Tết Trung thu ở Hội An với những giá trị cốt lõi của nó được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước Nhật Bản, Trung Hoa và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hằng năm. Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, sản sinh nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần đặc trưng so với Tết Trung thu ở những địa phương khác. Trong quá trình hình thành các sản phẩm vật chất, tinh thần nổi bật ấy, đã có những nghề thủ công truyền thống của người Hội An được vang tiếng gần xa.
Nghệ nhân Huỳnh Văn Ba với nghề làm lồng đèn ở Hội An - Ảnh: Hồng Việt
Trước tiên là nghề làm lồng đèn truyền thống. Tục treo đèn lồng trang trí tại mỗi nhà dân trong khu phố cổ vào dịp Tết Trung thu đã có từ lâu đời. Theo hồi cố của các vị cao niên ở Hội An, cứ đến dịp Tết Trung thu, mỗi nhà trong phố đều treo trước hiên một chiếc đèn lồng lớn do tự tay người trong gia đình làm lấy, chất liệu chủ yếu bằng tre và giấy. Về sau, ngoài giấy dó, người dân còn sử dụng giấy gương màu để đèn tỏa sáng đẹp hơn. Chỉ những gia đình giàu sang, có địa vị xã hội mới có điều kiện chưng các loại đèn khung gỗ lồng kính, đèn kính khung kim loại hình trụ lục giác, bát giác, đèn kéo quân, đèn lồng tăm tre… Những loại đèn này phải đặt thợ lành nghề, khéo tay làm, do ít người nắm được kỹ thuật chế tạo.
Chưa tìm thấy một tài liệu nào ghi chép về quá trình ra đời của nghề làm lồng đèn ở Hội An và cũng chưa tìm thấy cơ sở nào xác định tổ nghề là ai, nhưng qua một số tư liệu, thư tịch cho biết lồng đèn đã xuất hiện ở Hội An từ khá lâu, một số văn bản có niên đại thế kỷ 18 đã ghi rõ rằng, vào các dịp Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, các dịp mừng lễ vạn thọ của chúa Nguyễn, dịp đón tiếp vua chúa hoặc khi quan lại từ dinh trấn Quảng Nam đến tuần du, thị sát ở phố Hội An, các làng Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô đã tổ chức giăng đèn kết hoa, treo hoa đăng rất rực rỡ để đón tiếp. Ngoài ra, từ lâu đời tại Hội An đã hình thành tập quán sử dụng lồng đèn vào các dịp cưới hỏi, ma chay, nhất là các gia đình giàu có, gia đình ngoại kiều.
Từ truyền thống đó, cùng với nhu cầu của xã hội tiêu dùng những năm sau này, đã dần hình thành nên nghề làm lồng đèn tại thành phố Hội An, phục vụ nhu cầu trang trí, vui chơi trong các đêm múa Thiên cẩu, rước đèn của đông đảo trẻ em ở phố Hội An và làm quà lưu niệm cho du khách đến tham quan khu phố cổ. Từ các cách chế tạo lồng đèn tương đối đơn giản trong dân gian, ngày nay, Hội An có rất nhiều cơ sở thiết kế, chế tác đèn lồng chuyên nghiệp. Từ các mẫu đèn đơn giản như hình cầu, hình bánh ú, ngôi sao, cá chép, trái bí… với chất liệu chủ yếu là giấy, tre, hồ thì nay rất phong phú các kiểu dáng và chất liệu, kiểu thức trang trí cũng đa dạng, bắt mắt, tạo nên một thương hiệu đèn lồng Hội An nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Nhiều cơ sở sản xuất đèn lồng thủ công ở Hội An đã trở thành xưởng đèn mỹ nghệ, thiết kế mẫu mã và cung cấp đèn trang trí cho nhiều thị trường tiêu thụ trên khắp thế giới.
Bánh trung thu là vật phẩm đặc trưng trong mâm lễ cúng rằm trung thu của cư dân Hội An. Vậy nên, chế biến các loại bánh trung thu đã là một nghề thủ công lâu đời của người dân nơi đây. Mẫu mã và hương vị sản phẩm không ngừng được sáng tạo qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá thường xuyên diễn ra trên vùng đất này. Tuy vậy, hương vị bánh trung thu truyền thống tại Hội An cho đến nay vẫn được các tiệm bánh gìn giữ. Các cơ sở chế biến bánh trung thu truyền thống phân bố chủ yếu trong khu vực phố cổ, phần nhiều là của những người gốc Hoa, quy mô gia đình hoặc thuê thợ làm. Theo ký ức của cư dân phố cổ, khoảng đầu những năm 1940, Hội An có các tiệm bánh được người dân quen gọi tên ông/bà chủ thành tên hiệu, như tiệm ông Sườn (đường Trần Phú), Xán Thạnh (đường Hoàng Văn Thụ), bà Ba Ịn (con gái thứ của gia đình Xán Thạnh, nhà tại đường Nguyễn Thái Học), Quảng Hòa Lợi, Hoàng Hiệp (đường Bạch Đằng), bà Dĩnh… Sau đó, có tiệm bánh Duy Nhất, Đồng Lợi (đường Lê Lợi), Phú Hòa, Phú Nhi, Phú Dinh, ông Đờn (đường Nguyễn Thị Minh Khai). Thời gian gần đây có các hiệu bánh trung thu Hưng Phát (đường Trần Quý Cáp), ông Sánh (con ông Sườn, nhà tại đường Tôn Đức Thắng), cơ sở làm bánh in số 15 Lê Lợi… Theo lời của ông La Tân Nam, người nối nghiệp một tiệm bánh trung thu nổi tiếng của gia đình tại khu phố cổ, các vị bánh gia truyền lâu nay vẫn được người dân yêu thích và được thực hiện đúng theo công thức từ xa xưa lưu truyền. Nhân bánh dẻo có các loại đậu xanh, hạt sen sên đường. Nhân bánh nướng thường là vị mặn, phong phú nguyên liệu và gia vị như gà quay, thập cẩm hạt, lạp xưởng… đặc biệt không thể thiếu trứng muối. Điều đáng trân trọng là các chủ tiệm bánh rất có ý thức giữ gìn phương pháp chế biến truyền thống, chú trọng chăm chút cho chất lượng của sản phẩm ở từng công đoạn lựa chọn thực phẩm, các bước chế biến, không sử dụng hóa chất gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Những chiếc bánh chế biến theo cách thủ công từ bao đời vẫn luôn được nâng niu, trân trọng đến tay người mua. Thời hạn sử dụng vẫn như từ trước đến nay, chỉ trong vòng 10 ngày. Bánh trung thu tuy là mặc hàng hút khách vào mỗi dịp rằm tháng Tám nhưng các hãng sản xuất quy mô lớn, thiết bị hiện đại cũng ngày càng nhiều, nên mỗi tiệm bánh truyền thống ở Hội An cũng chỉ cho ra lò khoảng hai, đến ba trăm bánh trở lại. Những người làm bánh trung thu ở đây luôn tâm niệm gìn giữ nghề gia truyền, không cầu lợi nhuận mà làm mất đi uy tín và mai một truyền thống của ông cha để lại.
Nghệ nhân trẻ Huyền My vẽ họa tiết trang trí đầu Thiên cẩu - Ảnh: Liễu Chi
Cùng với hoạt động múa linh vật Thiên cẩu độc đáo trong những đêm rằm Trung thu ở Hội An là sự ra đời và phát triển của nghề làm đầu Thiên cẩu. Sau này, các cơ sở chế tác còn phát triển thêm những mẫu hình linh vật khác như Lân, Sư tử, Rồng. Ban đầu, việc chuẩn bị đầu vật linh cho các bài biểu diễn dân gian chủ yếu do những người làm nghề thầy pháp, vàng mã thực hiện. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 ở Hội An đã hình thành nên một nhóm người chuyên làm công việc chế tác linh vật Thiên cẩu, Lân, Sư tử, Rồng. Cách làm và trang trí đầu Thiên cẩu ở Hội An thể hiện sự kế thừa phong cách trang trí dân gian truyền thống Việt Nam, nhất là mẫu hình đầu Sư tử ở miền Bắc, kết hợp với quan niệm tín ngưỡng và cách sử dụng màu sắc của phương Đông. Từ đó, tạo nên hình ảnh Thiên cẩu mang một số nét tương tự với kiểu dáng Sư tử trong các tranh dân gian Việt Nam (đầu thế kỷ 20); khác biệt với hình ảnh Lân - Sư Trung Quốc. Đặc điểm về kiểu dáng của những đầu Lân hiện nay là đầu tròn, sừng ngắn, mắt tròn, mi mắt nhô cao, mình ngắn phủ đầy lông, vẩy. Trong khi đó, Thiên cẩu có đầu lớn, trán trài không tròn, mắt xếch đuôi cá, sừng cong không nhọn, mình dài không có lông. Về trang trí, đầu Thiên cẩu sử dụng năm màu theo nguyên tắc ngũ hành. Còn đầu Lân thường dùng màu chủ đạo là đỏ hoặc vàng nên thoạt trông Lân có vẻ hiền hòa hơn. Riêng Sư tử thì được tạo dáng gần giống Sư tử thật với thân phủ đầy lông một màu, có bờm, mũi to, mắt lồi, chiếc sừng được thay bằng những cục u thấp. Với những đặc điểm về kiểu dáng như vậy nên trông Thiên cẩu có vẻ khác thường và ấn tượng hơn so với hai con vật kia.
Bên cạnh những quy ước nhất định về kiểu dáng, màu sắc của linh vật Thiên cẩu, dân gian cũng chấp nhận một số thay đổi trong việc tạo hình, tùy theo quan niệm thẩm mỹ và khả năng sáng tạo của người chế tác. Thực tế đó đã sản sinh nên các dạng đầu Thiên cẩu ít nhiều khác biệt nhau, tạo ra sự phong phú trong kiểu dáng Thiên cẩu.
Qua tìm hiểu, hiện có ít nhất 11 nghệ nhân đã và đang làm đầu Thiên cẩu, Lân, Sư tử, Rồng mang tính chất sản phẩm hàng hóa theo đơn đặt hàng và bán lẻ, bán sỉ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tri thức dân gian về làm đầu Thiên cẩu cũng được nhiều người dân nơi đây nắm giữ và truyền dạy qua hình thức thực hành, truyền dạy giữa các thế hệ tham gia hoạt động múa Thiên cẩu. Nghề chế tác đầu linh vật tại đô thị cổ Hội An đã được gìn giữ, sáng tạo không ngừng qua các lớp nghệ nhân giàu tâm huyết.
Có thể nói, lễ hội là cao điểm biểu hiện tín ngưỡng và tập quán xã hội của một vùng văn hóa. Ở đó có sự kết tinh và lan tỏa các giá trị tinh hoa, gắn kết các cá nhân với cộng đồng, giữa cõi nhân gian và tâm linh huyền bí. Những nghề thủ công truyền thống kể trên là một phần không thể tách rời với Tết Trung thu ở Hội An, giúp con người nơi đây có thể truyền đạt một cách trọn vẹn các ước vọng nhân sinh tốt đẹp đến thế giới siêu nhiên thông qua những đạo cụ, cách thức diễn xướng, các phẩm vật tinh tế và nhận về nhiều điều an vui trong cuộc sống thường ngày. Mỗi sáng tạo như vậy trong quá khứ là một di sản quý giá để con người học cách trăn trở về sự tồn tại và phát triển giữa cuộc sống đương đại.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2008), Nghề truyền thống Hội An, trang 164.
Theo Trần Văn An, Trương Hoàng Vinh (2010), Múa Thiên cẩu, Nxb Dân Trí.