Cù Lao Chàm - Hội An. Ảnh: Quang Ngọc
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu những thiết hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống kinh tế, xã hội, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, triều Nguyễn còn tiến hành các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi giới thiệu một vài chính sách về hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên biển ở Hội An trong giai đoạn đầu triều Nguyễn.
Ngay từ đầu thời kỳ nhà Nguyễn, việc đóng sửa, cải tiến các hạng tàu thuyền đi biển được quan tâm, nhiều loại tàu thuyền cỡ lớn được trang bị hiện đại như tàu bọc đồng, tàu chạy bằng hơi nước dưới triều vua Minh Mạng. Cùng với việc chuẩn hoá các hạng tàu thuyền đi biển, triều Nguyễn còn cho vẽ bản đồ các vùng biển đảo, hải trình đi lại trên biển nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ cũng như phòng tránh những rủi ro khi đi biển: “
Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào, khi thuyền đi đến, cũng xem xét xứ ấy, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi và bốn biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ”
[1]. Tuy nhiên, những hiểm nguy, rủi ro tiềm ẩn mà biển đảo mang lại thì khó có thể lường, tránh hết được, ý thức rõ điều này, triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách về hoạt động cứu nạn, cứu hộ cho các tàu thuyền trong nước và nước ngoài bị nạn trọng hải phận thuộc quyền quản lý của mình.
Dưới triều vua Gia Long, chính sách cứu nạn, cứu hộ trên biển quy định rõ các đối tượng được hưởng ân cấp của triều đình. Các quy định này được ghi chép cụ thể trong Hội điển gồm các thuyền công, tư trong nước gặp nạn, thuyền của người nước ngoài gặp nạn và những quy định ấn cấp đối với người bị nạn, tàu thuyền và hàng hoá…
Năm Gia Long thứ 2 (
1803) chuẩn định rằng: Những thuyền buôn bị bão, vỡ thuyền, của cải mất hết, đó là nhà buôn bị tai nạn. Quan sở tại nên căn cứ vào số nhân khẩu trong thuyền là bao nhiêu mà cấp phát cho mỗi người một tháng lương thực của công để những người buôn bán đó độ nhật
[2]. Đối với tàu thuyền của người nước ngoài, vua Gia Long quy định: “
Phàm thuyền công của nước Thanh bị gió giạt đến đều hậu gia giúp đỡ đưa về, rồi làm công văn đưa đệ đốc phủ nước ấy biết. Nếu là thuyền tư, chiệu lệ cấp phát tiền gạo, cho phép tuỳ tiện đáp về hoặc ở trọ làm ăn sinh sống, không phải đưa đi”.
[3]
Năm Gia Long thứ 3 (
1804), thuyền nhà Thanh bị nạn được triều đình cứu giúp, ân cấp cho gạo, tiền và đưa về nước: “
Sai dịch nhà Thanh là bọn Lâm Quý, Lâp Bảo đáp thuyền buôn qua Bành Hồ (thuộc tỉnh Phúc Kiến), gặp gió phải đậu vào [cửa] Đại Chiêm. Dinh thần Quảng Nam đem việc tâu lên. Vua sai cấp cho bọn Quý mỗi ngày 3 quan tiền, cho thuyền hộ Trần Thăng Thái và những thuỷ thủ 100 quan tiền, 100 phương gạo. Sau cho bọn Quý mỗi người 10 lạng bạc, sai đưa theo đường bộ về nước”.
[4]
Năm Gia Long thứ 18 (
1819), vua sai các cửa biển dự trữ tiền gạo để cấp cho người bị nạn. Chiếu rằng: “
Thương người bị nạn để rõ chính sách nhân từ. Vả đường biển gian hiểm, sóng gió khó lường, gần đây quan quân dân chúng, hoặc đi việc công, hoặc đi buôn bán, lội hiểm lặn sâu, đều là bất đắc dĩ cả, gián hoặc bỗng gặp nạn gió, người sống thì không nơi nương tựa, người chết không ai liệm bọc, xét soi thấy thế, rất đáng xót thương. Vậy hạ lệnh cho các thành dinh trấn đều dự trữ tiền 100 quan gạo 100 phương ở thủ sở cửa biển, khi có người bị nạn thì xem việc công hay việc tư, tuỳ bậc mà cấp. (Phàm người đi công sai, cai đội phó đội trở lên, mỗi người cấp tiền 4 quan gạo 1 phương; chánh đội trưởng, đội trưởng thì tiền 2 quan gạo 1 phương; người chết thì số tiền cấp gấp đôi. Binh lính thì tiền 1 quan gạo 1 phương; người chết thì tiền 3 quan. Nhân dân thì cấp 5 tiền và 15 bát gạo; người chết thì 2 quan tiền. Không phải là đi công sai thì cai đội phó đội trở lên tiền 2 quan gạo 15 bát; người chết thì 3 quan tiền. Chánh đội trưởng trở xuống đến quân dân, thì 3 tiền 10 bát gạo; người chết thì 1 quan tiền)”.
[5]
Năm Thiệu Trị thứ 6 (
1846), thuyền buôn người Thanh gặp nạn, có 6 người trôi dạt vào cửa biển xã Phước Trạch, xin trú ngụ lại Hội An. Triều đình chấp thuận, chu cấp mỗi người một phương gạo và các phương tiện sinh hoạt tối thiểu, đồng thời đề nghị Bang trưởng nhận lãnh quản lý, chờ đợi có thuyền người Thanh đến buôn bán thì cho họ tháp tùng về nước.
[6]
Năm Tự Đức thứ 7 (
1854) thuyền của viên chức võ nước Thanh bị nạn là Dương Kỳ Tuần trôi dạt đến phận biển Quảng Nam. Tỉnh thần cấp tiền, gạo khoản đãi, rồi đem việc tâu lên. Vua cho là trời đông giá rét, hạ lệnh chi phát vật hạng ở Nội khố ban cấp cho viên nạn biền ấy, lại cho thêm 20 lạng bạc nữa.
[7]
Đối với thuyền công triều đình gặp nan, năm Tự Đức thứ 8 (
1855), chuẩn định: Các thuyền phái đi bị hỏng việc, nếu không phải là bơi, chở trái phép, mà xác thực là nhân gió bão bị trôi giạt, vỡ thuyền, thì từ quản vệ, quản cơ trở lên, đều được cấp 5 quan tiền, 2 phương gạo; cai đội, suất đội đều cấp 4 quan tiền, 1 phương gạo; chánh đội trưởng đều cấp 3 quan tiền, 1 phương gạo; thư lại đều cấp 2 quan tiền, 1 phương gạo; còn binh đinh thì không cứ là bơi chở phải hay trái đều được cấp giống như thư lại; tù đinh, đều được cấp 1 phương gạo.
[8]
Năm Tự Đức thứ 12 (
1859), một chiếc thuyền sam bản của người Tây dương bị nạn gió giạt đến cửa biển Đại Áp tỉnh Quảng Nam. Trong thuyền có 12 người vừa đàn ông, đàn bà Tây Dương: 1 người Anh Cát lợi, 1 người Hoà Lang Đê còn thì đều là người Chà Và. Viện Cơ mật xin hậu cấp cho đồ ăn mặc và giấy thông hành cho đáp thuyền người nước Thanh trở về, cho họ biết đức ý triều đình.
[9]
Ngoài việc ân cấp cho người bị nạn trên biển, triều đình nhà Nguyễn còn ấn cấp cho tàu thuyền và hàng hoá gặp nạn. Năm Gia Long thứ 15 (
1816), chuẩn y lời bàn của bộ Hộ về việc thuyền buôn đến buôn bán ở cảng khác rồi bị gió, trong thuyền không có hàng hoá, cũng không gây vỡ cột buồm, bánh lái, mỏ neo thì tạm thời cho bỏ neo đổ ở phía dưới dòng nước, canh giữ cẩn thận đồng thời quan sở tại phải tâu lên và xét nhân khẩu thuyền ấy bỏ neo mấy ngày liệu cho mua củi gạo đồ ăn rồi yêu cầu rời đi, không được phép lên bờ
[10]. Còn các thuyền buôn bị gió dạt vào mà trong thuyền vẫn còn hàng hoá thì dựa vào lệ đánh thuế, đối với thuyền buôn bị gió dạt mà trong thuyền không có hàng hoá, khi trở về chỉ có hoá vật để phục vụ việc thổi nấu thì được miễn thuế
[11]. Đối với thuyền buôn bị dạt vào các cửa biển, bánh lái cột buồm bị vỡ gãy, hàng hoá thiệt hại nhiều, đã được quan địa phương kiểm chứng thì thuế lệ thuyền ấy được gia ơn khoan giảm cho 5 phần 10.
[12]
Cùng với việc ân cấp đối với tàu thuyền và hàng hoá gặp nạn, triều Nguyễn còn cho phép các tàu thuyền nước ngoài được neo đậu, sửa chữa tại Cửa Hàn và Cù Lao Chàm khi gặp tai nạn, sự cố: “
thuyền đi buôn bán ở nước khác gặp gió dạt vào, làm đơn trình xin tạm đậu để sửa chữa thì cho đậu ở cửa Hàn và chỗ Cù Lao Chiêm, sửa thuyền xong thì dân thủ lệ và dân tiếp cận áp đuổi ra khỏi cửa biển”
[13]. Đặc biệt, dưới triều vua Tự Đức, còn quy định cụ thể về việc dừng đậu của thuyền nước ngoài khi đến địa phận nước ta: Năm Tự Đức thứ 8 (
1855) chuẩn định điều cấm về khi thuyền nước Thanh đến dừng đậu ở địa hạt nước ta. Từ nay về sau, phàm thuyền nước Thanh đến buôn, bỏ neo ở phận cửa biển nào, mà thiếu củi nước thì hạn cho 5 ngày đi kiếm mua; buồm và cột có gãy, rách thì hạn cho 10 ngày để sửa chữa. Nếu hạn ấy hết, thì phải nhổ neo đi ngay. Hạt nào số thuyền nước Thanh đến buôn nhiều, khi kiểm tra xong rồi, thì lựa chọn nơi nào rộng rãi, sức bắt chúng đậu lại thành đoàn thuyền ở đó, để tiện việc tuần phòng.
[14]
Có thể thấy rằng, nhờ vào các chính sách, quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên biển, triều Nguyễn đã góp phần tạo nên sự ổn định, phát triển kinh tế, xã hội cả nước nói chung, Hội An nói riêng, đồng thời góp phần bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
* Tài liệu trích dẫn
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007),
Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo dục, tr.867.
[2] Nội các triều Nguyễn (bản dịch 1993),
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.408.
[3] Nội các triều Nguyễn (bản dịch 1993),
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 10, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.379.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007),
Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, tr.618.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007),
Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.43.
[6] Tấu của bộ Hộ về việc thuyền người Thanh xin tạm trú tại Hội An và xin chi các khoản hỗ trợ (
bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). Trung tâm QLBT Di sản Văn hóa Hội An (2021),
Hội An qua châu bản triều Nguyễn, Nxb Đà Nẵng, tr.53.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (bản dịch 2007),
Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, tr.345.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch đã dẫn, tr.412-413.
[9] Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch đã dẫn, tr.593.
[10] Nội các triều Nguyễn (bản dịch 1993),
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.433-434.
[11] Nội các triều Nguyễn,
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, bản dịch đã dẫn, tr.418-419.
[12] Nội các triều Nguyễn,
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, bản dịch đã dẫn, tr.426.
[13] Lê Quý Đôn (bản dịch 2007
), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.294.
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch đã dẫn, tr.413.