Giáo dục Di sản trong học đường ở Hội An một cách tiếp cận mới

Thứ năm - 23/02/2023 22:26
Một trong những xu thế mới của thế giới trong nghiên cứu di sản văn hóa, di sản thiên nhiên là tiếp cận tổng thể vật thể và phi vật thể để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Một trong những khuyến nghị quan trọng trong các Công ước UNESCO là triển khai các hình thức giáo dục di sản chính thức và phi chính thức. Cách tiếp cận tổng thể thực thi Công ước 1972 về di sản văn hóa vật thể và Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể và các chương trình giáo dục di sản trong học đường ở Hội An hiện nay đang là bài học kinh nghiệm tốt được UNESCO và các chuyên gia di sản đánh giá cao.
cung em kham pha bao tang
Quang cảnh buổi học Di sản trong học đường tại Hội An
 

      Người Hội An đã nhận thức được di sản phi vật thể của chính họ và có những hoạt động bảo vệ khá bài bản từ trước khi Luật Di sản văn hóa và Công ước UNESCO 2003 ra đời. Bằng cách tự quản lý của cộng đồng hết sức tự nhiên, có từ bao đời, cư dân ở đây sống trong di sản một cách ý thức, trân trọng và gìn giữ, nâng niu. Vì lẽ đó mà di sản văn hóa phi vật thể Hội An được sống, duy trì và trao truyền như một dòng chảy không ngừng nghỉ. Với sự hiểu biết đầy đủ về di sản của mình như vậy, công tác quản lý văn hóa của Hội An đã có những bước đi vững chắc, đúng với tinh thần của cả 2 công ước. Đó chính là sự tham gia của cộng đồng. Đến Hội An điều dễ nhận thấy nhất là nhận thức của những người dân về di sản, về các danh hiệu và cách ứng xử của họ với du khách, với cộng đồng. Quan sát một tiệm bánh mì nổi tiếng, không khi nào vắng khách, phải xếp hàng, chờ đợi nhưng tôi vẫn thấy sự hân hoan của cả người bán và người mua. Rất tế nhị, có một line dành riêng cho cộng đồng bản địa. Tôi nhìn thấy ở đó một sự trân trọng chính mình. Điều này không phải dễ thấy trong cuộc sống hằng ngày. Nhỏ thôi nhưng nó toát lên tinh thần của cả hai Công ước: “thực hành di sản với sự nhận thức đầy đủ...”.

      Hội An đã có điều tra di sản văn hóa phi vật thể từ rất sớm. Năm 2010, Hội An đã đăng cai tổ chức cuộc tập huấn kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) triệu tập. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển Thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2025 (QĐ số 78/ QĐ-TTg)Ngay sau đó Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã mời Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa (tên viết tắt tiếng Anh, quen gọi là CCH), một đơn vị trực thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam lập đề án Xây dựng chương trình học thông qua di sản ở Hội An.
 

cung e kham pha bao tang van hoa dan gian
Hoạt động cùng  em khám phá Bảo tàng tại Bảo tàng Văn hóa Dân gian - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản Văn hóa Hội An
 

      Mục tiêu của đề án này là xây dựng chính sách giáo dục di sản địa phương. Nội dung đề án là phương pháp tiếp cận nhận diện giá trị di sản và nội dung giáo dục của nhà trường, tìm cách liên kết với nhau tạo ra các chương trình trải nghiệm tại bảo tàng và di tích theo mô hình tích hợp. Một số điểm quan trọng được định hướng như sau:

      - Căn cứ vào nhu cầu của giáo dục phổ thông, tìm kiếm những điểm phù hợp từ nội dung giáo dục ở trường học và nội dung di sản (đặc biệt là những di tích, hiện vật bảo tàng, di sản phi vật thể đặc trưng và ấn tượng) để kết nối/tích hợp, xây dựng thành một chương trình giáo dục di sản. Đây là hình thức giáo dục khác với học ở trường, là giáo dục thông qua trải nghiệm, phát triển tri thức và kỹ năng và không liên quan đến thi cử, kiểm tra. Chương trình này là một quy trình với 3 bước, có sự tham gia của cô giáo, học sinh và các bên liên quan. Bước 1: Chuẩn bị đến bảo tàng và di tích (1 tiết học = 45 phút). Bước 2: Trải nghiệm di sản, di tích (2 tiết tại điểm di sản = 90 phút). Bước 3: Các hình thức sáng tạo sau trải nghiệm di sản (1 tiết tại lớp).

      - Quan niệm “Nhìn qua hiện vật” với trọng tâm là sử dụng cả hiện vật quý hiếm và cả hiện vật đời thường, cùng các yếu tố khác của di sản để mở rộng kiến thức cho trẻ em và thổi bùng trí tưởng tượng của chúng. Mục đích là đưa ra các cách tiếp cận giáo dục di sản đặc trưng Việt Nam, cung cấp các chương trình phù hợp với trình độ và mối quan tâm của trẻ, cũng như phù hợp với tư vấn của những chuyên gia tâm huyết với di sản, những người đang rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu học hỏi này. (Susan Bayly, 2012).

      - Những chương trình giáo dục dành cho trẻ em được triển khai tại những không gian khám phá, hoặc không gian sáng tạo dành riêng cho trẻ em. Những không gian này được thiết kế sao cho thật gần gũi với các gia đình và các nhóm học sinh, có thể sử dụng cho các hoạt động trước hoặc sau tham quan trưng bày chính. Bầu không khí ở đó vừa thân thiện, vừa kích thích học tập, với những đồ dùng màu sắc phù hợp với tầm vóc của trẻ, với các tiện nghi máy móc công nghệ, cũng như các trang thiết bị để sáng tạo hoặc thiết kế. Những không gian như thế có thể sử dụng cho những hoạt động tăng cường sự trải nghiệm, ở đó trẻ em làm việc theo nhóm rồi báo cáo, chia sẻ những kết quả của mình với các bạn và với những người lớn tuổi hơn. Nhờ những tư vấn của CCH mà những trang thiết bị như vậy đã được đưa vào sử dụng và thử nghiệm thành công tại phòng khám phá của một số bảo tàng. Quan điểm của CCH là trẻ em tự làm, tự sáng tạo, tự sản xuất, chứ không chờ đợi để được nghe phải làm gì, mà các em sử dụng phòng khám phá như một nơi để có cơ hội đặt câu hỏi, tìm kiếm tri thức và sự trải nghiệm thông qua những sáng kiến và nỗ lực của chính bản thân các em. Qua những trải nghiệm như vậy, các em nhỏ tham gia chương trình có được động cơ và khát khao tìm kiếm những kỹ năng mới, những kỹ năng sẽ hỗ trợ cho các em trong tương lai khi các em trở thành những người thành đạt và đóng góp cho xã hội, cho một nền công nghiệp tri thức toàn cầu nhiều thách thức (quan sát và ý kiến của Susan Bayly, 2012).

      - Liên hệ với nhà trường cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong cách tiếp cận với sự tham gia của cộng đồng này, đồng thời nó cũng là mục tiêu mà nhóm CCH hướng tới là tạo ra mối quan hệ mật thiết với nhà trường. Trong các bảo tàng ở Anh, chương trình “Nhìn qua hiện vật” thường được thiết kế phù hợp với chương trình quốc gia dạy và học trong nhà trường. Đây cũng là điều mà một số bảo tàng, di tích ở Việt Nam đang tìm cách thể hiện trong các chương trình giáo dục của mình. Các nhân viên giáo dục di sản và giáo viên đều cởi mở với ý tưởng về chương trình giáo dục di sản được đưa vào chương trình giảng dạy trong trường tiểu học và trung học cơ sở (Susan Bayly, 2012).

cung e kham pha pho co
Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản Văn hóa Hội An
 

      Hội An trong 10 năm qua đã đi được những bước đi vững chắc để thực hiện đề án của mình với sự tư vấn, tập huấn ban đầu về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu nói trên. Bài học kinh nghiệm của Hội An là thành công ở những điểm sau:

      Thứ nhất, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã nghiên cứu rất kỹ tiềm năng giáo dục di sản, nhu cầu và nhiệm vụ của các bên liên quan. Chủ động đặt vấn đề và thuyết phục để đạt được sự đồng thuận của ngành giáo dục, sự ủng hộ của các cấp quản lý. Hội nghị bảo vệ đề án tổ chức năm 2014 với sự tham gia của CCH. Đề án sau đó được phê duyệt là “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”. Đây là tầm nhìn có tính chiến lược gắn kết 2 Công ước trong mục tiêu phát triển bền vững.

      Thứ hai, Trung tâm chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu về giáo dục di sản cho đội ngũ cán bộ thực hành chương trình, trong đó có phương pháp làm việc với cộng đồng để nhận diện và phát huy giá trị di sản.

      Thứ ba, Trung tâm đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới các bảo tàng nhỏ của Hội An để tạo ra các không gian trải nghiệm gần gũi và lý thú cho giáo dục di sản.

      Thứ tư, Trung tâm vừa tổ chức thực hành các chương trình trải nghiệm tại di tích vừa nghiên cứu để xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục di sản. Bộ dành cho học sinh tiểu học đã được xây dựng, thử nghiệm trong 2 năm 2017-2018. Cuối năm 2021 sau một thời gian thử nghiệm và hoàn thiện bộ tài liệu này đã được tập huấn và áp dụng chính thức trong hệ thống giáo dục tiểu học toàn thành phố. Hiện nay Hội An đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng tài liệu giáo dục di sản cho cấp trung học cơ sở và phổ thông trung học. Ưu điểm của phương pháp này là dễ dàng sử dụng online.

      Thứ năm, mặc dù có nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt lại có dịch bệnh kéo dài trong hai năm nên điều kiện để học sinh trải nghiệm trực quan di sản bị hạn chế rất nhiều nhưng Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và ngành giáo dục đã rất quyết tâm không để gián đoạn, vẫn thực hiện chương trình một cách linh hoạt và hiệu quả.

      Mô hình này cần được chia sẻ với các khu di sản thế giới, các di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng tỉnh và thành phố

Tác giả: TS. Lê Thị Minh Lý

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây