Nghiên cứu mộ cổ ở Hội An: trường hợp ngôi mộ ở Hậu Xá

Thứ ba - 13/12/2022 04:12
      1.    Dẫn nhập

       Mộ cổ là loại hình di tích khá đặc biệt và đóng vai trò quan trọng trong di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc bản địa. Nó có vị trí và tầm quan trọng song hành với các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, chùa, miếu, lăng... và các công trình dân dụng, dân sinh như: nhà ở, công đường... song, việc quan tâm nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn loại hình di tích này ở Việt Nam nói chung và ở Hội An nói riêng chưa xứng tầm hoặc cân bằng trong tương quan với các loại hình di tích khác. Trong bài viết này chúng tôi sẽ lựa chọn một ngôi mộ cổ tiêu biểu ở Hội An để nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu tập trung vào quan sát mô tả, đối chiếu các biểu hiện trên phương diện kiến trúc của ngôi mộ, khảo sát về nhân vật nằm dưới ngôi mộ, đồng thời, đặt ngôi mộ cổ đó trong không gian lịch sử, văn hóa thời điểm ngôi mộ này được xây dựng.   

  2. Đi tìm danh tính người nằm dưới mộ

      Khu vực Hậu Xá (tên gọi trước đây là xứ Bàu Đưng, thuộc ấp Hậu Xá, làng Thanh Hà) thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An hiện còn nhiều ngôi mộ cổ. Những ngôi mộ này có biên độ niên đại trải dài từ thế kỷ 18 cho đến đầu thế kỷ 20, đa phần đã được đánh giá và được UBND thành phố Hội An đưa vào Danh mục bảo vệ của Thành phố.

      Gây chú ý nhất với chúng tôi là một ngôi mộ khá lớn, được xây dựng, chạm khắc cầu kỳ, ngôi mộ này tọa lạc trên nền đất bằng phẳng, trong vùng đất nông nghiệp trồng hoa màu của dân bản xứ. Chúng tôi tìm thấy bia mộ để trong tường hậu của khuôn viên, bức tường này là một chỉnh thể hoàn chỉnh, thiết kế theo ý tưởng hình cuốn thư, đối xứng tả hữu với nhà bia ở giữa. Văn bia kích thước 0,72m x 1,0m, khắc chữ Hán theo kiểu Khải thư, chữ sơn màu đỏ, trên chất liệu cẩm thạch trắng, hình chữ nhật vát hai góc trên, diềm chỉ trong cùng khắc hồi văn, diềm ngoài không khắc hoa văn. Toàn thể văn bia được chia làm 06 dòng, dòng dài nhất 20 chữ, dòng ngắn nhất 02 chữ, nội dung cụ thể như dưới đây.
Nguyên văn:
      保 大 十 三 年 歲 次 戊 寅 二 月 吉 日 重 修。
      皇 朝 勅 賜 節 行 可 風,明 江 顯 妣 陳 居 士 元 配,字 春 暉,謚 慧 敏,黎 孺 人 之 墓。
      男:陳 綱。内 孙:啟,敉,敏。曾 孫,女 孫:言,嘉,譽,悟,绍,紀 仝 拜。
Phiên âm:
      Bảo Đại thập tam niên tuế thứ Mậu Dần nhị nguyệt cát nhật trùng tu.
       Hoàng triều sắc tứ Tiết hạnh khả phong Minh Giang hiển tỷ Trần Cư sĩ nguyên phối tự Xuân Huy thụy Huệ Mẫn Lê nhụ nhân chi mộ.
      Nam: Trần Cang
      Nội tôn: Khải, Mai, Mẫn
      Tằng tôn, tôn nữ: Ngôn, Gia, Dự, Ngộ, Thiệu, Kỷ
      Đồng bái.
Dịch nghĩa:
      Trùng tu vào ngày tốt tháng 02 năm Mậu Dần niên hiệu Bảo Đại thứ 13 (1938).
      Mộ của Hoàng triều ban sắc “Tiết Hạnh Khả Phong”, Minh Giang Hiển Tỷ vốn lấy ông cư sĩ họ Trần, tên tự [của bà] là Xuân Huy, tên thụy là Huệ Mẫn, người họ Lê.
      Nam: Trần Cang
      Nội tôn: Khải, Mai, Mẫn
      Tằng tôn, nữ tôn: Ngôn, Gia, Dự, Ngộ, Thiệu, Kỷ cùng bái lập.

      Qua nội dung văn bia chúng tôi biết được danh tính của người nằm dưới ngôi mộ này là của một quý bà người họ Lê, tên tự là Xuân Huy, tên thụy là Huệ Mẫn, bà làm dâu họ Trần, ngôi mộ này do con trai của bà là ông Trần Cang cùng cháu nội và chắt đồng bái lập vào năm Bảo Đại thứ 13 (1938). Tuy nhiên, qua văn bia chúng tôi chưa biết được tên thật của bà là gì.
 
van bia
Văn bia

      Tiếp tục tìm kiếm các sử liệu khác chúng tôi biết được đây là nơi an nghỉ của bà Lê Thị Thảo, làm dâu họ Trần, con cháu bà từng trú tại nhà số 07 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Ngôi nhà này được người dân địa phương gọi là nhà ông Cửu Cang. Cuốn sổ ghi chép của gia tộc cho biết “Cái nhà thờ họ Trần hiện bây giờ là nhà của ông Trần Vĩnh Nguyên lập nên để thờ ông bà bên nhánh của ông, có bản để tên rõ ràng treo ngay giữa nhà thờ. Ông Trần Vĩnh Nguyên là cố nội của ông Trần Cang, nhưng sau cái nhà thờ lâu quá bị hư thì bà dâu Lê Thị Thảo làm lại hoàn toàn … Họ Trần có 3 phái: phái ông Trần Cang, phái ông Trần Đạt và phái ông Trần Liệu”. Hiện ngôi nhà này đã được chuyển nhượng lại cho người khác. Gia đình ông Cửu Cang chuyển đi nơi khác sinh sống, chúng tôi không rõ thông tin.

      Tại nhà ông Cửu Cang từng có treo một bức hoành sơn son thiếp vàng trên gỗ, nội dung như sau:
Nguyên văn:
      勅 賜
      節 行 可 風
      黎 氏 草 廣 南 省,奠 磐 府, 延 福 縣,富 霑 下 總,會 安 社 有 節 行 名 聞 預 在 次 项,特 賜 旗 賞,用 勅 来 者。
      啟 定 陸 年 叁 月 吉 日 造。
Phiên âm:
      Sắc tứ
      Tiết Hạnh Khả Phong
      Lê Thị Thảo Quảng Nam tỉnh, Điện Bàn phủ, Diên Phúc huyện, Phú Triêm Hạ tổng, Hội An xã hữu tiết hạnh danh văn dự tại thứ hạng, đặc tứ kỳ thưởng, dụng sắc lai giả.
      Khải Định lục niên tam nguyệt cát nhật tạo.
Dịch nghĩa:
       Sắc ban
       Tiết Hạnh Khả Phong[1]
      Lê Thị Thảo người làng Hội An, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có tiếng là người tiết hạnh, dự vào thứ hạng được khen thưởng, đặc biệt ban thưởng, sắc này đến với người được ban thưởng.
      [Biển này] làm vào ngày tốt, tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 6 (1922).

      Không nghi ngờ gì nữa, danh tính của người nằm dưới ngôi này chính là của bà Lê Thị Thảo. Còn vì sao bà lại được ban sắc phong “Tiết hạnh khả phong” thì chúng tôi lại tiếp tục khảo cứu thêm.
Năm 1834, Minh Mạng ban hành Thánh dụ huấn địch thập điều quy định các chính sách văn hóa giáo dục của triều đại, trong đó có đề cập đến vấn đề khuyến thiện trong dân chúng: “Lâu nay, trẫm đặc biệt bạn thưởng cho những tiết phụ trinh nữ ở các địa phương, hoặc cho kiến lập từ sở, hoặc đem ban phát biển ngạch, để khuyến khích những người trinh tiết trong thiên hạ. Mong các người là phụ mẫu, huynh trưởng, các người biết giáo hối tử đệ, nam giới thì lấy lễ phép ngăn mình, nữ giới thì dùng trinh tiết giữ mình, cái tình giữa nam nữ chính đáng, thì trăm ơn phúc đã tập trung ở đấy vậy[2]. Chính sách văn hóa này cũng được ghi chép lại rất cụ thể trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Hiện nay, chúng ta thấy một số nhà dân, từ đường của các tộc họ ở Hội An có treo các tấm biển (hoành phi) do Triều đình ban tặng (sắc tứ) theo chính sách nêu trên. Những tấm biển sắc phong này được xem là báu vật, là niềm tự hào của chính người được phong tặng và của cả gia đình, tộc họ. Đây chính là lý do của sự hiện diện tấm biển “Tiết hạnh khả phong” treo tại nhà ông Cửu Cang nói trên và tấm biển đá “Tiết hạnh khả phong” được gắn một cách trang trọng ở trước phương đình ngôi mộ bà Lê Thị Thảo.

      3. Biểu hiện kiến trúc thời đại

      Khi người Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, họ đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc địa phương Pháp để phục vụ cho nhu cầu của chính họ và các công chức làm việc cho Pháp. “Ưu thế địa lý của thương cảng Faifoo ở thế kỷ XVII, XVIII là cửa sông ven biển, hạ tầng kinh tế tốt được người Pháp tiếp tục tận dụng để làm nơi đặt trụ sở Công sứ tỉnh Quảng Nam và các đơn vị trực thuộc. Đây là điều kiện thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa phương Tây mà đặc biệt là văn hóa Pháp ở Hội An[3]. Ảnh hưởng sâu rộng của người Pháp ở Hội An không chỉ trong kiến trúc mà còn cả trong các lĩnh vực khác của đời sống văn hóa, xã hội. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Bội Liên từng nhận xét: “Tiếp khi người Pháp đến thì việc xây cất kiến trúc cũng có nhiều phần theo lối Âu châu mà nay vẫn còn lại một ít trong các đường phố. Học chữ Pháp và giao tiếp, trang phục theo người mới cho đến nay thì đều khắp cả[4].

      Người Hội An đã tiếp nhận và áp dụng sự ảnh hưởng này vào kiến trúc dân dụng một cách rất hòa hợp và nhuần nhuyễn. Dấu ấn kiến trúc thuộc địa Pháp (dưới đây gọi tắt là kiến trúc Pháp) ở Hội An dễ dàng nhận diện được qua những công thự, nhà vườn, nhà phố (đặc biệt là Khu phố mang dấu ấn kiến trúc Pháp trên tuyến đường Phan Bội Châu, phường Sơn Phong đã được xếp hạng di tích cấp Tỉnh năm 2019), ngoài ra còn có các ngôi mộ táng. Hầu hết các ngôi mộ này được xây dựng với quy mô khá lớn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX, và phần lớn trong số đó phân bố trên địa bàn phường Thanh Hà. Dấu ấn kiến trúc Pháp hiển thị qua các phào chỉ, mảng pano, một số họa tiết mang dáng dấp kiến trúc cổ điển phương Tây, hay các mẫu gạch hoa xi măng lát nền, ốp tường rất đẹp... Có thể nói, các bậc tiền nhân đã kết hợp khéo léo kiến trúc truyền thống Việt Nam và kiến trúc Pháp, sử dụng tài tình các đồ án trang trí mang ý nghĩa cát tường dân gian để tạo dựng nên những ngôi mộ mang giá trị thẩm mỹ cao. Tương tự như nhà phố trong Khu phố cổ, những ngôi mộ này có sự tương đồng trong phong cách kiến trúc, tuy nhiên, không có ngôi mộ nào hoàn toàn giống ngôi mộ nào, mang vẻ đẹp không trùng lặp.  

      Ngôi mộ bà Lê Huệ Mẫn có quy mô kiến trúc tương đối lớn so với các ngôi mộ khác trong cụm mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp ở Hậu Xá. Điều đó chứng tỏ chủ nhân ngôi mộ là gia đình giàu có lúc đương thời. Có thể đây là ngôi mộ cổ duy nhất ở Hội An có hoa viên và đường dẫn phía trước mộ (hiện còn dấu vết bó vỉa. Theo tư liệu, khu vực này trước đây trồng hoa, cỏ. Do ít có điều kiện chăm sóc, cỏ dại mọc nhiều nên thân nhân đã láng nền xi măng toàn bộ khu vực hoa viên). Ngôi mộ xoay mặt về hướng Nam - Tây Nam. Tổng thể công trình còn rất hoàn chỉnh và quy mô. Toàn bộ các hạng mục ngôi mộ bố cục trong khu đất rộng khoảng 9,89m, dài 26,57m gồm: hoa viên và đường dẫn phía trước mộ, khoảng sân trước với tường rào thấp, cổng vào mộ, nấm mộ, nhà bia có bình phong kiểu cuốn thư gắn bia mộ và tường rào bao bọc khuôn viên mộ. Màu sắc chủ đạo được sử dụng tại di tích: trắng, xanh dương, vàng và đỏ (chu). Trải qua thời gian dài, dưới tác động của thời tiết, nhiều chi tiết kiến trúc bị bao phủ màu xám đen của rêu mốc.
 
mat bang văn bia
Mặt bằng tổng thể ngôi mộ bà Lê Huệ Mẫn - Ảnh: Hoàng Phúc

      Mặt bằng hoa viên hình chữ nhật, nền láng xi măng. Giữa sân còn dấu vết bó vỉa và đường dẫn vào mộ. Hai bên có tường rào thấp xây gạch, bổ trụ chia thành các mảng đặc (bề mặt đắp các mảng pano trang trí) và rỗng (chừa ô thoáng) xen kẽ nhau. Phía trước có bốn trụ rào, hai trụ giữa xây thụt vào bên trong tạo hình cổ chai và tường rào hình vòng cung. Đầu, chân trụ và tường rào đắp phào chỉ đơn giản, mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp.

       Khoảng sân trước mộ có tường rào thấp ngăn cách hoa viên. Thân trụ rào góc phía sau ốp hàng khuôn bông gốm tráng men xanh[5], bên trên có trang trí dải lụa đan lồng vào hai hình thoi. Tạo liên kết về mặt kiến trúc giữa trụ rào phía sau và tường rào hai bên là mảng tường xây uốn cong, đắp nổi gờ chỉ và pano, trang trí hoa, dây lá theo kiểu thức kiến trúc cổ điển phương Tây (qua thời gian, các chi tiết này bị bong mờ, không còn rõ nét). Bên trên tường rào phía sau có một vòng tròn lớn như mặt nguyệt liên kết trụ rào của mộ và trụ rào phía sau, bệ đỡ bên dưới là các hoa văn gãy khúc.
Qua khoảng sân trước là cổng vào ngôi mộ được làm theo kiểu thức tam quan rất nguy nga với lối vào ở hai gian bên, gian giữa xây lùi về phía sau một chút, trên có mái che kiểu phương đình, đắp vẽ rất nhiều đồ án trang trí có sự giao thoa, kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Hạng mục này gợi cảm quan thân thuộc, giúp liên tưởng ngay đến mặt tiền những ngôi nhà mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp trong Khu phố cổ Hội An với các hàng trụ hiên chia ngôi nhà thành 3 gian, hay tường chắn mái trang trí phào chỉ rất cầu kỳ. Tại cổng vào di tích, những trụ gạch vuông vức được trang trí bằng phào chỉ ở đầu, chân cột, hàng khuôn bông, hoa văn với đường nét mềm mại trên thân cột, hoa sen ở đỉnh cột kết hợp với lối đi hình cuốn vòm, các họa tiết kiến trúc phương Tây cong lượn trên tường chắn mái… Tất cả giúp tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa, cân đối.
 
cong vao và phuong dinh
Cổng vào và phương đình - Ảnh: Hoàng Phúc

      Với quan niệm "Sống, cái nhà; thác, cái mồ", phương đình (có nơi còn gọi là hương đình) được chăm chút, tỉ mỉ đến từng chi tiết, có đặt cái bàn ở chính giữa phương đình, xem đây như là chỗ nghỉ ngơi, thư giãn cho người đã khuất và cũng là nơi thiết đồ tế bái. Mặt trước nền phương đình và mặt bàn ốp gạch hoa xi măng rất đẹp với họa tiết dơi chầu chữ 壽 (Thọ) tròn. Các trụ phương đình được liên kết bởi cuốn vòm. Phía trên cuốn vòm ở mặt trước đắp nổi họa tiết “sóc – nho[6]. Thân trụ phía trước ốp cặp câu đối viết lối Triện văn, khắc âm văn trên đá. Mỗi chữ được khắc vào một phiến đá có hình lượn sóng, giống kiểu thức trang trí tại di tích Cổng chùa Bà Mụ, phường Minh An, thành phố Hội An. Hai đầu câu đối trang trí hình nút thắt huyền bí đắp bằng vữa. Chữ triện có đường nét cong, mềm, các tấm đá cũng có đường cong, hoa văn trang trí trên cột cũng lấy đường cong làm chủ đạo. Có lẽ đó là sự lựa chọn tinh tế, thay vì dùng chữ Khải có các đường nét gãy gấp đột ngột, bó hẹp trong khuôn khổ. Nội dung câu đối như sau:
Nguyên văn:
      節 著 永 壺 腾 玉 陛
      心 光 倫 鑑 勒 貞 珉
Phiên âm:
      Tiết trước vĩnh hồ đằng ngọc bệ
      Tâm quang luân giám lặc trinh Mân
Dịch nghĩa:
      Tiết hạnh nghiêm giữ đến nơi Ngọc Bệ[7]
      Tấm lòng luân thường[8] soi dám khắc vào đá Mân[9].

      Mái phương đình bằng bê tông hình cuốn vòm, bên trên tường chắn mái trang trí con giống hình dây lá, hoa sen và một số họa tiết khác (chưa xác định được tên gọi). Tường chắn mái phía trước gắn biển cẩm thạch khắc Hán văn theo lối Lệ thư bốn chữ lớn: 節 行 可 風 – Tiết hạnh khả phong, giữa bốn chữ lớn này chèn vào hai chữ: 勅 賜 – sắc tứ (sắc ban), lạc khoản đề: 啟 定 拾 秊 乙 丑 陸 月 吉 日 奉 造 – Khải Định thập niên Ất Sửu lục nguyệt cát nhật phụng tạo, có nghĩa là: làm vào ngày tốt tháng 6 năm Ất Sửu Khải Định thứ 10 (1925). Biển chữ Lệ này kết hợp với cặp câu đối chữ Triện, hình thể và các họa tiết tạo nên một chỉnh thể hài hòa vừa mang màu sắc cổ điển của phương Đông lại phảng phất yếu tố hiện đại của kiến trúc Pháp.

      Cổng vào mộ, tường rào hai bên cùng với nhà bia tạo thành khu vực khép kín. Nền khu mộ cao hơn so với nền sân trước, lát gạch hoa xi măng. Tường rào xây gạch có trụ bổ chia thành 3 đoạn, bên dưới có các hình tròn nối tiếp nhau, bên trên là lục bình xi măng đúc sẵn. Nấm mộ nằm chính giữa khu mộ, xây gạch có dạng hình bát giác. Các mặt của nấm mộ ốp gạch hoa xi măng (cùng mẫu với gạch lát nền).

      Nhà bia nằm ở cuối khuôn viên, kết hợp với hai mảng tường hai bên tạo hình cuốn thư, được xem như bình phong hậu của ngôi mộ. Phần diềm đầu tường và chân tường có các đường gờ chỉ chạy song song dọc theo cạnh tường, khoảng giữa hai gờ trang trí các đĩa sứ giống nhau với họa tiết màu xanh lam. Ở vị trí ngoài cùng, tiếp giáp với hai góc tường rào là trụ biểu hình thoi. Đầu trụ xây giật cấp (4 cấp), trang trí hồi văn hình hai vòng tròn đan vào nhau, đỉnh trụ hình chóp bút. Mảng tường hai bên xây chồm ra phía trước, đối xứng qua nhà bia tạo hình “cuốn thư”. Đỉnh tường trang trí hoa văn gãy khúc; thân tường xây ô hộc đắp phù điêu chữ 壽 (Thọ).  

      Mảng tường chính giữa cao hơn hẳn so với tường cuốn thư ở hai bên. Đỉnh tường trang trí hoa sen, lá sen. Nhà bia nằm chính giữa mảng tường này. Bệ thờ nhà bia xây gạch, bề mặt ốp gạch hoa xi măng. Bốn trụ bê tông chống đỡ hệ mái có tiết diện tròn, thân cột có các rãnh nhỏ theo chiều dọc, chân cột đắp giả đá tán hình quả bí và lá đề, đầu cột theo kiểu thức kiến trúc Pháp. Mái đắp giả ngói ống. Ở góc giao đầu cột và trần gắn con ke hình dơi. Bờ nóc chia ô hộc bằng khuôn bông gốm, đỉnh mái trang trí dây lá hóa rồng chầu mặt trời (cách điệu), bờ chảy trang trí đồ án dây lá. Bia mộ bằng cẩm thạch trắng, gắn cố định vào tường, bao quanh bia là hàng gạch hoa xi măng.
 
nha bia va binh phong hau
Nhà bia và bình phong hậu - Ảnh: Hoàng Phúc

      Theo niên đại khắc trên tấm biển đá ở mộ thì ngôi mộ này được xây dựng vào năm Khải Định thứ 10 tức năm 1925,  theo niên đại bia mộ thì đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938) ngôi mộ được trùng tu, có lẽ đây là lần trùng tu đầu tiên và lần trùng tu này định hình kiến trúc của ngôi mộ cho đến ngày nay. Tính đến nay ngôi mộ này đã được 97 năm. Ngôi mộ gồm nhiều hạng mục, được xây dựng với tỉ lệ kiến trúc hài hòa, cân đối, có sự kết hợp kiểu thức kiến trúc của Việt – Hoa và Pháp với nhiều đồ án trang trí mang ý nghĩa cát tường độc đáo. Bên cạnh việc đây là một công trình tín ngưỡng của tộc họ, thể hiện sự tôn kính của con cháu với ông bà đã khuất, di tích còn góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An, thể hiện rõ nét ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hội An.

      4. Tạm kết

      Các ngôi mộ cổ hoặc nghĩa trủng ở Hội An trước năm 1945 hầu hết nằm ở các khu vực xa dân cư, hoặc gần các ngôi cổ tự, tuy thế, hiện nay với quá trình phát triển của đô thị, mật độ xây dựng của các công trình công cộng hoặc dân dụng đã và đang xâm lấn các khu vực có sự hiện diện của các ngôi mộ cổ. Ở Hội An không khó để nhận thấy một vài ngôi mộ cổ nằm ven đường, hoặc nằm trong các khu vườn, trên ruộng đồng đó là số ít các ngôi mộ cổ còn sót lại, trên thực tế chúng tôi biết rằng rất nhiều ngôi mộ cổ đã bị di dời, quá trình di dời các ngôi mộ cổ này cũng kèm theo sự biến mất về hình hài kiến trúc mà ngôi mộ cổ đó sở hữu. Mặc dù có sự quan tâm của chính quyền và các cơ quan hữu trách và các biện pháp bảo tồn, khoanh vùng bảo vệ các ngôi mộ có giá trị nhưng cũng không thể kiểm soát và bảo vệ hết toàn bộ di sản này.

      Một số ngôi mộ cổ đã được bảo vệ nằm khiêm tốn trong các khu dân cư với tỷ lệ bất tương xứng với các kiến trúc đương đại, các ngôi mộ cổ đang nằm ở các khu vực nông, lâm nghiệp xem ra được bảo tồn tốn hơn, ít chịu sự chi phối hoặc tranh chấp về mặt cảnh quan, tuy nhiên khuôn viên và diện tích vốn có của nó cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của sự phát triển diện tích dất nông, lâm nghiệp. Đối với những ngôi mộ cổ có giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu nằm ở các khu vực sẽ được quy hoạch, phát triển thành khu dân cư trong tương lai, chúng tôi cho rằng các cơ quan hữu trách nên có các giải pháp quy hoạch để các di sản này không bị “lép vế” trước các công trình kiến trúc đương đại sẽ được xây dựng trong tương lai, các di sản kiến trúc này không những không làm ảnh hưởng đến các khu vực được quy hoạch và phát triển trong tương lai nó còn làm đẹp và ghi nhận bề dày lịch sử, văn hóa của một vùng đất cũng như ghi nhận sự tôn trọng của chúng ta đối với tiền nhân.

      Thực tế ghi nhận rằng, trải qua hàng trăm năm, nhiều ngôi mộ cổ đã không còn, hoặc thất lạc thân nhân, do đó không có người chăm sóc, chịu sự tác động của tự nhiên, cây cỏ xâm thực... thật thê lương. Khi chúng tôi suy nghĩ về vấn đề này và thử tìm giải pháp thì nhận thấy rằng, vào tiết Thanh Minh hàng năm người dân bản xứ có phong tục “dẫy mả(tảo mộ), tức là chăm sóc mộ phần của thân nhân trong gia đình, dòng họ, ngoài ra họ cũng không quên đắp thêm nắm đất, hoặc thắp nén hương cho các phần mộ vô chủ, đây đúng là mỹ tục vậy, nhưng họ cũng không thể nào có đủ nguồn lực để tu bổ các mộ phần có quy mô lớn, hình thế phức tạp được. Do đó, việc nhận diện, đánh giá các ngôi mộ có giá trị đặc biệt, biểu hiện, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc... từng thời đại và đưa ra các giải pháp về mặt bảo tồn là hết sức cần thiết và cấp bách, chính việc này sẽ góp phần mang lại một bức tranh bảo tồn văn hóa đa diện, cân đối hơn, kế thừa nét đẹp nhân văn của cư dân bản xứ.
 
[1] Nghĩa là “Người có tiết hạnh đáng được phong thưởng”.
[2] Thánh dụ huấn địch thập điều diễn nghĩa ca, Lê Hữu Mục dịch, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1971.
[3] Theo Trương Hoàng Vinh, Trung tâm QLBT DSVH Hội An, Bản tin số 04/2008, trang 18.
[4] Trung tâm QLBT DSVH Hội An (2017), Di cảo Châu Ái Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng, trang 55.
[5] Các mẫu khuôn bông này rất đẹp, tráng men xanh hoặc vàng nâu, thường thấy ở các ngôi mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp trong khu vực này. Có thể mẫu khuôn bông này được dùng phổ biến trong những năm đầu thế kỷ XX, giờ hiện không còn thấy trên thị trường.
[6] Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), sđd:
… Đặc biệt dưới thời Khải Định, trong luồn ảnh hưởng các kiểu thức của phương Tây, hình ảnh dây, lá nho ngày càng phổ biến. Do đặc điểm cấu tạo lá nho, dây leo và chùm trái quấn quýt nhau, cho nên đã gợi nhiều ấn tượng về sự đông đúc, sum vầy. Trong trang trí Huế, kiểu thức nho – sóc là hình ảnh thường thấy nhất.
[7] Ngọc Bệ: đài bệ nơi cung điện của Vua, ý chỉ tiết hạnh vang đến tai vua.
[8] Luân giám: chuẩn mực đạo lý mà người xưa lấy làm mực thước để sống. Nho gia có “Ngũ luân”, tức các mối quan hệ cần được gìn giữ trong chính danh – tức mỗi người phải thực hiện đầy đủ chức tranh trong vai trò của mối quan hệ đó, bao gồm: vua – tôi; cha – con; anh – em; vợ - chồng; bạn – bè.
[9] Mân: một loại đá đẹp gần như ngọc.

Tác giả: Hoàng Phúc - Đức Chí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây