Văn hóa Đọc ở Hội An trong thời đại kỹ thuật số

Chủ nhật - 16/04/2023 22:36
Văn hóa Đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Thông qua Văn hóa Đọc định hướng đọc cho mọi người tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống của mình.
      Văn hóa Đọc giúp cho mỗi cá nhân có một cuộc sống trí tuệ hơn, đẹp đẽ, ý nghĩa, hạnh phúc và hài hòa hơn. Chính vì vậy, phát triển Văn hóa Đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực - nhân tố quyết định mọi thành công.
 
ban to chuc tang co luu niem
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị, cá nhân tham gia ngày sách và văn hóa đọc sách - Ảnh: Phước Tịnh
 
      Chúng ta đều biết rằng trước khi có các phương tiện nghe nhìn hiện đại, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Nhưng hiện nay văn hóa đọc sách đang đứng trước cơ hội xen lẫn những thách thức. Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển không ngừng của mạng Internet như hiện nay đã tác động không nhỏ tới văn hóa đọc. Việc đọc qua mạng có nhiều mặt tích cực, tiện ích đó là đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, nhanh chóng với một lượng thông tin, tri thức khổng lồ, nhưng bên cạnh đó mặt hạn chế nhất định.

       Theo ký ức của những người lớn tuổi ở Hội An, trước đây trong khu vực phố cổ mọi con đường đều có rất nhiều hiệu sách lớn như đường Trần Phú có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Phía trên Chùa Cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai có hiệu sách Đại Đồng. Đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu, đường Hùng Vương có hiệu sách Khai Trí, đường Nguyễn Thái Học có hiệu sách Lửa Hồng,... Rất nhiều tác phẩm hay của thế giới, cũng như sách được dịch từ nhiều thứ tiếng được bán tại nơi đây. Người Hội An ngày đó đọc sách vì đam mê, đọc cho đã, nên mới có chuyện trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, hay chuyền tay nhau đọc một cuốn sách, một bộ sách. Hội An đã có một thời như thế, đọc cho đã, đọc cho thỏa cơn “thèm”.
 
khong gian sach
Không gian trưng bày sách - Ảnh: Phước Tịnh

      Khi Hội An có bước chuyển mình trở thành một thành phố du lịch thì đến nay hầu hết các hiệu sách đã chuyển qua các ngành nghề khác phục vụ cho việc phát triển một thành phố du lịch. Dường như giờ đây quá bận với việc mưu sinh người ta không còn có thời gian rảnh để kiếm cho mình một cuốn sách để đọc. Cũng đã có những nhà sách khá lớn bắt đầu mọc lại với nhiều đầu sách hay có giá trị, nhưng chỉ được một thời gian lại đóng cửa. Một số nhà sách trong phố cổ vẫn tồn tại nhưng chủ yếu bán sách giải trí, tranh ảnh du lịch, nếu muốn tìm sách nghiên cứu hay văn học để đọc thật sự là rất khó khăn. Và những hiệu sách dọc đường còn tồn tại nhưng cũng rất ít bán sách, chủ yếu là sách giáo khoa và các hàng lưu niệm, dụng cụ học tập.

      Nhiều ý kiến lo ngại rằng ngày nay văn hóa nghe nhìn ngày càng lấn lướt văn hóa đọc. Không riêng gì ở nước ta mà trên toàn thế giới, mặc cho các cảnh báo về sự lạm dụng các phương tiện nghe nhìn đang làm cho người ta trở nên ít động não, hạn chế suy nghĩ,… văn hóa nghe nhìn vẫn cứ ngày càng trở nên phổ cập hơn và hấp dẫn hơn. Điều đó không có nghĩa là văn hóa đọc sẽ lụi tàn, ngược lại, văn hóa đọc (sách giấy cũng như sách số hóa) sẽ dần dần trở lại ví trí đúng của mình. Điều đó thể hiện rõ nét ở một quốc gia có nền công nghệ phát triển mạnh như Nhật Bản. Văn hóa đọc của người Nhật là một thói quen tốt, họ dùng thói quen đọc sách như một phương thức để giải trí, để tiếp thu kiến thức và nó giống như bản sắc không mai một theo thời gian. Với nền kinh tế phát triển, sự ra đời của công nghệ, điện thoại thông minh,… làm cho con người dần quên thói quen đọc sách. Vậy tại sao người Nhật vẫn yêu thích đọc sách như vậy, công nghệ giải trí di động thịnh hành trong những năm gần đây không làm mất đi văn hóa Nhật Bản trong vấn đề đọc sách. Trên các tuyến đường tàu điện, luôn có rất nhiều người cầm quyển sách để đọc trong thời gian di chuyển. Họ đọc sách ngay cả khi phải đứng trong suốt cả chặng đường dài, trên một contàu thường xuyên lắc lư. Ở những đường ngầm dưới mặt đất có rất nhiều cửa hàng sách nhỏ. Vào giờ nghỉ trưa, nhiều người lao động Nhật Bản tranh thủ tản bộ qua đây, tìm cho mình một quyển sách ưng ý.

      Có thể nói rằng, thực trạng về sách và văn hóa đọc nói chung trong thời đại công nghệ số - công nghệ thông tin ở Hội An có lẽ cũng là tình trạng chung trên toàn quốc. Song, với tính chất là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, một vùng đất có truyền thống hiếu học như Hội An - Quảng Nam đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực và tìm ra những giải pháp đẩy mạnh hơn nữa văn hóa đọc nhằm thay đổi tình hình, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách của mọi tầng lớp.

      Trong những năm qua, Nhóm Không Gian đọc Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động đọc sách, cho mượn sách miễn phí cho tất cả mọi người dân Hội An. Đặc biệt, Nhóm đã thu hút được các em học sinh tham gia hoạt động này. Và cũng nhờ thế mà góp phần thêm cho phụ huynh, nhà trường ý thức được việc cho trẻ em tiếp nhận tri thức, cũng như tạo thói quen đọc sách ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như thế nào là phù hợp nhất.

      Thư viện Thanh Hóa thành phố Hội An đã và đang hướng dẫn bạn đọc khai thác và sử dụng vốn tài liệu hiện có của thư viện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc có thể sử dụng thư viện và tìm kiếm thông tin có hiệu quả nhất. Bên cạnh duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân, Thư viện khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể, cho các lực lượng vũ trang, các trường học,... Thư viện đã tiếp tục liên hệ trực tiếp với các trường học tổ chức cấp thẻ và phục vụ lưu động tại các trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh,... được đọc sách một cách tốt nhất.

      Thành phố Hội An cũng đã quan tâm đầu tư cho các hệ thống thư viện, đặc biệt là hệ thống thư viện phổ thông, nhằm thu hút dân chúng sử dụng hệ thống thư viện công cộng đạt một tỷ lệ nhất định. Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện trường học hiện đại và tạo điều kiện cho hoạt động thường xuyên có hiệu quả. Đảm bảo cho các em học sinh được sử dụng thư viện trường học như một công cụ học tập và quan trọng hơn là xây dựng thói quen đọc và giáo dục kỹ năng đọc, kỹ năng khai thác tri thức trong thư viện cho thanh thiếu niên, kể cả khai thác tri thức trong môi trường điện tử. Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện về sách tọa đàm, cuộc thi,… và Hội chợ sách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, người dân được tiếp cận với sách mới để góp phần tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số.
 

Tác giả: Tông Quốc Hưng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây