Theo những tài liệu lịch sử về Hội An xưa, vào thế kỷ 19, khi cửa sông và các dòng chảy của sông Thu Bồn và sông Cổ Cò không còn thuận lợi cho sự giao lưu buôn bán của các thuyền buôn nước ngoài, từ đó, Hội An xưa dần suy thoái và mất đi vị thế cảng thị quốc tế quan trọng. Tuy vậy, do sự ảnh hưởng vai trò của một thương cảng cũ, hơn nữa nơi đây vẫn còn là một trung tâm thương nghiệp lớn là những cơ sở để Hội An vẫn được đầu tư phát triển trong thời điểm bấy giờ, trong đó đô thị được xây dựng mở rộng chủ yếu về phía Nam, đây là thời điểm các phố Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng được hình thành. Đến năm 1888, khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, nhiều người Hoa đến đó để lập nghiệp, trong khi đó một số khác tiếp tục sinh sống và mở rộng kinh doanh ở Hội An. Tuy trong giai đoạn này, vị thế Hội An không còn được phồn thịnh như trước nhưng theo nhận định lịch sử và dựa trên diện mạo kiến trúc còn tồn tại cho đến ngày nay ta có thể nhận thấy phần lớn các công trình kiến trúc trong khu phố cổ được hình thành chủ yếu ở giai đoạn này và đây cũng là thời điểm bắt đầu cho sự tham gia của các công trình kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu trong nước, kiến trúc kiểu Pháp tại Việt Nam đã phát triển qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất từ 1860 đến 1880, là thời kỳ kiến trúc hàng hải và quân sự.
Giai đoạn thứ hai từ 1880 đến 1920. Trong thời kỳ này, kiến trúc mang phong cách Pháp được thay đổi để phù hợp với khí hậu ở Việt Nam vốn khác biệt hoàn toàn với khí hậu của nước Pháp. Các công trình trong giai đoạn này thường sử dụng nguyên tắc bố cục mặt bằng, hình khối đối xứng, nhấn mạnh diện khu vực trung tâm hoặc xử lý các hình khối hai bên cao hơn hình khối chính, phần lớn sử dụng các chi tiết trang trí kiến trúc mang phong cách cổ điển.
Giai đoạn thứ ba từ 1920 đến 1945. Các kiểu kiến trúc từ nhiều vùng miền nước Pháp được các kiến trúc sư Việt Nam vận dụng, thay đổi biến thành những kiến trúc mang đậm những đặc điểm văn hóa, phù hợp với kiến trúc, điều kiện thiên nhiên, khí hậu của địa phương.
Từ các cơ sở nêu trên bằng phương pháp đối chiếu, so sánh, theo nhận định cá nhân thì phần lớn các di tích kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An còn tồn tại cho đến ngày nay có thể số ít được hình thành ở cuối giai đoạn thứ hai và chủ yếu vào giai đoạn thứ ba với phong cách hướng về những đặc điểm văn hóa, kiến trúc, điều kiện thiên nhiên và phù hợp với khí hậu của địa phương trong sáng tác kiến trúc. Các di tích kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An gồm các thể loại: Nhà ở, chợ, công sở, nhà thờ,... trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là thể loại di tích nhà ở lô phố. Có thể thấy các công trình này tập trung phần lớn ở phía Tây phố Nguyễn Thái Học, phía Đông khu phố cổ trên phố Phan Bội Châu, nơi đây từng là nhà ở của các công chức dưới thời Pháp thuộc. Các ngôi nhà trên các tuyến phố này được xây dựng san sát nhau tạo thành “
tuyến phố Pháp”, phần lớn một tầng. Ngoài ra còn rất nhiều các ngôi nhà khác được xây dựng đơn lẻ, không liên tục trên các phố Trần Phú, Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Hiệu, Bạch Đằng, một số khác được xây dựng tại các vùng ven của khu phố cổ. Cùng với thể loại nhà ở theo kiểu lô phố, nhà ở biệt thự, nhà vườn cũng được xây dựng, tuy số lượng không lớn nhưng cũng góp phần tạo sự đa dạng về thể loại đối với di tích kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An.
Nhà kiến trúc Pháp ở đường Phan Bội Châu - Ảnh: Hồng Việt
Khi khu phố được đầu tư chỉnh trang cải tạo các con đường cũ thành những con đường mới thẳng và đều hơn, quan sát thực tế các ngôi nhà trên các tuyến đường chính trong khu phố cổ có thể thấy các ngôi nhà có niên đại xây dựng sớm, phía trước mặt nhà thường không có không gian vỉa hè hoặc bị phá bỏ bớt một phần phía trước để nhường không gian lại cho việc chỉnh trang, mở rộng đường phố, trong khi đó các di tích kiến trúc pháp có phần vỉa hè rộng hơn thậm chí có bố trí cả phần sân trước, chiều cao tầng nhà cao hơn, rộng hơn, chính những yếu tố này ngoài việc tạo sự thông thoáng cho công trình, còn góp phần tạo nên diện mạo riêng cho khu phố cổ và phần nào lý giải cho những quy định tiến bộ được vận dụng từ các nước Phương Tây trong công tác quản lý - quy hoạch đô thị ở giai đoạn này.
Qua khảo sát có thể thống kê được các đặc điểm diện mạo kiến trúc các di tích nhà ở mang phong cách kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An như sau:
Kiến trúc mặt đứng công trình: Được sử dụng ngôn ngữ kiến trúc theo bố cục đối xứng, mặt trước ngôi nhà được xây tường gạch, phần lớn được bố trí ban công, phần hiên có bố trí cột, tùy theo chiều ngang ngôi nhà mà công trình được bố trí hai cột hoặc bốn cột chia mặt đứng công trình thành một hoặc ba gian. Giữa các cột hiên được trang trí bởi các vòm cuốn, với các công trình được xây dựng ở giai đoạn muộn hơn thường sử dụng các dầm thẳng được xử lý chi tiết ở hai đầu vị trí tiếp xúc với cột bằng các hình thức vác góc hoặc những đường cong đặc trưng tạo sự mềm mại cho công trình. Hệ cửa được sử dụng thông thường là một bộ cửa đi ở giữa và hai bộ cửa sổ hai bên. Hệ mái thông thường là hai mái, độ dốc lớn, được lợp bằng ngói âm dương, một số ít sử dụng ngói vẩy cá, phần lớn có bố trí sê-nô chắn nước. Đối với các nhà ở biệt thự, nhà vườn các chi tiết được sử dụng đa dạng hơn chủ yếu theo phong cách cổ điển.
Về tầng cao và kích thước công trình. Những ngôi nhà kiểu Pháp ở Hội An cao từ 1 đến 2 tầng, có chiều rộng từ 6m đến 9m, một vài trường hợp đặc biệt có thể cao hơn, chiều sâu từ 30m đến 40m được thay đổi theo từng tuyến phố.
Đặc điểm tổ chức không gian: Các nhà ở lô phố được xây dựng trên dãy đất có chiều ngang hẹp, bố cục tổ chức không gian được bố trí theo chiều sâu, tầng 1 gồm không gian hiên (
sân trước nếu có) - không gian kinh doanh buôn bán, không gian thờ (
đối với nhà một tầng) - nhà cầu nối kết hợp với sân trong - không gian ăn, sinh hoạt gia đình, phòng ngủ
(đối với nhà một tầng) - bếp, khu vệ sinh kết hợp bố trí sân sau; tầng 2 thông thường được bố trí phòng thờ phía trước và các phòng ngủ phía sau. Với thể loại nhà ở biệt thự và nhà vườn được xây dựng trên diện tích đất rộng, công trình thường được bố trí ở vị trí giữa khu đất, xung quanh là vườn, phía trước là khoảng sân rộng.
Cấu trúc công trình: Tường xây gạch kết hợp hệ cột gỗ hoặc gạch chịu lực, có bố trí các hệ dầm chính, dầm phụ đỡ sàn. Phần diện tích sàn tiếp xúc trực tiếp với không gian bên ngoài thường bị ảnh hưởng của thời tiết nên phần lớn thường được sử dụng vật liệu bê tông thay cho vật liệu gỗ truyền thống. Hệ khung gỗ đỡ mái thường được sử dụng chủ yếu là hệ kèo kẻ suốt.
Vật liệu sử dụng: Chủ yếu sử dụng vật liệu gạch, gỗ, bê tông và đá được sử dụng ít hơn.
Hình thức trang trí: Đơn giản, chủ yếu là trang trí mặt trước công trình bằng các phào chỉ, vòm cuốn, các hoa văn đơn giản gần gũi với thiên nhiên, con người như hoa, lá, đắp vẽ các pannô, sử dụng các cấu kiện khuôn hoa đúc sẵn.
Bên cạnh các di tích kiến trúc Pháp thuộc thể loại nhà ở, các di tích thuộc thể loại công cộng như chợ, công sở,… cũng có những diện mạo kiến trúc tương tự về phong cách, bố cục mặt đứng, chi tiết trang trí, sử dụng vật liệu… Các công trình thuộc thể loại này ở Hội An còn rất ít, hiện đã bị phá bỏ một phần hoặc hoàn toàn như các công trình Chợ Hội An
(đã được đầu tư phục hồi), Tòa Khâm sứ
(nay là khách sạn Hội An)…
Từ những diện mạo được nêu trên cho ta thấy các công trình kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An ngoài việc sử dụng hình thức trang trí mặt đứng theo phong cách kiến trúc Pháp, các thành phần khác của công trình từ bố cục tổ chức không gian, cấu trúc công trình, sử dụng vật liệu,... phần lớn được địa phương hóa ngay từ những thời điểm hình thành vừa tạo cho các công trình kiến trúc kiểu Pháp có một diện mạo mới góp phần nêu bật sự giao lưu văn hóa, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên, công trình kiến trúc và cảnh quan đô thị.
Trong nội dung bài viết này có thể chưa thật sự nêu hết được các giá trị nổi bật về vai trò của kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An. Nhưng với những gì hiện hữu, chúng ta phải thừa nhận rằng các di tích kiến trúc kiểu Pháp ở Hội An đã trở thành một phần không thể thiếu trong quần thể kiến trúc đô thị lịch sử của thành phố ngày nay. Mặc dù được hình thành trong giai đoạn muộn hơn so với các kiểu kiến trúc khác, song xét một cách toàn diện, bản thân nó đã được nhào trộn một cách nhuần nhuyễn với các thành phần kiến trúc khác cùng cảnh quan đô thị truyền thống tạo nên một diện mạo đô thị độc đáo và đã trở thành qũy di sản kiến trúc có giá trị toàn cầu. Vì vậy, giá trị kiến trúc ấy cần phải được nhận định, đánh giá một cách đầy đủ hơn từ đó đặt ra kế hoạch và phương thức ứng xử phù hợp trong bối cảnh hiện nay