Theo từ điển Tôn giáo: “Tín ngưỡng là lòng tin và sự ngưỡng mộ, ngưỡng vọng vào một lực lượng siêu nhiên, thần bí” . Tín ngưỡng có nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau, trong đó tín ngưỡng thờ Thành Hoàng là một dạng thức tín ngưỡng ở phạm vị cộng đồng, làng xã khá phổ biến của người Việt. Trong chuyên khảo này, chúng tôi giới thiệu hai nội dung chính: (1) Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, (2) Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở Hội An.
1. Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thành Hoàng
Thành Hoàng là danh từ chung để chỉ vị thần được nhân dân suy tôn, thờ tự ở các làng xã của người Việt và được vua ban sắc phong thần, đại diện cho vua đứng đầu các chư thần và dân chúng trong làng. Thành Hoàng dù có hay không có tên họ, lai lịch rõ ràng thì cũng là chủ tể (người đứng đầu) cai quản khu vực của một xứ đất, làng xã cụ thể và đều đảm nhận vai trò hộ quốc tí dân (giúp nước cứu dân).
Bàn thờ Thành Hoàng ở đình Tiền Hiền Kim Bồng – Ảnh: Võ Hồng Việt
Thành Hoàng là từ ghép Hán Việt: “Thành hoàng tức Thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là Hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm Hoàng”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh, các triều đại phong kiến nước ta đã tiếp thu khái niệm Thành hoàng từ Trung Hoa. Nhưng Thành hoàng Việt Nam có sự khác biệt. Thành Hoàng Trung Hoa là vị thần bảo hộ một ngôi thành giúp quan binh đồn trú chống kẻ địch tấn công chiếm thành. Kẻ địch thường là nông dân khởi nghĩa, như vậy Thành Hoàng bảo vệ vua chống lại nhân dân. Còn Thành Hoàng Việt Nam là vị thần làng vốn do dân làng suy tôn, vì có công với làng, về sau triều đình phong kiến lấy uy tín của thần làng mà phong một vị làm Thành Hoàng đại diện cho vua cai quản các thần và dân chúng trong làng. Đó là chính sách hợp nhất thần quyền với vương quyền rất thông minh và được lòng dân.[2]
Về nguồn gốc tục thờ Thành Hoàng, sách Việt Nam phong tục do học giả Phan Kế Bính biên soạn vào những năm đầu thế kỷ 20, cho biết: “Xét về cái tục thờ Thần Hoàng (tức thần Thành Hoàng) này từ đời Tam quốc trở về vẫn đã có, nhưng ngày xưa nhà vua nhân có việc cầu đảo gì mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến thời nhà Đường, Lý Đức Dụ làm tướng, mới bắt đầu lập miếu Thần Hoàng ở Thành Đô, kế đến nhà Tống, nhà Minh thiên hạ đâu đâu cũng có lập miếu thờ.
Nước ta bấy giờ đang lúc nội thuộc, tục Tàu truyền sang đến bên này, kế đến Đinh, Lê thì việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi.
Nhưng cứ xét cái chủ ý lúc trước, thì mỗi phương có danh sơn (ngọn núi có tiếng), đại xuyên (sông lớn); triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên (núi sông) ấy để làm chủ tể cho việc ấm tí một phương thôi. Kế sau, triều đình tinh biểu (làm cho thấy rõ công trạng) những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền cho dân xã ở gần đâu thờ đấy. Từ đó dân gian lần lần bắt chước nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình... dân ta tin rằng: Đất có Thổ công, sông có Hà bá; cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh...”. Cũng theo sách Việt Nam phong tục thì mỗi làng phụng sự một vị Thành Hoàng, có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần. Phúc Thần có ba hạng:
“Thượng đẳng thần: là những thần Danh Sơn, Đại Xuyên và các bậc Thiên thần như Đông Thiên Vương, Sóc Thiên Vương, Sử Đồng Tử, Liễu Hạnh v.v…
Các vị ấy có sự tích linh dị, mà không rõ tung tích ẩn hiện thế nào, cho nên gọi là Thiên thần. Hai là các vị Nhân thần như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, v.v… Các vị này khi sanh tiền có đại công lao với dân với nước, lúc mất đi hoặc bởi nhà vua tinh biểu công trạng mà lập đền thờ hoặc bởi lòng dân nhớ công đức mà thờ.
Các bậc ấy đều có sự tích, công trạng hiển hách và họ tên rõ ràng, lịch triều có mỹ tự bao phong làm Thượng đẳng thần.
Trung đẳng thần là những vị thần dân làng thờ đã lâu, có họ tên mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ họ tên, hoặc những thần có chút linh dị, tới khi nhà vua sai kỳ tình đảo võ, cũng có ứng nghiệm thì triều đình cũng liệt vào tự điển, mà phong làm Trung đẳng thần.
Hạ đẳng thần dân xã thờ phụng, mà không rõ sự tích ra làm sao, nhưng cũng thuộc về bậc chính thần, thì triều đình cũng theo lòng dân mà phong cho làm Hạ đẳng thần”.
Trong văn học Việt, thì việc thờ Thành Hoàng được đề cập lần đầu tiên ở truyện Thần sông Tô Lịch trong Việt điện u linh tập: “Thời vua Mục Tông nhà Đường, năm Trường Khánh thứ hai, quan Đô hộ Lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế khả quan, mới tìm chỗ cao ráo để dời Phủ lỵ đến; Nhân cơ hội ấy, quan Đô hộ tiết trâu đặt rượu, mời tất cả các kỳ lão hương thôn đến ăn uống, rồi thuật chuyện muốn tâu xin phụng Vương (chỉ thần sông Tô Lịch) làm Thành Hoàng thì trên dưới một lòng, mưu tính bàn bạc với nhau rất là thỏa thiếp… Đến lúc Cao Biền xây thành Đại La, nghe Vương linh dị, lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Thời Lý Thái Tổ dời đô thường mộng thấy một ông đầu bạc, phảng phất đứng trước bệ rồng, cúi đầu lạy hai lạy hô vạn tuế. Vua lấy làm lạ, hỏi tính danh thì ông tâu rõ lai lịch như thế. Vua cười bảo rằng: Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao? Ông liền đáp: mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi. Vua tỉnh dậy, khiến quan Thái Chúc đem rượu đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư cầu đảo hay thề nguyện điều gì, lập tức thấy họa phúc linh ứng...”.
Một vị thần được vua phong cấp Thành Hoàng phải đảm bảo được hai chức năng chính: Hộ quốc, tí dân. Thành Hoàng phù hộ nhân dân, đem lại mưa thuận gió hòa, xã hội an ninh, không bị thiên tai địch họa. Theo đó chức năng Tí dân là chức năng cơ bản vì đó mà dân làng suy tôn, thờ phụng. Chức năng Hộ quốc là đại diện cho vua cai quản các vị thần làng và nhân dân, tham gia chống ngoại xâm và bảo vệ độc lập dân tộc. Đây là tiêu chuẩn trước tiên để vua phong cấp Thành Hoàng.
Sắc phong Thành Hoàng năm Minh Mạng thứ 7 (1826)
Dưới thời kỳ nhà Nguyễn, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở nước ta mới thực sự có quy củ và phát triển. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), triều đình chuẩn lời tâu của bộ Lễ đổi miếu Hội đồng thành miếu Thành Hoàng: “Khi mới khôi phục nước nhà, đã dựng miếu thờ Thành Hoàng, lại dựng thêm hai nhà tòng tự. Nhà bên tả thờ các vị thần Thành Hoàng các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Nhà bên hữu thờ các vị thần Thành Hoàng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc. Các tỉnh có riêng miếu Hội đồng, phụng thờ các vị thần kỳ, mà không đặt riêng miếu thờ thần Thành Hoàng bản hạt. Ôi! Thần Thành hoàng trừ tai ngăn hoạn, thật là công đức với dân. Các nơi sở tại đặt nhà thờ riêng là lẽ vậy. Xin hạ lệnh cho các địa phương lập thêm thần vị Bản cảnh Thành Hoàng ở trong miếu Hội đồng. Bàn thờ các vị thần kỳ đem đặt ở hai gian bên tả hữu. Khắc lại cái biển treo trong miếu Thành Hoàng…”
Đến khi vua Thiệu Trị lên ngôi đã cho lập miếu Thành Hoàng ở các tỉnh thành, còn miếu Hội đồng vẫn giữ nguyên như cũ: “Thiệu Trị thứ 1, dụ rằng: năm ngoái bộ Lễ bàn xin cho các hạt làm bài vị thần Thành Hoàng, đều đặt thờ ở miếu Hội đồng hạt ấy, rồi gọi là miếu Thành Hoàng. Sau cứ hạt khai thần hiện ở trong các miếu không giống nhau, kính phụng lời thánh dụ vẫn bày thờ như cũ. Phải kính theo đấy. Trẫm nghĩ miếu Hội đồng phần nhiều là thần thượng đẳng hộ nước giúp dân, rõ rệt có công đức, nên thông dụ cho các tỉnh, hạt nào nguyên đã dựng miếu Thành Hoàng thì chuẩn cho vẫn phụng thờ như cũ. Hạt nào chưa từng kiến thiết chuẩn cho kính cẩn chọn đất xây ở nơi gần tỉnh thành, dựng làm miếu chuyên thờ Thành Hoàng; còn miếu Hội đồng chuẩn cho đều vẫn phụng thờ như cũ, không nên thay đổi”. Về quy thức làm miếu Thành Hoàng giao cho bộ Lễ bộ Công bàn tâu thi hành, theo đó miếu Thành Hoàng được triều đình chuẩn y làm: “một tòa 3 gian, lòng xà 5 thước 8 tấc, chấn tâm 7 thước 2 tấc, cột cái dài 9 thước 5 tấc, ngang 6 tấc lợp ngói, mặt tả mặt hữu và mặt sau xây tường gạch, biển ngạch khắc chữ “Thành Hoàng miếu”. Hạt nào chưa làm thì đều chọn chỗ đất cao ráo ở góc tây nam gần thành tỉnh có thể làm, tức thì trù tính đủ gỗ gọi thợ kính cẩn mà làm, hướng nam. Hạt nào đã có miếu cũ thì đợi khi nào cần tu bổ lớn và làm lại, tức thì làm theo kiểu mới”. Như vậy, dưới thời kỳ nhà Nguyễn việc thờ Thành Hoàng đã được triều đình chú trọng quan tâm và có những quy định cụ thể, đặc biệt từ năm 1841 thời vua Thiệu Trị, ngoài miếu Thành Hoàng ở kinh đô Huế, các tỉnh thành đều có miếu thờ Thành Hoàng.
2. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở Hội An
Vào thế kỷ 15, làng xã cộng đồng người Việt ở Hội An đã bắt đầu hình thành và dần phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Theo quan niệm của người Việt “Đất có Thổ công, Sông có Hà bá”, mỗi vùng đất đều có vị thần cai quản, bảo hộ sự bình an cho nhân dân sinh sống làm ăn trên mảnh đất đó. Chính vì thế trong quá trình khẩn hoang lập làng, những cộng đồng làng xã người Việt ở Hội An thường lập nên các công trình kiến trúc tín ngưỡng để thờ các vị thần này.
Thần Thành Hoàng ở Hội An nói riêng, Trung Bộ nói chung và Nam Bộ thường không có tên tuổi, thần tích và được thờ tự dưới hình tượng biểu trưng qua danh xưng thường gặp là “Bổn cảnh Thành Hoàng”, “Bản xứ Thành Hoàng” điều này khác biệt so với các Thành Hoàng làng ở miền Bắc. Trong tư liệu điều tra về các làng xã ghi chép trong Quảng Nam xã chí, phần làng Thanh Hà do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện từ năm 1941 đến năm 1943 cho biết: “Vị Thành Hoàng, vị Bạch Mã, vị Đại Càn, Quan Thánh, vị Thủy Long, Ngũ Hành mà làng phải thờ là theo mệnh lệnh của nhà vua bắt buộc đó thôi chứ thần tích thờ không biết”.
Bên cạnh tư liệu Quảng Nam xã chí, bộ tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện những năm đầu thế kỷ XX cho biết, tại Hội An có đến 10/11 làng xã thờ Thành Hoàng và được vua ban cấp sắc phong. Theo đó triều đình nhà Nguyễn phong sắc cho Thành Hoàng là Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng tôn thần; Quảng hậu Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng Dực bảo Trung hưng chi thần.
Trong số những làng có sắc phong Thành Hoàng thì làng Thanh Nam có số sắc phong nhiều nhất là 8 sắc phong, làng Cẩm Phô, An Mỹ, Hội An ít nhất là 1 sắc phong, xã Minh Hương không có sắc phong nào về vị thần này. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), muộn nhất vào năm Khải Định thứ 9 (1924).
Bảng thống kê sắc phong thần Thành Hoàng tại các làng xã ở Hội An trong
tư liệu Quảng Nam tỉnh tạp biên
STT |
Tên làng xã |
Số lượng sắc phong |
01 |
Tân Hiệp |
4 |
02 |
Để Võng |
4 |
03 |
Sơn Phô |
4 |
04 |
An Mỹ |
1 |
05 |
Thanh Nam |
8 |
06 |
Thanh Đông |
4 |
07 |
Minh Hương |
|
08 |
Sơn Phong |
5 |
09 |
Hội An |
1 |
10 |
Cẩm Phô |
1 |
11 |
Thanh Hà |
5 |
Tổng số |
37 |
Thần Thành Hoàng ở Hội An được thờ chính hoặc phối thờ ở nhiều đình làng như đình Cẩm Phô, đình Sơn Phong, đình Hội An, đình Thanh Hà… Đây là những làng xã có lịch sử hình thành lâu đời và có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của vùng đất Hội An trong lịch sử. Bên cạnh đó, thần Thành Hoàng còn được thờ tự chính tại các thiết chế văn hóa lăng (miếu) như lăng Thành Hoàng ở Cẩm An, lăng Thành Hoàng ở Cù Lao Chàm.
Tại di tích lăng Thành Hoàng ở Cù Lao Chàm hiện còn bài vị sơn son thếp vàng, đề: “Bản xứ Thành Hoàng đại vương tọa vị”. Một điểm đáng chú ý, tại di tích lăng Thành Hoàng ở Cẩm An, bên cạnh thờ Thành Hoàng làm chủ thần còn phối thờ thêm “Thiên Hậu thánh mẫu nguyên quân”, đây là vị thần được người Hoa thờ cúng, phù hộ cho việc đi biển. Qua việc phối thờ vị thần của người Hoa cho thấy sự giao lưu, tiếp biến văn hóa trong quá trình định cư, lập làng gắn liền với các hoạt động kinh tế thương mại biển tại vùng đất mới của các lưu dân phía Bắc.
Hàng năm, tại các đình làng, các di tích lăng thờ Thành Hoàng ở Hội An vẫn duy trì lễ cúng tế Xuân, Thu nhị kỳ hay các ngày sóc (mồng 1), ngày vọng (ngày rằm). Qua đó nhằm tưởng nhớ công lao thần Thành Hoàng cùng các vị thần làng, tiền hiền, hậu hiền có công khai hoang, lập làng, bảo vệ và phù hộ nhân dân. Điều này thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng dân cư ở Hội An.
Trải qua quá trình lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Thành Hoàng ở Hội An vẫn được các thế hệ dân cư trân trọng, gìn giữ. Qua một số thông tin tư liệu cho thấy, tín ngưỡng thờ Thành Hoàng ở Hội An có vai trò, vị thế hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư Hội An. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng gắn liền với các thiết chế văn hóa là những di sản quý báu, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa Hội An, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc liên kết, gắn bó cộng đồng dân cư và khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc
Theo Ngọc Lâm, Tín ngưỡng thờ cúng Thành Hoàng dưới triều Nguyễn, bài viết đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo (https://tapchivanhoaphatgiao.com).
Nguyễn Duy Hinh, Thần làng và Thành Hoàng, Tạp chí Di sản Văn hóa số 9 (2004), tr. 57.
Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, NXB Văn học, tr. 78-79.
Phan Kế Bính, Sách đã dẫn, tr.75-76.
Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, bản dịch của Lê Hữu Mục, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr. 49-50.
Vị thần coi một khu vực nào (người dịch chú thích).
Coi đất nơi mình ở (người dịch chú thích).
Quốc sử quán triều Nguyễn (Bản dịch năm 1994), Minh Mệnh chính yếu, tập II, NXB Thuận hóa Huế, tr. 196-197.
Nội các triều Nguyễn (Bản dịch Viện sử học năm 2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VII, NXB Thuận Hóa, tr.59.
Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VII, Bản dịch đã dẫn, tr.59.
Quảng Nam xã chí, bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
Số liệu tham khảo trong sách Di sản Hán Nôm Hội An, Tập 6: Sắc phong, NXB Đà Nẵng (2021), tr. 100.
Võ Hồng Việt - Công Trung, Lăng Thành Hoàng ở Cù Lao Chàm, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Bản tin số 04 (08)-2009, tr.46.