Khu vực Chùa Cầu qua tiếp cận khảo cổ học

Chủ nhật - 21/05/2023 22:38
Trải qua gần 400 năm tồn tại, ngày nay di tích Chùa Cầu (tên gọi khác là cầu Nhật Bản, tên chữ Lai Viễn kiều) không chỉ là điểm đến du lịch nổi tiếng mà đã trở thành biểu tượng về di sản kiến trúc Hội An, biểu trưng của thành phố Hội An. Từ những giá trị lịch sử - văn hóa đến ý nghĩa về mối quan hệ giao lưu quốc tế, trong quá khứ đến nay, Chùa Cầu luôn là nguồn cảm hứng trong các sáng tác thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh,… đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực từ kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật, tín ngưỡng đến khảo cổ học của các học giả trong và ngoài nước.
Hố khai quật tại vườn nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai ảnh Đặng Hồng Sơn
Hố khai quật tại vườn nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai - ảnh Đặng Hồng Sơn
 
      Tư liệu sớm nhất cho biết Chùa Cầu là cây cầu có mái che đó là bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư năm 1686. Cây cầu này nằm ở cuối “đại đường cái” theo mô tả của Thiền sư Thích Đại Sán vào năm 1695, bắc qua khe nước là ranh giới giữa hai làng Minh Hương và Cẩm Phô. Phía trước Chùa Cầu là sông lớn, nơi thuyền buôn các nước tụ hội tấp nập mua bán mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã chứng kiến khi tuần du đến phố Hội An năm 1719 nên bèn ban tên chữ cho Chùa Cầu là Lai Viễn kiều (tức là cây cầu của những người bạn đến từ phương xa). Dưới góc độ địa lý và cảnh quan sinh thái - văn hóa, khu vực tọa lạc của Chùa Cầu nằm ở vị trí ngã ba nước, nơi cuối dòng chảy của “sông trong” bắt đầu từ Lai Nghi theo dòng Rọc Gốm về hợp lưu với Khe Ồ Ồ tại Ao Làng trước khi đổ ra lạch Chùa Cầu hòa với dòng sông mẹ Thu Bồn. Dòng chảy Rọc Gốm về Chùa Cầu cũng chính là dòng chảy/vệt văn hóa khảo cổ xuyên suốt từ thời Tiền Sơ sử với các di tích Sa Huỳnh, qua thời kỳ Champa đến thời Đại Việt với thương cảng quốc tế Hội An sầm uất. Khu vực Chùa Cầu trong bán kính 100m, qua nghiên cứu khảo cổ học đã cung cấp nhiều thông tin thú vị làm sáng tỏ một số vấn đề về lịch sử của phố cổ Hội An nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng. Năm 2006, trong quá trình thực hiện dự án “Tôn tạo cảnh quan di tích Lai Viễn kiều”, tại vị trí thi công hạng mục Hồ điều hòa cách Chùa Cầu khoảng 70m về phía Bắc đã xuất lộ 01 vò gốm gần như nguyên vẹn và gần 600 mảnh gốm với các loại hình vò, hũ, nồi, nắp,… thuộc giai đoạn Chăm sớm, niên đại thế kỷ III -IV sau Công nguyên. Hoa văn trang trí trên gốm khá phong phú, được thực hiện bằng kỹ thuật in ấn, dập, khắc vẽ, chải và tô màu. Hoa văn dập được thể hiện chủ yếu trên loại hình vò, nét dập có kiểu nét lớn, vừa và nhỏ, dập dọc theo thân gốm. Hoa văn chải tập trung chủ yếu ở loại hình nồi, thực hiện từ vai trở xuống, nét chải sâu, có nhiều kiểu chải khác nhau gồm chải dọc theo thân, chải xiên từ trái sang phải, chải chéo nhau tạo thành những ô hình lát chả,... Hoa văn được thực hiện bởi thủ pháp khắc vạch gồm những viền tròn quanh thân hoặc cổ, những đường gấp khúc, nhóm đường xiên hoặc những hình không xác định, hình hoa sen quanh cổ. Hoa văn in gồm có văn in ô vuông và in ô trám lồng. Văn in ô vuông trang trí quanh thân của loại hình hũ có xương mịn màu đỏ hoặc nâu đỏ. Văn in ô trám lồng thể hiện trên loại hình nồi, trang trí từ cổ trở xuống.
 
Hố khai quật phía đông Chùa Cầu ảnh Hồng Việt
Hố khai quật phía đông Chùa Cầu - ảnh Hồng Việt
 
      Vò gốm có dáng hình trứng, màu vàng nhạt, vài nơi màu nâu đỏ và có một mảng màu đen, miệng loe mép miệng vê tròn, cổ thấp, vai xuôi, trên vai có một đường gờ nhẹ, bụng phình, đáy chỏm cầu. Từ vai về đáy trang trí hoa văn dập nét lớn, mặt trong có nhiều vết lồi lõm. Xương thô màu vàng nhạt. Kích thước vò cao 38,5cm, đường kính miệng 11,8cm, đường kính thân 30cm. Vò gốm này được các nhà nghiên cứu khảo cổ đánh giá là vò gốm lớn nhất thuộc giai đoạn Chăm sớm cho đến nay được tìm thấy. Về hũ gốm, căn cứ vào kiểu dáng của các mảnh miệng có thể chia thành 4 kiểu gồm kiểu hũ cổ cao, trang trí văn dập từ vai trở xuống, gờ vành miệng dày; kiểu hũ cổ cao vừa có hai đường viền, gờ vành miệng khá dày; kiểu hũ cổ cao vừa có hai đường viền, gờ vành miệng dày; kiểu hũ cổ cao vừa có hai đường viền, gờ vành miệng dày, mép miệng vuốt nhọn. Về loại hình nồi, có kiểu nồi miệng loe và miệng khum. Kiểu miệng loe có dạng miệng loe vừa thân gãy, miệng loe mép miệng gấp khúc, miệng loe xiên và miệng loe cong. Nắp có kiểu mép miệng có gờ và kiểu mép miệng không có gờ.

      Tại vị trí thi công bờ kè dọc theo lạch Chùa Cầu phát hiện rất nhiều cọc gỗ có kích thước lớn cùng nhiều mảnh gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản có niên đại thế kỷ XVII. Những cọc gỗ này là dấu tích của bờ kè xưa cổ để chống sạt lở dọc hai bên bờ và bảo vệ sự ổn định của di tích Chùa Cầu.

      Từ năm 2005, dự án “Tôn tạo cơ sở hạ tầng trong khu phố cổ Hội An” được thực hiện. Nhiều dấu tích kiến trúc và các di vật thuộc thời kỳ hưng thịnh của đô thị thương cảng Hội An được phát hiện dọc theo các tuyến đường trong khu phố cổ như đường cống cổ chạy dọc đường Trần Phú, móng nhà, kè gỗ,… và nhiều hiện vật như tiền đồng Việt Nam và Trung Quốc, gốm sành Việt Nam và Trung Quốc, gốm sứ Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây, gốm sứ Quảng Đông, Phước Kiến và gốm sứ Hizen - Nhật Bản thế kỷ XVII. Tại đường Châu Thượng Văn xuất lộ dấu tích kè bến sông bằng gỗ và nhiều vị trí ken dày mảnh gốm sứ thời Tống, gốm Phước Kiến - Quảng Đông thế kỷ XVI, XVII. Tại 2 hố đào cách lối vào phía Đông Chùa Cầu khoảng 2m và 2,3m xuất hiện nền đá lát đường, cống cổ xây bằng gạch, gốm sứ Hizen - Nhật Bản và gốm sứ Trung Quốc, tiền đồng. Cống gạch nằm ở độ sâu 1m85 so với mặt đường, nằm cách chùa Cầu 320cm, chạy theo hướng Bắc - Nam. Cống cao 45cm, rộng 70cm, rộng lòng 34 x 28cm. Kết cấu gồm gạch vữa vôi. Đoạn đường cống xuất lộ trong hố được lắp đậy bởi 3 lớp gạch, trong đó lớp trên cùng gạch có kích thước 25 x 10 x 3,2cm, 2 lớp bên dưới gạch có kích thước rất lớn, 46 x 46 x 6,5cm. Gạch xây thành cống có kích thước 25 x 10 x 3,2cm. Khu vực xung quanh cống gạch về phía Tây có rất nhiều cọc gỗ. Để làm rõ hơn địa tầng khảo cổ và dấu tích của những kiến trúc xuất hiện nơi đây, năm 2006, một hố khai quật khảo cổ với diện tích 5,8m2 được triển khai ở phía Đông Chùa Cầu. Tại đây đã phát hiện dấu tích kiến trúc gỗ được nhận định có khả năng là dấu tích cây cầu xưa, cống thoát nước xây dựng bằng gạch và đường đi lát đá như đã đề cập ở trên. Đặc biệt là tầng văn hóa liên quan đến cư trú sớm có niên đại đầu thế kỷ XVII xuất lộ ở độ sâu 2m00. Về kết cấu địa tầng, từ độ sâu 0m40 -2m00 là tầng đất sét màu vàng đến màu vàng nhạt. Tầng đất màu đen xuất lộ ở độ sâu 2m00 trở xuống. Hiện vật phát hiện được tại hố khai quật gồm tổng cộng 5237 tiêu bản với 2401 mảnh sành, 2824 mảnh sứ, 11 tiền đồng và 01 quả cân (?). Đồ sành sứ có niên đại thế kỷ XVII - XVIII, có nguồn gốc Trung Quốc, một số đồ gốm sứ Việt Nam và Nhật Bản. Tiền đồng gồm Thiệu Thánh nguyên bảo, Hoàng Tống thông bảo, Chính Hòa thông bảo thuộc thời Tống - Trung Quốc và Thái Bình thông bảo thời chúa Nguyễn.
 
Vò gốm phát hiện ở khu vực thi công hạng mục Hồ điều hòa
Vò gốm phát hiện ở khu vực thi công hạng mục Hồ điều hòa - Ảnh: Hồng Việt
 
      Cũng năm 2006, tại vị trí nhà 16 Nguyễn Thị Minh Khai, cách Chùa Cầu chưa đầy 100m, một hố khai quật khảo cổ với diện tích 6m2 được mở. Tầng văn hóa trong hố khai quật ở sâu 1m00 trở xuống khá ổn định, xuất hiện gốm sứ thế kỷ XVII với mật độ tăng dần đến độ sâu 1m80, trong đó đặc biệt là gốm sứ Hizen - Nhật Bản nửa cuối thế kỷ XVII. Trong hố khai quật phát hiện được những dấu tích rất quan trọng gồm một dấu tích kiến trúc gạch đã bị đổ nát ở độ sâu 1m50 - 1m80, dấu tích bếp lò ở độ sâu 1m80 và một số mảnh vỡ của một loại hình bếp lò bằng gốm nằm ở độ sâu 2m20 tại hố thăm. Hiện vật phát hiện tại hố khai quật khá đồ sộ với 5030 mảnh sành, 2532 mảnh sứ và 03 tiền đồng. Trong đó phần lớn là gốm sứ Hizen - Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là hố khai quật phát hiện nhiều đồ gốm sứ Hizen nhất từ xưa đến nay. Từ đặc điểm di tích và di vật của hố khai quật này đã hé mở nhiều thông tin lý thú về khu vực cư trú của kiều dân Nhật trên đất Hội An xưa. 

      Qua việc tiếp cận khảo cổ học khu vực di tích Chùa Cầu cho thấy trầm tích văn hóa quan trọng nơi đây, vừa chứng minh cho sự tiếp nối lịch sử lâu dài của vùng đất, vừa khẳng định thêm quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ Hội An nói chung, di tích Chùa Cầu nói riêng. Bên cạnh đó cũng minh chứng kỹ năng, kinh nghiệm của người xưa trong việc chống sạt lở, bảo vệ bờ sông bến cảng trước tác động của dòng nước. Đặc biệt, đã góp phần làm rõ khu vực cư trú của kiều dân, thương nhân Nhật Bản ở Hội An vào thế kỷ XVII.
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây