Trà và việc buôn trà ở Hội An, Quảng Nam trong lịch sử

Thứ tư - 15/02/2023 03:52
Trong lịch sử, Quảng Nam từng là trung tâm kinh tế lớn của khu vực với thương cảng Hội An là cửa ngõ xuất khẩu, trung chuyển hàng hoá lớn bậc nhất của xứ Đàng Trong. Theo nhiều nguồn tư liệu, vào thời kỳ phát triển phồn thịnh, nhiều mặt hàng đã được đưa đến Hội An để tiêu thụ, buôn bán, trong đó có nhiều loại danh trà nổi tiếng được đưa từ Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều địa phương trong tỉnh và trong cả nước như Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội…
buon tra
Lễ hội Tinh hoa Trà Việt lần thứ I - Hội An năm 2022 - Ảnh: Khiếu Thị Hoài
 
      Mặc dù Quảng Nam không phải là xứ sản xuất trà lớn của Việt Nam, song trong quá khứ, trà là sản vật quan trọng, mang lại nguồn lợi kinh tế cao. Với mong muốn nhận diện, làm rõ hơn giá trị, thương hiệu trà Quảng Nam, đồng thời khẳng định truyền thống, tập quán sử dụng trà cũng như việc buôn bán trà ở Hội An, Quảng Nam, bài viết sẽ góp phần tìm hiểu vấn đề này.

      Cách đây hơn 400 năm, người Việt ở Đàng Trong đã biết đến việc uống trà, điều này đã được Cristoforo Borri ghi chép lại trong khoảng thời gian 5 năm (1618-1622) lưu trú tại vùng đất Quảng Nam, Quy Nhơn: “Ban ngày họ có thói quen uống một loại nước rất nóng nấu từ rễ của một loại thảo mộc là chià [trà], tên này cũng được dùng cho đồ uống ấy. Nước trà rất bổ, giúp dạ dày bài tiết tốt và tiêu hoá dễ dàng[1]. Borri còn cho biết: “Người Nhật và người Trung Quốc cũng uống trà, nhưng ở Trung Quốc, thay vì dùng rễ cây thì người ta nấu lá trà, và ở Nhật thì người ta dùng một loại bột từ trà. Tác dụng của các thành phần đó không khác gì nhau, và người ta đều dùng một chữ chià cả”.[2]

      Từ một loại thức uống dân gian, trà dần trở thành phẩm vật quan trọng và được triều đình nhà Nguyễn quy định cụ thể trong việc khai thác và sử dụng trong các nghi lễ hoàng triều. Theo Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, hằng năm, các lễ Thướng tiêu, Chánh đán, Mồng hai và Mồng ba, Đoan dương, Tam nguyên mỗi lễ cúng vàng bạc, hương đèn, trầm trà, cau trầu rượu như trên (chiếu theo lễ cáo vào ngày kỵ), chỉ ở lễ Chánh đán, Đoan dương mỗi lễ tăng thêm 1 mâm quả phẩm và 1 mâm hào soạn giá 5 quan tiền.[3]

      Về việc khai thác trà, triều đình nhà Nguyễn cho Quảng Nam và một số tỉnh lập và mộ thêm dân binh cho các đội Thượng trà: “Năm T Đức thứ 25 (1872), các đội Thượng trà ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi được phép chiêu mộ thêm dân binh, theo đó một khoản trong Phiến trình được chuẩn: Việc mộ binh ở các đội Thượng Trà, Võ Bị, Tư Pháo, thiết nghĩ cho phép các tỉnh thuộc về Tứ trực của phủ Thừa Thiên là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, hạt nào giản binh đã đủ số mới cho mộ, hạn trong 3 tháng mộ đủ thì thôi”.[4]

      Trà đã trở thành sản vật quan trọng đối với nhiều địa phương của Quảng Nam, dựa vào việc trồng và tiêu thụ trà, người dân đã thu về nguồn lợi lớn. Cùng với nhiều mặt hàng khác, trà được người Hoa ở Hội An thu mua, tập kết và vận chuyển từ vùng thượng nguồn xuống thương cảng Hội An để cung ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương và xuất khẩu đi các nơi[5]. Camille Paris trong Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan đã ghi chép lại hoạt động thương mại người Hoa như sau: “Hội An là một đô thị rộng lớn và cổ xưa bị người Trung Hoa thâu tóm thương mại. Họ điều hành buôn bán trong xứ thông qua những thương nhân chu du khắp nơi thu mua hoa màu tại chỗ và tận dụng lúc thanh toán để giới thiệu cho dân bản địa những hàng hoá họ mang theo...”.[6]

      Trong lịch sử, cũng không ít lần việc tiêu thụ trà bị ảnh hưởng do hoạt động thương mại của người Hoa. Theo Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép, năm Khải Định thứ 5 (1920), tháng 10 ngày 21, vua coi triều. Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ Nguyễn Hữu Bài tâu nói “Khánh Hoà bị bão, nhà bị tốc mái rất nhiều, Thanh Hoá cũng bị lụt lớn...”. Vua nói “Quảng Nam thế nào?”. Nguyễn Hữu Bài tâu nói “Quảng Nam chỉ có Tiên Phước đói lớn, duyên do là vì hạt ấy trước nay chỉ dựa vào mối lợi của trà và quế. Nay những sản vật ấy không bán được, không có gì tư cấp nên như thế”.[7]

     Năm Khải Định thứ 6 (1921), tháng 3, huyện Tiên Phước Quảng Nam sau khi mất mùa đói kém dân vẫn chưa yên. Có một hương sư tới kinh điều trần xin tạm đình hương học để giảm phí tổn cho giáo viên, Cơ mật viện vẫn để mặc. Thượng thư bộ Hình Tôn Thất Hân vào triều nhân thuật lại, vua nói “Sao lại tạm đình!”, kế nói “Hạt ấy trước đây đã được chẩn cấp cả chục ngàn đồng, tại sao đến nay vẫn còn kêu ca?”. Thượng thư bộ Lại kiêm bộ Hộ Nguyễn Hữu Bài tâu nói “Hôm trước người ấy nói với thần về việc điều trần, thần đã hiểu dụ nói Tiên Phước trước nay chạy theo cái lợi trên ngọn, không trồng khoai lúa mà trồng trà quế, mấy năm trà quế không bán được, không có gì ăn”.[8]

      Bên cạnh việc thu mua trà từ thượng nguồn của khu vực Quảng Nam, người Hoa ở Hội An còn mua bán, nhập các loại danh trà như thiết quan âm, ô long, phổ nhĩ, trà tim sen, an cốt trà (trà liệm)... cùng với các loại trà cụ như ấm, chén, khay từ nhiều địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định... Hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên thường mua trà từ các tiệm Quảng Sanh ở Hải Phòng, hay tiệm Vinh Mậu ở Hà Nội, Nam Định, tiệm An Thái ở Hải Phòng với nhiều loại trà phổ biến như lên tâm trà (trà tim sen), thiết quan âm... Đặc biệt, trong số bảng kê phẩm vật của xã Minh Hương Hội An cho thấy trà là một trong những lễ vật được triều đình cũng như các Bộ giao cho địa phương mua sắm để phục vụ nhu dụng. Trong bảng kê có ghi chép vào năm 1747 xã Minh Hương Hội An, bên cạnh việc sắm các loại giấy, đèn,... địa phương còn tiến cống lễ vạn thọ của nhà vua là 12 lạng trà ngon.[9]

      Không chỉ là nơi diễn ra hoạt động thu mua, buôn bán trà, ở Hội An những năm 1930, 1931 còn có xưởng sao chế chè (trà) đó là xưởng chè De Robe (gần ngã tư Phan Châu Trinh - Nguyễn Huệ hiện nay). Đặc biệt, để đảm bảo hoạt động thương mại cũng như trưng bày, quảng cáo các mặt hàng nông nghiệp và thương nghiệp nói chung của Quảng Nam và vùng Tourane (Đà Nẵng), bên cạnh chợ cố định, người Pháp đã tổ chức các cuộc chợ phiên tại Hội An vào các năm 1935, 1936, 1937, 1939. Các mặt hàng trưng bày tại chợ phiên rất đa dạng, phong phú, gồm nhiều mặt hàng lâm thổ sản, hải sản, đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng, kỹ thuật... Trong đó, các sản vật trưng bày như trà, hạt tiêu, sáp, quế, bông, mật ong, đậu bắp, khoai, sắn, mè, mía,... có nguồn gốc từ phủ Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, huyện Hoà Vang, Tiên Phước, Quế Sơn.[10]

      Trong quá khứ cũng như hiện nay, trà được người dân Hội An, Quảng Nam sử dụng làm thức uống thường ngày và sử dụng trong các nghi lễ cưới hỏi, lễ mừng thọ, cúng gia tiên, hay lễ tế chư thần, Phật và làm quà tặng… Ngoài ra, trong văn hoá Phật giáo ở Hội An, Quảng Nam cũng như trong dân gian, trà còn được sử dụng trong nghi lễ, tập tục tẩm liệm người quá cố.

     Quảng Nam là vùng đất đa dạng, phong phú về sản vật, trong đó trà là loại thổ sản có giá trị cao và được nhiều địa phương trồng, khai thác và tiêu thụ. Các thương nhân, đặc biệt là người Hoa ở Hội An điều hành buôn bán, hoạt động thu mua trà ở miền thượng nguồn Quảng Nam và nhiều địa phương trong cả nước. Trà không chỉ trở thành mặt hàng quan trọng trong mạng lưới thương mại nội vùng, liên vùng mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài, từ đó góp phần tạo nên bức tranh thương mại sôi động ở Hội An, Quảng Nam trong lịch sử.

* Tài liệu trích dẫn
 
[1] Cristoforo Borri (Bản dịch năm 2019), Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.92.
 
[2] Trà biết đến khá muộn ở Châu Âu. Marco-Polo đã không nhắc tới trà. Thương nhân Bồ Đào Nha thường lui tới các hải cảng Trung Quốc cũng chỉ mới nói đến trà. Đầu thế kỷ XVII, người Hà Lan ở Bantam đã có thói quen uống trà. Người Anh chỉ biết tới trà năm 1615, do một nhân viên của Công ty Đông Ấn ở Firando (Nhật Bản) gửi cho bạn mình ở Macao là thư kèm với “một hộp chaw thượng thạng”. Có lẽ cha Borri đã biết thức uống gọi là trà ở Đàng Trong. Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, Bản dịch đã dẫn, tr.92-93.
 
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch năm 2007), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, Nxb Khoa học Xã hội, tr.141.
 
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch năm 2009), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 7, Nxb Khoa học Xã hội, tr.22.
 
[5] Năm 1862, 81 thùng trà Việt được xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Trong bảng thống kê danh sách 38 món hàng hoá xuất khẩu từ năm 1859 đến 1865, trà là vật phẩm xếp mục thứ 19. Năm 1899 137 kg chè Việt Nam có nguồn gốc từ Quảng Nam được bán tại Pháp. Chè Nụ Việt lần đầu tiên “trình làng” ở triển lãm quốc tế Paris năm 1900 và được khách hàng chào đón nồng nhiệt. Theo Kinh doanh trà trong lịch sử trích từ sách Văn Minh Trà Việt của Trịnh Quang Dũng, Nxb Phụ nữ, năm 2012 (tamtraviet.vn/van-hoa-tra-viet/kinh-doanh-tra-trong-lich-su.html).
 
[6] Camille Paris (bản dịch năm 2021), Du ký Trung Kỳ theo đường cái quan, Nguyễn Thuý Yên dịch, Nxb Hồng Đức, tr.113-114.
 
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch năm 2012), Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ, Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, tr.305.
 
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên Đệ thất kỷ, Bản dịch đã dẫn, tr.319.
 
[9] Tống Quốc Hưng, Trà - chè trong văn hóa Hội An, Đặc san Văn hóa Hội An xuân Quý Mão-2023.
 
[10] Tham khảo thêm Trần Phương, Sản vật - thổ sản Quảng Nam qua các cuộc chợ phiên Hội An thời kỳ thuộc Pháp, Kỷ yếu Hội thảo Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, năm 2022.

Tác giả: Nguyễn Văn Thịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây