Bảo vệ và phát huy nghề thủ công truyền thống ở Hội An theo quan điểm tiếp cận của Bảo tàng sinh thái

Thứ năm - 04/05/2023 04:26
Nghề thủ công truyền thống được xác định là một trong bảy lĩnh vực của di sản văn hóa phi vật thể, theo Luật Di sản văn hóa của Việt Nam, và là một trong năm loại hình di sản văn hóa phi vật thể, theo Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
      Đây là loại hình di sản văn hóa phi vật thể có tính đặc thù và cũng đặc biệt trong số các loại hình di sản văn hóa phi vật thể do tính biểu hiện vật chất của nó. Di sản này cũng có ưu thế nhất trong phát triển du lịch bởi các làng nghề truyền thống Việt Nam nơi chứa đựng di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể cùng với các ký ức cộng đồng là nguồn lực tiềm năng hấp dẫn du khách.
 
toan canh pho co
Một góc phố cổ nhìn từ hướng tây - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Hội An với tư cách là một đô thị lịch sử, một đô thị sống, việc lưu giữ, duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống để góp phần phát triển du lịch địa phương cần thận trọng, coi trọng công tác quản lý, như nội dung của Tuyên bố Hội An năm 2017 về Bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị châu Á tại Hội thảo quốc tế về bảo tồn di sản đô thị ngày 13-14/6/2017: “Quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn và quản lý các đô thị lịch sử. Khi được quản lý một cách phù hợp, các sáng kiến du lịch có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng cũng như công tác bảo tồn tại các khu đô thị lịch sử và di sản văn hóa liên quan, đồng thời bảo đảm sự đa dạng kinh tế, xã hội và chức năng cư trú. Việc bảo vệ các di sản vật thể và phi vật thể có vai trò quan trọng đối với cả cộng đồng địa phương và du khách.

      Tiếp cận từ góc độ Bảo tàng sinh thái

      Trung tâm quốc tế nghiên cứu về bảo quản và tu bổ tài sản văn hóa (ICCROM) đã đưa ra một số nguyên tắc tiếp cận với loại hình “di sản sống” hoặc “đô thị sống” là lấy con người/cư dân đô thị (nhu cầu và năng lực sáng tạo của con người) là trung tâm của mọi chính sách và mục tiêu phát triển với năm tiêu chí: (1) tôn trọng sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa, (2) gắn kết quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai, (3) ảnh hưởng của di sản tới cuộc sống đương đại của người dân, đồng thời góp phần cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng sống của họ, (4) tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các chủ thể văn hóa, các chủ sở hữu di sản trong quá trình bảo tồn và quản lý, (5) tạo mối liên kết giữa bảo tồn đô thị di sản và phát triển bền vững.

      Đây cũng là những nội dung nằm trong số các mục tiêu hướng tới của việc thiết lập mô hình bảo tàng sinh thái, nếu coi đô thị Hội An là một dạng “bảo tàng mở”, thể hiện thông qua các chiều cạnh không gian và thời gian, nhằm khẳng định và quảng bá các giá trị của di sản tự nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực phố cổ Hội An với cộng đồng dân cư nơi đây.

      Nếu bảo tàng truyền thống là những không gian trưng bày khép kín, thì Bảo tàng sinh thái không phải một tòa nhà mà là toàn bộ không gian sinh tồn của cộng đồng cư dân với môi trường thiên nhiên và đời sống văn hóa của họ; là một phương thức hoạt động hiệu quả, năng động mà qua đó, cộng đồng tự chủ thực hiện việc bảo tồn, giới thiệu và quản lý di sản của họ, của vùng lãnh thổ để phục vụ cho sự phát triển bền vững, trong đó có hình thức du lịch cộng đồng/du lịch tại cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng.

      Cùng hướng đến mục tiêu là du khách tham quan, nỗ lực đáp ứng nhu cầu của khách nhưng khác với du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái, bảo tàng sinh thái lại là một thiết chế văn hóa, một dạng thức bảo vệ tính chỉnh thể của toàn môi trường sinh thái - nhân văn và những di sản sống với nỗ lực không chỉ phục vụ khách tham quan mà phục vụ trước hết dân cư sinh sống trong khu vực thuộc không gian bảo tàng và đặc biệt cộng đồng chủ thể văn hóa.

      Do đó, điểm giao thoa giữa bảo tàng sinh thái và du lịch (cộng đồng hay sinh thái hay bền vững) là tạo ra cơ hội cho cộng đồng khai thác các giá trị của di sản văn hóa và tài nguyên thiên nhiên của họ, phục vụ phát triển du lịch, phát triển kinh tế địa phương và phát triển cộng đồng, song điểm khác và cũng là tính ưu việt của bảo tàng sinh thái là cùng lúc không làm biến dạng di sản và môi trường di sản, không làm biến đổi hệ sinh thái tự nhiên và cũng là môi trường sinh thái-nhân văn của di sản, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng.

      Trên tinh thần tôn trọng quyền văn hóa của cộng đồng, bảo tàng sinh thái trao cho cộng đồng quyền tự xác định bản sắc văn hóa của họ, tự nhận thức, lựa chọn và quyết định các khía cạnh văn hóa, các truyền thống mà họ cần để kế tục, mà họ tự hào để giới thiệu, trình diễn. Vì thế, mô hình bảo tàng sinh thái đặc biệt phù hợp để bảo vệ di sản và di sản văn hóa phi vật thể tại các làng cổ, các đô thị cổ.

      Vì bản chất của di sản văn hóa phi vật thể là phương thức sinh hoạt của cộng đồng, mà hiện nay, nhiều trong số các phương thức sinh hoạt đó được đưa ra trình diễn, giới thiệu, bày bán như một mặt hàng để nhu cầu lợi nhuận nên tính chất văn hóa, tính thiêng, tính tập tục hoàn toàn biến đổi. Dưới danh nghĩa du lịch, danh nghĩa phục vụ nhu cầu khách du lịch, làm cho hình thức biểu hiện, tính chất, chức năng vốn có của di sản bị biến dạng. Do đó, bảo tàng sinh thái là lời giải để đáp ứng yêu cầu của cả cộng đồng và chính quyền đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tài nguyên sinh thái cùng toàn bộ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch có trách nhiệm, phát triển cộng đồng và phát triển bền vững.

      Áp dụng với Hội An

      Bảo tàng sinh thái áp dụng với các làng nghề thủ công truyền thống tại Hội An có thể xem là một phương pháp tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trực tiếp tại địa điểm di sản tồn tại (biến thành bảo tàng ngoài trời, tại địa phương và trong lòng cộng đồng) ngay trong môi trường sinh thái - nhân văn nơi các nghề thủ công truyền thống được sáng tạo ra, hiện đang tồn tại, đồng thời, gắn bó mật thiết với đời sống thường nhật của cộng đồng cư dân địa phương - chủ thể văn hóa. Đây có thể xem là cách đi phù hợp của Hội An, để:

      Bảo tồn “sống”, bảo tồn “tại chỗ” toàn bộ cảnh quan thiên nhiên - văn hóa khu vực các làng nghề thủ công truyền thống cùng đời sống văn hóa - xã hội, môi trường sinh thái - nhân văn của của cộng đồng cư dân địa phương để giữ gìn bản sắc văn hóa đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.

       Làm sâu sắc thêm nhận thức của chính quyền và cộng đồng cư dân địa phương về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống với tư cách là động lực của phát triển, là tiềm năng để ứng dụng kinh tế học di sản, phục vụ phát triển cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương;

      Xây dựng sản phẩm du lịch có tính đột phá từ các nghề thủ công truyền thống với sự tham gia của cộng đồng nghệ nhân, người thực hành nghề thủ công và dựa vào cộng đồng, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh/thành phố khác trong cả nước về bảo vệ, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng;

      Tăng cường hợp tác công - tư và phát huy cộng đồng tự quản trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống của Hội An theo hướng “bảo tàng sống” như mô hình mang tính hạt nhân điển hình;

      Gắn kết, tích hợp hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích và phục dựng, trao truyền, phát huy di sản làng nghề với chương trình xây dựng Nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và môi trường thực hành di sản, môi trường làng nghề;

      Ứng dụng lý thuyết về bảo tàng học hiện đại và bảo tàng hóa di sản trong cộng đồng, ứng dụng thành tựu mới nhất về khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số vào bảo vệ, phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống, số hóa sản phẩm,… phục vụ phát triển cộng đồng.

      Tạo cho cộng đồng cư dân địa phương và du khách thấu hiểu nhận thức mới về phát triển bền vững là: Không lãng phí tài nguyên thiên nhiên; không gây ô nhiễm môi trường; không tạo bất bình đẳng xã hội và không làm suy thoái văn hóa và đạo đức.

      Với đặc thù và lợi thế của mình, việc triển khai mô hình bảo tàng sinh thái với các làng nghề thủ công truyền thống của Hội An góp phần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội, để tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên Hội An “cất cánh” và “toả sáng” sống động một cách hài hòa trong đời sống xã hội đương đại và hiện đại mà không bị biến dạng. Bên cạnh đó, còn khuyến khích tinh thần tự nguyện chủ động và sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề nói riêng và cư dân Hội An nói chung trong việc thực thi quyền văn hóa của chính họ ở các mặt: Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội.
 

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản Văn hóa

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây