Một số thông tin về đóng thuyền thời kỳ Tây Sơn ở Hội An trong tư liệu xã Minh Hương

Thứ hai - 03/07/2023 04:25
Vào năm 1558, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, và đến năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê giao trấn thủ vùng đất Quảng Nam. Kể từ đây Nguyễn Hoàng thực hiện nhiều chính sách để thiết lập quyền lực chính trị, quân sự, phát triển kinh tế ở vùng đất mới.
     
hư của Đốc lý Chiến tàu bộ Công gửi xã
Thư của Đốc lý Chiến tàu bộ Công gửi xã Minh Hương về việc thợ tu bổ tàu chiến. Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
      Có thể nói, dưới thời các chúa Nguyễn, Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung được xem là trung tâm phát triển kinh tế giàu có vào bậc nhất của xứ Đàng Trong. Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, tại Hội An, Quảng Nam là nơi xảy ra nhiều sự kiện lịch sử chính trị quan trọng, trong đó có sự tranh giành quyền lực giữa 3 thế lực gồm nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn và chúa Trịnh nhằm xác lập quyền lực tại vùng đất này.

      Cho đến nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu về phong trào - triều Tây Sơn được nhiều học giả trong nước và quốc tế quan tâm, kết quả nghiên cứu đồ sộ và phong phú, trải dài trên nhiều lĩnh vực như lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội,… trong đó có những nhận xét, đánh giá theo nhiều chiều hướng khác nhau, có mặt tích cực, có mặt tiêu cực,… Nhưng nhìn chung, đa số các nghiên cứu đều đánh giá vai trò quan trọng của nhà Tây Sơn trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Nguyễn Huệ, sau này là vua Quang Trung.

      Riêng ở Hội An, những tư liệu, dấu tích, di tích về phong trào Tây Sơn còn khá khiêm tốn và ít ỏi, vì vậy việc tìm hiểu, nhận diện, nghiên cứu về sự có mặt của Tây Sơn ở Hội An còn nhiều hạn chế. Trong những năm gần đây, một số văn bản Hán Nôm liên quan đến nhà Tây Sơn lưu giữ trong các gia đình, dòng tộc ở Hội An, Quảng Nam… được một số nhà nghiên cứu tiếp cận và công bố như nghiên cứu của tác giả Trần Văn An, Phú Bình, Lê Văn Huân,…

      Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Tỉnh thực hiện những năm 1998 - 1999: “Nghiên cứu vai trò của xã Minh Hương ở thương cảng Hội An thế kỷ XVII - XIX”, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã sưu tập hơn 4.000 trang tư liệu Hán Nôm liên quan đến xã này bao gồm các loại sắc phong, tờ truyền, trát văn, trình bẩm, khế ước, bản khai điền thổ, sổ đinh, sổ kê ngày lễ cúng, gia phổ và các loại văn bản khác. Niên đại của các tư liệu này nằm trong mốc thời gian từ năm 1744 đến 1954.

      Đặc biệt, một điều khá may mắn, qua việc dịch thuật, xử lý thông tin nguồn tư liệu này, Trung tâm đã tiếp cận được 38 văn bản Hán Nôm liên quan đến nhà Tây Sơn. Đây là các loại giấy tờ kê khai đất đai, dân số, các loại văn bản hành chính, các tờ trình bẩm của các làng xã Minh Hương, Hội An, Cẩm Phô,… có niên đại thời Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh. Nguồn thông tin này được xem là tài liệu quý giá để tìm hiểu, nghiên cứu về phong trào - triều Tây Sơn ở Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung.

      Trong 38 văn bản trên, đáng lưu ý có 3 văn bản liên quan đến việc nhà Tây Sơn huy động thợ xã Minh Hương đóng thuyền chiến và tu bổ thuyền chiến, trong đó có 2 thư và 1 tờ truyền của quan Đốc lý chiến tàu thuộc bộ Công nhà Tây Sơn gửi xã Minh Hương.

      Về việc huy động thợ đóng thuyền chiến, trong Thư của quan Đốc lý chiến tàu vào năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) ghi chép: “… Do các tên trong xã đã làm sưu công dịch ở tàu chiến từ trước đến nay đã nhiều phen công lao khó nhọc nên phải làm kim phê cho bổn xã được miễn các sưu vụ, như các tên ấy về thì lập làm 1 đội để làm công sưu tàu thì các chức cùng bổn xã phải cùng nhau kiểm soát các tiền đóng góp khác, kẻo bị phiền phức, một cổ hai dây buộc, đừng có yêu sách gì mà phải thuận theo như lệ...”[1].

      Trong tờ Truyền của quan Đốc lý chiến tàu tuyển chọn người đóng thuyền côngvụ vào năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) cho biết: … Do phụng mệnh đóng tàu chiến lớn 4 chiếc, việc rất quan trọng, vả lại đội thợ có ít người, công việc lại rất cần gấp sợ làm không kịp, nên truyền cho trưởng Nhiêu, trưởng Đáng cùng các chức phải đòi các tên có ghi trong tờ này giao gấp cho đội Sáu, cai Long xem giữ dẫn về, nếu có thuộc quân của Công bộ quan Phò mã đến đó thì giao cho và nói họ lấy tình để cho quân lính khỏi làm nhục họ bằng cách trói gông. Phải giao cho đủ số nếu mà giấu giếm một người mà sau có người tố giác thì tội chết không tránh khỏi. Phải gấp gấp. Những người có tên sau: cai Phụng, thứ Thuận, thợ Lân, thợ Bảo, thợ Minh, thợ Thể, thợ Cung, thợ Lang, thợ Dã, thợ Qua, thợ Tương, thợ Kiên, thợ Luận, thợ Hưu, thợ Trực[2]. Trong văn bản này, có đến 15 người thợ của xã Minh Hương được huy động để đi đóng thuyền chiến.

      Về việc huy động thợ tu bổ thuyền chiến, trong Thư của quan Đốc lý chiến tàu vào năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) ghi chép: “… Các chức vị trong xã cũ Minh Hương, chúc quý vị cùng được sống lâu, còn mãi mãi bền dài, là do người trong xã đã tựu công làm sưu dịch các tàu đại chiến cũng như đã tu bổ nhiều chiếc tàu cũ. Đã dày công khó nhọc, mang được cho về nguyên quán làm ăn như cũ, nay thì số sưu dịch các vụ của họ đầy đủ nên phiền các quý chức trong xã nên họp để chuẩn miễn cho họ được nhờ lại khỏi đền yêu sách, xin hãy thuận tình chước miễn. Còn như Cai đội Hạc có về đấy hoặc có lính về trong xã bắt phải chịu sưu dịch các lẽ thì quý xã chớ nghe, không chịu hay theo họ trong các việc do Cai đội Hạc bày ra[3]. Qua 3 văn bản trên cho thấy, nhà Tây Sơn thể hiện sự quan tâm đến các người thợ của xã Minh Hương qua việc miễn sưu dịch, chăm lo đời sống, động viên họ khi trở về quê sinh sống.

      Có thể thấy, các tư liệu của xã Minh Hương trên đã góp phần bổ sung nguồn thông tin quan trọng phục vụ nghiên cứu thời kỳ Tây Sơn ở Hội An, đặc biệt là nghiên cứu việc đóng thuyền chiến của nhà Tây Sơn trong lịch sử. Việc huy động thợ đóng thuyền của xã Minh Hương cho thấy nhà Tây Sơn rất xem trọng lực lượng, kỹ thuật đóng thuyền của người dân ở đây. Bên cạnh đó, nhà Tây Sơn thực hiện nhiều chính sách miễn sưu dịch cũng như khen thưởng, động viên kịp thời những đóng góp của đội ngũ thợ đóng thuyền xã Minh Hương.
 
[1] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), 250 năm phong trào Tây Sơn nhìn từ Hội An, Nxb Đà Nẵng, tr.71.
[2] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), 250 năm phong trào Tây Sơn nhìn từ Hội An, sđd, tr.93.
[3] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2021), 250 năm phong trào Tây Sơn nhìn từ Hội An, sđd, tr.87.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây