Tri thức dân gian về xảm trét Ghe thuyền ở Hội An

Thứ ba - 21/03/2023 03:48
Ngày 4/12/1999, UNESCO công nhận Khu phố cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới với 2 tiêu chí (tiêu chí II và tiêu chí V).

      Trong đó tiêu chí II rằng: “Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế” (Criterion (ii): Hoi An is an outstanding material manifestation of the fusion of cultures over time in an international commercial port). Chính sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ đã tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa Hội An không chỉ đa dạng mà còn rất độc đáo, riêng có. Tính đa dạng của văn hóa Hội An biểu hiện dưới góc độ nghề truyền thống là hiện nay vẫn bảo tồn và phát huy, phát triển với hàng trăm nghề thuộc nhiều lĩnh vực. Nổi bật trong lĩnh vực nghề thủ công là nghề đóng, sửa ghe thuyền với hệ thống kỹ thuật, kinh nghiệm, tri thức truyền thống hết sức phong phú được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. 

      1.Vài nét về nghề đóng sửa ghe thuyền ở Hội An 

      Trước khi thuộc về Đại Việt, vùng đất Hội An - Quảng Nam là địa bàn cư trú, sinh sống của người Chăm. Nhiều kết quả nghiên cứu về lịch sử, văn hóa đã khẳng định Champa là vương quốc hướng biển, cư dân Champa có truyền thống đi biển rất giỏi và cùng với đó là nghề đóng sửa ghe thuyền của họ cũng rất phát triển. Chiếc ghe bầu nổi tiếng của Quảng Nam, miền Trung là sản phẩm của sự kế thừa, tiếp nối, kết hợp về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm giữa người Chăm và người Việt tại vùng đất này[1]

      Người Việt đến sinh sống ở Hội An từ rất sớm. Từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, một số làng xã người Việt đã hình thành ở Hội An[2], và quá trình này diễn ra mạnh mẽ ở thế kỷ XVII-XVIII. Với vị trí là vùng cửa sông - ven biển, lại được tiếp nhận kỹ thuật của lớp cư dân trước đó và hơn thế nữa là trong bối cảnh kỷ nguyên đại thương mại biển phát triển mà Hội An lúc bấy giờ là thương cảng thuyền buồm quốc tế bậc nhất khu vực nên nghề đóng sửa ghe thuyền ở Hội An có điều kiện phát triển mạnh, hình thành làng nghề chuyên đóng sửa ghe thuyền là làng mộc Kim Bồng. Về sau này, bên cạnh trung tâm đóng sửa ghe thuyền ở làng mộc Kim Bồng, những trại đóng/xưởng đóng ghe thuyền ở khu vực lân cận cũng được hình thành, song gốc thợ hoặc được học nghề đều từ làng Kim Bồng[3]. Riêng tại Kim Bồng, nghề đóng ghe thuyền có sự phân hóa chuyên môn sâu, ngoài lực lượng thợ đóng sửa về phần gỗ, còn có đội ngũ thợ chuyên về xảm trét[4]. Theo nhà nghiên cứu Trần Văn An trong sách Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An - Quảng Nam, trước đây, để hoàn thành chiếc ghe bầu trọng tải 80-100 tấn phải mất hết 4-5 tháng với lực lượng thợ chuyên môn gồm 1-2 thợ xẻ gỗ, 1-2 thợ xảm, 1-2 thợ làm bánh lái, 6-8 thợ đóng chính, 2-4 thợ phụ, 1 thợ cả[5]

nghe làm ghe thuyen

     
      Sản phẩm của nghề đóng sửa ghe thuyền ở Hội A rất đa dạng phục vụ mục đích giao thông đi lại (ghe đò,...), vận chuyển hàng hóa - buôn bán (ghe bầu, ghe trường đi nguồn, ghe rỗi buôn cá), vận tải vật liệu, khai thác đánh bắt thủy hải sản trên sông biển (ghe soi, ghe quét rớ, ghe mành, ghe giã cào, sõng/trễ...), phục vụ ứng phó với bảo lụt, phục vụ hoạt động lễ hội (ghe đua). Chất liệu bằng gỗ (ghe săn), gỗ và tre, gỗ và tôn. Bên cạnh đó còn có ghe nan, thúng chai và thúng méo của nghề đan thúng chai, ghe nan cũng có lịch sử lâu đời và khá phát triển[6].

      Trong nghề đóng ghe thuyền (gỗ), sau khi hợp đồng giữa chủ trại và người đặt hàng, quy trình/công đoạn cơ bản để hoàn thành một chiếc ghe trải qua các bước: Định thước tấc - Chuẩn bị vật liệu - Chuẩn bị chỗ đóng - Ra gỗ theo kích thước định sẵn - Làm long cốt, lô lái, lô mũi – Ráp long cốt với lô (giáp ghim) - Làm be, đà, giang và ráp với long cốt, lô - Làm then, ván đọ và ráp với be, long cốt - vời (chấn các phần dư của gỗ) - xảm, trét - điểm nhãn - hạ thủy. Tuy nhiên, tùy từng kích cỡ của ghe và mục đích sử dụng mà các công đoạn phải thực hiện có thể nhiều hơn, phức tạp hơn. 

      Trong từng công đoạn để đóng hoàn thành một chiếc ghe, bên cạnh việc nắm vững kỹ thuật, quy trình, người thợ còn tích lũy hệ thống kinh nghiệm - tri thức phong phú giúp việc thực hiện công việc nhanh và hiệu quả hơn. Đó là việc đúc kết thành những câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ,... để chỉ cách làm, cách nhận biết các loại gỗ, cách sử dụng công cụ cho từng công đoạn..., 

      2. Tri thức dân gian về xảm, trét ghe thuyền ở Hội An

      Như đề cập ở trên, xảm, trét là công đoạn quan trọng để hoàn thiện một chiếc ghe khi đóng mới, cũng là công đoạn chính yếu khi tu sửa, bảo dưỡng theo định kỳ[7]. Làm thế nào để công đoạn này được thực hiện đạt được hiệu quả góp phần đảm bảo an toàn khi sử dụng và đảm bảo thời hạn sử dụng của chiếc ghe lâu dài vừa là câu hỏi và cũng chính là mục tiêu, mục đích mà người thợ hướng đến. Vì vậy, người thợ không chỉ tìm kiếm, lựa chọn những nguyên liệu phù hợp để sử dụng mà quá trình thực hành còn được đúc kết thành quy trình với các phương pháp, cách thức, công cụ riêng.

      * Lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu

      Theo kết quả tham vấn cộng đồng và khảo sát thực tế, nguyên liệu chính yếu truyền thống để xảm, trét ghe thuyền (gỗ) gồm có: Dầu rái, xơ tre, chai phà[8]. Ngoài ra còn có các nguyên liệu như dầu phụng, dầu tràm, vôi, dầu hỏa để phụ gia và giúp công việc được thực hiện thuận lợi hơn. Với đặc tính là loại nhựa đông cứng khi khô, dầu rái được trộn với chai phà hoặc với xơ tre để bịt kín các khoảng hở giữa be, long cốt, lô, và một số vị trí khác trên ghe, chống thấm nước vào bên trong ghe. Dầu rái để trét vừa bảo vệ vỏ ghe (không để gỗ thấm nước làm nhanh mục) trong môi trường nước vừa tạo độ bóng đẹp của chiếc ghe làm tăng niềm tin của chủ ghe về sự an toàn, phát đạt khi hành nghề.

dung cu ghe thuyen
 

      - Dầu rái được khai thác từ cây dầu rái[9], ở tỉnh Quảng Nam nói riêng và các vùng Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên đều có. Tại đây có làng, có gia đình chuyên về nghề khai thác dầu rái để bán như xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi[10]; làng An Bằng xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam[11], làng Trung Đạo và làng Trước Hà ở Đại Lộc, Quảng Nam[12].... Dầu rái khai thác vào mùa khô mới đạt chất lượng tốt, có hai loại là dầu tía (nước lỏng) và dầu trắng (nước lỏng để đặc lại). Ngoài ra còn có mỡ dầu (loại ván dầu nổi trên bề mặt, loại thượng hạng) và chai (dầu rái khô cứng lại)[13]. Dầu rái được người đân Hội An sử dụng xảm, trét ghe thuyền thường được mua từ các hộ dân khai thác dầu ở vùng núi Đại Lộc. Ngày xưa, những ghe buôn nguồn ở Kim Bồng (Cẩm Kim) và các vùng lân cận chuyên chở các loại hải sản, muối, mắm và rau củ,... lên bán ở các chợ vùng thượng lưu sông Thu Bồn như chợ Bến Dầu, Giao Thủy,... và mua các loại lâm thổ sản ở đây chở về bán ở miền xuôi, trong đó có dầu rái. Ngoài ra, nhiều chủ ghe buôn gỗ nguồn ở Kim Bồng cũng mua về để sử dụng ở các trại đóng ghe của mình hoặc bán cho các chủ trại khác và người dân dùng khi đóng, sửa, ghe thuyền[14]. Người dân làm nghề ở Kim Bồng - Cẩm Kim chia dầu rái dùng để xảm, trét ghe thuyền thành 2 loại dùng vào mục đích khác nhau. Dầu loại 1 bóng và trắng hơn, dùng để trét. Dầu loại 2 đục và đặc hơn, dùng để xảm, kiệu[15].

      - Chai phà: Theo thông tin từ người dân làm nghề ở Kim Bồng, chai phà dùng để xảm ghe thuyền là loại dầu rái khô đông cứng, được xay thành bột mịn[16]. Loại này do những người vùng núi từ Quảng Nam, Quảng Ngãi trở vào khai thác và bán. Chai phà trộn với dầu rái có tác dụng làm cứng, rắn chắc bề mặt của đường xảm, bảo vệ xơ tre bên trong. Song, theo một số kết quả sưu tầm, nghiên cứu về dược liệu, chai phà còn gọi là nến đất, chai cục, chai Lào, là nhựa của cây chò, chò chai, thông, trám, dầu rái[17].     

      - Xơ tre: Xơ tre để xảm ghe do những người thợ chuyên biệt cạo bán hoặc người thợ xảm ghe tự cạo để làm[18]. Để đường xảm lâu bị hư, đảm bảo sự an toàn và tuổi thọ cho chiếc ghe, ngoài yếu tố tay nghề tinh thông của người thợ, việc sử dụng nguồn xơ tre đảm bảo chất lượng cũng giữ vai trò nhất định. Theo kinh nghiệm của người thợ xảm, xơ tre tốt là xơ mềm mỏng nhưng dai, dẻo. Để đạt được 2 yếu tố đó, bên cạnh kỹ thuật cạo (dụng cụ sắc bén, cạo đều tay) thì việc chọn lựa tre[19] để tạo xơ mang tính quyết định. Tre được lựa chọn để cạo xơ phải đảm bảo những tiêu chí: Tre ít gai[20], tuổi chừng 3-4 năm, thành tre dày, mắt tre thưa (thưa lóng), không bị cụt ngọn, không dùng tre mỡ. Việc lựa chọn theo những tiêu chí như vậy là do: Tre thành dày sẽ cho được nhiều xơ, nếu thành mỏng thì cạo ít xơ, tốn công cạo và đốn; Mắt tre thưa thì dễ cạo và cho sợi xơ dài, mắt nhặt sẽ khó cạo, sợi xơ ngắn/vụn, làm không hiệu quả; Tre ở tuổi 3-4 là lúc tre đã trưởng thành, hội tụ đủ tinh chất, sẽ cho ra sợi xơ mềm, dẻo dai, tuổi thọ cao. Tre ít tuổi hơn thì non, chưa đủ chất, cho ra sợi xơ không dẻo dai. Tre từ 5 năm tuổi trở đi thì già, cho ra sợi xơ cứng, thô, khó xảm và dễ hư; Tre bị cụt ngọn chất lượng không tốt. Ngoài ra, một tiêu chí quan trọng cần lưu ý để tạo ra sợi xơ chất lượng tốt là thời điểm đốn tre, đó là lúc tre không có măng. Bởi lẽ, khi tre mọc măng lên cây con là lúc dinh dưỡng  dồn hết vào măng tre để nuôi măng phát triển mập mạp lên thành tre non. Cạo xơ lúc tre xanh mới đốn về. Cạo xong, phơi khô để dùng hoặc cho vào bao bảo quản khi cần sử dụng.

      - Vôi từ vỏ hến. Đây là loại vôi bột đã tôi. Vôi bột trộn với chai phà và dầu rái để tăng độ cứng khi hồ mặt ngoài đường xảm. 

      - Dầu phụng, dầu tràm dùng pha với dầu rái khi trét ghe lúc trời không nắng để tăng độ trơn khi trét, độ bóng cho chiếc ghe.

      - Dầu hỏa (dầu lửa) dùng trong xảm ghe (chống dính khi chấn phần xơ thừa) hoặc để tẩy rửa dầu rái dính bám vào công cụ.

      Ngoài ra, một nguyên liệu chính để trét thúng/ghe được đan bằng nan tre trước khi trét dầu rái là phân trâu/bò tươi. Theo một số người đan thúng chai, dùng phân bò để trét tốt hơn phân trâu bởi lẽ phân bò mịn hơn, trét ăn sâu và bền hơn. Trân/bò là loại gia súc ăn cỏ nên trong phân có nhiều bột mịn bằng chất xơ và chất kết dính được tiết ra từ dịch dạ dày. Việc dùng phân tươi trét thúng/ghe nan, bột mịn bằng chất sơ sẽ lọt được vào sâu các khe nan đan và chất keo dính giúp bám chắc vào nan khi khô. Sau đó, dùng dầu rái trét nhiều lớp bên ngoài sẽ giữ được độ bền của nan và lớp phân trét bên trong.

      Hiện nay, người thợ sử dụng nhiều vật liệu mới để xảm, trét ghe thuyền như xi măng, sợi ni lông, sơn, composite. Tuy nhiên, những vật liệu mới này chỉ dùng hiệu quả trong sửa chữa ghe thuyền, khi đóng mới chỉ xảm, trét bằng xơ tre, chai phà và dầu rái mới tốt. Theo thợ ghe Kim Bồng, dùng sơn để sơn ghe làm gỗ mau thối/hư hơn khi dùng dầu rái.

      * Lựa chọn công cụ để sử dụng 

      Để tạo nên bộ công cụ phục vụ hiệu quả trong việc xảm, trét ghe thuyền là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm trong việc tìm tòi, lựa chọn, sáng tạo nên những công cụ có kiểu dáng, kích thước, chất liệu, độ sắc bén... phù hợp với từng công đoạn và vị trí thực hiện. 

      Trong hoạt động xảm, bộ công cụ truyền thống gồm: rỗ, búa, đục lá, trành xảm, que hồ, trành kiệu gỗ, trành kiệu sắt, tấm ván lót, dụng cụ đựng hồ, dụng cụ đựng dầu hỏa, móc xảm (xem thêm bảng kể 1)

      Trong hoạt động trét, bộ công cụ truyền thống gồm: Rỗ lọc dầu, xơ dừa, thúng đựng dầu, nồi. (xem thêm bảng kể 2)

      Việc sử dụng vỏ dừa gáo khô làm xơ dừa để chà/trét ghe thuyền là sự lựa chọn sáng tạo của người thợ. Bởi lẽ vỏ dừa gáo khô có độ bền cơ học cao, sợi xơ nhiều đủ để thấm giữ dầu, đồng thời sợi xơ nhỏ nhưng không quá mềm, đảm bảo khi chà lên bề mặt gỗ, sợi xơ có thể đưa dầu thấm sâu vào thớ gỗ. Hiện nay việc sử dụng thêm vải mùng hoặc khăn bông, con lăn để chà/lăn dầu rái nhanh hơn nhưng không tốt bằng dùng xơ dừa, dầu không thấm sâu vào thớ gỗ, không giữ được độ bền của gỗ lâu dài. 

      * Thực hành xảm, trét ghe thuyền

      Xảm và trét ghe là 2 hoạt động biệt lập. Ghe thuyền khi đóng mới, hoạt động xảm được tiến hành trước, sau đó mới trét; khi sửa chữa, nếu xảm ở triên không hư hỏng thì chỉ có hoạt động trét. Xảm ghe do thợ đóng ghe hoặc thợ xảm thực hiện. Trét ghe hầu hết do chủ ghe thực hiện.

      - Xảm: Hoạt động này chỉ tiến hành ở ghe thuyền bằng gỗ. Ngoài việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu tốt, chất lượng của đường xảm phụ thuộc vào trình độ tay nghề, kinh nghiệm của người thợ được thể hiện ở việc mở triên đúng kỹ thuật, trộn các nguyên liệu một cách hợp lý và tỉ mẫn trong quá trình xảm, kiệu. 

      Một đường triên được mở đúng cách sẽ giúp đường xảm chắc chắn, nước không bị thấm vào trong lòng ghe. Trong đóng ghe thuyền, khi ráp be, mặt trên của be đều được bào phẳng tạo thành đường chuẩn để ráp lá be tiếp theo. Do vậy, khi mở/thông triên không được mở ở đường dưới (tức mặt trên lá be dưới), mà phải mở ở đường trên (mặt dưới lá be trên). Dùng búa và đục lá chấn lá be trên tạo thành đường lõm hình chữ “V” ở vị trí tiếp giáp hai lá be nhưng đảm bảo “kín trong, hở ngoài”. Việc mở triên đảm bảo 2 tiêu chuẩn trên giúp đường xảm không bị bung ra (thậm chí thêm chắc chắn) dưới áp lực của nước lên vỏ ghe trong quá trình sử dụng. 

      Triên được mở xong, dùng que tre quết hồ lót (hồ non) vào đường triên để tạo độ kết dính giữa xảm và be gỗ. Hồ non được pha chế từ bột chai phà với dầu rái loại 2 theo tỉ lệ 3/7 tạo nên hợp chất có độ dẻo quánh vừa phải. Dùng trành xảm (đục đùi[21]) đưa xảm tre đã được nhồi với dầu rái vào đường triên, sau đó đi đều một bận (lượt). Công đoạn nhồi xơ tre với dầu rái tạo sự kết dính các xơ tre với nhau và sợi xơ mềm dẽo dễ xảm hơn. Xơ tre nguyên liệu được bỏ trên tấm ván, dùng chân đạp cho mềm, sau đó xở ra, rũ bụi rồi rưới dầu rái vào với lượng vừa phải đảm bảo xơ không quá khô cũng không quá ướt. Nếu khô sẽ không bảo quản được xơ, nếu ướt quá xơ sẽ bị trồi ra (nhờn) trong quá trình xảm vào triên. Sau khi rưới dầu rái, xơ tre tiếp tục được đạp mềm cho dầu thấm đều vào các sợi xơ. Xơ tre đã được đưa vào đường triên, dùng đục lá chấn những phần thừa của sơ, tiếp đến dùng trành kiệu bằng gỗ đóng chặt xơ xảm vào đường triên, còn chặc càng tốt. Cuối cùng, dùng que hồ trát hồ già lên trên. Hồ già là loại hồ hơi khô - cứng, được pha trộn từ dầu rái, chai phà bột và vôi bột theo tỉ lệ 5/5.[22] 

      Chiếc ghe được xảm và trét xong 2-3 ngày có thể hạ thủy sử dụng được. Đây là khoảng thời gian cần thiết để lớp hồ của đường xảm khô cứng chắc chắn. Theo kinh nghiệm dân gian, ghe đóng mới nhưng chưa sử dụng (chưa hạ thủy để dùng) thì người thợ xảm không trát lớp hồ già bên ngoài đường xảm. Đợi đến khi cần sử dụng, người thợ dùng trành kiệu và búa đóng chặc xảm một lần nữa rồi mới hồ, để 2-3 ngày hạ thủy sử dụng. 

      Có thể nhiều người cùng lúc xảm 1 chiếc ghe, mỗi người làm một phần. Để đánh dấu vị trí cần làm tiếp, trong quá trình xảm, người làm trước phải chừa một đầu xơ làm dấu. Đối với chiếc ghe nhỏ, việc xảm ghe đỡ vất vã hơn, chiếc ghe được úp trên 2 khúc gỗ, người thợ có thể đứng hoặc ngồi để xảm. Đối với ghe lớn không thể úp lại được, việc xảm ghe rất vất vã, người thợ phải vận dụng tất cả các tư thế từ đứng, ngồi, quỳ, cúi, khom, nằm nghiêng, nằm ngửa để xảm.

      - Trét: Trét ghe là việc dùng xơ dừa gáo chấm dầu rái rồi chà/quét lên bề mặt gỗ các thành phần của ghe để bảo quản gỗ được lâu bền, khi sử dụng chiếc ghe đi/lướt nhanh hơn, đồng thời cũng tăng độ bóng đẹp của chiếc ghe, tạo niềm tin trong quá trình sử dụng. Hoạt động này không chỉ thực hiện ở khâu hoàn thiện chiếc ghe trước khi hạ thủy mà còn tiến hành ở một số công đoạn khác như giáp ghim. Để bảo quản lô, long cốt, trước khi giáp ghim, người thợ thường trét ít nhất 2 lớp dầu rái tại vị trí này. Lớp thứ nhất trét xong, đợi khô mới trét lớp thứ hai.

gt
 

Việc trét ghe khi đóng mới hoặc lúc sửa chữa hầu hết do chủ ghe thực hiện. Do đó, việc trét nhiều (lớp) hay ít (lớp) tùy vào điều kiện kinh tế của từng người. Tuy nhiên, thông thường trét ít nhất cũng phải 2 lớp, trét kỹ 3-4 lớp. Việc trét ghe chỉ tiến hành khi trời nắng, không trét lúc trời dịu mát trừ những trường hợp cần thiết. Bởi lẽ, trời nắng gỗ khô, dầu rái chảy lỏng, do đó dầu trét lên vỏ ghe sẽ thấm sâu vào gỗ, bảo quản gỗ được tốt. Cũng do dầu rái chảy lỏng khi phơi dưới ánh nắng mặt trời nên khi trét, người làm không phải vận nhiều sức để chà mà vẫn đạt được độ đều, bóng. Khi trời nắng, thời điểm trét ghe hiệu quả nhất là lúc 10 - 11h. Trét đều xong lớp 1, để khô rồi trét lớp thứ 2. Tùy sở thích và điều kiện kinh tế, một số trường hợp chủ ghe gia thêm dầu phụng vào dầu rái khi trét ghe, nhất là lúc trời mát dịu nhằm tăng độ trơn và độ bóng đẹp của chiếc ghe. Để trét ghe lúc trời không nắng, dầu rái phải được nấu chảy hoặc làm lỏng bằng cách nung một cục/miếng sắt cháy đỏ rồi bỏ vào nồi/thùng dầu rái. Một số người cho rằng, nấu dầu rái sẽ làm biến đổi chất dầu. Dùng miếng sắt nung đỏ bỏ vào thùng dầu sẽ giữ được độ nóng lâu hơn nhưng không quá nóng để làm mất chất dầu.

      Trong quá trình trét ghe lúc đóng mới hay khi làm nước[23], chủ ghe rất kiêng cữ máu dính vào ghe vì cho rằng sẽ gặp điều bất trắc khi sử dụng. Nếu có máu dính phải cạo sạch rồi trét lại. Cũng có trường hợp trong nghề đi biển đánh cá, ghe mới được làm nước nhưng đánh bắt không hiệu quả, chủ ghe bèn cạo đi lớp dầu cũ rồi trét lại lớp dầu mới.

      Tạm kết

      Xảm, trét ghe thuyền vừa là công đoạn quan trọng để hoàn thiện một chiếc ghe, cũng là hoạt động chứa đựng nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đó là hệ thống tri thức dân gian được tích lũy, chắc lọc qua quá trình lịch sử lâu dài. Trong điều kiện hiện nay, việc sưu tầm, nghiên cứu giá trị tri thức dân gian nói chung, trong nghề thủ công truyền thống nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần phát triển khoa học kỹ thuật, tăng cao hiệu quả sản xuất³

      

      Bảng kê 1: Bộ dụng cụ dùng để xảm
 
 
Stt Tên công cụ Chất liệu Kích thước Công dụng Ghi chú
1 Rổ Tre Đường kính khoảng 50cm Đựng xơ xảm, để một số dụng cụ khi làm Hiện nay thay thế bằng rỗ nhựa
2 Búa Búa sắt, cán gỗ ngắn Dài 27cm Dùng để đóng khi mở/rả triên, xảm, kiệu, chấn xơ  
3 Đục lá (đục bén) Lưỡi sắt, cán gỗ - Loại dài 22,5cm, trong đó cán dài 9,5cm, lưỡi dài 13cm và rộng 3.
- Loại dài 25cm, trong đó cán dài 9,5cm, đường kính cán 3,5cm, lưỡi dài 15,5cm và rộng 5cm.
- Loại dài 19,5cm, cán dài 5cm, đườg kính cán 3cm, lưỡi dài 14,5cm và rộng 4cm.
Dùng để mở triên trước khi xảm hoặc chấn phần xơ thừa Hiện nay còn sử dụng cưa máy cầm tay để mở triên
4 Trành xảm (còn gọi là đục xảm, đục đùi) Lưỡi sắt, cán gỗ - Loại dài 20cm, trong đó cán dài 9,5cm, đường kính cán 3cm, lưỡi dài 10,5cm và rộng 3cm
- Loại dài 20cm, trong đó cán dài 8,5cm, đường kính cán 3,5cm, lưỡi dài 11,5cm và rộng 4,5cm
Dùng để đưa xảm vào triên  
5 Que hồ Bằng tre Loại dài 25,5 và rộng 2cm. Loại dài 26cm và 2,5cm Đưa hồ vào triên  
6 Trành kiệu gỗ Bằng gỗ cứng (gỗ xoay - dialium) và sắt - Loại dài 25,5cm, có khoen sắt ở đầu với đường kính 3,1cm, lưỡi rộng 5cm
- Loại dài 14cm, có khoen sắt ở đầu với đường kính 3,2cm, lưỡi rộng 5cm
Dùng để đóng xảm chặt vào bên trong triêng.
 
 
7 Trành kiệu sắt Sắt - Loại dài 25cm, đầu có đường kính 2,3cm, lưỡi 5,5cm.
- Loại dài 21cm, đầu có đường kính 2,4cm, lưỡi 5,5cm.
- Loại dài 16cm, đầu có đường kính 2,2cm, lưỡi 5,5cm.
- Loại dài 11cm, đầu có đường kính 2,1cm, lưỡi 6cm.
   
8 Tấm ván lót Gỗ Khoảng 1m2 Dùng để đạp xảm  
9 Dụng cụ đựng hồ (chai phà trộn với dầu rái, vôi) Bằng nhiều chất liệu khác nhau như gáo dừa, nồi kim loại, bát nhựa,... tùy nhu cầu về khối lượng Nhiều cỡ Dùng để đựng hồ Hiện nay đựng lon sắt (lon sơn)
10 Dụng cụ đựng dầu hỏa Nhiều chất liệu Đường kính khoảng 10cm Dùng đựng dầu hỏa khi xảm Hiện nay đựng lon sắt (lon sơn)
11 Móc xảm Bằng sắt Dài 27cm, móc cong dài 3cm Dùng để lấy xảm cũ ra khỏi triên  
 

 
      Bảng kê 1: Bộ dụng cụ dùng để trét
 
Stt Tên công cụ Chất liệu Kích thước Công dụng Ghi chú
1 Rổ lọc dầu (lỗ nhỏ) Tre Khoảng 50cm Để lọc than, cặn lẫn trong dầu  
2 Thúng đựng dầu Tre Khoảng 60-70cm Dùng dể hứng bên dưới rổ khi lọc dầu Hiện nay dùng thêm thau kim loại
3 Xơ dừa (có loại gắn cán loại không gắn cán) Vỏ trái dừa gáo khô[1] Bề ngang khoảng 10-12cm, dài 12-15cm. Dùng để chấm và chà/trét dầu rái lên bề gỗ của ghe, đặc biệt mặt trong và ngoài của vỏ ghe. Hiện nay người thợ dùng thêm vải mùng, khăn bông, con lăn để chà.
4 Nồi Kim loại Đường kính khoảng 20cm Đựng dầu rái khi trét Hiện nay dùng thêm lon sắt (lon sơn)
 
[1] Dừa gáo già khô, rụng xuống đất, người thợ tách lấy vỏ, chặt bỏ phần đầu vỏ có nhiều sợi xơ mềm, để lại phần cứng. Dùng vật cứng đập vừa tay cho xơ một phần đầu (phạm vi dùng chấm dầu để trét lên ghe thuyền). Nếu dùng để trét ở vị trí xa tay với thì dùng khúc tre/gỗ kẹp vào làm cán.


 

[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), “Ghe Bầu Hội An – Xứ Quảng”, Di cảo Nguyễn Bội Liên, Nxb Đà Nẵng, trang 44-47.

[2] Làng Võng Nhi (theo bia mộ tổ tộc Trần ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh); Làng Hoài Phô và làng Cẩm Phô (theo Ô Châu Cận lục của Dương Văn An)

[3] Hiện nay, qua thống kê sơ bộ, ngoài trung tâm đóng sửa ghe thuyền ở Kim Bồng (Cẩm Kim), ở Hội An có 1 trường đà sửa chữa ghe thuyền ở Cửa Đại, 1 trại đóng ghe cỡ nhỏ ở Thanh Hà; ở Duy Vinh có 01 xưởng đóng tàu gỗ công suất lớn và 1 trại đóng ghe cỡ nhỏ.

[4] Hầu như thợ đóng ghe thuyền đều biết xảm trét. Tuy  nhiên, việc hình thành đội ngũ thợ chuyên xảm trét giúp việc đóng hoàn thành ghe thuyền nhanh hơn, đạt chất lượng cao hơn. Hiện nay, việc xảm ghe thuyền do thợ ở Duy Vinh qua làm (Trần Thịnh, Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Cường,...)

[5] Trần Văn An (2011), Ghe bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An - Quảng Nam, Nhà xuất bản Dân Trí, năm 2011, trang 66.

[6] Nghề đan thúng chai, thúng méo và ghe nan ở Hội An đang bị mai một. Thực hành nghề chỉ còn ông Đỗ Khá ở Cẩm Kim. 

[7] Mỗi năm ít nhất tu sửa hoặc trét ghe 1 lần, thông thường thực hiện 2 lần mỗi năm.

[8] Đối với ghe, thúng chai, thúng méo đan bằng nan tre, vành tre, nguyên liệu quan trọng chủ yếu để trét là dầu rái và phân trâu/bò tươi. 

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 425 ghi: “Cây dầu rái: du mộc, thân cây có dầu nên gọi thế. Người nghiệp hộ đẽo ba lỗ ở chỗ gần gốc, đốt lửa vào đấy cho dầu chảy ra, theo thời giờ lấy gáo hứng lấy, dầu chảy không dứt, dùng để sơn tá thuyền, công dụng rất rộng. Vũ bị chí nói mảnh hỏa du, tức là dầu này. Các tỉnh đều có”.

Từ điển bạch khoa nông nghiệp mô tả: 

“Dầu Rái (Dipterrocapus alatus Roxb.; tên khác là Dầu nước) cây gỗ lớn, chi dầu (Dipterrocapus), họ dầu (Dipterrocapaceac). Tán hình cầu, canh to, tập trung trên ngọn, thân hình cột, cao 30-40m, đường kính tới 200cm. Lá đơn mọc cách, có lông, quả hình thoi có 5 gờ lớn, đỉnh có 2 cánh dài rộng.

Phân bố ở vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, mọc từ Thừa Thiên Huế trở vào, tập trung ở Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; là cây cung cấp gỗ chủ yếu cho vùng này. Cây ưa đất sâu, ẩm và tương đối bằng phẳng, thường mọc ở ven sông, suối, thung lũng và chân núi. Thay lá vào mùa khô, gỗ màu đỏ nhạt, thớ thô, tỉ trọng 0,7-0,9, gỗ tương đối bền, dùng dưới mái che, dùng trong xây dựng nhà cửa, dùng gỗ dán lạng, ván sàn. Ít dùng đóng đồ mộc vị có độ co rút cao, mặt gỗ thô; nhựa dầu rái dùng trong kỹ nghệ sơn, vecni hoặc phối hợp với nhựa dầu trai để trát ghe, thuyền. Trồng làm cây bóng mát đường phố. Được trồng ở Hà Nội từ đầu thế kỷ 20, nay có cây đạt đường kính 100cm. Ở Trung và Nam Bộ, việc chích nhựa dầu rái được tiến hành quanh năm, chủ yếu vào mùa khô: đục một lỗ sâu như tổ chim vào thân cây, cách mặt đất khoảng 1m; đốt lửa trong lỗ ấy để kích thích cây chảy nhựa nhanh và thu vào bình hay chậu riêng. Một cây trưởng thành khai thác như trên có thể cho khoảng 80 lít dầu, khai thác liên tục 6 năm” -Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (1991), Từ điển bách khoa nông nghiệp, Trung tâm quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 1991, in tại nhà máy Tiến Bộ, Hà Nội, trang 149-150).

[10] Xem thêm Quốc Triều,  https://dantri.com.vn/viec-lam/quang-ngai-doc-dao-nghe-cao-nhua-dau-rai-20180120073851804.htm

[11] Xem thêm Nguyễn Văn Sơn, http://thoibaoviet.com.vn/lang-nghe/quang-nam-gian-nan-nghe-khai-thac-dau-rai.html9569; Nguyễn Văn Sơn, http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/huong-sac-que-nha/200609/dau-rai-dai-loc-86379/ 

[12] Xem thêm Phạm Thị Thanh Biên, http://vanhoaquangnamonline.gov.vn/bao-ton-bao-tang/nghe-khai-thac-dau-rai-o-quang-nam.html

[13] Nguyễn Văn Sơn, http://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/huong-sac-que-nha/200609/dau-rai-dai-loc-86379/

[14] Những người buôn gỗ trên nguồn có mua dầu rái về bán vào giai đoạn trước 1975 có ông Quảng Ưng, Thủ Dục. Sau năm 1975 có bà Sáu Ca chuyên cung cấp và bán dầu rái. Hiện nay có ông Nguyễn Nhân, Lữ Du, Đỗ Văn Ba (con ông Đỗ Hề) có bán dầu rái. Dầu rái không có nhãn hiệu, theo thợ đóng ghe thuyền ở Kim Bồng, loại dầu rái Khánh Bình, địa danh gần khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng, là tốt nhất.

[15] Trong mua bán, dầu rái được đong/đo bằng đơn vị tấc. Theo cách tính hiện nay, mỗi tấc dầu tương đương 2 lít (khoảng 2 kg). Thông thường, một thùng dầu là 10 tấc. Giá bán ở Cẩm Kim hiện nay: Dầu loại 1 là 95.000đ/lít, dầu loại 2 là 80.000đ/lít.

[16]Ở Cẩm Kim hiện nay giá bán chai phà bột là 30.000đ/kg.

[17] Xem Hồ Thị Dung, https://text.xemtailieu.com/tai-lieu/nghien-cuu-thanh-phan-hoa-hoc-va-tim-hieu-nguon-goc-cua-duoc-lieu-nen-dat-287973.html

[18] Hiện nay ở Quảng Ngãi có nhà máy sản xuất để cung cấp cho hoạt động đóng, sửa ghe thuyền của khu vực. 

[19]“Tre (Bambusa) chi cây gỗ, thân rỗng, chia nhiều đốt, phân họ Tre nứa (Bambusoidae). Thân cao, cây mọc thành bụi, các bụi tách riêng nhau, cây con mọc từ mầm ở gốc cây mẹ, thân cây có thành dày. Cành phát triển từ các mắt trên đốt. Tre ở Việt Nam rất phong phú, có nhiều loại. Phân bố từ bắc tới nam, từ miền núi đến miền xuôi. Thường gặp các loài: Tre nhà (B. Vulgaris Schrader), Tre gai (B. Stenostachya Hack), Tre lồ ô (B. Procera A. Chev.), Tre la ngà (B. Multiplex forma alphonso Karri), Tre lộc ngộc (B. Arudinacea), Tre hoa (B. Multiplex Raeusch). Tre được sử dụng rộng rãi, nhất là ở vùng đông bằng và trung du: làm nhà cửa, xây dựng các công trình, làm nông cụ, dụng cụ đánh cá, săn bắn, vũ khí, công cụ, đồ dùng trong nhà, làm bột giấy, nguyên liệu trong công nghiệp hóa chất. Cây tre để phủ xanh, làm hàng rào bảo vệ. Măng tre ăn được”. - Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (1991), “Từ điển bách khoa nông nghiệp”, Trung tâm quốc gia biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 1991, in tại nhà máy Tiến Bộ, Hà Nội, trang 420

[20] Hiện tại chúng tôi chưa phân biệt là loại tre gai hay tre (Thanh bì trúc) dùng làm xơ. 

“Tre gai: thích trúc, Bản thảo chép là lặt trúc, là tư lao trúc, có nhiều gai, cây nào lớn chu vi đến một thước, người ta thường trồng ở vườn để ngăn trộm cướp. Chỗ nào cũng có. Ngày 13 tháng 5 là ngày “trúc túy”, 60 năm một lần kết quả, sau đó cây khô đi rồi chép, quả rụng xuống đất, 6 năm lại mọc thành bụi rậm. Sách Tam thủy tiểu độc chép rằng trúc gọi là thanh sĩ? Tài thụ thư chép rằng trúc có tính hướng về phương tây nam” - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 437-438.

“Tre: Thanh bì trúc, vỏ xanh, không có gai, làm đồ dùng rất tốt. Các tỉnh đều có”. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2006, trang 438. 

[21] Do đùi nên không chấn đứt xơ xảm khi dùng búa đóng đưa xơ xảm vào triên.

[22] Theo quan sát thực tế, việc xảm 1 chiếc ghe có kích thước: dài 8,5m, rộng 2,32m, sâu 0,95m phải cần 3kg xơ tre, 4kg chai phà, 2 tấc dầu rái. Thời gian làm việc là 5 ngày công.

[23] Làm nước: xám trét lại ghe để bảo quản. Thông thường mỗi chiếc ghe được làm nước ít nhất 1 lần trong năm.

[24] Dừa gáo già khô, rụng xuống đất, người thợ tách lấy vỏ, chặt bỏ phần đầu vỏ có nhiều sợi xơ mềm, để lại phần cứng. Dùng vật cứng đập vừa tay cho xơ một phần đầu (phạm vi dùng chấm dầu để trét lên ghe thuyền). Nếu dùng để trét ở vị trí xa tay với thì dùng khúc tre/gỗ kẹp vào làm cán.

Tác giả: Võ Hồng Việt - Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây