Tết Trung thu ở Hội An trong lịch sử

Thứ tư - 13/09/2023 21:22
Mỗi độ trăng rằm tháng Tám, Hội An lại tưng bừng không khí vui hội Trung thu. Các gia đình, thôn xóm, các di tích đình miếu, doanh nghiệp, hiệu buôn… rộn ràng bày mâm cỗ, đón mời các đoàn múa vật linh. Không khí lễ hội thật tươi vui, náo nhiệt.
      Người Việt xưa có câu “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”. Ngắm trăng rằm tháng Tám và dự đoán về thời tiết, mùa màng, vận mệnh quốc gia là một thông tục từ xưa của Lễ Tết Trung thu tại nhiều quốc gia Đông Bắc Á, Đông Nam Á, một nghi lễ hội mùa, cầu mong sự sinh sôi, nảy nở và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an[1]. Trải qua thời gian, cùng với những điều kiện giao lưu, tiếp biến văn hóa hiếm nơi nào ở Việt Nam có được, Tết Trung thu ở Hội An vẫn mang chứa nhiều giá trị văn hóa bản thể, riêng có và bền bỉ sức sống.
 
trung thu chua ong
Đội múa Chùa Ông - Ảnh: Tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
 
      Văn bản xưa nhất cho tới nay đề cập đến Tết Trung thu ở Việt Nam là tấm bia chữ Hán tại tháp Sùng Thiện Diên Linh, chùa Long Đọi Sơn (chùa Đọi), Hà Nam, lập năm 1121. Văn bia đã miêu tả tết Trung thu thời đó được Hoàng đế Lý Nhân tông tổ chức thật tưng bừng, hoành tráng với những màn biểu diễn đặc sắc, nhộn nhịp tại kinh thành Thăng Long. Đoạn miêu tả bắt đầu như sau: “Trung Thu cảnh đẹp, muôn việc rảnh rang. Với lòng hiếu thành mở ra mà dọn cỗ bàn, cùng lễ lạt bày lên mà cúng dâng hoàng khảo”[2].

      Theo chính sử triều Nguyễn, việc tổ chức lễ tết Trung thu định kỳ hàng năm được triều đình quy định rất cụ thể. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (tục biên), phần Bộ Lễ, qui định về việc tế ở các đại tự, vào năm Tự Đức thứ 13 (1860), tại điện Long An, lễ Trung thu là một trong 7 lễ tiết (lễ cúng theo các tiết của mỗi năm) với lễ vật là “1 mâm hào soạn hạng nhất, 2 mâm ngọc soạn, 1 mâm trân tu”. Năm Thành Thái thứ nhất (1889), qui định lễ phẩm cần thiết cho mỗi lễ ở mỗi sở. Không chỉ tế tại điện Long An mà còn mở rộng ra ở các miếu, điện lớn hơn là Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thái Miếu, Điện Phụng tiên, Điện Thụy thánh, Sùng Ân, Hòa Khiêm... Lễ phẩm có phần đơn giản hơn với đèn cày, rượu, giấy vàng bạc, trầu, cau, thuốc, bạch đàn hương, tốc hương[3].

      Như vậy, trong thời phong kiến, việc cúng Tết Trung thu đã được qui định chặt chẽ trong triều đình.

      “Theo ghi chép trong cuốn Phủ biên tạp lục, đến nửa cuối thế kỷ XV, là thời kỳ phát triển thịnh vượng của chế độ phong kiến Việt Nam với vị vua Lê Thánh Tông, thời kỳ nhà nước Đại Việt đủ sức lực để bảo vệ ổn định vùng đất Đại Chiêm, Cổ Lũy thông qua việc xây dựng chính quyền phong kiến ở đây. Việc quan trọng không kém lúc bấy giờ là phải tổ chức hành chính xuống tận các làng - xã - thôn - xóm để làm cơ sở cho chính quyền trung ương và địa phương. Đó là cơ hội để các làng - xã ở khu vực Hội An nói riêng, ở Quảng Nam nói chung ra đời”[4], cũng như bắt đầu hình thành các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người Việt trên mảnh đất này nhằm duy trì, phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, tín ngưỡng cộng đồng của những di dân người Việt tại nơi an cư mới. Những quan niệm tín ngưỡng và các nghi thức cúng bái liên quan đến lễ hội, trong đó có lễ tết Trung thu, là một phần không thể thiếu trong hành trang khai hoang phục hóa, mở mang bờ cõi, khẳng định giá trị văn hóa Việt Nam trên vùng đất mới.

      Từ đấy đến nay, tại các đình làng, các di tích thờ Thành Hoàng ở Hội An vẫn duy trì lễ cúng tế Xuân, Thu nhị kỳ hay các ngày sóc (mồng Một), ngày vọng (ngày rằm). Tế xuân (cầu an/kỳ yên) tổ chức vào thời điểm bắt đầu của một năm mới, gắn liền với lễ cúng đất và các lễ cúng liên quan đến nghề nghiệp của cư dân nơi đây, cầu xin các vị thần bảo hộ ban cho mưa thuận gió hòa, dân tình yên ổn, làm ăn khấm khá. Đến tiết Trung thu (trung tuần tháng Tám trở đi) là bắt đầu mùa mưa bão, lũ lụt, không thuận tiện cho các hoạt động nghề nghiệp ngoài trời, cũng là thời điểm mãn mùa. Lúc này, dân làng, các cộng đồng nghề tổ chức tế thu để cảm tạ trời đất, thần phật đã ban ơn lành, phù trợ cho những điều dân làng cầu xin từ đầu năm. Các đình làng của Hội An tổ chức tế thu vào trung tuần tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch. Trước đây, vào dịp này, các đình làng tổ chức múa Thiên cẩu, đốt pháo, xô cộ…, không khí hội lễ tưng bừng, náo nhiệt.

      Ở phạm vi gia đình, kết quả điều tra thực địa cho thấy “trăm phần trăm các gia đình trong khu phố cổ Hội An đều có tục cúng lễ sóc - vọng mà người ta quen gọi là cúng mồng Một, cúng rằm. Truy căn nguyên nguồn gốc của tục này thì thấy có ảnh hưởng lớn từ Phật giáo và Lão giáo[5]. Tuy gọi là sóc - vọng nhưng đa số người dân lại cúng trước vào ngày 30 và 14 âm lịch. Lễ vật cúng sóc - vọng rất đơn giản, không cầu kỳ, đại khái là sắm ít hoa quả, xôi chè (rất ít người cúng mặn); vàng bạc, kim ngân, áo giấy (còn gọi là áo binh), gạo muối, trầu, cau… Vào các rằm lớn trong năm như rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu), rằm tháng Tư (Phật Đản), rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan) và rằm tháng Tám, mâm lễ được sửa soạn kỹ lưỡng, dồi dào hơn. Đặc biệt, trong mâm cỗ ngày rằm Trung thu (tháng Tám) có thêm món bánh nướng, bánh dẻo, là phẩm vật đặc trưng của dịp cúng rằm này. Đối tượng được cúng chủ yếu là thập loại cô hồn các đẳng, các vong vô danh vô vị (gọi đầy đủ là hữu danh vô vị, hữu vị vô danh) và những vị thần được thờ tự trong gia đình. Lễ cúng này cũng với mục đích cầu an, bố thí, mong muốn gia đình bình yên, buôn may bán đắt, mưa thuận gió hòa”[6].

      Để gìn giữ phong tục truyền thống tốt đẹp ấy bền bỉ qua thời gian không phải là một điều đơn giản. Nhất là khi phải kinh qua chiến tranh đầy biến cố, loạn lạc, sự sống của con người bị đe dọa hàng ngày hàng giờ, việc duy trì lễ nghi, cúng bái không thể thường xuyên, đầy đủ. Do hoàn cảnh chiến tranh, những năm 1946, 1947 trở đi, nhiều thiết chế văn hóa làng xã của Hội An cũng như các địa phương khác từ miền Trung vào Nam bị hủy hoại phần nhiều. Các hoạt động lễ hội truyền thống không có điều kiện để duy trì. Tuy vậy, dân gian vốn lưu truyền rằng “Đừng thấy miếu rách mà khinh, Miếu rách mặc miếu thần linh vẫn còn”. Tại những vị trí vốn là đình, miếu, lăng, vẫn luôn có người lui tới phụng thờ, hương khói. Những lệ tục thuở trước tuy không có điều kiện tổ chức, nhưng ký ức dân gian, mối dây giao kết linh thiêng giữa con người với thần linh vẫn bền bỉ trong mạch ngầm đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư nơi đây. Trong chừng mực nào đấy, dân cư phố cổ vẫn giữ được nếp làm ăn, thờ cúng như xưa. Lớp người sinh sống trong khu phố cổ trải qua các thời kỳ đó đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều thông tin hồi ức có giá trị về phong tục truyền thống nói chung, về lễ hội tết Trung thu nói riêng của địa phương. Tại đây, các lễ hội truyền thống như lễ tết Trung thu vẫn được tổ chức thường niên tại các đình, miếu của làng xã. Những cư dân cao tuổi (trên 80 tuổi) tại khu phố cổ kể lại rằng: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người dân vẫn đi dự lễ tết Trung thu tại đình làng, tại Văn chỉ Minh Hương, tham gia xô cộ “cướp” bánh, xem múa Thiên cẩu, nhận quà bánh;… các gia đình vẫn trang trí nhà cửa đón rằm và thiếu nhi trong xóm hội với nhau thành các nhóm múa Thiên cẩu, rước đèn chơi trăng rằm cả tuần lễ. Trong khoảng thời gian từ năm 1954 đến năm 1975, học sinh các trường tiểu học khu vực nội thị vẫn được tổ chức vui đón Trung thu. Mỗi trường chọn ra một số học sinh, tập trung tại một tụ điểm rộng rãi như sân vận động của Hội An để cùng xem múa Thiên cẩu, rước đèn, thi đèn lồng đẹp. Trẻ em một số vùng ngoại ô tham gia hội Tết Trung thu tại các đình làng, xem múa Thiên cẩu và được phát quà bánh. Tại các hội quán của bà con người Hoa cũng tổ chức đêm rằm Trung thu thưởng trăng, uống trà, ăn bánh Trung thu và ngâm thơ Đường.

      Từ sau năm 1975, được sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể các cấp, vào dịp Tết Trung thu, các đình làng, thôn/khối phố, trường học, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ở Hội An đều tổ chức Hội Tết Trung thu với hội múa Thiên cẩu, múa Lân, phát quà bánh, lồng đèn cho các cháu thiếu nhi, học sinh. Từ năm 2010 đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An đã ban hành lịch lễ hội, sự kiện văn hóa hàng năm do Ủy ban Nhân dân thành phố quản lý, tổ chức. Trong đó, Lễ hội Tết Trung thu là một lễ hội lớn với nhiều hoạt động như tổ chức diễu hành rước đèn, hội thi múa Thiên cẩu, múa Lân, thi trưng bày mâm cỗ Trung thu, thi đèn lồng; tổ chức phát quà cho các cháu thiếu nhi, vận động các tổ chức, cá nhân gây quỹ phát quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

      Có thể khẳng định rằng, Tết Trung thu ở Hội An là một phong tục cổ truyền gắn liền với tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, có sức sống bền bỉ và thể hiện rõ nét trong đời sống dân gian. Tiêu biểu ở đây là các hoạt động chế biến, tiêu thụ bánh Trung thu truyền thống, một phần không thể thiếu trong mâm cỗ Tết Trung thu; chế tác và trang trí đèn lồng tại các không gian di tích, thờ tự, nhà riêng, cửa hiệu, các tụ điểm trang trí của thành phố; chế tạo và biểu diễn múa linh vật, trong đó, đặc sắc nhất là múa Thiên cẩu...  Đến nay, Tết Trung thu đã trở thành một trong những sự kiện sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, lễ hội và du lịch sôi động, hấp dẫn hằng năm tại “đô thị di sản” Hội An. Tuy nhiên, để có được sự vững bền, lan tỏa và thâu nhận thêm giá trị của di sản trong đời sống đương đại, luôn cần khơi dậy mạnh mẽ những nguồn mạch văn hóa dân gian, làm sao mỗi cá nhân trong cộng đồng đều cảm nhận được giá trị để ra sức bảo vệ, phát huy di sản như bảo vệ, phát triển tài sản, nguồn lực quý giá của chính mình. Đó là cả một nỗ lực lớn, cần nhiều sự quan tâm đầu tư, tâm huyết cũng như thời gian và cống hiến của cả cộng đồng chủ thể di sản văn hóa.
 
[1] Trương Hoàng Vinh, Phiếu kiểm kê Di sản Văn hóa Phi vật thể Tết trung thu ở Hội An, 2018.
[2] Trích đoạn văn bia tại chùa Đọi, theo Nguyễn Hùng Vĩ (2013), Tết Trung thu thời Lý - http://www.khoavanhoc.edu.vn/
[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (2005), Nhà xuất bản Thuận Hóa, tập 5, trang 82.
[4] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nhà xuất bản Đà Nẵng, trang 11.
[5] Theo quan niệm của người dân Hội An, các ngày sóc-vọng hàng tháng là ngày của đức Phật phổ độ chúng sinh nên phải cầu cúng đồng thời bố thí cho các vong hồn cô bác để cầu an, cầu may. Lại cho rằng các vong hồn vất vưởng thường hay xuất hiện vào các ngày sóc vọng, nếu không cúng cấp thì sẽ bị tà ma quấy phá và nhân đó cũng cúng tế, ban phát cho âm binh bộ hạ đất đai.
[6] Tống Quốc Hưng (2004), Báo cáo kết quả khảo sát lễ tết Trung thu, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Tác giả: Liễu Chi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây