Một số thông tin thờ tự và lễ tục xưa ở làng Thanh Hà

Chủ nhật - 07/05/2023 22:21
Trong lịch sử, Thanh Hà là một làng xã có diện tích rộng lớn, cư dân đông của Hội An. Tương truyền vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, tiền hiền các tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Ngụy Như, Bùi Phước, Võ Đình, Võ Văn, Nguyễn Tấn (hầu hết là nông dân, thợ thủ công làm gốm, gạch ngói…) từ Thanh Hóa, Nghệ An đến khai cơ, lập làng Thanh Hà, dần dần mở rộng khai phá đất đai, hình thành nên đời sống văn hóa làng xã tại đây. Đến thời vua Gia Long (1802 - 1819), Thanh Hà có 13 ấp gồm An Bang, Nam Diêu, Bộc Thuỷ, Thanh Chiếm, Bàu Ốc, Bàu Súng, Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Trảng Kèo, Cửa Suối, Hậu Xá, Cồn Động.
mot goc lang than ha
Một góc làng Thanh Hà - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Thanh Hà là nơi có sự giao lưu buôn bán và được xem như một cảng vệ tinh của Hội An. Vào năm 1908, sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục, sách do Quốc sử quán triều Nguyễn ấn hành, phần Quảng Nam, có ghi: An Hòa có bãi Bạch Lộ, Diên Phước có cảng Thanh Hà[1].

      Theo Quảng Nam xã chí, đời sống kinh tế ở Thanh Hà trước năm 1945 được ghi chép như sau: “Thổ sản của làng này đặc biệt có rau sống, lúa, khoai, sắn... Nghề nghiệp làng này có đặc điểm là ngói, gạch, làm đồ gốm... Làng cũng có nghề đánh bắt cá nhưng sơ sài. Nghề nông thì chiếm được một nửa của làng. Ngoài các nghề chuyên môn ấy thì cũng còn các nghề khác nhưng không đáng kể[2].

      Từ những điều kiện địa lý, thông tin lịch sử dân cư, kinh tế như trên đã tạo nên một làng Thanh Hà có đối tượng thờ tự trong tôn giáo, tín ngưỡng cùng lễ tục khá phong phú, đa dạng.

      Theo khảo sát của Viện Viễn Đông Bác cổ, ở Thanh Hà đã có những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng khá quy mô như chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, chùa Long Tuyền, chùa Phước Long, đình Thanh Hà, miếu Tiền hiền, Văn Thánh miếu, miếu Tam vị (thờ ba vị: Ông Tứ, Ông Bích, Ông Cụt), nhà thờ tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Võ Đình, Võ Văn, Ngụy,…

      Cũng theo Quảng Nam xã chí, làng Thanh Hà có 27 đạo sắc phong thần, qua đó cho biết các vị thần chính được làng Thanh Hà thờ tự gồm Ngọc Lân tôn thần, Thành Hoàng, Đại Càn Quốc gia Nam hải, Thái Giám Bạch Mã, Tứ dương, Ngũ Hành tiên nương, Thủy long, Quan Thánh đế quân, Chúa Ngọc.

      Có thể thấy, các vị thần thờ tự ở làng Thanh Hà, vừa có những vị thần thờ phổ biến ở làng xã miền Trung Việt Nam như Thành Hoàng, Bạch Mã, Ngũ Hành, vừa có những vị thần liên quan mật thiết đến vị trí địa lý sông nước như Thủy long, Đại Càn; có vị thần liên quan đến ngư nghiệp là Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân tôn thần. Trong đó, đối với ngành nghề thương mại và liên quan đến cư dân người Hoa, Minh Hương thì có thờ Quan Thánh đế quân. Riêng có vị thần có thần tích xuất phát từ địa phương đó là Tứ dương.

      Bên cạnh tín ngưỡng thờ tự các vị thần, một số lễ tục cũng được quy định cụ thể và được mô tả trong Quảng Nam xã chí như sau: Việc cưới hỏi thì làng này cũng giống như các làng lân cận trong tổng hạt, như: hoa tai, trùng họ cũng là bắt buộc. Việc tế lễ thì sinh phẩm thường dùng là heo, nghi tiết cũng đủ vậy thôi. Việc tang chế và chết chôn cũng như cưới hỏi vẫn giống nhau. Việc trừng phạt thì thường khoan miễn cả, chỉ trầu rượu thế thôi. Còn việc học hành thì làng cũng có trường học công nhưng không có tiền, giấy gì cho trẻ con[3].
 
khu mieu ap bau sung 2008
Khu miếu ấp Bàu Súng năm  2008 - Ảnh: Hồng Việt

      Về lệ cúng, vía ở đình chùa chung ở làng như sau: Đình 1 năm tế 2 kỳ vào ngày 15 tháng 3 và 16 tháng 8 âm lịch. Lễ tế Tiền hiền, Thành Hoàng, Ngũ Hành đều theo đình một lượt. Làng có lệ Tống khách vào ngày 10 tháng Giêng. Tại các chùa ở Thanh Hà tế lễ theo các ngày vía, đản sanh Chư Phật, Bồ Tát và các ngày sóc, vọng hàng tháng.

      Theo tham vấn ký ức cộng đồng về tín ngưỡng trong nông nghiệp ở làng Thanh Hà trước năm 1945 cho biết: Mỗi ấp đều có nền Thần Nông bố trí cạnh các đình, đền miếu Thành Hoàng của làng (tại khu vực đình ấp An Bang hiện nay) và nhiều ấp. Trong mỗi năm, nông nghiệp Thanh Hà diễn ra 4 lễ cúng chính gồm cúng Thần Nông, cúng cầu bông (tập trung tại Trà Quế vào mồng 7 tháng giêng, đến nay lễ này được phát huy tốt, trở thành một trong những lễ hội thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu và được quảng bá rộng rãi), cúng cơm mới, cúng mục đồng. Sau ngày Tết, người nông dân chọn những ngày chẵn đầu năm để làm ngày mở đầu làm nông trong một năm, thường là ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch. Vào cuối năm, vào khoảng 23 hoặc 25 tháng Chạp, khi nhiều nhà đã dựng nêu thì công việc đồng áng trong năm được gác lại để chuẩn bị lo cho những  ngày Tết. Đối với những nhà có chăn nuôi, vào mồng 1 hoặc mồng 2 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong lễ cúng Tết nhà của người dân Thanh Hà, các hộ chăn nuôi có kết hợp cúng chuồng để cầu cho việc chăn nuôi và kinh doanh chăn nuôi được tốt đẹp, lễ vật cúng chủ yếu là thực phẩm chay, mặn, có thứ không thể thiếu là đồ vàng mã hình thế trâu, bò và hình Ông chuồng, Bà chuồng.

      Hiện nay, lễ này vẫn còn được duy trì trong nhiều gia đình của Thanh Hà và Cẩm Hà. Mỗi khi bán được heo, bò, người nông dân thường sắm lễ vật là hương hoa, trà nước, quả, cơm,... cúng tạ Ông chuồng, Bà chuồng, lễ này cũng còn được duy trì phổ biến. Đối với ngư dân, lệ tế vị Ngọc Lân của ngư dân diễn ra vào ngày 13 tháng 2 và mồng 3 tháng 10 âm lịch hàng năm. Tại Văn Thánh lễ tế các vị khoa bảng đã khuất vào hai dịp Xuân, Thu nhị kỳ.

      Có thể thấy, thờ tự và lễ tục xưa ở làng Thanh Hà khá phong phú và đa dạng, việc tìm hiểu, nhận diện giá trị những lễ tục này sẽ góp thêm dữ liệu để có cơ sở đối chiếu xem xét sự biến đổi di sản văn hóa của làng xã ở lĩnh vực thờ tự, lễ tục ở Thanh Hà nói riêng, Hội An nói chung. Qua đó, cung cấp thêm thông tin để góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của làng xã ở Hội An.
 
[1] Cao Xuân Dục, Đại Nam dư địa chí ước biên, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.93.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.162.
[3] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, sđd, tr.162.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây