Chùa Cầu trong thơ ca dân gian ở Hội An

Chủ nhật - 05/03/2023 20:43
gian tho chua cau
Không gian thờ tự tại Chùa Cầu - Ảnh: Hồng Việt
 
Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước xóm sau
Dưới thì Âm Bổn, Chùa Cầu ở trên
 
      Chùa Cầu là một di tích văn hóa lịch sử Quốc gia trên địa bàn thành phố Hội An, có giá trị đặc biệt trong lịch sử và đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây. Hình bóng Chùa Cầu trong thơ ca dân gian Hội An giàu giá trị biểu trưng cho tình yêu xứ sở và niềm tự hào sâu sắc về truyền thống, văn hóa, lịch sử quê hương của người dân Hội An.

Qua góc nhìn dân dã đời thực và tính cách bông lơn dân gian, người Hội An hóa giải hình ảnh các tượng thờ ở hai đầu Chùa Cầu thành yếu tố gây cười trong một câu đùa vui:
 
Hội An có bốn nàng tiên
Hai nàng tuổi khỉ hai nàng tuổi thân
 
      Vẻ đẹp mềm mại, trữ tình của cây cầu cùng lối thiết kế có mái che, có hành lang rộng rãi kê cao không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, nghỉ ngơi, hóng mát, mà còn tạo điều kiện để con người hòa hợp với phong cảnh thiên nhiên quê hương, khiến cho chiếc cầu ngói cứ bền chặt một tình yêu trong lòng người bản xứ và xa xứ. Người Hội An xem Chùa Cầu như báu vật mang đậm hồn cốt tinh túy của các công trình kiến trúc độc đáo nơi đây:
 
Hội An có Hạ uy di
Chùa Cầu, Âm Bổn, Cao lầu Năm Cơ
 
      Cũng có đảo xanh Cù Lao Chàm quyến rũ như Hawai “thiên đường du lịch”, Hội An còn là điểm kết tinh, kết nối đầy thú vị với những di tích, di sản văn hóa độc đáo, giàu bản sắc văn hóa và thật nhiều đặc sản truyền đời không nơi đâu có được.
 
Hội An điểm hẹn trùng phùng
Nhà cổ hội quán, chùa Ông Chùa Cầu
Đặc sản thì có cao lầu
Đèn lồng, tương ớt, bánh bao, xí mà
 
      Hình ảnh Chùa Cầu uy nghiêm cổ kính soi mình trên sông nước, trầm mặc mà nên thơ, thâm trầm mà duyên dáng; cứ trơ gan cùng tuế nguyệt như tự bao giờ đã thấu đạt cổ kim, hiểu chuyện xa gần. Trong câu hò chèo thuyền của người dân phố, có lẽ chứng tích ấy còn lưu giữ cả duyên nợ ân tình qua năm tháng, xuyên suốt mọi chiều kích không gian, thời gian, cứ mênh mang, dìu dặt không thôi giữa lòng người:
 

 Em chèo thuyền trên sông Hoài phố
Buồm căng lộng gió em ngó lại quê mình
Đất Chùa Cầu trăm năm còn đó
Tình Hội An muôn thuở khó phai
Hỡi người du khách vãng lai
Thương quê yêu kiểng nhớ ai lòng sầu!
 
      “Tình Hội An” bắt nguồn từ lòng mến khách phương xa, tình chan hòa trong cung cách giao thiệp, ăn ở, làm ăn, tình luyến lưu và son sắc, thủy chung đợi chờ. Lòng thương sâu nặng, nỗi nhớ thiết tha, những khoảng lặng chờ mong của năm tháng xưa cũ đã thành tên sông, tên bến, tên làng nơi đây. Dường như nỗi nhớ mong, chờ đợi bóng thuyền quay về sau mỗi chuyến hải trình nương theo mùa gió cứ lặp đi lặp lại qua bao thế hệ, vận vào tính cách để sâu đậm hơn đức thủy chung, ân tình thấm đẫm hồn người. Có thật nhiều câu ca bày tỏ lòng e ngại cảnh chia ly, cách trở, nhớ thương, thương nhớ ngay giữa chốn lắm cơ hội trùng phùng, tao ngộ, nơi phồn hoa đô hội một thời - cảng thị Hội An, và thường gắn với hình ảnh Chùa Cầu.

Ai qua phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu.
 
Càng ray rức chia ly, lại càng gởi gắm mặn nồng, thiết tha lúc hạnh ngộ tương phùng:
 

Mai về lòng gởi lại đây
Để đêm đêm nhớ để ngày ngày mong
Với bao mái ngói rêu phong
Chùa Cầu, Âm Bổn, bến sông con đò
 
      Trên mảnh đất ân nghĩa sâu nặng “Hội An là chốn hữu tình, Thuyền buôn thuyền bán rập rình bến sông”, tình luyến ái nảy sinh giữa người buôn kẻ bán nơi phố xá xôn xao đâu phải chỉ thoáng chốc như phiên chợ hợp rồi tan; mà có khi nên vợ thành chồng, lại lắm tình cảnh phải day dứt chia ly, khổ đau đeo đẳng suốt cuộc đời. Nên chăng, chiếc cầu nối nhịp bờ vui, điểm hẹn hò mộng mơ của phố cũng đã chứng kiến không ít trái ngang:
 

Thiếp gặp chàng chỗ đàng Chợ Phố
Chàng gặp thiếp tại chỗ Chùa Cầu
Nhìn nhau nước mắt thấm bâu
Bạn về xứ bạn không biết giải sầu cho ai
 
      Nghe chừng câu thơ trên còn khắc họa cả nỗi sầu biệt ly của những người con gái Hội An một khi thuyền buôn của chồng là người Nhật đã mãi lui về bản quốc, không được tiếp tục giao thương với nước ngoài. Một khi “Con cá lui về biển Bắc, bỏ chiếc nơm khô một mình”, chiếc cầu kỷ vật của tình bang giao Việt - Nhật thời bấy giờ hóa thành bạn tâm tình, vừa khắc ghi mãi nỗi sầu đời đời kiếp kiếp trong lòng người ở lại.

      Người Nhật lưu lại Hội An buôn bán có phố Nhật, các “khách trú” cũng được lập riêng một khu phố Khách (phố của người Hoa). Hai con phố ấy thông nhau bởi Chùa Cầu, thành một dãy phố sầm uất mà dân gian thường nhắc đến trong câu nói cửa miệng “Thượng Chùa Cầu hạ Âm Bổn”. Cây cầu ấy, người Nhật khởi dựng, người Hoa tiếp quản, trùng tu; từ nền móng ban đầu cho đến những lần tôn tạo về sau đều do bàn tay tài hoa của người Việt tạo tác nên. Vậy mà, không gian  kiến trúc, mỹ thuật và văn hóa, tâm linh của di tích không hề bị phô vênh. Chùa Cầu hiện diện như một chỉnh thể nghệ thuật - văn hóa hoàn hảo, minh chứng hiện hữu cho lối ứng xử tài tình, linh hoạt, mềm dẻo suốt quá trình hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa của người dân Hội An, nơi thương cảng quốc tế một thời.

      Trong những câu ca dao, dân ca như níu chân khách lãng du giữa bao cảnh sắc thiên nhiên, tâm tình phố Hội, Chùa Cầu như là hình ảnh tiêu biểu cho biết bao di tích văn hóa cổ xưa nơi đây, gây nhớ, gợi thương không nguôi trong lòng người viễn xứ. Chiếc cầu ấy có độ dài vừa đủ bắt qua một con lạch rộng chỉ chừng 10 mét, nhưng lại mang tầm vóc một biểu tượng về sự kết nối, xóa mờ những cách trở thuộc phạm trù ý thức con người: khoảng cách của nỗi nhớ niềm thương, khoảng cách giữa các nền văn hóa, tín ngưỡng,… từ nhiều vùng miền địa phương, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây