Tổng quan về Ghe thuyền ở Hội An

Thứ tư - 15/03/2023 23:24
Vùng đất Hội An với các điều kiện thuận lợi về giao thông đường thủy nối liền trên nguồn dưới biển, nối liền các bến chợ - thị tứ ven sông nội địa và là một tụ điểm giao thương đường biển với cửa Đại Chiêm và Cù Lao Chàm kết nối với mạng lưới hàng hải quốc tế trên biển Đông, cùng với những ưu thế về truyền thống sông nước, hàng hải, về phát triển kinh tế thương nghiệp ngoại thương nên trong quá khứ nơi đây từng là thủ phủ của các loại ghe thuyền.

      Một số nguồn tư liệu thư tịch đã minh chứng sinh động cho vai trò thủ phủ ghe thuyền này của phố cảng Hội An. Vào thế kỷ 17, Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự cho biết khi thuyền của ông ngang qua Cù Lao Chàm thì nhiều ghe thuyền địa phương đã chèo đến vây quanh để trao đổi hàng hóa và khi từ Cửa Hàn vào Hội An dọc theo dòng sông Cổ Cò ông đã thấy nhiều đoàn thuyền tải lương mà “cột buồm trông như rừng tên xúm xít[1]. Đặc biệt trong bức tranh vẽ có tiêu đề Ghe thuyền Đàng Trong trên sông Hội An (CochinChinese Shipping on the River Faifo) trong sách Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 của John Barrow cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh về ghe thuyền ở Hội An[2]. Trong bức vẽ này ta đếm được ít nhất 17 chiếc ghe thuyền với nhiều kiểu loại khác nhau. Cận cảnh là những chiếc thuyền nhỏ, hai đầu sơn son, bên trên có nhiều người hoặc ngồi hoặc đứng, một số người cầm dù, có lẽ đây là những thuyền công vụ hoặc thuyền du ngoạn. Chếch về mép trái là một chiếc thuyền lớn bong sau nhô cao, trụ buồm lớn có các cánh buồm rẻ quạt đã được cuốn xuống, bánh lái nằm sâu trong thân thuyền. Dựa vào đặc điểm hình dáng có thể đây là một thuyền buôn của Bồ Đào Nha hoặc Trung Quốc, Nhật Bản. Mé phải bức vẽ là một chiếc thuyền lớn, hai đầu bằng, phía trước có vẽ mắt, cột buồm lòng nhỏ hẳn về phía trước, mui thuyền ở giữa được nâng cao trông như một ngôi nhà nhỏ. Bên trên thuyền có một số người đầu vấn khăn, một số người khác đội nón rộng vành hoặc cầm dù. Có thể đây là một loại thuyền buôn đến từ các nước Mã Lai - Nam Đảo. Xa xa ở giữa là một số ghe thuyền với những cánh buồm hình tứ giác, có thể đây là những chiếc ghe bầu. Đa phần các loại ghe thuyền này đều có mui hoặc có mái che như những mái nhà cho thấy chúng là những loại thuyền buôn, thuyền vận tải hoặc công vụ hơn là ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản.

fai fo

      Đến năm 1943, J.B. Piétri đã mô tả quang cảnh ghe thuyền ở Hội An trong công trình khảo cứu về Thuyền buồm Đông Dương (Voiliers D'indochine) như sau: “… Mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hội An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng. Chính đây là nơi đóng thuyền bè có uy tín mà trên hai bờ của nó, những tiếng kêu gọi í ới của những người chèo đò, của những thương nhân di chuyển trên sông nước, những phu bốc vác, hòa trộn với tiếng búa xảm trét thuyền và những tiếng rì rầm của những công xưởng đang hoạt động.

      Vào những dịp lễ tết trong năm, người ta tổ chức những cuộc đua thuyền. Thế là trong một cảnh diệu kỳ nhiều màu sắc, trong âm thanh ồn ào của trống kèn cồng chiêng, trong tiếng pháo đì đùng, mọi tàu thuyền, từ thuyền mành Trung Hoa, ghe bầu, ghe nang, ghe trường, tới ghe mành, tất cả kéo lên những lá cờ đuôi nheo có răng cưa của người Việt với đủ màu vàng, đỏ, xanh lá, cam… tất cả ở những dải vải báo gió sặc sỡ, những cờ hiệu, cờ đuôi én, cờ lệnh, quốc kỳ phấp phới trên mọi cột buồm…”[3].

      Với những dòng mô tả mang tính chuyên môn cao và tràn đầy cảm hứng lãng mạn, J.B. Piétri đã phác thảo nên trước mắt chúng ta quang cảnh sinh động của thủ phủ ghe thuyền Hội An, không chỉ ở sự có mặt của nhiều loại ghe thuyền đi sông, đi biển, thuyền nội địa, thuyền nước ngoài mà còn ở nhiều hoạt động liên quan đến việc chế tác, bảo quản ghe thuyền, đến các tập quán, tín ngưỡng thể hiện một truyền thống sông nước, biển đảo lâu đời với nhiều sắc thái phong phú, đa dạng.

thuyen tren song
Vạn ghe ở Hội An năm 1985. Ảnh tư liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 

      Về ghe thuyền nội địa, dựa vào tư liệu thư tịch kết hợp với tư liệu kí ức và khảo sát thực địa, có thể xác định rằng ở Hội An trước đây đã có mặt nhiều loại ghe thuyền, từ các ghe sõng thô sơ dùng để đi lại trên sông rạch đến các ghe thuyền đánh bắt thủy hải sản, ghe thuyền vận tải, ghe buôn nội địa và ghe buôn tham gia vào mạng lưới mậu dịch quốc tế trên biển Đông.

      Đánh bắt tôm cá trên các sông rạch, đầm bàu có các loại ghe, sõng, ghe mê đan toàn bằng tre hoặc ghe săng đóng bằng gỗ, kích thước nhỏ, do 1 hoặc 2 người bơi. Vùng sông nước Cẩm Hà, Cẩm Thanh trước đây có những chiếc trễ rà tôm, đóng bằng gỗ, thân nhỏ, 2 đầu bằng. Một phương tiện đánh bắt thủy sản rất ấn tượng thường đi lại hành nghề tại các dòng sông là những chiếc ghe rớ ngao với giàn rớ ngất ngưỡng phía trước mũi. Đánh bắt hải sản trên biển có các loại ghe câu, ghe giả, ghe mành có gắn buồm. Một loại ghe đặc trưng của Hội An được gọi là ghe trường. Loại ghe này theo mô tả của J.B. Piétri có trọng tải không vượt quá 20 tấn, có bộ buồm và có mui để làm nơi trú ngụ của gia đình chủ thuyền[4]. Chúng có đáy bằng mê tre, bên trên có các thanh be bằng gỗ hoặc đóng hoàn toàn bằng gỗ.

      Về ghe buôn đường dài trên biển, Hội An vốn là bến gốc của nhiều đoàn ghe bầu, trọng tải lớn với các vạn buôn ghe bầu nổi tiếng như Thanh Châu, Cẩm Phô, Thanh Hà,… Ghe bầu với những tính năng kỹ thuật vốn có được xem là những “con cá bay” hoặc “những con tuấn mã” trên biển Đông. Vào mùa mậu dịch, thương cảng Hội An còn tiếp nhận nhiều chuyến ghe bầu, ghe buôn cập bến từ các bến cảng khác trong Nam ngoài Bắc tạo thành cảnh quan trên bến dưới thuyền nhộn nhịp. Tham gia buôn bán nội địa tại chỗ có các loại ghe nguồn, ghe bầu loại nhỏ, ghe nang. Ghe nguồn là loại ghe tham gia buôn bán tại các ngõ nguồn của xứ Quảng, chúng có mái che để bảo quản hàng hoá và làm nơi trú ngụ của chủ ghe.

      Ghe thuyền vận tải thì có thuyền tải lương như mô tả của Thích Đại Sán. Có lẽ chúng là những chiếc ghe bầu lớn hoặc là những thuyền mành kiểu Trung Hoa. Ngoài ra cũng không thể bỏ qua những chuyến đò ngang, đò dọc chuyên chở hành khách và hàng hóa qua lại, xuôi ngược ở nhiều bến chợ cập cảng Hội An.

Ghe lui đến bến Phó Thừa

Hội An đến đó trời vừa sáng ra

Hỏi người hoa nguyệt nguyệt hoa

Sáng mai đến phố đôi ta bao lời

      Một loại phương tiện khác có mặt hầu khắp ở các vùng sông nước, biển đảo ở Hội An là thúng chai (thuyền thúng). Thúng chai truyền thống ở Hội An có hình dáng tròn, đan bằng tre mây, cước, là phương tiện mưu sinh cá nhân của các nghề lưới, rập tại các vùng hói lạch, đầm bàu trong đất liền, nghề câu bờ, gỡ bắt hải sản tại các ghềnh đá ở Cù Lao Chàm. Thúng chai còn là phương tiện đi lại hàng ngày, phương tiện cứu hộ trong những lúc cấp bách. Thúng chai đi theo các ghe thuyền đánh bắt xa bờ để tham gia hoạt động buông câu thả lưới, theo các đoàn ghe bầu để làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa, tiếp tế lương thực,…

      Ngoài các loại ghe thuyền dân sự, do có Đại Chiêm tấn khẩu và các đảo tiền tiêu Cù Lao Chàm nên tại Hội An chắc chắn còn có những thuyền chiến của thủy quân để tuần phòng, làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tại tấm bia trùng tu chùa Hải Tạng ở Cù Lao Chàm lập năm Tự Đức nguyên niên (1848) ta thấy ghi tên nhiều võ quan thuộc các phiên hiệu thủy quân triều Nguyễn.

      Với vai trò là một thương cảng quốc tế nơi tàu thuyền các nước thường xuyên cập bến nên vào mùa mậu dịch hàng năm, ngoài các loại thuyền buôn nội địa, tại thương cảng Hội An còn có mặt nhiều thương thuyền nước ngoài, trong đó có thể kể thuyền buôn Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và một số nước trong khu vực. Những thuyền buôn này chắc chắn là những thuyền buồm lớn mà hình dáng của nó còn được lưu lại trong các mô hình thuyền buôn Trung Hoa trưng bày ở một số hội quán người Hoa, mô hình Châu Ấn thuyền Nhật Bản trưng bày tại Bảo tàng Hội An,…

      Cuối cùng cũng cần nhắc đến một loại phương tiện sông nước gắn với tín ngưỡng dân gian và hoạt động hội hè hàng năm là những chiếc ghe đua. Hầu như làng xã nào ở Hội An cũng có 1 hoặc 2 chiếc ghe loại này. Ghe đua có thân dài, hẹp, mũi sơn màu sắc rực rỡ. Những chiếc ghe này được bảo quản cẩn thận và chỉ hạ thủy để tham gia các cuộc đua ghe vào những dịp hội hè, lễ tết hàng năm nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn bán thuận buồm xuôi gió, tạo thành một hoạt động vô cùng náo nhiệt, đầy màu sắc trên các dòng sông…

      Ghe thuyền và các hoạt động liên quan đến ghe thuyền như đã trình bày là bằng chứng sinh động cho quá trình tương tác, thích nghi mạnh mẽ với môi trường sông nước, biển đảo cũng như truyền thống hàng hải của người Việt tại Hội An, xứ Quảng nói riêng, miền Trung, Việt Nam nói chung. Truyền thống này cần được tiếp tục làm rõ qua những công trình khảo cứu toàn diện, cụ thể và khoa học hơn³

thuyen tren song hoai
Ghe thuyền trên sông Hoài. Ảnh: Hồng Việt

 

[1] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963, tr.146.

[2] John Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb Thế giới, 2018.

[3] J.B. Piétri, Thuyền buồm Đông Dương, Đỗ Thái Bình dịch, Nxb Trẻ, 2015, tr.122-123.

[4] J.B. Piétri, Thuyền buồm Đông Dương, sđd, tr.125.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây