặc 5 gia đình người Nhật Bản. Người Nhật từng sống rất đông đúc và thống trị mậu dịch tại cảng này, nhưng sau khi bị suy thoái và trở nên khốn đốn thì người Trung Quốc giờ đây duy trì mậu dịch với ít nhất 10 hoặc 12 thuyền mành hàng năm từ Nhật Bản, Quảng Châu, Xiêm, Campuchia, Manila, và mới đây là từ Batavia[2].

      Đáng chú ý, trong nhật ký đã ghi chép về các mặt hàng của các thuyền buôn đến Hội An: “… thuyền từ Quảng Châu thì có đồng, lụa gấm các loại, đồ sứ, trà, kẽ, thủy ngân, và nhiều loại thuốc; từ Xiêm thì có diêm tiêu, xà cừ, răng voi, thiếc, chì, gạo; từ Campuchia thì có nhựa, bạch đậu khấu, sáp, xà cừ, tô mộc, da trâu, sừng tê giác; từ Batavia thì có bạc, gỗ đàn hương, diêm tiêu, chu sa; từ Manila thì có bạc, lưu huỳnh, thuốc lá, gân hươu,… Trong khi đó thì ở Hội An, Đàng Trong cung cấp vàng, sắt, các loại lụa thô và dệt, kỳ nam, trầm hương, đường phèn, đường thốt nốt, yến sào, tiêu, bông,… cho các thương thuyền nước ngoài chở về nước[3].

      Đến tháng 8 năm 1778, một phái đoàn khác của Anh do Chapman dẫn đầu đến Hội An, thuyền của ông cập bến Đà Nẵng sau đó đến Hội An trên một tàu ga-lê, do viên quan cai quản Đà Nẵng bố trí. Ghi chép về Hội An trong nhật ký hành trình, Chapman mô tả như sau: “… Chúng tôi sửng sốt khi thấy những tàn tích còn mới của một phố thị từng đông đúc. Vẫn còn đó những con phố như bản đồ thường lệ, với mặt lát đá phẳng và những ngôi nhà gạch kiên cố hai bên… Thuộc số ít những công trình còn sót lại là chiếc cầu gỗ với mái ngói, dựng trên những cây cọc bắt qua một nhánh sông hẹp. Những ngôi đền và các tượng gỗ bên trong hầu như còn nguyên vẹn, trừ những chiếc chuông đã bị trộm mất[4].

      Về sản vật ở Hội An, Đàng Trong, Chapman cho biết: “… Không đất nước nào ở phương Đông, và có lẽ không nơi nào trên thế giới, sản xuất các mặt hàng sinh lời cho thương mại dồi dào và đa dạng hơn nơi đây, chủ yếu là quế, tiêu, bạch đậu khấu, lụa, vải cotton, đường, trầm hương, cây tô mộc, ngà[5].

      Sau phái đoàn của Bowyear và Chapman, đến năm 1793, sứ bộ Macartney đến Hội An, và có những ghi chép về vị thế chiến lược quan trọng của Cù Lao Chàm như sau: “… Một khi đã có được Cù Lao Chàm, nhu cầu về chỗ tránh gió mùa Tây Nam sẽ sớm khiến người Pháp tìm thêm một thuộc địa gần đó, trên đất liền Đàng Trong. Vùng bờ này có rất nhiều sông đủ lớn cho tàu di chuyển. Vào thời bình, hàng trăm thuyền mành từ nhiều cảng khác nhau của Trung Quốc, với trọng tải từ 40 đến 150 tấn, vẫn thường lui tới các cảng Đàng Trong để mua hàng, chủ yếu là cau và đường, chỉ riêng đường hàng năm đã được xuất khẩu khoảng 40 ngàn tấn[6].

      Vào năm 1803, phái đoàn Roberts đến Đàng Trong, cập bến tại Đà Nẵng, trong thời gian neo đậu thuyền ở đây, Roberts có chuyến đi đến Hội An để gặp mặt quan tại địa phương[7]. Đến năm 1804, Roberts đã đến Huế để thương thảo với vua Gia Long trong việc nhượng lại Cù Lao Chàm. Sau khi vua Gia Long tỏ thái độ không nhượng bộ theo các yêu sách đề ra, Roberts nhanh chóng rời An Nam tới Quảng Châu, đi từ Đà Nẵng vào ngày 25/8/1804. Trong báo cáo gửi bá tước Wellesley, Roberts cho biết nếu như có chiến tranh giữa An Nam và Trung Quốc, thì người Anh luôn có thể tận dụng tình hình này để chiếm Cù Lao Chàm hoặc một đảo khác, có thể còn với sự đồng tình và hậu thuẫn của Trung Quốc[8]. Tuy nhiên, trong vai trò sứ giả Hoàng gia, Roberts đã thất bại trong việc thương thảo với vua Gia Long về một hiệp ước thương mại để sở hữu Cù Lao Chàm. Thất bại này cho thấy, vua Gia Long đã sớm nhận thức được ý đồ chính trị của thực dân phương Tây, trước đó là Pháp, sau này là Anh nhằm chiếm hữu Cù Lao Chàm để làm bàn đạp tiến hành xâm lược Việt Nam sau này, đồng thời qua đó cho thấy ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của vua Gia Long sau khi lên ngôi.
Năm 1822, một phái đoàn khác của Anh do Crawfurd dẫn đầu đến Hội An. Trong khoảng thời gian ở Hội An từ ngày 22-24/10/1822, Crawfurd cho biết: “Hội An - trung tâm buôn bán chính của các tỉnh phía Bắc của Cochin China, khoảng 36 dặm về hướng Nam của vịnh Đà Nẵng. Những thương nhân tại đây đều là người Trung Quốc, họ đã tận dụng mọi cơ hội để thể hiện sự sốt sắng về một quan hệ buôn bán với nước Anh[9].

      Về tàu thuyền đến buôn bán tại cảng Hội An: “từ Hải Nam, 3 thuyền mành, mỗi thuyền có trọng tải 2750 đảm[10]; từ Quảng Châu, 6 thuyền mành, mỗi thuyền có trọng tải 3.000 đảm, từ Phúc Kiến, 4 thuyền mành, mỗi thuyền có trọng tải 3.000 tấn, từ Giang Nam và Chiết Giang, 2 thuyền mành, mỗi thuyền có trọng tải 2.500 đảm[11].

      Đến năm 1855, phái đoàn người Anh cuối cùng do Wade dẫn đầu đến Đàng Trong, trong thời gian neo đậu thuyền ở Đà Nẵng, ông đã đi đến Quảng Nam và cho biết ở Quảng Nam có một thị trấn và là điểm đến của vài trăm nhà buôn Trung Quốc[12].

      Có thể nói, ấn phẩm Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19 đã cung cấp những thông tin có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị Việt Nam nói chung, Hội An, Đàng Trong nói riêng. Những thông tin về Hội An được miêu tả trong nhật ký hành trình của các phái đoàn, sứ bộ người Anh đã cho thấy vị trí, vai trò quan trọng của thương cảng Hội An trong các thế kỷ trước.
Tài liệu trích dẫn:
[1] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, Đinh Tuấn Nghĩa dịch, Nguyễn Thị Thúy Thúy hiệu đính, Thư viện Nguyễn Văn Hưởng, Nxb Hội Nhà văn, tr.71-72.
[2] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.87.
[3] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.87-88.
[4] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.165-166.
[5] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.205.
[6] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.234.
[7] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.296.
[8] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.304.
[9] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.378.
[10] Mỗi đảm bằng 100 catty hoặc 1331/3 cân Anh.
[11] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.401.
[12] Alastair Lamb (bản dịch, 2022), Con đường thiên lý - Hành trình kỳ lạ của các sứ bộ Anh Quốc tới Việt Nam thế kỷ 17-19, sđd, tr.475.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây