Hội An là vùng đất nằm ở cửa sông, ven biển tỉnh Quảng Nam với Đại Chiêm hải khẩu nổi tiếng trong lịch sử. Vùng đất này là nơi hợp lưu của nhiều con sông lớn của xứ Quảng (
Thu Bồn, Trường Giang, Lộ Cảnh Giang), có hệ thống sông ngòi, mương rạch chằng chịt, phía đông là vùng biển rộng lớn và cụm đảo Cù Lao Chàm - trấn sơn, đảo tiền tiêu của Cửa Đại. Từ đặc điểm tự nhiên nổi bật là yếu tố sông nước, biển đảo cùng với đặc điểm lịch sử là điểm trung chuyển trên con đường hàng hải quốc tế thời Champa, thương cảng thuyền buồm quốc tế sầm uất thời Đại Việt nên trong quá khứ cũng như hiện nay, ghe thuyền truyền thống ở Hội An hết sức phong phú và đa dạng về kích cỡ, hình dáng, mang dấu ấn của sự giao lưu, kế thừa từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong chuyên khảo
Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers d’Indochine)[1] vào đầu thế kỷ 20, bên cạnh mô tả chi tiết về ghe bầu và ghe trường ở Faifo (Hội An), J. B. Piétri đã nhận xét: “
Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng”
[2]. Đồng thời nhấn mạnh thêm: “
chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín mà trên hai bờ của nó, những tiếng kêu gọi í ới của những người chèo đò, của những thương nhân di chuyển trên sông nước, những phu bốc vác, hòa trộn với tiếng búa xảm trét thuyền và những tiếng rì rầm của những công xưởng đang hoạt động”
[3]. Về cảnh đua ghe ở Hội An, J. B. Piétri cho biết: “
Vào những dịp lễ tết trong năm, người ta tổ chức những cuộc đua thuyền. Thế là trong một cảnh diệu kỳ nhiều màu sắc, trong âm thanh ồn ào của trống kèn cồng chiêng, trong tiếng pháo đì đùng, mọi tàu thuyền, từ thuyền mành Trung Hoa, ghe bầu, ghe nan, ghe trường, tới ghe mành, tất cả kéo lên những lá cờ đuôi nheo có răng cưa của người Việt với màu vàng, đỏ, xanh lá, cam, tất cả những dải vải báo gió sặc sỡ, những cờ hiệu, cờ đuôi én, cờ lệnh, quốc kỳ phấp phới trên mọi cột buồm”
[4].
Đua ghe ở Cẩm Kim - Ảnh: Hồng Việt
Từ chuyên khảo của J. B. Piétri và qua nhiều nguồn tư liệu khác cũng như điền dã thực địa, cho thấy ghe thuyền truyền thống ở Hội An có nhiều loại và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Trong hoạt động lưu thông đi lại có ghe đò ngang, đò dọc; trong buôn bán có ghe nguồn, ghe bầu, ghe rỗi,… trong đánh bắt thủy hải sản có ghe soi, ghe qué trớ, ghe giã cào, ghe lưới quét lưới chuồn, ghe mành,… trong văn hóa lễ hội có ghe đua,… Trong các loại ghe đó, đặc điểm chung nổi bật là trước mũi ghe có cặp mắt rất ấn tượng và đôi chút huyền bí. Lý giải về nguồn gốc cặp mắt trên ghe thuyền, theo J. B. Piétri “…
chúng ta tìm thấy trên tất cả những tàu buôn An Nam đều có hình vẽ này, nhất là tàu buôn ven bờ, đã được du nhập từ những tàu thuyền buôn Ả Rập tại những biển miền Nam, từ thời xa xưa và có nguồn gốc từ con mắt Osiris mà người Ai Cập vẽ trên mũi tàu thuyền con cổ đại. (...) Phong tục của dân chúng cho thấy là con mắt này làm chiếc ghe như một con cá sống động đi biển băng qua những vùng đá ngầm nơi đây, con mắt biết cách nhận biết và né tránh”. Piétri cũng nhận xét
“Có lẽ có một sự giống nhau nào đó giữa con mắt chiếc thuyền và sự thờ cúng cá Ông”. Qua tư liệu lưu trữ và khảo sát thực địa cho biết mắt ghe ở Hội An chủ yếu có hai loại gồm mắt mũi rỗi (
có đuôi mắt nhọn) và mắt mũi trường (
có đuôi mắt bầu). Ngoài ra còn một kiểu nữa nhưng rất hiếm gặp, hiện nay chỉ thấy xuất hiện trên ghe đua là mắt mũi lồi (
hình giống hột xoài, như mắt ghe vùng Nam Bộ). Hình dáng của mắt ghe được tạo tác tùy thuộc vào môi trường sử dụng của ghe và quan niệm của cộng đồng. Từ quan niệm dân gian cũng như quan sát trên thực địa cho thấy, ở Hội An mắt ghe kiểu đuôi mắt nhọn phổ biến đối với ghe sử dụng/hoạt động ở môi trường biển; mắt ghe kiểu đuôi mắt bầu phổ biến đối với ghe sử dụng/hoạt động ở môi trường sông. Riêng đối với ghe đua, trước đây đều tạo dáng mắt kiểu đuôi mắt bầu, hiện nay do đóng ở nơi khác nên phổ biến kiểu đuôi mắt nhọn. Về mắt mũi trường (đuôi mắt bầu), Piétri nhận xét “
Hãy để ý con mắt của ghe trường có điểm nghiêng về đằng mũi ghe và phình nâng lên về đằng lái khác với hình dáng chung của con mắt trên hầu hết thuyền bè bờ An Nam”.
Vẽ mắt ghe - Ảnh: Hồng Việt
Ở Hội An, trong quy trình đóng ghe thuyền, chạm khắc - sơn kẻ mắt ghe là một công việc quan trọng của công đoạn hoàn thiện chiếc ghe. Mắt được chạm trổ trên be vành hoặc trên cả be vành và be then tùy thuộc vào kích cỡ mắt cũng như kích cỡ ghe và phải đảm bảo tỷ lệ cân đối, hài hòa. Đối với ghe nhỏ, người thợ cả chỉ cần dùng rập tạo sẵn (
có chiều dài từ 40-74cm hoặc dài hơn) để chạm khắc mắt ghe, đối với ghe lớn đi biển có mắt dài hơn 200cm, người thợ phải tự vẽ rồi mới chạm khắc. Qua khảo sát ghe đua cho thấy, loại ghe dài hơn 20m (
20.000cm) với mắt mũi trường có kích thước 68 x 12cm, ghe dài 9-15m (
900-1500cm) với mắt mũi rỗi có kích thước 65 x 13cm. Sau khi chạm khắc hình mới tiến hành sơn kẻ mắt với phần trong màu đen, phần ngoài màu tắng. Trong quan niệm dân gian, cặp mắt là bộ phận rất quan trọng của ghe thuyền, giúp tìm lành lánh dữ, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy, liên quan đến việc tạo tác, sơn kẻ mắt ghe có rất nhiều kiêng cữ và lễ cúng như lễ khai quang điểm nhãn với nghi thức người thầy cúng cầm bút điểm vào cặp mắt ghe để tạo “
hồn”, thị lực siêu nhiên đôi mắt. Trong quá trình sử dụng ghe thuyền, nhất là ghe thuyền làm nghề đánh bắt thủy hải sản, ngư dân rất kiêng kỵ bôi, chà, cạo khắc vào mắt ghe. Nếu ghe thường gặp nguy hiểm hoặc đánh bắt cá không hiệu quả, chủ ghe phải làm nước và sơn kẻ lại mắt.
Sự đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ mắt ghe cũng như những quan niệm, tín tục liên quan đã góp phần làm cho văn hóa ghe thuyền, văn hóa sông nước biển đảo ở Hội An thêm phần phong phú. Đây là bộ phận di sản văn hóa rất quan trọng cần được sưu tầm, nghiên cứu chuyên sâu để có biện pháp bảo tồn và phát huy hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở Hội An hiện nay.
[1] Bản gốc được biên soạn năm 1943, xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp vào năm 1949 tại Sài Gòn, được dịch sang tiếng Anh xuất bản năm 2006, xuất bản tiếng Việt năm 2015.
[2] J. B. Piétri (1943),
Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, NXB Trẻ, năm 2015, tr.122.
[3] J. B. Piétri (1943),
Thuyền buồm Đông Dương,sđd, tr.122.
[4] J. B. Piétri (1943),
Thuyền buồm Đông Dương, sđd, tr.122.