Tại Hội An, nhiều ngôi mộ cổ có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, ghi vào Danh mục bảo vệ của Hội An. Các ngôi mộ này có sự đa dạng về kiểu dáng, nhiều mốc niên đại và phong phú về chủ nhân, phân bố rải rác khắp trên địa bàn thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực phường Thanh Hà. Khối Hậu Xá, phường Thanh Hà hiện tồn nhiều ngôi mộ cổ có giá trị, nổi bật nhất là các ngôi mộ được xây dựng kiên cố, quy mô,... có niên đại vào khoảng nửa đầu thế kỷ XX với sự pha trộn kiến trúc địa phương và kiến trúc Pháp đặc sắc. Dường như trong khoảng thời gian này, việc xây mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp khá được ưa chuộng ở tầng lớp khá giả
(có thể đưa ra nhận định như vậy vì những ngôi mộ này được xây cầu kỳ, tốn nhiều tiền của). Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, khu vực Hậu Xá hiện có 13 ngôi mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp, tiêu biểu như: Mộ vợ chồng ông Đinh Tựu Hiên, mộ vợ chồng ông Tăng Điềm Dật, mộ bà Lê Huệ Mẫn, ... và mộ bà Huỳnh Tình Yên.
Huỳnh Tình Yên là tên hiệu của bà Huỳnh Thị Liễu
(không rõ năm sinh). Bà Liễu là con gái của ông Huỳnh Thanh (? – 1954) và bà Lê Thị Bờ (? – 1966)
[1]. Ông Thanh là người Minh Hương, dân gian gọi là ông nghè Thanh, là người rất nổi tiếng và giàu có thời bấy giờ. Bà Liễu cưới chồng quê ở tỉnh Quảng Bình. Sau khi thành thân, bà theo chồng ra Quảng Bình ở một thời gian thì lâm bệnh nặng. Bà về lại nhà ở Hội An
(nhà bố mẹ trên đường Phan Châu Trinh ngày nay) để dưỡng bệnh, được một thời gian thì mất khi tuổi đời còn khá trẻ
(mất vào ngày 01/11/1937, nhằm ngày 29/9 năm Đinh Sửu).
Ngôi mộ được lập vào năm Bảo Đại thứ 12
(tức năm 1937). Với quan niệm "
Sống, cái nhà; thác, cái mồ", sẵn có điều kiện kinh tế, gia đình xây cho bà Liễu một ngôi mộ khá quy mô, bề thế. Phía trước mộ có hồ sen, bồn hoa ở sân trước trồng hai cây mai lớn hai bên, bố trí ghế đá nghỉ chân. Mặt nền ngôi mộ và một số chi tiết kiến trúc ốp, lát gạch hoa xi măng rất đẹp. Trải qua thời gian dài, các viên gạch hoa xi măng này vẫn có hiện trạng tốt, họa tiết còn rõ nét. Vì nhiều nguyên nhân khách quan, việc chăm nom mộ phần không còn được chu đáo như trước, hồ sen bị san lấp, cỏ dại mọc đầy. Hai cây mai đã chết, thay vào đó là cây duối và dừa kiểng.
Ngày trước, khu vực này chôn cất nhiều người trong gia tộc, hầu hết giờ đã quy tập về Nghĩa trang nhân dân
(Khu mộ Huỳnh Thanh tộc). Riêng với mộ bà Liễu, vì gia đình quan niệm bà rất “
linh thiêng” nên không dám di dời. Từ khi tạo lập đến nay, gia đình chưa thực hiện tu bổ, sửa chữa lớn lần nào, nhờ đó, kiến trúc ngôi mộ được giữ gìn nguyên vẹn.
Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, xoay mặt về hướng Tây Nam, bao quanh khuôn viên là vườn trồng hoa màu của người dân. Tổng thể công trình còn rất hoàn chỉnh, quy mô ngôi mộ bề thế, kiến trúc kết hợp nhuần nhuyễn các họa tiết trang trí truyền thống địa phương với phào chỉ ảnh hưởng kiến trúc phương Tây, mang ý nghĩa cát tường độc đáo, giá trị thẩm mỹ cao. Toàn bộ các hạng mục của ngôi mộ nằm trong khoảnh đất rộng 7,43m, dài 11,78m, có bố cục gồm: Hồ sen, khoảng sân trước với tường rào thấp, cổng vào mộ
(tạm gọi), nấm mộ, nhà bia và tường rào bao bọc khuôn viên mộ. Màu sắc chủ đạo được sử dụng tại di tích: Trắng, xanh dương, vàng và đỏ. Bột màu được pha trộn với vữa vôi tô hoàn thiện mặt ngoài, nhờ đó, nhiều chi tiết vẫn còn giữ được màu sắc dù đã bị phai nhạt dần và bao phủ lớp rêu mốc xám xịt qua thời gian.
Hồ sen nằm chính giữa, phía trước ngôi mộ, xây gạch, có dạng hình hộp chữ nhật. Phần nền giữa hồ sen và cổng vào ở sân trước lát gạch thẻ. Hiện đất cát đã lấp kín hồ sen, cỏ dại mọc đầy. Khoảng sân trước có hình bát giác
(các cạnh không đều nhau), nền lát gạch hoa xi măng. Cốt nền sân tương đương cốt nền đất tự nhiên bên ngoài khuôn viên. Bao quanh sân là tường rào bổ trụ gạch. Ở các cạnh rào thẳng, tường rào gắn độc bình xi măng đúc sẵn. Cạnh rào góc phía trước xây gạch đặc, đắp mảng pano trang trí. Cạnh rào góc phía sau xây gạch bên dưới; phía trên đắp vẽ đồ án “
lý ngư vọng nguyệt”. Ở khoảng giữa, sát cạnh rào biên là hai bồn hoa xây gạch, mặt ngoài đắp phào chỉ đơn giản nhưng khá thẩm mỹ.
Qua khoảng sân là cổng vào ngôi mộ được làm theo kiểu thức tam quan rất nguy nga với lối vào ở hai gian bên, gian giữa xây chồm ra phía trước, trên có mái che kiểu “
phương đình”, đắp vẽ rất nhiều đồ án trang trí. Chân trụ đắp gờ chỉ, mặt trước ốp gạch hoa xi măng. Đỉnh trụ đắp mảng trang trí với họa tiết đầu sư tử, đài phun nước (?), dây lá nho
(là các họa tiết thường gặp trong kiến trúc cổ điển phương Tây). Mặt trước thân trụ không đắp câu đối như mô tuýp trang trí kiến trúc truyền thống thường thấy mà lại đắp dòng chữ Hán
[2] thông tin về việc dựng mộ:
保 大 十 二 年 丁 丑
(Bảo Đại thập nhị niên Đinh Sửu)
十 二 月 吉 日 建 成
(Thập nhị nguyệt cát nhật kiến thành)
Tạm dịch nghĩa:
Hoàn thành [việc xây mộ] vào tháng 12 năm Đinh Sửu, niên hiệu Bảo Đại thứ 12.
Lối vào hai bên kiểu cuốn vòm. Đỉnh vòm trang trí dải lụa buộc hai lá cờ đan chéo nhau. Có bậc tam cấp ở lối vào dẫn từ sân trước vào khu mộ.
Phương đình có 4 trụ xây gạch đỡ hệ mái, tiết diện chữ nhật xây chồm ra khoảng sân trước. Mái bằng bê tông hình cuốn vòm, đỉnh mái trang trí bầu rượu (?). Đầu, chân các trụ biểu, tường chắn mái đắp phào chỉ, pano với các hình kỷ hà
(tròn, chữ nhật) theo kiểu thức kiến trúc Pháp. Đỉnh trụ gắn con tiện tròn bằng xi măng
(tạo hình giống chân đèn). Bên trên tường chắn mái trang trí con giống hình dây lá; khoảng giữa hai trụ phía trước có rèm trang trí đồ án dơi ngậm dải lụa
(đồ án cát tường dân gian). Chính giữa phương đình đặt bàn xi măng hình chữ nhật kiểu chân quỳ. Phía sau bàn có đỉnh hương xi măng đắp hình lá đề bao quanh để trang trí.
Cổng vào mộ, tường rào hai bên cùng với nhà bia tạo thành khu vực khép kín. Tường rào có 2 câu thơ chữ quốc ngữ, kiểu chữ tròn, nội dung: “
Anh thơ một kiếp[3] nghĩ đau lòng \ Dung hạnh nghìn năm còn để dấu”. Liên kết các chữ là mảng tường gạch, bề mặt đắp nổi đồ án bó hoa – dây tua (?).
Nấm mộ nằm chính giữa khu mộ có dạng hình hộp chữ nhật
(vát chéo ở bốn góc). Mặt ngoài nấm mộ ốp gạch hoa xi măng và trang trí một số hoa văn mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp.
Bình phong hậu của ngôi mộ - Ảnh: Hoàng Phúc
Nhà bia nằm ở cuối khuôn viên, kết hợp với hai mảng tường hai bên được xem như bình phong hậu của ngôi mộ. Ở vị trí ngoài cùng, tiếp giáp với hai góc tường rào là trụ biểu hình thoi. Đầu trụ xây giật cấp
(3 cấp), trang trí hồi văn hình hai vòng tròn đan vào nhau, đỉnh trụ hình chóp bút. Kiểu thức trang trí này khá phổ biến, tương đồng với một số ngôi mộ mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp khu vực Hậu xá
(phường Thanh Hà), Vạn Thiện đồng quy
(phường Tân An) hay Cổng chùa Bà Mụ
(phường Minh An). Mảng tường hai bên xây chồm ra phía trước, đối xứng qua nhà bia tạo hình “
cuốn thư” với tỉ lệ kiến trúc rất cân đối, hài hòa. Đỉnh tường trang trí đồ án chim phụng và hoa mẫu đơn. Diềm trên trang trí hoa dây và một số đồ vật trong “
Bát bửu”. Mảng chính tường bên xây ô hộc, ở bên trái đắp nổi phù điêu hình đàn - bàn cờ, bên phải là hình thư – bút.
Mảng tường chính giữa: Đỉnh tường trang trí hoa sen, lá sen. Diềm trên trang trí hoa, dây lá, quả đào và lựu; diềm dưới trang trí chữ 卍
(Vạn) và dây lá. Nhà bia nằm chính giữa mảng tường này.
Bệ thờ nhà bia xây gạch, mặt ngoài ốp gạch hoa xi măng. Mặt bệ thờ có bộ tam sự đúc bằng xi măng, gắn cố định
(lọ hoa, đĩa trái cây được chú ý đắp vẽ, trang trí rất tỉ mỉ). Bốn trụ bê tông chống đỡ hệ mái đắp phào chỉ theo kiểu kiến trúc Pháp. Khoảng giữa hai trụ phía trước có rèm trang trí đồ án dơi. Mái đắp giả ngói ống, đuôi mỗi vồng ngói khắc chìm chữ 壽
(Thọ) tròn. Bờ nóc trang trí đồ án dây lá và mặt nguyệt. Bờ chảy trang trí đồ án dây lá.
Bia mộ bằng cẩm thạch trắng, kích thước: Rộng 0,56m, cao 0,86m, diềm bia trang trí đồ án lưỡng long chầu lưỡng nghi, dây lá. Mặt bia khắc chữ Hán
(ở trên) và chữ Pháp
(ở dưới). Bia đặt trên phần đế vững chãi bằng cẩm thạch trắng. Nội dung bia mộ
(phần chữ Hán):
大 南
(Đại Nam)
明 江 大 姊 歸 尊 號 晴 烟 黄 孟 姬 㞢 佳 城
(Minh giang đại tỷ quy tôn hiệu Tình Yên Huỳnh mạnh cơ chi giai thành)
保 大 十 二 年 季 冬 月
(Bảo Đại thập nhị niên Quý Đông nguyệt)
胞 弟 詩 景 鳳 仝 立 石
(Bào đệ Thi, Cảnh, Phụng đồng lập thạch)
Phần nội dung tiếng Pháp ghi tên viết tắt của bà Huỳnh Thị Liễu
(H.T.L), ngày mất của bà
(ngày 01 tháng 11 năm 1937, nhằm ngày 29/9 năm Đinh Sửu).
Ngôi mộ được tạo lập năm 1937, đến nay đã được 86 năm. Trải qua thời gian dài, dưới tác động của thời tiết, ngôi mộ này, cùng với các ngôi mộ khác mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp khu vực Hậu Xá, phường Thanh Hà hiện đang xuống cấp ở nhiều cấp độ khác nhau. Một số chi tiết hoa văn trang trí ở các hạng mục kiến trúc ít nhiều bị hư hỏng, bong tróc, phai màu. Do đó, cần có sự quan tâm tu bổ từ phía tộc họ và cả các cơ quan hữu trách để có thể bảo tồn loại hình di tích kiến trúc độc đáo này một cách tối ưu.
Bên cạnh việc đây là một công trình tín ngưỡng của tộc họ, thể hiện sự tôn kính của con cháu với ông bà đã khuất, mộ bà Huỳnh Tình Yên còn mang dáng vẻ và phong cách rất riêng, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật ở Hội An, thể hiện rõ nét ảnh hưởng của văn hóa Pháp đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Hội An.
[1] Các thông tin liên quan đến bà Huỳnh Thị Liễu và di tích do bà Huỳnh Thị Diệu Anh
(cháu gọi bà Liễu là cô ruột) cung cấp. Bà Diệu Anh hiện sinh sống tại ngôi nhà trên đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, thành phố Hội An.
[2] Ký tự chữ Hán, phiên âm do CN. Trần Phương – Chuyên viên Phòng Quản lý Di sản thực hiện.
[3] Thực tế tại di tích, chữ “
kiếp” viết bị sai chính tả thành chữ “
kíp”.