Truyền thống biển nhìn từ nghề khai thác yến sào Thanh Châu

Chủ nhật - 12/03/2023 22:33
Quá trình chung sống, tương tác lâu dài với biển đảo của các lớp cư dân Hội An đã cho ra đời tại địa phương một ngành kinh tế mới là nghề biển, với nhiều cách thức khác nhau từ khai thác, đánh bắt đến gia công, chế biến, vận chuyển, dịch vụ, buôn bán…
clc
Hang yến ở Cù Lao Chàm - Ảnh: Hồng Viết
 
      Sự có mặt trên quy mô rộng lớn của nghề biển đã kích hoạt đời sống kinh tế - xã hội tại Hội An có sự chuyển biến tích cực, đưa nền kinh tế địa phương hội nhập mạnh mẽ với các vùng miền trong nước và quốc tế. Trong các nghề khai thác, đánh bắt thì khai thác yến sào là một nghề đặc biệt mang đậm dấu ấn biển đảo và lưu dấu nhiều thông tin về chính sách kết hợp giữa khai thác kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vương triều quân chủ Đại Việt, Đại Nam.

      Yến sào (燕 巢) là từ Hán Việt dùng để chỉ tổ chim yến, dân địa phương gọi là tai yến vì nó có hình dáng giống cái vành tai. Chim yến ở đây là giống yến hàng, một loại chim có vóc dáng nhỏ như chim sẻ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen, người Trung Quốc gọi là huyền điểu, du ba điểu, hải yến, người địa phương gọi là chim yến. Chim yến sống thành bầy đàn ở vùng khí hậu nhiệt đới và tập trung ở vùng biển đảo khu vực Đông Nam Á. Chim yến dùng nước bọt của mình để làm tổ, sinh con tại vách đá trong các hang ở những hòn đảo ven bờ. Tổ chim yến từ lâu đã được biết đến là một loại thực phẩm trân quý, có hàm lượng dinh dưỡng siêu việt và là một loại dược liệu chữa được nhiều chứng bệnh như suy nhược, lao phổi, kiết lị, viêm xương cốt, thoái hóa da… Chính vì vậy trong quá khứ yến sào từng được xếp đứng đầu trong bát trân - tám nóm ăn trân quý của phương Đông và được mệnh danh là vàng trắng[1]. Giá trị của nó trên thị trường mậu dịch quốc tế có lẽ chỉ đứng sau trầm hương mà thôi.

      Vùng biển đảo Hội An - Cù Lao Chàm là một trong những quê hương của chim yến. Ở đây chim yến thường làm tổ ở các hang thuộc hòn Ông, hòn Lá, hòn Khô, hòn Tai, hòn Lao và một số đảo gần đó ở Đà Nẵng như hòn Hành, hòn Nghê. Việc tiếp cận, quản lý, tổ chức khai thác nguồn lợi biển đảo đặc biệt này đã được thực hiện khá sớm từ thời Champa và tiếp theo là thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Tư liệu Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp đời Minh (thế kỷ 13) đã ghi nhận rằng người Chiêm Thành đã biết khai thác các yến oa ( : hang yến) ở các đảo ngoài biển Đông[2]. Việc khai thác yến sào được kế thừa và tiếp tục phát triển vào thời các chúa Nguyễn.

      Cristophoro Borri trong Xứ Đàng Trong năm 1621 đã viết: “… Thứ này nhiều đến nỗi chính tôi đã thấy người ta chất đầy mười chiếc thuyền nhỏ những tổ yến nhặt ở dọc các hốc núi đá, trong khoảng chưa đầy nửa dặm (khoảng 800m). Và đây là món rất ngon nên chỉ có Chúa độc quyền sử dụng, người ta dành tất cả cho ngài và ngài đem một số lớn cống vua Tàu là người rất chuộng[3]. Tuy Borri nói như vậy nhưng một số lượng không ít tổ yến đã được đưa ra thị trường sau khi nộp thuế cho nhà nước, trở thành mặt hàng tranh mua của thương khách Trung Hoa và một số nước Đông Nam Á.

      Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục cho biết, vào thời các chúa Nguyễn, nghề khai thác yến sào tại các hòn đảo duyên hải Đàng Trong đã được chuyên môn hóa với việc giao cho xã Thanh Châu chuyên về nghề này: “phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định hàng năm cứ đến tháng 2 phải nộp tổ non mới 120 tổ, người áp thu lĩnh tờ thị, sửa sang thuyền đi đến các phủ để thu thuế, tháng 7 mang về trình nộp sổ tiêu sai, thực nạp là bao nhiêu người, tùy từng hạng mà tính thu. Hạng tráng mỗi người nộp 2 cân yến sào; nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân, còn cả xã lại nộp lễ thường tân, chính đản 1.500 tổ. Năm Mậu Tý thuế yến sào nộp thay bằng tiền là 773 quan 1 tiền 30 đồng[4].

      Ngày nay, một phần lớn địa bàn xã Thanh Châu thuộc xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An. Tại đây còn 1 địa danh cổ là “làng Yến” và dân làng ở đây hiện vẫn đang là lực lượng chính làm nhiệm vụ giữ gìn và khai thác yến sào tại địa phương. Ngoài ra, như Lê Quý Đôn ghi chép, dân làng này còn tản cư đi các nơi ở Quy Nhơn, Khánh Hòa để mở rộng nghề khai thác yến sào. Việc phát triển nghề khai thác yến sào ngay từ thế kỷ 16, 17 cho thấy khả năng thích ứng nhanh của cư dân Việt đối với môi trường biển đảo tại vùng đất mới. Bởi vì khai thác yến sào là một nghề đặc biệt, đòi hỏi người làm nghề phải chịu đựng được sóng gió và có khả năng leo trèo trên các vách đá trong các hang yến để hái gỡ tổ yến[5]. Tại Quảng Nam, và có lẽ trước đây, trên cả nước ta, chỉ có dân làng Thanh Châu là theo về nghề này[6].

      Bề dày lịch sử của nghề khai thác yến sào Thanh Châu được lưu dấu ở các di tích tín ngưỡng hiện tồn tại ở Hội An như miếu Tổ nghề yến (miếu Ông Tiến) ở Cẩm Thanh; miếu Tổ nghề yến ở Bãi Hương (Cù Lao Chàm); ở các truyền thuyết dân gian về sự tích Nàng Yến, về người phát hiện ra tổ yến ở Cù Lao Chàm… Cùng với các nguồn tư liệu dân gian, tư liệu ký ức, tại Hội An và Khánh Hòa hiện đang lưu giữ 30 tư liệu văn bản liên quan đến nghề khai thác yến sào thời nhà Nguyễn. Các văn bản này nằm trong khung niên đại từ năm Gia Long thứ 3 (1804) đến Thành Thái thứ 8 (1896). Những văn bản này cung cấp nhiều thông tin chính xác để xác định cụ thể những vấn đề liên quan đến chính sách, cách thức quản lý, khai thác nguồn lợi yến sào, chủ trương kết hợp khai thác kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhà Nguyễn, cũng như các vấn đề liên quan đến truyền thống kinh tế, văn hóa biển đảo thể hiện qua nghề khai thác yến sào Thanh Châu[7].

      Qua kết quả xử lý tư liệu, nội dung các văn bản có thể tóm lược như sau: Tiếp tục chủ trương thời các chúa Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi vua Gia Long đã giao việc phụ trách khai thác yến sào cho một số nhân vật làng Thanh Châu đồng thời giao bộ Hộ và bộ Binh thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ khai thác yến sào. Bộ Hộ lo việc thu thuế và các khoảng đóng góp. Bộ Binh phụ trách công tác tổ chức đội ngũ, nhân sự.

      Phụ trách các yến đội, yến hộ là các võ quan với các chức như Đội trưởng, Quản cơ, Quản lãnh… Những thợ lấy tổ yến được gọi là hộ quân (quân yến hộ). Cho đến nay, người dân địa phương vẫn còn dùng từ “quân yến” để gọi những người làm nghề khai thác tổ yến. Có lẽ đây là cách thức quân đội làm nhiệm vụ kinh tế.

      Cùng với các quy định về tổ chức yến đội, yến hộ, mức thuế đóng hàng năm, số lượng người, số thuyền và kích cỡ,… các văn bản này cũng xác định nhiệm vụ của các yến đội, yến hộ Thanh Châu là canh giữ vùng biển đảo có hang yến từ Quảng Nam vào đến Bình Định, Khánh Hòa và thu lượm tổ yến để nộp cho triều đình. Văn bản năm Minh Mạng thứ 2 (1821) có đoạn ghi: “Cứ lệ thường niên khoa suất nội hộ quân canh thủ tự trực lệ Quảng Nam dinh Bình Hòa trấn hải ngoại chư khanh sở đáo vụ thái thủ yến thuế thượng kinh phụng nạp…” (Tạm dịch: Theo lệ, hàng năm sai phái các quân yến canh giữ các đảo yến ngoài biển từ dinh trực lệ Quảng Nam đến trấn Bình Hòa, đến mùa vụ thu lượm tổ yến mang nạp về kinh).

      Một số văn bản cho biết các vị vua đầu nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng) đã cử quân ra canh giữ các đảo thuộc vùng biển nước ta, trong đó 1 số đảo có lập đồn thường trú để phòng thủ như Côn Lôn (Côn Đảo), Phú Quốc. Điều này chứng tỏ các vị vua đầu nhà Nguyễn rất chú trọng đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra nhà Nguyễn cũng sớm có chính sách giao cho binh lính đồn trú tại các đảo có yến sào, trầm hương nhiệm vụ thu lượm các sản vật này để nộp cho triều đình.

      Năm 2016 nghề khai thác yến sào Thanh Châu đã được nhà nước ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này chứng tỏ giá trị nổi bật của nghề yến Thanh Châu về lịch sử, văn hóa, kinh tế. Đặc biệt hơn đây là một nghề phản ánh sinh động, sâu sắc truyền thống kinh tế - văn hóa biển đảo của người Việt cũng như chính sách khai thác kinh tế kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo từ khá sớm của các vương triều quân chủ nước ta. Đây là những vấn đề khá thú vị cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nhằm vận dụng có hiệu quả để phát huy truyền thống biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong giai đoạn hiện nay.
 
Tài liệu trích dẫn:
[1] Bát trân gồm: Tổ yến, hải sâm, bào ngư, hầu lớn (hào xỉ), gân nai, ốc biển chín lỗ (cửu khổng loa), da tê giác, tay gấu.
[2] Tài liệu chép tay, lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
[3] Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.30.
[4] Lê Quý Đôn (1977), Phủ Biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, tr.230.
[5] A. Sallet viết: “Cái nghề cực nhọc của người tìm tổ yến, đòi hỏi 1 lòng dũng cảm, bình tĩnh và một sự khéo léo lớn và nó cùng đòi hỏi hiểu biết đặc biệt và sâu rộng về thói quen của chim én và các điều kiện trong việc làm tổ…” (“Tổ chim én: Những con én biển và tổ ăn được của chúng”, BABH, tập XVII, 1930, Nxb. Thuận Hóa, 2003, tr.5-11)
[6] Những gia đình làm nghề khai thác yến sào lâu năm ở Quy Nhơn, Khánh Hòa, Hà Tiên cũng có gốc gác từ làng Thanh Châu.
[7] Đây là các bản sao từ văn bản gốc. Tuy là bản sao, nhưng rất đáng tin cậy căn cứ vào thư pháp, cách sao chép. Những chữ bị mất, những chỗ hư rách, các dấu ấn triện cũng được chú ý ghi lại. Chúng tôi trích tóm tắt nội dung các văn bản này sau bài viết và đánh số thứ tự từ văn bản 1 đến văn bản 30.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây