Vài thông tin về tình hình kinh tế, xã hội làng Thanh Hà xưa ở Hội An

Chủ nhật - 06/08/2023 23:37
Thanh Hà xưa (bao gồm cả xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà hiện nay), là một làng được hình thành khá sớm ở Hội An, địa bàn dân cư sinh sống khá rộng lớn, phía Nam là sông Hội An (thuộc hạ lưu sông Thu Bồn); phía Tây giáp với phường Điện Nam, Điện Dương thuộc thị xã Điện Bàn; phía Đông giáp với phường Cẩm Phô, Cẩm Châu; phía Bắc - Đông Bắc giáp với phường Cẩm An bởi con sông Cổ Cò - Để Võng và có một xóm/ấp Cồn Động (thuộc Thanh Hà xưa) nằm trên đất Cẩm An hiện nay. Và đặc biệt có con đường tỉnh lộ 607 và 608 đi qua Thanh Hà xuống Faifo - Hội An.
lang gom thanh ha
Một góc làng Thanh Hà - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Về nguồn gốc cư dân ở Thanh Hà, các tộc họ tiền hiền hầu hết đều từ vùng Thanh Hóa vào đây tạo dựng nên làng/ xã. Người Việt kế tiếp người Chàm là một bộ phận cư dân cơ bản, chủ nhân chính của cộng đồng cư dân làng Thanh Hà. Trong buổi sơ khai vào đây họ chủ yếu sinh sống bằng các nghề cổ truyền là nghề nông - làm ruộng lúa nước, trồng các loại cây rau màu, hoa quả... Một số cư dân đã dựa vào địa thế biển rộng, sông ngòi chằng chịt khai thác đánh bắt hải sản (cá, tôm, mực)... và một số ngành nghề thủ công để phục vụ cho nhu cầu của buổi sơ khai ban đầu đó. Có kết hợp nông nghiệp, ngư nghiệp và thủ công nghiệp từ đó tất nhiên có chợ, bến để trao đổi buôn bán giữa các làng với nhau và với thuyền buôn nước ngoài. Trên cơ sở có đứt gãy, gián đoạn mà cũng có tiếp nối truyền thống của người Chàm với người Việt trong làm ăn sinh sống, kỹ thuật khai thác, kỹ thuật sản xuất và kinh tế buôn bán, cùng các hình thức sinh hoạt kinh tế, văn hóa tương ứng. Rồi cùng với năm tháng, thời gian lịch sử, với bản tính cần cù, thông minh, sáng tạo của con người Đại Việt trên mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi, làng/xã Thanh Hà không ngừng phát triển theo hướng chuyên nghề, chuyên ngành, nhưng cơ bản là nghề làm nông, đánh bắt thủy sản trên sông nước - ngư nghiệp, nghề buôn bán/ thương nghiệp cũng phát triển với dân cư sống ven sông Hội An/ Chợ Củi và nghề nung vôi, gạch, ngói, đặc biệt đã phát triển nổi tiếng với nghề làm gốm  - Làng gốm Thanh Hà ở khu vực miền Trung - Việt Nam. Và sau này có làng rau Trà Quế nổi tiếng. Trên hành trình phát triển, làng Thanh Hà đã góp phần tạo dựng nên phố chợ Hội An, Đô thị thương cảng thuyền buồm quốc tế, một trung tâm thương nghiệp - ngoại thương nổi tiếng của Đàng Trong - Việt Nam ở Châu Á vào thế kỷ 17, 18 và là Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới hôm nay.

      Về cơ cấu tổ chức của làng Thanh Hà thời kỳ phong kiến, thực dân cũng giống như các làng khác ở Hội An, miền Trung như học giả Đào Duy Anh có viết: “Mỗi làng là một đơn vị tự trị trong một phạm vi quốc gia. Đối với nhà nước đơn vị này chỉ cần làm trọn những nghĩa vụ về sưu thuế, tạp dịch binh lính là có thể tự do xử lý công việc trong làng, nhà nước không can thiệp[1]. Cũng có thể hiểu làng cổ truyền là đơn vị tụ cư, là cộng đồng dựa trên quan hệ láng giềng kết hợp với quan hệ huyết thống, là môi trường sinh hoạt văn hóa - xã hội từ bao đời nay gắn bó với cuộc sống của người dân Việt Nam.
Về cơ bản làng - xã là hệ thống quản lý ghép của một thực thể địa cư chịu sự điều hành của lưỡng quyền - là bộ máy quản lý nhà nước: Xã trưởng/lý trưởng và tổ chức tự quản (làng, họ)[2]. Tức là bộ máy hành chính - Chức dịch và bộ máy tự quản - Sắc mục, gọi chung là Chức sắc. Chức dịch: gồm xã trưởng/lý trưởng, tri thu, trùm trưởng, ấp trưởng,... là bộ phận chức sắc quản lý làng - xã nằm trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước, được nhà nước công nhận chính thức. Sắc mục: Gồm Hương mục, hương lão, cựu xã trưởng/lý trưởng, cựu phó lý trưởng, cựu ấp trưởng, dịch mục, lão tín,... là những người đại diện cho cộng đồng thuộc bộ máy tự quản của làng xã, không do chính quyền cấp trên chấp nhận và giao nhiệm vụ, nhưng lại có quyền lực thực sự trong cộng đồng làng xã.

 
lang rau tra que
Một góc làng rau Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Đến thời kỳ Pháp thuộc, ở Thanh Hà nói riêng và cả Hội An - Trung kỳ nói chung, theo chỉ dụ của Nam Triều (Triều Nguyễn), làng - xã thành lập Hội đồng Kỳ hào. Đây là cơ quan quyết nghị gồm những người có phẩm hàm, có khoa cử, các tổng, lý, ngũ hương hiện đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó có Ủy ban Thường trực Hội đồng Kỳ hào quản trị các việc trong làng xã. Ủy ban này gồm: Lý trưởng; 5 viên chức (ngũ hương có: Hương bộ: Quản thủ các sổ địa bạ; Hương bản: Giữ và quản lý quỹ xã, có quyền thu các sắc thuế hàng xã, các khoản xã được quyền thu, cấp phát biên lai; Hương kiểm: Thực hiện nhiệm vụ cảnh sát, tuần phòng trong xã, ngang hàng với phó lý; Hương mục: Trông coi đường xá, cầu cống của xã hoặc đi qua xã; Hương dịch: Thông báo bằng cách rao mõ cho dân làng, mệnh lệnh cấp trên...)

      Muốn nắm được các chức sắc này trong làng, trên thực tế hầu hết phải là những người có ít nhất một trong những điều kiện sau: Xuất thân là quan lại; gia đình có của, đứng tên trong bộ đất (địa bạ/bộ); dòng dõi tộc/họ tiền - hậu hiền có công khai khẩn, khai cơ làng - xã; có đỗ đạt... Những người thuộc thành phần trên chọn lựa lẫn nhau, chia giữ các chức sắc trong làng. Kể cả việc chăm sóc việc cúng tế tại các thiết chế văn hóa tín ngưỡng (đình, miếu, lăng...) của làng - xã, cũng đều do các chức sắc này trực tiếp phân chia, lo quản lý.

      Ở Thanh Hà ngoài các tổ chức tự quản làng của các sắc mục, tổ chức quản lý hành chính xã của các chức dịch còn có các tổ chức quản lý rất mạnh mẽ của ấp, rồi xóm và hình thức kết cấu tổ chức xã hội tự nguyện, tự quản khác đáng lưu ý như: Tổ chức của dân đinh (giáp hay phe): Những người trong cùng khu vực cư trú (xóm) nhằm giúp nhau trong việc hiếu hỉ (tang ma, cưới xin) hoặc những công việc khó khăn cần đến dân đinh; Hội Chùa: của những người theo đạo phật; Phổ bà gồm những người cùng tín ngưỡng thờ bà nữ thần (Ngũ Hành tiên nương)... Tuy nhiên, các tổ chức giáp/phe, Phổ, Hội,... nói trên vẫn phải tôn trọng, chịu sự quản lý của tổ chức làng - xã cũng như phải hoàn thành mọi nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với làng - xã.

      Việc quản lý làng - xã, các chức sắc chủ yếu có 2 sổ: Sổ đinh và sổ điền - địa bạ. Nhìn chung, những người có vị trí cao trong làng là những người thân hào, nhân sĩ, bậc cao niên, thực tế bao gồm những người có bằng cấp, phẩm hàm, chức tước, tài sản và tuổi tác. Thường khi về làng hoặc lên chức đều có “lễ làng” - tuy không bắt buộc chặt chẽ, linh đình như ở đồng bằng Bắc bộ, nhưng phải có và theo khả năng của mỗi người để tiến lễ. Thứ đến là dân chánh /chính cư, cư dân ít nhất phải có 3 đời sống trong làng/xóm. Cuối cùng mới đến dân ngụ cư (hay còn gọi là dân tứ chánh/chiếng) - với quan niệm: “Đò dọc phải tránh đò ngang, dân ngụ phải tránh dân làng cho xa”. Dân ngụ cư không được sinh hoạt trong các phe/giáp nhưng phải lo phục dịch, nhất là trong những ngày có việc tế lễ/hội làng,... Trong khi đó, họ vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của dân làng, của một dân đinh: Đi phu, đi lính, sưu dịch, nộp thuế,... Đến trước cách mạng tháng 8/1945, Thanh Hà là một xã lớn ở Hội An, với tổng diện tích ruộng và thổ cư là trên 700 mẫu, bạch sa thổ mộ (đất bãi cát, mộ địa) là 150 mẫu và dân số trên 500 người. Nghề nghiệp của dân cư trong làng khá đa dạng, phong phú, với các nghề chính là nghề nông, thương mãi/ buôn bán, nuôi tằm, ươm tơ, nghề buôn bằng ghe/thuyền đi khắp nơi, đánh cá, thợ nề, thợ mộc,...

      Có thể nói, từ những đặc điểm địa lý tự nhiên và lịch sử hình thành dân cư, kinh tế - xã hội - văn hóa, các lớp thế hệ cư dân Thanh Hà không chỉ khai phá, dựng xây nơi đây thành vùng quê nổi tiếng ở miền Trung, Việt Nam với địa danh làng gốm Thanh Hà nổi tiếng mà còn đóng góp to lớn cho sự hình thành, phát triển của Đô thị thương cảng cổ Faifo - Hội An trong lịch sử.
 
[1] Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương, Huế, Viện giáo khoa xuất bản, tr.143.
[2] Nhìn chung, làng - vốn là từ Nôm, chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ và hoàn chỉnh nhất. Xã - vốn là từ Hán, chỉ đơn vị hành chính nhỏ nhất của nhà nước phong kiến ở các vùng nông thôn xưa kia. Tùy vào quy mô cụ thể của từng địa phương mà có xã tương đương với một làng; có xã gồm nhiều làng và mỗi làng cấu thành xã này được gọi bằng tên - từ Hán là Thôn. Ngoài ra, cũng tùy vào địa hình, địa thế của từng làng/thôn mà hình thành các điểm tụ cư gồm nhiều hộ dân sống gần nhau được gọi bằng tên Nôm là Xóm. Tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau và đặc điểm của từng địa phương mà khái niệm Thôn/Ấp/Xóm với làng/xã  có sự thay đổi. Nhưng nhìn chung, làng - xóm, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày, biểu thị tình cảm; Xã – Thôn/Ấp, được dùng trong giấy tờ, nặng nghĩa về hành chính. Ở đầu thời Nguyễn, đứng đầu bộ máy quản lý cấp xã là xã trưởng, có các thôn trưởng, khán thủ giúp việc. Mỗi xã, tùy thuộc vào vị trí, quy mô có thể có từ một đến nhiều xã trưởng. Từ năm 1828 (triều vua Minh Mệnh) đã ban hành quy định cải tổ về bộ máy quản lý làng xã. Xã trưởng được thay thành lý trưởng, thôn/Ấp trưởng thay thành phó lý trưởng; mỗi xã một lý trưởng.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây