Ghe thuyền với hoạt động thương mại ở Hội An xưa

Thứ tư - 05/04/2023 04:34
Ở nước ta, từ buổi đầu dựng nước, cũng như quá trình mở rộng địa bàn sinh sống, ông cha ta thường chọn lưu vực các dòng sông hay nơi gần những hồ nước ngọt để khẩn hoang lập ấp. Hệ thống sông đổ nước từ nguồn ra biển. Sông và biển nối liền nhau, tạo thành hệ thống thông thương giữa các vùng, miền và cả với nước ngoài. Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia biển với đường bờ biển dài 3.260km, lại có vị trí quan trọng ở ngã tư giao lưu đường hàng hải của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, với châu Đại Dương và khu vực Trung Đông. Vùng biển Việt Nam rộng tới một triệu km2 tính từ đường cơ sở ra đến 200 hải lý.
      Cứ 100km2 diện tích đất liền thì Việt Nam có 1km bờ biển, gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 600km2/1km bờ biển. Việt Nam có tới 4.000 đảo lớn nhỏ, đáng chú ý là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa biển Đông. Do đó, cuộc sống của người Việt Nam gắn bó chặt chẽ với sông nước và biển cả, dần dần hình thành nên truyền thống văn hóa mang đậm chất sông nước. Trong đó, sự đi lại, kết nối giao thương không thể không có phương tiện ghe thuyền. Dòng sông bến nước, bãi bờ sông/biển, bến cảng và con thuyền đã trở nên là hình tượng mang đậm chất thơ, câu chuyện trữ tình, thơ mộng của cuộc sống thôn quê, bãi chài. Chiếc thuyền đã trở thành đề tài nghệ thuật khắc họa trên mặt trống đồng cổ xưa với hàng trăm tiêu bản khác nhau. Giao thông thủy bằng phương tiện ghe thuyền đã chiếm ưu thế đáng kể trong đời sống sinh hoạt của người Việt xưa và không ngừng phát triển qua từng thời kỳ lịch sử[1]. Hội An - Xứ Quảng xưa kia, là một thương cảng thuyền buồm quốc tế nổi tiếng, trong đó phải nói đến vai trò quan trọng, quyết định của ghe thuyền đối với hoạt thương mại.
 
thuyen
Thuyền ra Cửa Đại - Ảnh: Vĩnh Tân
 
      Bởi Hội An, nằm trong vùng xứ Quảng ở vào trung độ đất nước, tựa lưng vào dãy Trường Sơn trùng điệp ở phía Tây và ngoảnh mặt ra biển Đông, rất gần với đường hàng hải quốc tế từ Nam Á đi lên phía Bắc, hay ngược lại. Môi trường sông nước, biển đảo vùng Hội An - Quảng Nam với hệ thống sông ngòi khá dày đặc, hơn 120km bờ biển, có hai cửa biển lớn (Cửa Đại và Cửa Hàn) và quần đảo Cù Lao Chàm, quần đảo Hoàng Sa... đã có sự tác động lớn đến sinh hoạt kinh tế, văn hóa và đời sống của cư dân địa phương. Từ những điều kiện thuận lợi, nơi đây ngay từ thời Chămpa vùng này đã có quan hệ giao lưu bằng đường biển. Người dân Hội An - Xứ Quảng đã gắn bó với ghe thuyền, sử dụng ghe thuyền trở thành một phương tiện giao thông, giao lưu quyết định cho sự hình thành một cảng thị thuyền buồm quốc tế nổi tiếng suốt nhiều thế kỷ (từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX). Trong lịch sử, đề cập đến giao thông đường thủy, hơn nữa nói đến buôn bán, thương mại không thể không nói đến ghe thuyền. Khi cư dân Đại Việt đến định cư tại xứ Quảng, họ đã sớm tiếp thu kỹ thuật đóng ghe thuyền rất thiện nghệ của người Chăm để tạo nên chiếc ghe bầu nổi tiếng. Ghe bầu xứ Quảng trong nhiều thế kỷ được đánh giá “là sản phẩm đặc sắc của nghề biển Việt Nam”. Cùng với nó là một tầng lớp thương nhân chuyên thực hiện những chuyến đi buôn đường biển Bắc - Nam, có khi sang tận Nam Vang, Xiêm La, Miến Điện, Singapore, Hồng Kông... thường được gọi là “các lái[2]. Đối với người dân xứ Quảng, nói đến ghe thuyền là phải nói đến ghe bầu. Hình ảnh chiếc ghe bầu đã được khắc họa trong ca dao, trong Vè các lái (Vè thủy trình, dài 176 câu)... và nguồn gốc của nó còn được ghi lại trong Bách khoa từ điển Mỹ, từ điển Larousse Pháp, ở tập Thanh thư về tàu thuyền cận duyên miền Nam Việt Nam[3]. Ghe bầu, nổi lên là một loại phương tiện đi biển vững chắc, tối ưu hơn hẳn, vừa chở được nhiều hàng hóa so với nhiều loại ghe thuyền dân gian truyền thống ở Việt Nam. Thực ra, để chuyên chở, vận tải hàng hóa, sản vật, ngoài ghe bầu, còn phải kể đến các loại ghe thuyền khác đi lại trên hệ thống các con sông, ngõ nguồn của xứ Quảng.... Nhờ vào vị trí với hệ thống sông, cửa biển này mà Hội An có điều kiện thông thương với các vùng của xứ Quảng. Từ Hội An ngược theo nguồn Vu Gia/Ô Gia, Thu Bồn có thể đến được các vùng núi, trung du ở phía Tây; theo nguồn Chiên Đàn - sông Trường Giang qua Cửa Kỳ Hà (cửa biển) có thể đến được cả vùng phía Nam của Xứ Quảng; theo sông Đế Võng có thể vươn lên phía Bắc nối thông với Cửa Hàn - Đà Nẵng. Hơn nữa, từ Cửa Đại theo những cánh buồm/ghe thuyền ra biển Đông có thể lan tỏa, giao lưu với cả nước và cả thế giới Đông - Tây... Theo những con thuyền/cánh buồm hàng hóa, sản vật (nông - lâm - thủy - hải sản…)  từ rừng núi/ trên nguồn xuống biển, từ khắp nơi trong xứ, trong vùng, cả nước và cả thế giới đều đổ về đây. Nhà sử học Lê Quý Đôn lúc bấy giờ phải thốt lên “những thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa thì cũng mua được một thứ hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (Hội An) về thì các món hàng không có món gì là không có… hàng hóa nhiều lắm dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc vẫn không hết[4].  Nhiều mô tả cho biết, xưa kia mọi loại tàu thuyền Việt Nam đều có mặt tại cảng Hôi An này, đó là một tập hợp đa dạng muôn màu muôn vẻ đủ loại thuyền biển, thuyền sông, đủ mọi kích cỡ và tải trọng. Từ thuyền mành Trung Hoa, ghe bầu, ghe nang, ghe trường, tới ghe mành[5]. Đến Hội An vào thế kỷ XVII. Thích Đại Sán, một thiền sư Trung Hoa đã mô tả thương cảng Hội An với “cột buồm như rừng tên xúm xít”. Sử quan triều Nguyễn cũng đã ghi nhận về việc buôn bán ở Hội An như sau: “Chợ Hội An, ở xã Hội An về phía Đông huyện Diên Phước tục gọi là Phố Hội An, phía Nam liền sông Cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng 2 dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi; có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ, có 4 bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Triều Châu, buôn bán hàng hóa phương Bắc, có đình chợ và hội quán, buôn bán tấp nập, làm nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía Nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu[6]. Còn Nguyễn Tuân cũng đã khắc họa vào đầu thế kỷ XX rằng: “Trên mặt sông thực là một cái rừng cột thuyền buồm, mành ghe chi chít dây lèo buồm, dây thừng…”.

      Trong các thế kỷ XVII - XVIII, ghe bầu là phương tiện chính trong việc chở thóc gạo từ Gia Định ra bán ở Thuận - Quảng và vải vóc, lụa lãnh từ đây vào cung cấp cho vùng đất phương Nam, Lê Quý Đôn ghi lại: “Số binh Thuận Quảng thì Quảng Nam chiếm quá nửa. Xứ Thuận Hóa tô ruộng cũng ít, thường chở thóc ở Quảng Nam để cấp cho quân, có quan coi việc chuyên chở. Dọc theo các cửa biển từ châu Nam Bố Chính đến Gia Định, Đồng Nai, các nhà buôn, các thuyền bản dinh, cai thuộc, cai xã; phàm ai có thuyền tư, ghe tư đều biên vào sổ nhà nước, theo trong lòng thuyền rộng mấy thước mà định lớn nhỏ, phải nộp tiền vận chuyển, rộng 11 thước 9 tấc nộp 9 quan, xuống đến 4 thước 4 quan[7].
 
thuyen hoi an faifo
Hình vẽ thuyền Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An (trích trong Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ)
 
      Vào thời kỳ triều Nguyễn (nhất là vua Minh Mệnh) rất quan tâm đến phát triển ghe thuyền, chính vì thế mà phương tiện ghe thuyền càng có điều kiện phát triển, có rất nhiều ghe thuyền vượt biển xuất phát từ Hội An đi[8]. Đặc biệt đối với một lính thủy, người điều khiển ghe thuyền yêu cầu phải xét người khá kỹ, dựa trên khả năng nắm bắt 5 nội dung[9]. Việc giao lưu buôn bán giữa các vùng miền trong nước và nước ngoài chủ yếu bằng ghe thuyền, luồng buôn bán trên đường biển Bắc - Nam phát triển mạnh, góp phần hình thành nên nhiều bến cảng, trung tâm buôn bán, phố chợ ở ven sông, cận biển. Đã hình thành hẳn một nghề gọi là nghề buôn ghe bầu. Tầng lớp thương gia và đại thương gia này là các lái. Họ là chủ các thuyền buôn tuyến Bắc Nam, có nhiều kinh nghiệm, chi phối nhiều luồng buôn và mặt hàng trên thị trường. Họ cạnh tranh với thương nhân người Hoa bằng mánh khóe và các thủ đoạn nghề nghiệp của họ. Ở vào địa vị ông chủ, các lái buôn thuê mướn người giúp việc, khuân vác, gánh gồng, mối lái, mãi biện, thư ký, hoặc giữ chân sào (thủy thủ). Ở Quảng Nam, trong số các lái không hiếm những người là chủ nhân của vài ba chiếc ghe bầu chuyên buôn bán đường dài ven biển. Tại Hội An đã hình thành nên những làng nghề buôn ghe bầu ở Thanh Châu, Cẩm Phô, Kim Bồng, Sơn Phô,Thanh  Hà... Những năm 1930 - 1940, người ta vẫn thấy từng đoàn ghe bầu từ cửa biển Hội An giong buồm ra khơi để thực hiện những chuyến hải trình dài ngày. Hàng hóa là sản vật tại chỗ như cau, quế, nón, đường, đồ tre nan, gốm, lâm thổ sản, hải sản… và chở về gạo, muối, lá đệm, đồ sứ… Theo tư liệu hồi cố, vào những năm này, các vạn ghe bầu Hội An có hơn 120 chiếc với trọng tải từ 40 đến 100 tấn mỗi ghe, bình quân mỗi năm, đoàn “thuyền bay” này đã chở gần 34 nghìn tấn hàng hóa các loại. Họ đi buôn bán khắp các cảng trong cả nước. Hàng năm, theo gió mùa, những chuyến ghe bầu từ miền ngoài chở dầu chai, cánh kiến và dược liệu vào Nam. các mặt hàng như đường mía, tơ lụa, đồ sành sứ... vào Phan Thiết, rồi mua gạo chở về Hội An. Sản phẩm gốm Thanh Hà xưa kia được đem bán khắp nơi bằng ghe bầu, ra tận Quảng Bình, Quảng Trị, và vào Quảng Ngãi vào các ngày chợ phiên của địa phương[10]. Để có ghe thuyển vận tải, phục vụ hoạt động thương mại, nghề đóng ghe thuyền ở vùng Hội An cũng phát triển khá mạnh mẽ, đông đảo. Phạm vi hành nghề của thợ đóng ghe bầu ở Hội An khá rộng, bao gồm hầu hết các địa phương Đàng Trong và mọt số nơi ở Đàng Ngoài. Phương thức hành nghề chủ yếu là lập thành kíp thợ từ 10 - 20 người đi đóng ghe thuê hoặc lập thành trại ghe cố định. Ở Hội An vào những năm 1920 - 1930, có ba trại đóng ghe bầu và một số trai khác.

      Có thể nói, trong hành trình lịch sử - văn hóa của dân tộc, sông - nước (bao gồm cả biển) không chỉ là bộ phận hợp thành mà còn tạo nên đặc tính văn hóa tiêu biểu trong truyền thống văn hóa. Trên thực tế, ghe thuyền không chỉ là một phương tiện giúp con người lưu thông, vận tải/ vận chuyển hàng hóa, vật dụng... trên sông nước, biển cả, mà với tính năng của nó - ghe thuyền đã trở thành biểu tượng, biểu trưng văn hóa. Hình tượng con thuyền chở linh hồn người chết có ở tất cả các nên văn minh trên thế giới. Đó là biểu tượng của cuộc hành trình, cuộc vượt qua do người sống và người chết thực hiện. Từ khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, là bộ phận hợp thành góp phần tạo dựng, định diện bản sắc văn hóa và tư duy của người Việt. Và ở Xứ Quảng khi nói đến ghe bầu thì không thể không nhắc đến Vè Các lái hay Vè Thủy trình, Vè Nhật trình. Các làng chài ven biển Nam Trung Bộ vẫn còn lưu hành những bài vè này với những dị bản khác nhau. Đây thực chất là một bản hải trình đơn giản, do những người làm nghề vận chuyển ghe bầu Bắc Nam sáng tác, đúc kết dưới hình thức vần vè, miêu tả đầy đủ các địa danh với những mũi, hòn, cù lao, rạn đá ngầm hoặc san hô cùng những vũng, núi, bến cảng, cửa sông, phố xá trên đất liền và cả những nơi hiểm trở thường gây tai nạn cho thuyền bè qua lại. Có thể nói, đây là một cẩm nang, một kho tàng tri thức dân gian của dân đi buôn đường biển
Tài liệu trích dẫn:
[1] Dọc theo ven biển Việt Nam trên 3.000km theo hướng Bắc - Nam có rất nhiều kiểu dạng thuyền bè khác nhau. Theo thống kê thì riêng vùng biển gần bờ từ Trung bộ trở vào Nam đã có hơn 60 loại thuyền khác nhau. Thực tiễn khảo cổ học tiền sử và sơ sử Việt Nam cho biết: “ngay từ thời đại đồ đá (chủ nhân các nền văn hóa Hòa Bình, Bắc Sơn...), nhiều cư dân cổ đã xuất phát từ bán đảo Đông Dương “ra khơi” xuyên Thái Bình Dương tới miền hải đảo Pacific, tới tận Úc châu và Nam Mỹ. Tới thời đại đồng thau và sắt sớm, việc giao lưu kinh tế qua biển Đông ra khơi Thái Bình Dương càng phát triển” (Viện nghiên cứu Đông Nam Á (1998), Biển với người Việt cổ, Nxb Khoa học xã hội)
 
[2]Từ “các lái” là từ chỉ những người lái ghe thuyền trong những chuyến buôn biển, chuyên chở hàng hóa và là người buôn bán lớn, những phú thương đi buôn bán bằng phương tiện ghe thuyền ở những nơi xa, vùng biển dọc duyên hải nước ta.
[3]Great Eneylopedia Dictionary, New York; Petit Larousse, Paris, 1971; Blue book of coastal vessels South Vietnam, Ohio, 1967)... Theo nhiều học giả nghiên cứu, “ghe bàu” là biến âm từ tiếng “gay” (có nghĩa là ghe thuyền) và “prau” (chỉ loại thuyền buồm) của Ma Lai - Nam Đảo. Người Việt khi vào định cư ở đất này đã tiếp thu kỹ thuật đóng ghe “prau” của người Chăm, kết hợp với kỹ thuật cổ truyền của người Việt. Đặc điểm, hình dáng và cấu trúc, ghe bầu thuộc loại thuyền có vỏ hai đầu nhọn, lô lái và lô mũi cong, trong đó lô mũi dài hơn. Bánh lái lồi, được thiết kế cong theo lô lái, sâu dưới long cốt, có trục bánh lái trượt trong lô lái khoét rãnh, hoặc được gắn trực tiếp vào lô lái, không dính bằng chốt sắt. Lòng ghe được chia thành từng khoang để chứa  hàng. Bên trong khoang có mui đậy làm bằng cót tre, bên dưới lót lớp lá dừa nước để chống nước tạt vào hoặc nước mưa. Gỗ dùng để đóng ghe là kiền kiền và sao lấy từ rừng núi phía Tây Quảng Nam. Ván ghe ghép lại với nhau bằng mộng và chốt, không dùng đinh sắt, kẽ ván được xảm bằng xơ tre bào thành sợi mỏng trộn với dầu rái và dầu chai. Toàn bộ ghe được sơn chống thấm bằng dầu rái (một loại lâm sản rất dồi dào ở Quảng Nam). Ghe bầu đi trong sông có trọng tải từ mười đến vài ba chục tấn. Còn đi biển, đường dài có trọng tải đến trăm tấn. Lực đẩy của ghe gồm 3 buồm: buồm mũi, buồm chính (ở giữa) và buồm lái. Các buồm đều nằm trên các cây đà ngang vững chắc được cố định ở hai bên mạn thuyền, gọi là “then”. Buồm có hai loại, loại tư giác lệch có cạnh sau dài hơn hai lần cạnh trước (buồm chính) và loại buồm tam giác. Buồm làm bằng lá đệm đan (một loại cây rừng), không dùng vải, không có nẹp gỗ chạy ngang như thuyền của Trung Quốc, hay thuyền miền Bắc. Đằng mũi có vẽ hai con mắt ở hai bên bằng sơn đen và trắng, hơi dài và xếch về phía sau để phân biệt với địa phương khác. Ghe bầu có thể đạt vận tốc từ 6 - 7 hải lý/giờ khi thuận gió. Hai bên be thuyền có mái chèo gắn với trụ chèo bằng dây đai làm từ vỏ cây gai hay sợi chỉ xơ dừa. Nét độc đáo của ghe bầu là có thể sử dụng buồm để chạy ghe khi ngược gió, gọi là kỹ thuật chạy vát hay chạy ganh.   
[4]Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr 256 - 257.
[5]Ghe trường, người ta dùng tên này để gọi tất cả những thuyền nhỏ của Hội An, cùng một kiểu, nhưng có tải trọng không vượt quá 20 tấn. Thuyền này có cùng kiểu bánh lái và bộ buồm. Tuy nhiên không có lầu phía sau đuôi. Cần lưu ý con mắt của ghe trường có đuôi mắt ở về phía trước và phần đầu mắt nằm ở về phía sau, khác với hình dáng chung của con mắt trên hầu hết thuyền bè ven biển Việt Nam. Ghe nan chủ yếu được đóng theo kiểu ghe bầu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhưng có vỏ thuyền bằng tre đan bện theo kiểu Quảng Nam, nhưng phần nổi ở trên bằng gỗ nối với sống mũi và sống đuôi rỗng phần bên ngoài để trượt bánh lái và một cái xiếm phía trước.
[6]Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 1994), Đại Nam thống nhất chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tr. 376
[7]Lê Quý Đôn, sđd, tr 240.
[8]Vua Minh Mệnh là người có tầm nhìn xa và hướng biển khá cao. Nhà vua đã cử nhiều phái đoàn vượt biển đến các căn cứ của phương Tây ở Đông Nam Á như Batavia (Jakarta, Indonesia), Singapore, Penang (Malaysia), Semarang (Java), Luon (Philippines). Tiểu Tây dương ở Ấn Độ như Bengale, Calcuta; ở Trung Hoa như Macao, Hông Kông... Những chuyến vượt biển đó, bề ngoài là mua hàng hóa cho triều đình nhưng chủ yếu nhằm thăm dò tình hình. Vua Minh Mệnh cho đo đạc độ sâu các cảng biển, lập hệ thống phòng thủ ven biển, chế tạo vũ khí, đóng thử tàu hơi nước kiểu phương Tây, phát triển thủy quân, cho dịch một số sách kỹ thuật phương Tây sang chữ Hán, đo đạc, vẽ bản đồ và cắm mốc trên quần đảo Hoàng Sa, tăng cường quản lý các hải đảo...
[9] 1/Người lái thuyền phải hiểu thế nào là một cửa biển hiểm hoặc dễ và phải biết nơi nào có cửa biển hiểm, nơi nào có cửa biển dễ. Ngoài ra vấn đề quan trọng đối với người lái thuyền là phải biết “chỗ hiểm thì phải dung phép nào giữ được khỏi lo, chỗ dễ cũng nên đề phòng việc gì để được vẹn toàn”. 2/ Người lái thuyền phải am hiểu diễn biến của các loại hình thời tiết. Đặc biệt là kinh nghiệm về xem hướng gió, khí trời trên biển. Yêu cầu về nội dung này là phải trả lời được câu hỏi: Thế nào gọi là xem gió? Hằng năm có 24 tiết hậu, tiết nào phải có gió gì? Thế nào gọi là trông khí trời? Trời đương tạnh sang, khí nào hiện ở phương nào tất có gió lớn, mưa to?...3/ Khi đi trên biển, người lái thuyền phải biết phương pháp xem núi, đo nước. Tức là phải biết ở phận tỉnh nào, xứ sở nào có núi? Là núi mới mọc hay núi đã lâu? Thế nào gọi là đo nước? Như thuyền đi, gió thuận chạy thẳng gió tạt ngang chạy vát, buông dây ở mũi thuyền, rút dây ở cuối thuyền bao nhiêu phân, đi được mấy dặm trượng… 4/ Người điều khiển phải biết xem la bàn khi đi biển, triều Nguyễn gọi đây là phép “xem kim định hướng”. Nội dung này yêu cầu hiểu rõ hai vấn đề: Thế nào gọi là xem kim? Thế nào gọi là định hướng? Người lái thuyền cần phải nắm thật vững “kim chỉ can, chi nào, ước được bao nhiêu ngày, giờ, khắc, phân lại phải chuyển, chỉ hướng nào mới được thích hợp can chi. Vả lại phải chia địa cầu ra 360 độ, cần phải chỉ ra tỏ tường tất cả”. 5/ Là yêu cầu về kiến thức địa lý địa cầu để xác định vị trí của thuyền trên biển. Tất cả địa cầu được chia ra 360 độ, lấy nửa Tý đến nửa Mão có 90 độ, đến nửa Dậu có 90 độ; từ nửa Ngọ đến nửa Mão có 90 độ, đến nửa Dậu có 90 độ. Vì vậy, người lái thuyền phải biết “thuyền đến nơi nào là phận biển tỉnh hạt nào, tức lấy chỗ ấy chia ra nam cực bắc cực, chiếu rõ phương hướng cho thuyền đi”. (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, T5, tr.430-431). Khi đánh giá những nội dung trên, kết quả sẽ được phân ra hạng ưu, bình, thứ và có thưởng lương và thăng chức cho những binh lính đạt kết quả cao trong kỳ sát hạch. Những người không những không tiến bộ mà còn bị tụt bậc so với lần trước hoặc không đạt thì đều bị xử phạt. Cùng với học tập lý thuyết, việc thực hành kỹ năng đi biển thông qua các chuyến công cán, hay tuần tra biển là biện pháp tốt nhất để lính thủy trau dồi kiến thức đã học, tích lũy thêm kinh nghiệm thức tế. Năm 1835 vua Minh Mạng xuống dụ cho thủy quân ở Kinh cũng như các tỉnh phải diễn tập, các loại “thuyền mành, buồm chèo, cột buồm, dây buồm, người cầm lái và thủy thủ, tiến hành thao diễn, được cốt người tinh thạo, sau đến đường biển, đường sông, chỗ nông chỗ sâu, chỗ hiểm chỗ dễ và chỗ đảo lớn, đảo nhỏ, nơi sâu cạn, nhất thiết phải tránh, nên khiến cho tập để biết tất cả. Rồi lại dạy về súng nhỏ, súng lớn khiến cho được tinh thạo, đề phòng khi dùng”. (Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, T5, tr.395).
[10]Ngoài ra xưa kia, ghe bầu là phương tiện chủ lực buôn bán với Trung Quốc, Thái Lan, Tân Gia Ba... chắc chắn trong hạm đội thuyền tác chiến và vận tải của nhà Tây Sơn, có khá nhiều ghe bầu... (Đỗ Thái Bình. Phụ bản Đại dương và những con tàu. Báo khoa học phổ thông Sài Gòn tháng 4/1984). Trong lực lượng thủy quân của Nguyễn Ánh, có hẳn một loại thủy binh ghe bầu với 1.600 quân, đây là lực lượng vận tải quân lương của Chúa.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây