Tổng quan về kiến trúc các di tích thờ cúng Cá Ông ở Hội An

Thứ năm - 27/04/2023 03:41
Ở khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Mỗi loại hình di tích tôn giáo, tín ngưỡng có một tên gọi khác nhau, bên trong di tích có các đối tượng thờ tự riêng biệt, rõ ràng. Các loại hình di tích tín ngưỡng tiêu biểu ở Hội An gồm: Đình, chùa, miếu, lăng, hội quán, văn chỉ.
      Về tính chất, lăng vừa là nơi chôn cất xương cốt, vừa là nơi thờ tự. Với các làng nghề đánh bắt trên biển ở miền Trung, xuất phát từ tục thờ cúng cá Ông, khi cá Ông lụy dạt vào bờ, ngư dân tổ chức mai táng. Sau vài năm, cải táng lấy xương cốt chuyển về thờ trong một công trình kiến trúc tín ngưỡng riêng biệt, gọi là lăng Ông. Trước đây, các triều đình phong kiến Việt Nam công nhận vai trò quan trọng của cá Ông đối với ngư dân nên đã nhiều lần ban sắc phong, gia tặng mỹ tự “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần” và cho ngư dân khắp nơi lập lăng để thờ.

      Ở Quảng Nam, hầu như xã phường ven biển nào có nghề đánh bắt hải sản cũng có lăng Ông. Các làng/vạn chài ở Hội An cũng không ngoại lệ. Theo Danh mục Di tích - Danh thắng Hội An xuất bản năm 2015, hiện có 05 lăng Ông đã được đưa vào Danh mục di tích/bảo vệ ở các cấp khác nhau, đó là: Lăng Ông Ngư (Bãi Làng, Tân Hiệp), lăng Ông (Thanh Nhứt, Cẩm Thanh), lăng Ông An Bàng (An Bàng, Cẩm An), lăng Ông Năm Sở (Hà Trung, Cẩm Nam) và lăng Tiêu Diện (Phước Trạch, Cửa Đại). Ngoài ra, còn có một số di tích tín ngưỡng khác thờ cúng cá Ông nhưng chưa được đưa vào Danh mục bảo vệ như: Lăng vạn Thanh Thuận (Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam), lăng Ông Nam Hải (Phước Tân, phường Cửa Đại) vừa được tôn tạo thời gian gần đây, lăng Ông Tân Thành (Tân Thành, phường Cẩm An), …

      Về niên đại xây dựng, hầu hết lăng được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, có niên đại trên dưới 100 năm. Hiện chưa có đủ tư liệu để nhận biết chính xác lăng Ông nào có niên đại khởi dựng sớm nhất. Một số lăng xây dựng sát sông, sát biển, trải qua thời gian, nền đất bị xói lở, phải di dời lăng đến vị trí khác như lăng Ông ở Cẩm Nam, lăng thờ thần Nam Hải ở Cửa Đại. Từ khi khởi dựng đến nay, do nhiều yếu tố tác động, các lăng đều bị xuống cấp. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, hình thức kiến trúc, các yếu tố gốc của di tích ít nhiều bị mất đi hoặc có sự biến dạng. Mỗi địa phương lại có hình thức kiến trúc lăng không hoàn toàn giống nhau, do đó khá khó khăn trong việc nhận định, đưa ra những nét kiến trúc đặc trưng, riêng biệt của lăng thờ cá Ông so với các loại hình kiến trúc tín ngưỡng khác. Dưới đây là những điểm tương đồng nhất về kiến trúc lăng thờ cá Ông ở Hội An. 
 
Lăng Ông An Bàng Cẩm An
Lăng Ông An Bàng - Cẩm An năm 2009 - Ảnh: Hồng Việt

      Cũng giống như một số loại hình kiến trúc khác, lăng có nhiều quy mô khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Qua khảo sát, các lăng được xây cất gần vạn, hoặc nằm giữa khu vực dân cư sinh sống và không theo một hướng cố định nào, tùy vào vị thế khu đất mà có các hướng khác nhau. Có lăng nằm sâu trong nội địa như lăng Ông ở Cẩm Nam. Với các lăng xây dựng gần biển, mặt tiền lăng luôn được xây hướng ra phía biển. Lăng có khuôn viên độc lập, một số ít lăng nằm chung khuôn viên với các công trình tín ngưỡng khác như: Lăng Ông ở phường Cẩm Nam (trong khuôn viên gồm 5 di tích xây cạnh nhau: lăng Ông, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, miếu Âm linh, miếu các Vạn ghe bầu), lăng vạn Thanh Thuận (nằm cạnh đình Tiền hiền Thanh Nam, phường Cẩm Nam), lăng Ông ở phường Cửa Đại (trong khuôn viên còn có miếu thờ Tiêu Diện Đại sĩ Diệm Khẩu Quỷ vương). Tuy nhiên, qua tư liệu, có thể thấy rằng trước đây người dân xây dựng một số lăng Ông nằm trong cụm công trình kiến trúc tín ngưỡng có quy mô lớn, là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng quan trọng của các cư dân vạn chài. Như vị trí tọa lạc lăng Ông ở Cẩm Thanh hiện nay, trước đây có 4 công trình tín ngưỡng xây cạnh nhau: lăng Ông, miếu Thổ thần, miếu Ngũ hành, miếu Âm linh, trong đó lăng Ông là di tích có quy mô lớn nhất. Khu di tích đã bị hủy hoại trong chiến tranh. Do kinh tế khó khăn, chỉ đến năm 1992 mới phục dựng lại lăng Ông trên nền móng hậu tẩm của lăng Ông cũ. Hay “theo lời của một số cụ cao niên, trước đây thần Nam Hải được thờ tại lăng Năm Sở (thuộc xã Cẩm An cũ) nằm gần bờ biển nên đã bị sạt lở, từ đó thần được ngư dân địa phương chuyển về thờ chung tại lăng Tiêu Diện cho tới ngày nay[1]. Lăng Năm Sở được nhắc đến ở đây có thể là một cụm gồm 5 công trình tín ngưỡng, tương tự như cụm lăng Năm Sở tại phường Cẩm Nam.

      Nhìn chung, mặt bằng tổng thể của lăng Ông gồm: Bình phong, sân trước, lăng thờ và tường rào, cổng ngõ bảo vệ. Các hạng mục này được bố cục đăng đối để tạo sự tôn kính, uy nghiêm. Hầu hết lăng có khuôn viên rộng, thoáng đãng.

      Bình phong án ngữ ở chính giữa, phía trước lăng, là vật che chắn theo quan niệm về phong thủy, dùng để ngăn chặn tà khí từ các hướng xấu hoặc từ các vật lạ đặt phía trước chiếu vào. Bình phong thường có dạng cuốn thư, một số ít có mái che giống hình thức khám thờ (lăng Ông ở Cẩm Thanh, lăng Ông Tân Thành). Mặt trước thường đắp linh vật (long mã, hổ[2]), mặt sau xây bệ thờ Âm linh (陰 靈), riêng mặt sau bình phong lăng Ông ở Cẩm Thanh có đắp nổi hai chữ[3]: 髙 望 (Cao vọng - từ mang ý nghĩa cát tường, tỏ ý tôn trọng những người ở trên, tức đã mất). Việc thờ cúng âm linh nhằm mong âm hồn đừng quấy phá và tạo điều kiện thuận lợi cho công việc làm ăn buôn bán, cầu an, cầu mùa, cầu mong xứ sở, xóm làng được bình yên. Chỉ có phía sau bình phong lăng Ông Ngư ở Tân Hiệp là không thờ Âm linh mà đắp nổi đồ án “Thần Ngư hí nguyệt(Cá thần vui với trăng).

      Qua bình phong là khoảng sân rộng, thoáng, ít hoặc không có trồng cây xanh. Tại lăng hằng năm tổ chức lễ tế “xuân thu nhị kỳ”, thường kết hợp lễ cầu ngư với lễ tế xuân. Ngày này trở thành ngày hội lớn của cư dân làng vạn, được đặc biệt coi trọng, xem là đại lễ. Cùng lễ tế, các trò chơi thể thao miền biển như đua ghe, lắc thúng chai,… cũng được tổ chức linh đình, tập trung rất đông người. Do đó, khoảng sân (giữa bình phong và lăng thờ) phải có diện tích đủ lớn để đảm bảo không gian tổ chức các sự kiện này, không có cây cối gây vướng víu khi cần dựng rạp có mái che.

      Lăng thờ nằm về phía cuối khu đất, thường có quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù có kích thước, quy mô khác nhau, song các lăng đều có mặt bằng hình chữ Đinh (丁) tạo thành tiền đình và hậu tẩm.

      Tiền đình có kiểu thức nhà 3 gian, gian giữa thường rộng hơn hai gian bên do gian này nối liền với hậu tẩm là nơi thờ tự chính. Với các lăng sát biển (lăng Ông Ngư Tân Hiệp, lăng Ông An Bàng), thường chịu tác động mạnh từ gió bão, lăng được xây dựng hoàn toàn bằng gạch và vữa vôi theo kiểu cuốn vòm (đổ bê tông vữa vôi cốt tre, bên trên xây gạch tạo độ dốc mái) nhiều nhịp với tường dày, cột gạch lớn tạo không gian nội thất sâu hun hút và thêm phần linh thiêng. Kiểu thức xây dựng này không chỉ dùng cho lăng mà còn cho các công trình tín ngưỡng khác xây dựng gần biển. Với các lăng có đòn tay gỗ đỡ mái (thường có quy mô nhỏ hơn lăng xây kiểu cuốn vòm nêu trên), nằm giữa các vạn thì tường gạch bao che, chịu lực có tiết diện mỏng hơn. Dù không có cột gạch, gỗ chống đỡ, phân chia không gian nhưng qua cách bài trí nội thất, hệ kèo trính đỡ mái vẫn gợi kiến trúc nhà 3 gian rất rõ nét. Tuy nhiên, hệ kèo trính lại có hình thức rất đơn giản, không chạm trổ cầu kỳ giống như trong các công trình tín ngưỡng khác (đình, miếu,...). Phía trước tiền đình có hiên (trừ lăng Ông Ngư Tân Hiệp). Ngăn cách giữa không gian bên ngoài và nội thất lăng là các bộ cửa gỗ thượng song hạ bản. Chỉ riêng tiền đình lăng Ông An Bàng có không gian “mở” hoàn toàn, không lắp dựng cửa đi.
 
Di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm
Di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm năm 2012 - Ảnh: Hồng Việt

      Hậu tẩm chỉ có một gian, là nơi thờ ông Nam Hải và đặt các hòm xương cá Ông. Hậu tẩm ngăn cách với tiền đình bằng bộ cửa thượng song hạ bản. Với lăng có mái xây kiểu cuốn vòm, nóc hậu tẩm hơi thấp hơn nóc tiền đình. Ngược lại, với lăng có kèo trính gỗ đỡ hệ mái, nóc hậu tẩm lại cao hơn nóc tiền đình.

      Ở lăng Ông, việc bố trí không gian thờ tự trong di tích rất trang nghiêm, hệ thống bàn thờ được trang trí rực rỡ, nhiều hoành phi, liễn đối có giá trị. Trước hậu tẩm có hương án bằng gạch dùng để bày lễ vật hiến cúng trong các ngày lễ tế. Hai gian bên thờ tả ban, hữu ban liệt vị, Quang Tiền (光 前), Dụ Hậu (裕 後) để tôn vinh các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, hay các chữ mang ý nghĩa cát tường như Phúc, Thọ, Phước Hải, Thọ Sơn. Ở lăng Ông An Bàng và lăng Tiêu Diện, tả ban, hữu ban được thờ trong hậu tẩm, ở hai bên bàn thờ chính. Bàn thờ chính ở hậu tẩm không có tượng mà chỉ thờ chữ Thần (神). Hậu tẩm lăng Ông Tân Thành có hai chữ “Ngọc Lân” (玉 鱗). Riêng hậu tẩm lăng Ông Ngư Tân Hiệp, lăng Ông An Bàng là không có thờ tự, chỉ là nơi đặt các hòm xương cá Ông. Tuy nhiên, trên bệ thờ trước hậu tẩm lăng Ông Ngư có đến 13 bài vị sơn son thiếp vàng bằng gỗ khắc các thần hiệu của cá Ông.

      Trang trí ngoại thất lăng cũng được chú trọng không kém phần nội thất. Mái được lợp ngói âm dương, đuôi mỗi vồng ngói gắn đĩa sứ càng tăng phần thẩm mỹ. Bờ nóc, bờ chảy trang trí các con vật trong bộ tứ linh, hoa dây, quy thư, đề tài lưỡng long tranh châu,... rất sinh động, kết hợp với mái ngói rêu phong làm nên sự cổ kính của hệ mái và công trình.

      Trong các chi tiết trang trí ở lăng, ít nhiều đồ án có liên quan đến đề tài sông nước như: Thần ngư hí nguyệt, long ngư hí thủy, lý ngư hóa long,… được đắp, tô vẽ ở bình phong, bờ chảy mái trước tiền đình, quần bàn hương án, các bàn thờ hay ở giá kỉnh. Hay quần bàn ở bàn thờ hai bên tả hữu ở lăng Ông An Bàng vẽ hình cá voi, liên quan trực tiếp đến đối tượng được thờ tự trong lăng. Các hòm gỗ đựng xương cá Ông cũng được sơn son, chạm khắc tỉ mỉ để tỏ lòng tôn kính, đặt trang trọng trong hậu tẩm. Cửa hậu tẩm thường xuyên đóng kín, không gian u trầm cùng làn khói hương huyền ảo,… tất cả tạo nên không khí linh thiêng ở lăng Ông.  

      Như vậy, có thể nói lăng Ông là điểm sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của các làng/ vạn có truyền thống ngư nghiệp. “Về chức năng thế tục, lăng Ông là nơi sinh hoạt nghề nghiệp, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đãi đằng khách trong lễ tế thần. Rõ ràng lăng Ông đã mang dáng vẻ, tính chất như một ngôi đình. Nếu cư dân trồng lúa có đình làng là biểu tượng của làng xã thì cư dân làm nghề biển cũng có biểu tượng của làng vạn là lăng Ông. Nếu ở đình làng, chủ thần là Thành hoàng, vị thần ban phúc cho dân làng thì ở làng vạn, chủ thần là cá Ông - ông Nam Hải - vị thần nắm giữ bản mệnh, bảo trợ cho dân vạn chài[4].

      Có một hiện tượng khá phổ biến, xảy ra ở nhiều địa phương tại Hội An nhưng mức độ nhiều hơn cả là ở những vùng có liên quan đến nghề đánh bắt sông nước, làng chài, có tục thờ cá Ông như Cẩm An, Tân Hiệp, đó là là việc gọi “miếu” thờ Thần (không phải thần Nam Hải) là “lăng”. Mỗi xóm, ấp đều có xây dựng miếu gắn với tín ngưỡng của cư dân địa phương với quy mô khác nhau, nhưng có một bộ phận người dân thường gọi là lăng, điều này rất dễ gây nhầm lẫn. Như lăng Ông ở xã Cẩm Kim, đây là nơi thờ Cao Các Đại Vương, được người Việt thờ cúng xem như một trong những vị thần bảo hộ của làng xóm. Trong di tích còn phối thờ các vị Thủy Tinh Thần Nữ, Thủy Long Thánh Nương, Ngũ Hành Tiên Nương. Rõ ràng phải gọi di tích này là miếu, nhưng tên gọi trong dân gian lâu nay lại là “lăng Ông”.

      Tóm lại, lăng Ông ở Hội An mang giá trị riêng về nghệ thuật kiến trúc và phản ánh giá trị riêng về văn hóa của cộng đồng. Đây là thiết chế văn hóa tín ngưỡng vô cùng quan trọng đối với cư dân vạn chài, làm nghề đánh bắt trên biển, là nơi thờ cúng đồng thời là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa truyền thống. Trong di sản kiến trúc Hội An, so với các loại hình di tích tín ngưỡng khác, lăng thờ cá Ông chiếm số lượng khá khiêm tốn song vẫn còn bảo tồn được nhiều yếu tố mỹ - kỹ thuật, là nguồn dữ liệu quan trọng để nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc truyền thống, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật địa phương³
 
* Tài liệu tham khảo:
1. UBND thành phố Hội An (2015), Di tích - Danh thắng Hội An, Nxb Đà Nẵng.
2. Nguyễn Xuân Hương, Tục thờ cá Ông của dân vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
3. Hồ sơ các di tích thờ cá Ông trên địa bàn Thành phố, Tài liệu lưu trữ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.
 
[1] Trần Thị Lệ Xuân (2012), Báo cáo kết quả khảo sát di tích lăng Tứ Chánh vạn (lăng Tiêu Diện), khối Phước Thịnh, phường Cửa Đại, Hồ sơ lưu trữ phòng Quản lý Di tích.
[2] Ở mặt trước bình phong lăng Ông Năm Sở (phường Cẩm Nam), lăng Tiêu Diện (phường Cửa Đại) và lăng Ông Tân Thành (phường Cẩm An) có đắp nổi hình hổ. Hổ đứng hàng thứ ba trong 12 con giáp. Theo Nguyễn Hữu Thông (2001), Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb. Thuận Hóa: “Hổ đứng trong hàng ngũ những vị vua của các loài dã thú. Hình tượng con hổ là một trong những con vật chứa đựng nhiều sự ẩn dụ hơn bất cứ con dã thú nào khác. Với người phương Bắc, nó biểu tượng cho quyền uy, chất dũng mãnh của những chiến binh trận mạc.… Trong đạo Phật, hình ảnh con hổ tượng trưng cho sức mạnh của niềm tin, của sự chiến thắng các trở ngại trên con đường tu chứng”. Hiện chưa rõ vì sao hình tượng hổ được chọn để trang trí mặt trước bình phong lăng Ông, nơi gần sông nước, biển đảo, liên quan đến văn hóa biển.
Theo Lý lịch di tích Lăng Ông Ngư, xã Tân Hiệp do NNC. Tống Quốc Hưng lập năm 2006: “Cách lăng 7m về phía trước có bình phong dạng cuốn thư, mặt trước đắp nổi hình hổ, mặt sau đắp hình cá chép uốn lượn uyển chuyển”. Qua đối chiếu ảnh tư liệu di tích năm 2009, do bị bong tróc, mất chi tiết nên đồ án trang trí không thật sự rõ nét nhưng có thể đoán định là “long mã”. Đồ án trang trí mặt trước bình phong hiện nay là “long mã”. 
[3] Chữ Vọng (望) có lẽ do bị thợ sau nhiều lần tu sửa đã làm mất nét nên hiện nay có dạng gần giống chữ Thánh (聖) hoặc chữ Lí (里).
[4] Nguyễn Xuân Hương, Tục thờ cá Ông của dân vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây