Trong văn hóa truyền thống của người Hội An, nếp sống là giá trị nổi bật, được gầy dựng, bồi đắp từ lâu và luôn được đề cao. Vào thế kỷ XVII, khi Đô thị thương cảng Hội An có sự phát triển thịnh đạt, trong vai trò khác nhau, những người Châu Âu xa xôi đã đến Hội An và có những nhận xét về con người Hội An như sau:
Cristophoro Borri trong tác phẩm Xứ Đàng Trong năm 1621 nhận xét về tính tình của người Đàng Trong (Hội An) lúc bấy giờ: “Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta… người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ rất lâu”. Tác giả cũng dùng nhiều từ ngữ mô tả về tính tình của họ: “rất trọng khách”, “rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng”, “họ có tính quảng đại”, “nhanh nhảu và rộng rãi hay cho”, “rất kính trọng người trên”, “tử tế và có tính tình hòa nhã”…
Pierre Poive, một nhân viên công ty Đông Ấn thuộc Pháp đến Hội An năm 1749 nhận xét: “Người dân ở đây dũng cảm và cần cù, bản tính giản dị, thẳng thắn tôn trọng sự thật. Họ nghèo và ít học nhưng lịch thiệp đặc biệt đối với người ngoại quốc… Ngoài việc buôn bán giỏi, những người lao động, những người nấu đường và dệt vải, cả những người xây nhà… rất được quan tâm”[2].
Nhật ký hải trình của thuyền trưởng Rey trên con tàu Henry từ Pháp đến kinh đô Huế vào năm 1819 đã có dịp ghé và trao đổi hàng hóa ở Hội An có những đoạn nhận xét: “Làm quen, gặp nhiều cư dân ở đây khiến chúng tôi xác quyết thêm về nhận định là người dân nơi đây rất dễ chịu và mến khách, một số sĩ quan ở lại nhà dân nhiều ngày, không gặp bất cứ một sự xua đuổi hay phiền nhiễu nào, ngược lại được tiếp đãi thật là thân mật và nồng hậu”. Hay nhận xét về những người buôn bán ở Hội An thì: “Người bình dân xứ này hơn hẳn thành phần tương tự ở Trung Hoa và còn hơn cả người Âu Châu nữa về mặt đạo đức và tốt bụng”[3].
Ở Hội An, nơi mà yếu tố làng - xã trong lịch sử có sự chi phối khá đậm nét đến các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội, ở cả vùng nông thôn và nội thị, dẫn đến sự chi phối, định hình nếp sống của mỗi người theo các chuẩn mực chung của cộng đồng làng - xã. Đó là những tục lệ, hương ước bắt buộc bản tính cá nhân phải được điều chỉnh trong khuôn phép mà cộng đồng quy định. Điều này thể hiện rõ trong tài liệu Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông Bác cổ ghi chép điều tra về làng xã ở Quảng Nam vào những năm 1943-1944, trong đó có nhiều làng - xã ở Hội An. Thông tin ghi nhận hầu hết các làng/xã, từ nông thôn đến thành thị đều có tục lệ mang tính răn dạy, gìn giữ nếp sống của con người trong phạm vi làng/xã của mình. Chẳng hạn ở các làng/xã nông thôn có: Tục lệ làng Thanh Đông (nay thuộc thôn Thanh Đông - xã Cẩm Thanh) thì: “Về vụ tiếp cửu thì làng này rất nghiêm, trừng trị bất cần hạng người nào hễ nghe kêu tiếp cứu là phải ứng ngay ai trái sẽ bị trừng phạt nặng, nếu bất tuân giải quan nghiêm trị”[4]. Tục lệ làng Tân Hiệp (nay là xã Tân Hiệp - đảo Cù Lao Chàm) thì: “Việc chính trị kiện cáo, có Ban thường trực thì bao giờ làng cũng lấy sự hòa nhã mà xử cho dân chúng, chứ làng không phạt ai cả, làng chỉ la rầy và phạt cau trầu rượu thôi, nếu quá đáng sẽ giải quan nghiêm trị”[5]. Tục lệ làng Sơn Phô (nay thuộc phường Cẩm Châu) thì: “Phong tình tục lệ của làng này tuy thế, nhưng xét ra vẫn được cái tốt là phong thuần mỹ tục, nhân nhượng lẫn nhau, ít kẻ phá hoại và làm trái với pháp luật”[6]. Làng - xã thành thị có: Tục lệ làng Minh Hương (nay thuộc phường Minh An) thì: “Việc cai trị ở làng, tội bất hiếu, bất lục thì nêu tên vào bản thân minh đình sau khi biết cải quá làng cũng xóa cho”[7]. Đặc biệt, theo tài liệu điều tra này thì làng Hội An[8] còn giữ được nội dung của bản hương ước gồm 12 điều lệ, trong đó có một số điều lệ liên quan đến xây dựng nếp sống trong làng[9].
Trong tài liệu Hán Nôm đang lưu giữ tại dòng họ Nguyễn Tường có bản sơ thảo mười điều lệ làng Cẩm Phô của ông Nguyễn Trường Tiếp, trong đó quy định rất nhiều nội dung có liên quan đến xây dựng nếp sống con người, như: Về tiết kiệm thì: “Lễ kỳ yên được chuẩn tiền bao nhiêu, văn chỉ được chuẩn tiền bao nhiêu, nhà thờ làng chuẩn bao nhiêu, phỏng rõ số lượng, không thể tiêu hoang”. Về răn cấm thói ngoan cố: “Phàm dân làng nếu ai được sai việc gì mà thoái thác, suy bỉ hay nói năng cao ngạo, bất kính, hoặc do rượu nói càn, làm trái với hương đảng, thì phạt roi đau, heo 1 con, trầu rượu 1 mâm”. Về làm cho phong tục đôn hậu: “Phàm hương sắc, hào mục, lý dịch, lễ mừng, lễ điếu thì lui tới với nhau, lúc tật bệnh thì an ủi nhau. Tình phải gần gũi nhau, ví như một thể. Nếu có sai lầm thì lấy lời lẽ giúp nhau là chính, không thể nói nặng lời, làm thương tổn hậu tục mà gây ra hiềm thù, kiện cáo”[10]. Ngoài ra, trong gia phả tộc Châu - một tộc lớn của làng Minh Hương ở Hội An có đoạn: “Hội An là nơi buôn bán dễ dãi, sưu thuế nhẹ nhàng, nam canh nữ chức, tục mỹ phong thuần, khiến cho lòng khách viễn phương ai nấy đều muốn kiết cư lập nghiệp”[11].
Có thể nói, việc hình thành nên nếp sống của người Hội An có sự tổng hòa của nhiều yếu tố, từ môi trường tự nhiên, lịch sử, đến quá trình tiếp biến - giao thoa văn hóa qua nhiều lớp cư dân trong hơn 3.000 năm nay trên mảnh đất Hội An. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh đến môi trường sống của con người Hội An được thụ hưởng có tác động, chi phối, điều tiết trực tiếp đến nếp sống của con người Hội An.
Trước hết là môi trường sống chung quanh có rất nhiều công trình mang yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo. Rải rác trên địa bàn thành phố là hàng trăm công trình với nhiều chức năng khác nhau tạo sự ràng buộc về tâm thức trong phạm vi dòng tộc, trong xóm làng, trong tổ chức nghề nghiệp, trong bang hội, trong bà con các tôn giáo. Riêng trong danh mục di tích lịch sử - văn hóa của thành phố có đến 325 di tích là có liên quan: Đình: 24, chùa: 17, miếu: 66, hội quán: 5, nhà thờ tộc: 45, thánh thất/nhà thờ/phật đường: 5, lăng: 6, mộ: 47… chưa kể còn rất nhiều công trình khác chưa nằm trong danh mục thống kê của thành phố, trong đó có nhiều ngôi miếu xóm hiện còn hoặc đã bị hư hại nhưng vẫn còn nền móng và là không gian linh thiêng trong mỗi cộng đồng. Ngay cả trong các làng nghề truyền thống vẫn còn duy trì nhiều thiết chế tín ngưỡng cộng đồng. Chẳng hạn ở làng gốm Thanh Hà, với diện tích không lớn nhưng có đến: 08 địa điểm[12]. Tại Cù Lao Chàm, trong tổng số 37 di tích có đến 02 ngôi đình, 17 ngôi miếu, 3 chùa, 01 lăng. Trong những công trình ấy, hệ thống hoành phi, liễn đối rất phong phú, mang nhiều giá trị về lịch sử, văn học, nghệ thuật,… riêng về giáo dục con người cũng hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc nhằm: “… nhắn gởi của người xưa để lại cho các thế hệ mai sau là phải giữ trọn đạo làm người, phải cố gắng rèn luyện tài đức, đem tài ra giúp nước theo tôn chỉ “ích nước lợi dân”[13]. Tại khu phố cổ, các công trình tín ngưỡng nằm rải rác trên các tuyến đường, xem lẫn với các dãy nhà ở. Ở khía cạnh nào đó, câu nói dân gian: “Thượng Chùa Cầu - Hạ Âm Bổn” cho thấy khu phố cổ được bao bọc trong một không gian đậm yếu tố tín ngưỡng, với điểm đầu là Chùa Cầu - nơi có miếu thờ Bắc đế Trấn Vũ và điểm cuối là Quan Công miếu - nơi thờ Quan thánh Đế quân.
Và quan trọng là con người được sống trong môi trường gia đình với những điều rất trực quan về răn dạy, uốn nắn đạo đức, lối sống. Có thể nói, trong không gian mỗi ngôi nhà cổ ở Hội An là một không gian vô cùng linh thiêng. Trên cửa vào nhà là cặp mắt cửa. Trong tâm thức của người Hội An, mắt cửa “được xem như một cơ quan giám sát vô hình, có thể thấu hiểu, thấu nhìn mọi suy nghĩ và hành vi của các thành viên gia đình trong quan hệ nội bộ”[14]. Gần như trong ngôi nhà nào cũng có những bức hoành phi, liễn đối vừa để trang trí, vừa là lời giáo huấn sâu xa về đạo đức làm người. Không gian linh thiêng nhất luôn có trong mỗi ngôi nhà là gian thờ tổ tiên với khám thờ chạm khắc tinh tế và nhiều đồ tế tự. Nhiều vị trí khác trong ngôi nhà còn bố trí thờ thần tài, thần giếng, thần bếp,… Các chủ đề trang trí về thiên nhiên, con người được chạm khắc phổ biến trên các cấu kiện kiến trúc, trên vật dụng gia đình.
Trong môi trường sống đó, người Hội An tự biết khép mình cho hòa hợp với các mối quan hệ trong gia đình, tộc họ và với môi trường chung quanh; từ cách ăn ở, đi lại, sinh hoạt, giao tiếp… Từ đó, mỗi người đều có ý thức về lòng tự trọng cho cá nhân, gia đình và cộng đồng lớn. Họ biết quan tâm, chia sẻ lẫn nhau, ứng xử thân tình với nhau, kể cả những người mới chưa hề quen biết trước.
Đúc kết lại những gì là tinh túy nhất về văn hóa và con người Hội An, dân gian có câu ca: “Hội An đất chật người đông/Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu”. Dẫu trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những giá trị và phẩm hạnh tốt đẹp trong văn hóa và con người Hội An vẫn luôn được kế thừa, phát huy, trở thành “hiện tượng văn hóa độc đáo”[15].
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và cụ thể hóa nội dung về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch; ngày 11/9/2018, UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 2111/QĐ-UBND phê duyệt Đề án số 3103/ĐA-UBND ngày 11/9/2018 về “Hội An - Nhân tình thuần hậu”. Qua đề án nhằm gìn giữ và phát huy nếp sống văn hóa tốt đẹp của người dân Hội An trong giao tiếp, ứng xử, sinh hoạt; hạn chế và tiến đến đẩy lùi các hành vi thiếu văn minh, văn hóa,… trong cộng đồng dân cư. Toàn bộ nội dung đề án bao hàm đầy đủ các chuẩn mực rất cụ thể về nếp sống văn hóa của người Hội An, vừa kế thừa sự đặc sắc trong truyền thống địa phương, vừa dung hòa các yếu tố truyền thống của dân tộc và thời đại để xứng tầm là chủ nhân đích thực của Di sản văn hóa thế giới. Đây có thể xem là bản hương ước đã vượt lên quy chuẩn truyền thống trong phạm vi làng - xã, trở thành quy chuẩn chung của tập thể cộng đồng lớn hơn là thành phố Hội An hiện nay.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, những giá trị “nhân tình thuần hậu” đã được lan tỏa tốt trong đời sống cộng đồng. Nhiều hành động đẹp đã xuất hiện trong cuộc sống. Nghiệp đoàn xích lô thường xuyên giúp đỡ khách du lịch khi có sự cố, trả lại điện thoại hoặc tài sản có giá trị cho khách du lịch khi du khách đánh rơi, bỏ quên... Các nhân viên thuộc các doanh nghiệp, du lịch đã tự nhận thức và có chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện hành vi ứng xử, giao tiếp của mình. Các di tích được trùng tu, nhà cửa được sửa chữa và công trình đang thi công được gắn các tấm pano “Xin lỗi đã làm phiền các bạn” hoặc “Xe lớn ra vào thường xuyên, chúng tôi thành thật xin lỗi đã làm phiền quý vị”. Các việc làm thiện nguyện, giúp đỡ du khách, công chúng ngoài thành phố khi gặp khó khăn, hoạn nạn ngày càng nhiều hơn, rõ nét nhất qua đợt dịch COVID-19 vừa qua là vô cùng ấm áp nghĩa tình[16]. Nhiều nội dung về bảo tồn di sản văn hóa được cụ thể hóa thành những quy định. Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An quy định đối với khách du lịch khi đến tham quan phải: “Thực hiện đúng nội quy, quy định tại Khu phố cổ và điểm tham quan; tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân trong Khu phố cổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường du lịch”[17]. Tổ chức, cá nhân quản lý điểm tham quan: “Có trách nhiệm bài trí ngăn nắp, gọn, sạch, đẹp, đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch. Việc đón, tiếp, hướng dẫn, giới thiệu phải văn minh, lịch sự, nhiệt tình, thân thiện, an toàn, phù hợp với thuần phong mỹ tục”[18]. Tổ chức hoạt động kinh doanh phải: “Niêm yết công khai, rõ ràng giá hàng hóa, dịch vụ trong địa điểm kinh doanh. Khuyến khích chủ cơ sở kinh doanh, nhân viên giao dịch, bán hàng mặc trang phục truyền thống hoặc đồng phục của cửa hàng đảm bảo gọn gàng, lịch sự; thái độ giao tiếp nhã nhặn, văn minh”[19]. Di tích trên địa bàn thành phố được lắp đặt bảng nội quy với nội dung: Trang phục gọn gàng, lịch sự khi vào di tích; Giữ gìn trật tự, vệ sinh chung; Nghiêm cấm các hành vi làm ảnh hưởng đến giá trị, cảnh quan môi trường di tích như: Đập phá di tích, viết, vẽ vào di tích, sờ vào hiện vật, chặt phá cây xanh, tổ chức các trò chơi có tính sát phạt, các hình thức mê tín dị đoan, các hình thức văn hóa phi vật thể mới không phù hợp với thuần phong mỹ tục của địa phương tại di tích, để vật dụng, công cụ, phương tiện không thuộc di tích trong khuôn viên, buôn bán trong khuôn viên hoặc trước mặt tiền di tích; Không hút thuốc lá, đưa các vật dụng dễ cháy, nổ vào di tích; Thực hiện đúng các quy định khác của điểm tham quan di tích. Khung chấm điểm bình xét thi đua văn hóa các xã phường hàng năm đưa vào quy định 05 tiêu chí về lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa[20]. Nhiều thói quen tốt về bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng được định hình, trở thành nề nếp. Các lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng: Lễ Giỗ Tổ nghề, lễ cầu an, các lễ hội tôn giáo, các lễ hội của bà con người Hoa,… khi đến ngày tổ chức, cộng đồng hăng hái tham gia góp sức vệ sinh, trang trí, chuẩn bị vật phẩm,… rất nhộn nhịp. Các di tích tôn giáo, tín ngưỡng, nhà thờ tộc trên địa bàn thành phố đã trở thành thông lệ nhiều năm nay, đến giờ khắc giao thừa bước sang năm mới đồng loạt gióng chuông, trống tạo bầu không khí ấm cúng, thiêng liêng. Các tổ chức đoàn thể, trường học duy trì việc chăm sóc di tích, nhất là di tích lịch sử cách mạng. Đến các dịp ngày lễ kỷ niệm đều có những hình thức tìm về địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Hoạt động “Phục dựng cây nêu ngày Tết” từ năm 2010 đã chuyển thành “Dựng cây nêu ngày Tết”, hiện nay mỗi năm thu hút trung bình khoảng hơn 30 đơn vị tham gia (chủ yếu là di tích, trường học, thiết chế văn hóa thôn/khối phố, doanh nghiệp). Sau hơn 10 năm, đây đã trở thành tục lệ không thể thiếu trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở Hội An. Tết Nguyên tiêu tại các di tích hội quán, đình, miếu ở Hội An vào các ngày 15 và 16 tháng Giêng thu hút hàng ngàn bà con khắp nơi đến hành lễ. Đặc biệt, lễ diễn ra tại di tích Quan Công miếu vào ngày 16 đã xây dựng được nét đẹp về văn hóa xếp hàng. Hễ cứ muốn đến đây hành lễ là mỗi người đều xác định trong tâm thế biết mình phải xếp hàng. Từ đêm khuya, dù chưa mở cửa đón tiếp nhưng đã có rất nhiều người ở bên ngoài tự giác xếp hàng theo thứ tự chờ đợi. Cứ thế mãi đến cuối buổi chiều, hàng người vẫn cứ nối nhau nhích từng bước chân nhưng rất trật tự, an toàn, không xảy ra cãi vã hoặc trộm cướp tài sản.
Hội An vốn hàm nghĩa là nơi hội tụ của sự an lành. Trên mảnh đất dù diện tích không rộng lớn này nhưng từ chiều dài lịch sử đến nay luôn là địa điểm nổi danh ở trong và ngoài nước. Sức hút của Hội An là ở chính con người Hội An -chủ nhân của di sản văn hóa Hội An nói chung, di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An nói riêng. Thực tế cho thấy bảo tồn di sản văn hóa ở Hội An hay bất cứ hoạt động trên lĩnh vực nào thì con người thông qua giá trị về nếp sống văn hóa cũng là điều cốt lõi nhất. Điều này góp phần khẳng định nếp sống văn hóa, hay rộng hơn là đạo đức, lối sống là một trong những thành tố quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa tại khu vực di sản. Bồi đắp các giá trị nhân văn trong con người Hội An, nhất là về nếp sống văn hoá vừa mang yếu tố đặc trưng truyền thống, vừa tiếp cận hơi thở của thời đại để không chỉ kế tục mà còn hình thành thêm những đặc trưng mới bồi đắp, làm giàu các giá trị nhân văn là điều rất quan trọng và cần thiết ở Đô thị di sản văn hóa thế giới Hội An. Dẫu thực trạng hiện nay đâu đó đã và đang có những biểu hiện, hành vi chưa chuẩn mực nhưng với những nỗ lực của hệ thống chính trị, cộng đồng Hội An trong thời gian qua và sự chung tay của bạn bè gần xa, những giá trị tốt đẹp trong văn hóa và con người Hội An sẽ tiếp tục được lan tỏa rộng rãi hơn nữa và Hội An sẽ mãi là nơi níu lòng bất kể ai từng một lần được đặt chân đến nơi này³
Tài liệu trích dẫn:
[1] Theo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hội An khóa XVII tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025, từ năm 2015-2020 có tổng cộng 22,5 triệu lượt khách tham quan, bình quân khoảng 4,5 triệu lượt khách mỗi năm.
[2] Nguyễn Chí Trung (2019), Cư dân Faifo Hội An trong lịch sử (tái bản lần thứ 4), Nxb Đà Nẵng, trang 344.
[3] Nguyễn Hoài Quảng (2018), Hội An trong mắt một nhà buôn nước ngoài, Văn hóa Hội An năm 2018, trang 101, 103.
[4] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, trang 153.
[5] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Sđd, trang 166.
[6] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An 92020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Sđd, trang 212.
[7] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Sđd, trang 175.
[8] Được hình thành khoảng từ thế kỷ XVII, dù là làng của người Việt nhưng địa vực làng lại nằm ở trung tâm Đô thị thương cảng Hội An, nay thuộc địa phận phường Minh An, chủ yếu xung quanh trục đường Lê Lợi, còn lưu lại 2 di tích là đình Hội An (đình Ông Voi) và Hội An tiên tự.
[9] Như: Điều lệ thứ 1: Nghiêm cấm uống rượu để mất trật tự trong khi có hội họp. Điều lệ thứ 2: Khi nào tế lễ thì phải yên lặng và phải sạch sẽ (trọng yếu cốt nhất). Điều lệ thứ 10: Những người hương chức phải một lòng tận tụy làm việc…
[10] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2016), Di sản Hán Nôm Hội An (tập 2), trang 147-178.
[11] Trần Văn An (2005), Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An, trang 104.
[12] Đình Xuân Mỹ, khu miếu tổ nghề gốm (với 04 ngôi miếu: Niếu tổ nghề, miếu Thái Giám, miếu âm linh, miếu Sơn Tinh), miếu Trung Lương, miếu Trung Hòa, miếu âm linh.
[13] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2018), Di sản Hán Nôm Hội An (tập 4) Hoành phi – Liễn đối ở một số di tích tôn giáo, tín ngưỡng, Nxb Đà Nẵng, trang 7.
[14] Trần Ánh (2005), Nhà gỗ Hội An – Những giá trị và giải pháp bảo tồn, trang 108.
[15] Nguyên Ngọc và Nguyễn Đình An (2013), Văn hóa Hội An, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh.
[16] UBND thành phố Hội An (2020), Báo cáo sơ kết một năm thực hiện Đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu”, số 27/BC-UBND ngày 13/3/2020.
[17] Khoản 1 Điều 14, Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An.
[18] Khoản 3 Điều 15, Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An.
[19] Điểm b, khoản 2 Điều 16, Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An.
[20] Gồm: 1. Thành lập và duy trì hoạt động tổ quản lý di tích theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại công văn số 4006/UBND ngày 27/10/2017. 2. Có tổ chức huy động nguồn lực cộng đồng, xã hội để tu bổ, bảo vệ, phát huy di tích. Không để xảy ra trường hợp xâm hại, sử dụng sai mục đích, mất vệ sinh môi trường, cảnh quan hoặc bỏ hoang phế di tích. 3. Thông tin, báo cáo kịp thời về tình trạng xuống cấp, hư hại, xâm phạm, mất mát hiện vật của di tích; Triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo, phối hợp để bảo vệ di tích; Tham gia, phối hợp khảo sát định kỳ các di tích trên địa bàn địa phương quản lý. 4. Tổ chức tốt các lễ hội, lễ tục truyền thống liên quan đến di tích hoặc địa phương; Giữ gìn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể tại địa phương (trò chơi, diễn xướng dân gian, ẩm thực…). 5. Phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể.
Tác giả: Nguyễn Cường
Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn