Thông tin về mộ ông Cửu phẩm họ Lâm ở xã Cẩm Hà

Chủ nhật - 27/08/2023 22:05
Trên địa bàn xã Cẩm Hà hiện tồn nhiều ngôi mộ táng xưa với nhiều mốc niên đại, thành phần chủ nhân và hình thức kiến trúc phong phú, đa dạng, phân bố chủ yếu ở khu vực thôn Đồng Nà, Trảng Suối và Bàu Ốc.
      Hầu hết các ngôi mộ từ lâu không còn thân nhân chăm nom hương khói, sửa sang tu bổ, do vậy không ít ngôi mộ đang trong tình trạng xuống cấp nặng hoặc hư hoại nghiêm trọng bởi thời gian tồn tại quá lâu, bị cây cối xâm thực, đất cát vùi lấp, nhiều mộ chỉ còn lại mỗi bia đá. Trong số đó, một vài ngôi mộ vẫn còn tương đối đầy đủ các hạng mục kiến trúc dù đã bị hư hỏng hoặc chỉ còn dấu vết, có thể hình dung phần nào tổng thể kiến trúc của ngôi mộ dựa vào tính chất đăng đối của kiến trúc mộ táng. Dù trong tình trạng xuống cấp như đề cập ở trên, song mộ ông Cửu phẩm họ Lâm lại  là di tích có giá trị tiêu biểu về kiến trúc mộ táng và đây cũng là ngôi mộ hiếm hoi ở xã Cẩm Hà hiện còn bia ký, giúp người đời sau hiểu về thân thế, sự nghiệp lúc sinh thời của người quá cố.

      Theo nội dung bia mộ và bia ký, người quá cố họ Lâm, hiệu Đa Văn, nguyên quán huyện Đồng An, Phước Kiến, Trung Quốc. Ông cố và ông nội của ông đều làm quan lại dưới triều Đại Thanh. Cha của ông dong thuyền đến nước Đại Nam, cưới vợ sinh con, lập nghiệp tại đây, trên đường hồi hương, chẳng may mất tại Quảng Châu. Ông họ Lâm sinh thời là người tài đức vẹn toàn, gia đình trên thuận dưới hòa, sống nghĩa khí, được vua thân mệnh ban biển sắc tứ Cửu phẩm Hành nhân[1]. Ông bị nhiễm bệnh vào năm Đinh Sửu (1877), mất vào tháng 11 năm Mậu Dần (1878). Bia mộ do vợ, em ruột và cháu trai lập năm Tự Đức Kỷ Mão (1879), điều đó cho thấy có thể ông không có con cái nối dõi. Bia ký được lập năm Tự Đức thứ 32 (tức năm 1879).

      Mộ ông Cửu phẩm họ Lâm tọa lạc trên khu vực có địa hình bằng phẳng, mặt tiền quay về hướng Đông Bắc, hiện tại bị bao bọc bởi cây cối lâu năm rậm rạp xung quanh. Hiện nay khu vực này thuộc tổ 8, thôn Trảng Suối, xã Cẩm Hà, nằm phía sau trường tiểu học Lê Độ. Về kiến trúc, ngôi mộ gồm có các hạng mục sau: bia đá, nấm mộ, thành bao (kết hợp bình phong hậu và bia ký), phía trước có khoảnh sân với tay ngai. Kích thước tổng thể ngôi mộ: 5,44m x 7,66m. Mộ trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cây cối xâm thực phá vỡ các thành phần kiến trúc mộ, tường thành bao.

 
mo ong
Mặt bằng tổng thể hiện trạng mộ ông cửu phẩm họ Lâm
 
      Nấm mộ có dạng hình hộp chữ nhật (hình dạng giống như một chiếc quan tài) được làm từ đá phiến, gồm nhiều tấm đá ghép lại với nhau. Nấm đặt trên phần đế cũng bằng đá phiến. Tấm đá ở phía sau của nấm mộ đã bị tách rời so với phần còn lại, có thể do bị đào trộm, phá hoại từ lâu. Khoảng hở giữa tấm đá này và nấm mộ bị cây cối xâm thực.

      Tường thành bao quanh nấm mộ có mặt bằng hình chữ nhật, vát xéo ở 4 góc, xây gạch, kết dính, tô trát bằng vữa vôi hợp chất. Chính giữa, phía trước là hai trụ biểu có tiết diện tròn, hiện đã bị gãy ngang, phần thân hiện còn cao khoảng 0,9m, mặt trước có đắp câu đối chữ Hán bằng mảnh gốm đất nung. Khoảng trống giữa hai trụ tạo thành lối vào viếng mộ. Mở rộng ra hai bên có hai trụ tiết diện vuông. Liên kết trụ tròn và trụ vuông ở mỗi bên là tường thành. Các hạng mục này đã xuống cấp, hư hoại nghiêm tr ọng. Tường ngang phía sau có bình phong hậu kiểu cuốn thư. Chính giữa bình phong gắn bia ký, ô hộc cuốn thư hai bên trang trí quả phật thủ (bên trái, theo hướng quy ước) và đào (bên phải). Mặt trên góc giao tường bao và bình phong ở hai bên đắp nổi hình đầu rồng (?) chầu cuốn thư (phần thân rồng chạy dọc theo tường bao).

 
      Tay ngai là những mảng tường xây bắt đầu từ tường ngang phía trước của thành bao, mở rộng ra hai bên tạo mặt bằng hình chữ nhật vát xéo ở 4 góc. Phía trước có 4 trụ biểu vuông, kết hợp tường xây tạo thành khoảnh sân trước mộ. Tương tự như những hạng mục khác của ngôi mộ, tay ngai cũng bị hư hoại nghiêm trọng, hình dạng, kích thước được chúng tôi tạm suy đoán từ những dấu vết ít ỏi hiện còn.

      Bia mộ đặt phía trước nấm mộ, được làm từ cẩm thạch, hình chữ nhật, vát xéo ở cạnh trên, kích thước: cao 1,065m, rộng: 0,67m, dày 0,18m, có chạm khắc trang trí khá đặc sắc ở cả hai mặt, nét chạm tinh xảo, mềm mại. Hai bên bia có tai bia (hai khuôn nhỏ đối xứng hai bên dạng tam sơn). Tai bia chạm hoa văn gãy khúc cách điệu hình cuộn mây. Đáng tiếc là bia bị sứt bể một số mảng lớn ở diềm và trán. Bia đặt trên bệ cũng bằng chất liệu cẩm thạch, mặt trước và mặt bên chạm dây lá uốn lượn, cách điệu hình cánh dơi.
 
bia mo ong cuu pham ho lam
Bia mộ - Ảnh: Hoàng Phúc

      * Mặt trước bia mộ:

      Trán bia trang trí dây lá hóa rồng chầu mặt nguyệt, phía trên lòng bia trang trí hình dơi ở chính giữa (tư thế chúi xuống) và hai con dơi ở góc, trang trí thêm nút thắt cát tường và dây tua. Diềm bia tạo hình trụ kiểu cuốn thư, hoa văn đối xứng qua lòng bia, mặt ngoài trang trí hoa cúc và dấu triện chữ 壽 (Thọ), mặt trong trang trí cặp câu đối chữ Hán (không đọc được). Diềm đế trang trí hoa cúc và dây lá. Nội dung văn bia:

      Nguyên văn:
      皇 朝
      嗣 德 己 卯 桐 月 上 浣
      勅 授 九 品 行 人 同 邑 多 文 號 林 伯 甫 之 佳 城
      妻 余 氏 評
      㚿 第 鳳 梧
      姪 男 吉 發
      仝 立 石

      Phiên âm:
      Hoàng triều
      Tự Đức Kỷ Mão đồng nguyệt thượng hoán
      Sắc thụ Cửu phẩm Hành nhân Đồng Ấp Đa Văn hiệu Lâm Bá phủ chi giai thành
      Thê Dư Thị Bình
      Bào đệ Phượng Ngô
      Điệt nam Cát Phát
      Đồng lập thạch.

      Tạm dịch nghĩa:
      Hoàng triều
      Ngày 10 tháng mùa thu năm Tự Đức Kỷ Mão
      Mộ của ông họ Lâm hiệu Đa Văn người Đồng Ấp được sắc thụ là Cửu phẩm Hành nhân 
      Vợ Dư Thị Bình, em ruột là Phượng Ngô, cháu trai Cát, Phát
      Cùng lập bia.

      * Mặt sau bia mộ:
      Diềm trên trang trí dây lá hóa rồng chầu vòng tròn lưỡng nghi. Diềm bên trang trí dây lá hóa rồng. Diềm đế trang trí hoa dây. Nội dung văn bia[2]:

      Nguyên văn:
      幾 十 春 秋 播 令 名
      桑 蓬 未 遂 此 人 生
      何 期 一 去 音 容 寂
      消 長 盈 虚 造 化 情

      Phiên âm:
      Cơ [kỷ] thập xuân thu bá lịnh danh,
      Tang bồng vị toại thử nhân sinh.
      Hà kỳ nhất khứ âm dung tịch,
      Tiêu trưởng doanh hư tạo hóa tình. 
      Tạm dịch nghĩa:
      Mấy chục xuân thu nổi tiếng tăm
      Tang bồng chưa toại kiếp nhân sinh
      Khi nào một bước âm dung[3] bặt
      Được mất hơn thua tạo hoá tình

bi ky
Bia Ký - Ảnh: Hoàng Phúc
 
       Bia ký ở bình phong hậu được làm từ đá phiến, hình chữ nhật với kích thước: cao 1,29m, rộng 0,925m, dày 0,065m. Bia không có diềm, không có hoa văn trang trí. Nội dung văn bia:

      Nguyên văn:
夫 人 生 天 地 间 一 死 一 生 而 已 生 則 功 名 事 業 顯 於 世 死 則 前 程 芳 燭 遺 於 来 惟 思 先 君 之 始 祖 乃 大 清 福 建 泉 郡 同 邑 人 也 其 先 君 之 曾 祖 為 户 部 尚 書 先 君 之 祖 爲 户 部 辨 理 先 君 之 父 襲 稱 蔭 子 乘 船 往 大 南 國 娶 婦 生 下 尚 存 一 女 二 男 乃 返 帆 故 國 不 意 昊 天 弗 惠 嚴 父 没 于 廣 州 登 太 行 而 覩 白 雲 飛 月 落 五 更 成 遠 夢 愁 来 一 日 似 三 秋 兄 弟 長 成 桂 珠 同 爨 和 樂 且 耽 花 萼 相 期 鞾 又 想 先 君 之 為 人 夫 妻 則 琴 瑟 唱 和 婦 妾 待 以 莊 慈 兄 弟 則 友 恭 無 间 天 顯 弗 違 此 先 君 之 處 家 道 是 最 好 底 人 者 矣 行 陰 隲 則 遵 文 昌 之 訓 勇 敢 力 行 志 氣 自 持 而 家 庭 整 頓 裕 財 源 則 体 大 學 之 道 用 意 施 為 公 私 得 力 而 邦 國 有 裨 此 先 君 之 為 人 不 負 鬚 眉 者 也 帝 其 申 命 勅 賜 九 品 行 人 其 人 如 此 非 出 衆 一 頭 地 而 誰 胡 然 而 丁 丑 年 間 因 以 攖 病 忽 于 戊 寅 年 十 一 月 十 九 日 而 終 此 人 生 夜 旦 之 必 然 安 得 不 述 其 事 迹 以 誌 之 者 乎
哀 妻 余 氏 評 泣 述
皇 朝 嗣 德 三 十 二 年 三 月 下 浣
清 江 居 士 黄 如 璧 謹 述

      Phiên âm:

      Phù! Nhân sinh thiên địa gian nhất tử nhất sinh nhi dĩ. Sinh tắc công danh sự nghiệp hiển ư thế; tử tắc tiền trình phương chúc di ư lai. Duy tư Tiên quân chi thủy tổ nãi Đại Thanh, Phúc Kiến, Tuyền quận, Đồng Ấp nhân dã. Kỳ tiên quân chi tằng tổ vi Hộ bộ Thượng thư. Tiên quân chi tổ vi Hộ bộ Biện lý. Tiên quân chi phụ lũng xưng Ấm tử, thừa thuyền vãng Đại Nam quốc, thú phụ sinh hạ, thượng tồn nhất nữ nhị nam. Nãi phản phàm cố quốc, bất ý hạo thiên phất huệ, nghiêm phụ một vu Quảng Châu. Đăng thái hành nhi đỗ bạch vân phi, nguyệt lạc ngũ canh thành viễn mộng, sầu lai nhất nhật tựa tam thu. Huynh đệ trưởng thành, quế châu đồng thoán hòa nhạc thả đam, hoa ngạc[4] tương kỳ ngoa hựu tưởng. Tiên quân chi vi nhân phu thê tắc cầm sắt[5] xướng hòa, phụ thiếp đãi dĩ trang từ, huynh đệ tắc hữu trà vô gián. Thiên hiển phất vi thử tiên quân chi xứ gia đạo thị tối hảo để nhân giả hĩ. Hành Âm Chất tắc tuân Văn Xương chi huấn, dũng cảm lực hành chí khí tự trì nhi gia đình chỉnh đốn. Dụ tài nguyên tắc thể Đại học chi đạo dụng ý thi vi công tư đắc lực nhi bang quốc hữu tì. Thử tiên quân chi vi nhân bất phụ tu mi giả dã.

      Đế kỳ thân mệnh sắc tứ Cửu phẩm Hành nhân, kỳ nhân như thử phi xuất chúng nhất đầu địa nhi thùy. Hồ nhiên nhi Đinh Sửu niên gian, nhân dĩ anh bệnh. Hốt vu Mậu Dần niên thập nhất nguyệt thập cửu nhật nhi chung. Thử nhân sinh dạ đán chi tất nhiên an đắc bất thuật. Kỳ sự tích dĩ chí chi dã hồ.

      Ai thê Dư Thị Bình khấp thuật.
      Hoàng triều Tự Đức tam thập nhị niên tam nguyệt hạ hoán.
      Thanh Giang cư sĩ Huỳnh Như Bích cẩn thuật.

      Tạm dịch nghĩa:

      Con người sống trong khoảng trời đất một lần mất một lần sinh mà thôi. Sinh thì công danh, sự nghiệp hiển hách ở đời; chết thì công nghiệp, tiếng thơm để lại cho hậu thế. Kính nghĩ: thủy tổ của tiên quân[7] là người Đồng Ấp[8], Tuyền quận, Phúc Kiến, [nước] Đại Thanh. Ông cố của tiên quân là quan Thượng thư bộ Hộ. Ông nội của tiên quân làm quan Biện lý bộ Hộ. Cha của tiên quân nối đời ấm tử, dong thuyền đến nước Đại Nam, cưới vợ sinh con, còn một gái hai trai. Bèn trở về nước, không may trời xanh chẳng ban ơn, nghiêm phụ[9] mất ở Quảng Châu. Đi lên đường lớn mà thấy mây trắng bay, trăng lặn năm canh trở thành mộng xa, nỗi sầu một ngày tựa ba thu.

      Huynh đệ trưởng thành, quế châu cùng nấu, hòa nhạc đam mê, tình anh em hẹn nhau muốn tỏ sáng[10]. Tiên quân đối với mọi người, vợ chồng thì hòa thuận như cầm sắt cùng xướng hòa; thê thiếp đối đãi lấy trang từ; anh em thì bạn hiền không cách trở, trời bày chẳng trái, đó là lối cư xử của tiên quân; gia đạo là rất tốt. Con người trọn vẹn thực hành văn Âm Chất[11] thì tuân lời dạy của Văn Xương, hùng dũng dám làm, chí khí tự giữ mà gia đình chỉnh đốn. Giàu nguồn tài thì thể theo đạo của Đại Học[12], dụng ý thi hành công tư được sức mà nước nhà được giúp đỡ. Đó là tiên quân đối với người không phụ đấng nam nhi.

      Vua thân mệnh ban biển sắc tứ Cửu phẩm Hành nhân. Con người của ngài như thế chẳng phải một bậc có địa vị xuất chúng mà ai được như thế chăng? Khoảng năm Đinh Sửu, nhân bị nhiễm bệnh, bỗng mất ngày 19 tháng 11 năm Mậu Dần. Đời người nhất định như ánh sáng trong đêm, sao mà không thuật lại được. Đây là sự tích của ngài được ghi vào bia ký vậy.
Vợ hiền Dư Thị Bình khóc thuật.

      Hạ Hoán tháng 3 năm Tự Đức thứ 32. Cư sỹ Huỳnh Như Bích ở Thanh Giang kính cẩn thuật.

      Có thể nói, mộ ông Cửu phẩm họ Lâm với kiến trúc hiện tồn, hoa văn trang trí khá đặc sắc, văn bia là nguồn tư liệu quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về kiến trúc mộ táng xưa, đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho việc tìm hiểu về tập quán tang ma – tống táng của cư dân Hội An trước đây. Trong tương lai không xa, ngôi mộ này có thể nằm trong khu vực thực hiện dự án quy hoạch chỉnh trang đô thị, phát triển các khu dân cư mới, nguy cơ bị di dời là điều khó tránh khỏi. Do đó, việc nhận diện, đánh giá các ngôi mộ trên địa bàn xã có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, điêu khắc, ... như mộ ông Cửu phẩm họ Lâm và đưa ra các giải pháp về mặt bảo tồn là hết sức cần thiết nhằm ghi nhận, giữ gìn bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất Cẩm Hà cũng như thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với tiền nhân. Qua bài viết này cũng hy vọng rằng với những thông tin khá đầy đủ về người quá cố đã nêu trong văn bia ở trên, con cháu tộc Lâm (ở khu vực Hội An?) sẽ đối sánh thông tin trên văn bia ở mộ và gia phả của gia tộc, sớm tìm đến mộ phần tiền nhân để chăm lo hương khói, sửa sang tu bổ để ngôi mộ được ấm cúng, khang trang hơn.
 
[1] Theo Đỗ Văn Ninh (2002), Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb Thanh niên, trang 298:
Chức quan trật Cửu phẩm trông coi cơ quan Hành nhân giữ việc thông ngôn.
Năm Minh Mệnh thứ 5 đặt chức thông ngôn trật Tòng bát phẩm văn giai. Năm thứ 8 đặt chức Thông dịch ty Hành nhân. Năm thứ 15 Ty Hành nhân đổi gọi nha Hành nhân.
[2] Ký tự, phiên âm bài thơ ở mặt sau bia mộ và phiên âm, dịch nghĩa bia ký trong bài viết này do Đại đức Thích Đồng Dưỡng, trú trì chùa Ba Phong, huyện Duy Xuyên thực hiện. Xin tri ân Đại đức!
[3] Tiếng nói và dáng người.
[4] Hoa ngạc: chỉ tình anh em.
[5] Cầm sắt: là loại nhạc khí, đây chỉ hòa hợp, vui vẻ.
[7] Tiên quân: từ chỉ người cha đã mất.
[8] Đồng Ấp còn gọi là Đồng An, một huyện của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
[9] Nghiêm phụ: chỉ người cha. Ông chính là người đưa gia đình qua Hội An lập nghiệp và khi về nước bị mất. Ông là cha của người mất được đề cập trong bia, hoặc cách người vợ của người quá cố xưng.
[10] Ca ngợi tình anh em hòa thuận trong gia đình.
[11] Âm Chất: là bài văn do Văn Xương soạn, để răn dạy mọi người.
[12] Đại Học: là tên sách của Nho Giáo, là một sách mỏng nằm trong Tứ thư.

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc - Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây