Một số sự kiện liên quan đến Hội An vào năm Mão qua các tư liệu lịch sử

Thứ tư - 04/01/2023 05:00
Với vị thế địa lịch sử - văn hóa, Hội An từ rất sớm là nơi giao thương, buôn bán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
ba le thi nguong
Một góc phố cổ Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Vào thời kỳ Lâm Ấp - Champa, Hội An đã là một thương cảng có thuyền buôn nước ngoài đến thường xuyên và đã có một số tác phẩm mô tả, giới thiệu nhiều thông tin quý giá về Hội An trong Tấn thư, Đường thư, một số thư tịch cổ Ả Rập. Đặc biệt lúc Hội An là thương cảng quốc tế phát triển cực thịnh vào thời kỳ các chúa Nguyễn, rồi đến thời kỳ Tây Sơn và các vua nhà Nguyễn đã có nhiều tác phẩm liên quan/đề cập đến Hội An được xuất bản như Ô châu cận lục, Đại Nam thực lục... Bên cạnh đó, một số tư liệu Hán Nôm liên quan đến Hội An như châu bản triều Nguyễn, tư liệu về các dòng họ, địa bạ… và các tư liệu tiếng Việt, tiếng Pháp lưu trữ tại các Trung tâm lưu trữ Quốc gia đã ghi chép nhiều thông tin quý về Hội An. Tất cả các tư liệu này là nguồn sử liệu độc đáo, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung vào thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XX. Trong bài viết này, xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An vào năm Mão được ghi chép trong trong các nguồn sử liệu, tư liệu sưu tầm được.

          Ất Mão - năm 1555

          Tác phẩm Ô châu cận lục[1] của Dương Văn An biên soạn và ấn hành năm 1555, là một trong những cuốn địa chí sớm nhất viết về vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Nam, trong đó ghi chép về Hội An như sau: “… Huyện Điện Bàn, có 66 xã, trong đó có xã Cẩm Phô và Hoài Phô”. Đây là tên 2 làng/xã theo nghĩa một đơn vị hành chính độc lập ở Hội An thời bấy giờ.

          Tân Mão - năm 1651

          Từ điển Việt - Bồ - La (tên gốc là Annam - Lusitan - Latinh) do Alexandre De Rhodes biên soạn, xuất bản tại Roma năm 1651, có giá trị phục vụ nghiên cứu về lịch sử - văn hóa Việt Nam, trong đó có Hội An. Thông tin về Hội An, từ điển đã ghi chép về làng Hŏài Phô (Hoài Phô), một ngôi làng ở Cochinchine, nơi có người Nhật đến sinh sống còn gọi là Faifo[2].

          Đinh Mão - năm 1687

      Vào tháng 10 năm Đinh Mão, trong tác phẩm Trú Vĩnh Biên đã ghi lại thông tin một số người dân đảo Tế Châu, Triều Tiên đã bị gió bão đánh phiêu dạt vào Cù Lao Chàm. Tại đây, họ được người dân cứu giúp, cung cấp nước uống, lương thực và đưa vào trình diện quan sở tại ở Hội An. Đặc biệt, trong Trú Vĩnh Biên đã ghi chép nhiều thông tin có giá trị về vùng đất Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung, trong đó có đoạn: “… Nơi này đất đai tươi tốt và có nhiều ruộng nước, khí hậu luôn ấm áp nên mùa xuân kéo dài. Dân chúng thường bận áo đơn rộng tay, thân dài che kín trước sau. Họ xỏa tóc, đi chân không, trọng nữ hơn nam. Hàng năm có 5 mùa tằm, 3 mùa lá, việc ăn mặc vì thế không lo đói rét. Nơi này có lầu son gác tía, chế độ đẹp đẽ, hoa lạ vật quý có ở khắp nơi. Gỗ thì có gỗ đỏ, gỗ đen gọi là đàn. Quả thì có long nhãn, lê, tiêu, gừng, khoai nước, mía, cau, chuối đủ loại không sao kể hết. Lại có trâu lớn lội trong nước, người chủ dùng để canh tác hoặc chuyên chở đồ đạc. Loại trâu này đến bên bờ nước kêu lên tức thì ngẩng đầu nhìn, nếu là chủ thì chạy đến không phải thì nằm yên… Khỉ có loại như con mèo, lông màu tro, có thể hiểu được ý người nên dễ sai khiến. Voi có ngà dài hơn 1 trượng, thân lớn như tòa nhà, vòi dài hơn 10 trượng, sử dụng như cánh tay…[3].

      Đinh Mão - năm 1807

      Theo Đại Nam thực lục - bộ chính sử lớn, quan trọng của nhà Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến khi hoàn thành và khắc in xong vào năm Duy Tân thứ 3 (1909), nhiều thông tin về lịch sử - văn hoá Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung được ghi chép khá tỉ mĩ, trong đó có ghi sự kiện: “… Năm Đinh Mão - Gia Long thứ 6 (1807), vào tháng 12, dời dinh lỵ Quảng Nam đến xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phúc). Dinh lỵ Quảng Nam cũ (ở xã Hội An) chật hẹp, vua sai đình thần tìm nơi địa thế cao ráo sáng sủa, vẽ đồ dâng lên. Đình thần tâu xin đặt ở xã Thanh Chiêm. Bèn hạ lệnh dời dựng ở đấy[4].

      Kỷ Mão - năm 1819

      Trong nhật ký Cuộc hành trình từ Pháp đến Việt Nam của thuyền trưởng Captain Rey, ông đã có dịp ghé vào Hội An để trao đổi hàng hóa và có những ghi chép khá thú vị về vùng đất này. Khi đến Hội An, Rey mô tả: “Hội An giống như một đại thương xá bên Ấn Độ. Thành phố gồm có một con đường thật dài, nhà bằng gạch xây một tầng, tất cả đều buôn bán nên có mặt tiền và kho hàng quay ra đường. Dân số ở đây chừng 60.000 người mà trong đó 1/3 là người Trung Hoa. Một vài con rạch chảy vào thành phố và thuyền bè cũng có thể xuôi ngược như tại Huế. Những thuyền lớn của người Hoa trọng tải 600 tấn đến Hội An hàng năm. Con sông chia ra ba nhánh, một nhánh chảy thẳng ra biển trước Cù Lao Chàm (Chamcollao), một nhánh chảy vào vịnh Tourane (sông Cổ Cò) còn nhánh thứ ba (sông Trường Giang) chảy về tận cùng phía Nam của tỉnh, đối diện với Pulo-Canton nhưng hai nhánh sau này chỉ thuyền nhỏ có thể đi lại được thôi[5].

      Quý Mão - năm 1843

      Về việc buôn bán và thu hoạch tổ yến, A.Sallet đã ghi chép như sau: vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), các điều kiện của việc bán tổ chim yến đã được cải thiện đối với các toán “yến hộ”, yến hộ Hồ Văn Hòa cai quản ở Quảng Nam và điều hành các cuộc thu hoạch. Hồ Văn Hòa cho bán 6 lượng loại tốt với giá 50 quan một cân, 07 cân loại trung bình với giá 30 quan; 1 cân 2 lượng loại xấu được cho đấu với giá rút xuống 15 quan. Quan tỉnh xác nhận sự chân thật của việc bán. Vào thời kỳ này các yến hộ ở Quảng Nam gồm có 110 người khai thác, mỗi yến hộ bảo đảm một lợi tức phải nộp bằng 10 lượng tổ.
 
      Hồ Văn Hòa lo việc điều hành các toán và các cuộc chiêu mộ, không kể việc giám thị tổ từ Quảng Nam đến Khánh Hòa[6].

      Kỷ Mão - năm 1939

      Hội chợ Faifo lần thứ 4[7] diễn ra từ ngày 27/5 đến ngày 4/6/1939, với mục đích khuếch trương nội hóa và chấn hưng công nghệ. Hội chợ tổ chức tại bờ sông, gần bến xe cũ và trường thể dục Triều Châu.

      Trong hội chợ, trưng bày các sản vật và kỷ nghệ của 8 phủ huyện tỉnh Quảng Nam, trong đó gian hàng phủ Tam Kỳ với cách sắp xếp rất mỹ thuật, đặc sắc thu hút đông đảo người xem.

      Gian hàng huyện Đại Lộc trưng bày các sản vật gồm bắp, bông, mía, thuốc lá; đặc biệt là nam trân (bòn bon) và xoài hai sản vật nổi tiếng của huyện này; các gian hàng phủ Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, huyện Hòa Vang, Tiên Phước, Quế Sơn trưng bày các sản vật như quế, bắp, đậu, khoai, sắn, mè, mía, bông, chè,... Trong đó, hai cây mía cao gần 10 thước tây của gian hàng phủ Duy Xuyên người xem rất đông và cho là vật hiếm có; gian hàng Tourane (Đà Nẵng) bán mứt và bánh,…[8]
 
[1] Dương Văn An (bản dịch, 2009), Ô châu cận lục, Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Nxb Giáo dục, tr.39.
[2] Alexandre De Rhodes, Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, Nxb Khoa học Xã hội, 1991, tr.330.
[3] Bản sao tư liệu Trú Vĩnh Biên hiện đang lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, NNC. Trần Văn An tạm dịch và chú thích.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch) (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.714.
[5] Nhiều tác giả (2017), Đàng Trong thời chúa Nguyễn, Nguyễn Duy Chính tuyển dịch, Nxb Hội Nhà văn, tr.60.
[6] A.Sallet (Nguyễn Cửu Sà dịch, 2003), “Tổ chim én: Những con én biển ăn được và tổ ăn được của chúng”, BAVH, tập XVII, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.52.
[7] Hội chợ Faifo lần thứ 1 diễn ra vào năm 1935, lần 2 – 1936, lần 3 – 1937, sau đó định kỳ 2 năm tổ chức hội chợ một lần.
[8] Theo Tràng An báo, số 426, ngày 9 tháng 6 năm 1939, đăng trên website Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: lịch sử, văn hóa, khu vực

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây