Vai trò của hệ thống sông và cửa biển, đảo ở Quảng Nam đối với Đô thị thương cảng Hội An

Chủ nhật - 08/10/2023 23:18
Dưới góc nhìn địa văn hóa, cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, xứ Quảng mang đầy đủ các đặc trưng tiêu biểu của các sắc thái văn hóa thượng du, đồi gò trung du, đồng bằng hạ lưu ven biển và biển cả.
      Qua khảo sát hệ thống sông, cửa biển, đảo ở Quảng Nam, có thể khẳng định toàn bộ hệ thống sông, cửa biển của Quảng Nam đều thông thương với nhau và hội tụ ở Hội An - vùng hạ lưu hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia và đều có thể ra biển Đông thông qua Cửa Hàn - Đà Nẵng, Cửa Đại - Hội An và cửa An Hòa, Cửa Lở (nay thuộc địa phận huyện Núi Thành). Nhiều chứng cứ về khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử và văn hóa học đã cho biết có một hệ thống (chợ, bến  chợ) trao đổi kinh tế dựa vào các dòng sông ở Quảng Nam sớm được hình thành, qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử (từ thời kỳ cư dân Tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh, đến cư dân Champa, Đại Việt - Đại Nam). Không gian trao đổi hàng hóa, từ vùng núi phía Tây, Tây - Nam Quảng Nam giáp với tỉnh Quảng Ngãi, các tỉnh ở Tây Nguyên, sang Tây, Tây - Bắc giáp với biên giới Việt - Lào, tỉnh Thừa Thiên Huế; từ thượng nguồn, nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Nam đến cư dân sống tại vùng gò đồi trung du thuộc các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Đại Lộc, Phú Ninh, Nông Sơn, Quế Sơn, Hòa Vang... và đến/xuống vùng đồng bằng, hạ lưu ven biển như Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành và cả Đà Nẵng... đều có thể  trao đổi  mua bán sản vật với nhau tạo thành một mạng lưới buôn bán thủy nội địa khá phong phú đa dạng.
 
song co co
Sông Cổ cò chảy qua khu vực Trà Quế - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Nhiều địa danh chợ/bến chợ ven sông nổi tiếng được hình thành như: Vạn buôn/nguồn Phước Sơn, Bến Hiên, Bến Giằng, Trà My, Tiên Phước... ở vùng thượng nguồn, gò đồi - trung du; hay Chợ Bà, Chợ Được, Trà Nhiêu, Trung Phường, chợ Hàn... ở vùng hạ lưu, ven biển... Như vậy, hàng hóa, sản vật chủ yếu được trao đổi mua bán thông qua các chợ - bến chợ ven sông, tại các điểm bãi bồi, ngã ba, nơi của các chi lưu, nhánh sông gặp nhau, từ đầu nguồn xuống hạ lưu mà trung tâm mua bán sầm uất nhất là nơi hội tụ, hợp lưu của các hệ thống sông, nguồn sông, tạo thành ngã tư sông/ “tứ giác nước” của cả xứ Quảng đó là thương cảng Faifo - Hội An.

      Vùng hạ lưu “Tứ giác nước” được tạo bởi “trục ngang” (trục Tây - Đông) với hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia, thông ra cửa sông/biển - Cửa Đại, và “trục dọc” (trục Bắc - Nam), nối thông giữa sông Cổ Cò ở phía Bắc với sông Trường Giang ở phía Nam[1]. Và từ Faifo - Hội An được lan tỏa, mở rộng ra cả khu vực - Đàng Trong - miền Trung, cả nước, quốc tế, thông qua các cửa biền: Cửa Đại, Cửa Hàn... Từ hình thức sơ khai/giản đơn là trao đổi (Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên), mua - bán, đến các hình thức bao mua, mại biện, đặt hàng, tiền đặt cọc của các thương lái, đến cả hình thức đặt cơ sở thu mua, gom hàng, cả hình thức hôn nhân tạo dựng cơ sở mua bán lâu dài... Cảnh tấp nập bán buôn, thu hút hàng hóa trên bến cảng Hội An được Lê Quý Đôn ghi lại “phàm hóa vật sản xuất từ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở bến Hội An, vì thế khách phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước” và “những thuyền từ Sơn Nam về thì chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa thì cũng mua được một thứ hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (Hội An) về thì các món hàng không có món gì không có... hàng hóa nhiều lắm dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc vẫn không hết”[2]. Hàng hóa, sản phẩm của cả xứ Quảng, Đàng Trong đổ về Hội An để xuất đi các nước có thể kể ra gồm có hàng lâm thổ sản, thủy hải sản, hàng thủ công, kim loại...[3]. Các loại hàng hóa thông qua cửa biển thương nhân Trung Quốc đem đến thương cảng Faifo - Hội An để trao đổi, được Lê Quý Đôn ghi chép lại đó là: “Hàng mang đến thì sa đoạn, gấm vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm y phục, dày tốt, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ, đồ sành,...”[4] còn thương nhân Nhật Bản đem đến thị trường Hội An “vàng, bạc, đồng, tiền vàng, tiền bạc, tiền đồng, sắt, tiền kẽm, các loại vũ khí, áo lụa cao cấp, tranh tượng, quạt, dù, đồ gốm, sứ, sơn mài, đồ dùng, đồ trang sức bằng bạc...”[5]. Thuyền buôn của các nước phương Tây, Nam Á (Ấn Độ...) và Đông Nam Á... đến thương cảng Hội An, với mặt hàng chủ yếu của họ qua ghi chép của thương nhân Pháp Poivre, đến Đàng Trong năm 1744: “Tất cả các thứ hàng bằng sắt (đồ sắt tây), hàng thủy tinh, một số hàng vải nhẹ màu đẹp sẽ có thể bán được ở đây. Có thể bán chạy ở đây tất cả các thứ vũ khí - làm ở Châu Âu, nhất là lưỡi kiếm làm theo mẫu trong xứ này... Vải Ly-ông (Lyon) hoa vàng và bạc người Đàng Trong dùng nó để làm túi đựng trầu, đựng thuốc. Còn có thể mang đến một số vải đỏ tươi, một số thảm, một số vải Brelagne...”[6]. Thương nhân các nước Nam và Đông Nam Châu Á cũng có rất nhiều sản phẩm hàng hóa tham gia vào thị trường thương mại ở Đô thị thương cảng Hội An đáng kể đó là: “Từ Xiêm: Ngà voi, thiếc, chì, gạo...; Cao Miên: Bạch đậu khấu, sáp ong, lạc, gỗ, da trâu, sừng tê...; Batavia: bạc, lưu huỳnh, sợi, vải thô, đỏ và trắng, đỏ son...: Manila: Bạc, lưu huỳnh, vỏ ốc, thuốc lá sợi[7]. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng và dưới sự tác động mạnh mẽ của nền thương mại mà nhiều làng nghề/nghề truyền thống của xứ Quảng đã phát triển khá mạnh mẽ, đa dạng và phong phú.

      Nói về cửa biển, đảo: Trước khi bị bồi lấp vào nửa sau thế kỷ XIX, sông Cổ Cò nối liền Cửa Đại - Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng và là một lộ trình giao thông đường thủy thuận lợi, được nhiều thương khách sử dụng, đi lại. Năm 1618, C. Borri đã viết: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũnglà nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: Một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai con sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn.  Tàu bè từ hai phía đi tới cũng đi vào con sông này”[8]. Như vậy, con sông Cổ Cò có vai trò nối thông Cửa Hàn - Đà Nẵng với Cửa Đại - Hội An và đầm Trà Quế với đầm Trà Nhiêu. Đầm Trà Quế gắn với sông Cổ Cò/Đế Võng được xem là “Vũng Tàu Bắc”, còn đầm Trà Nhiêu gắn với dòng Trường Giang, Cửa biển Kỳ Hà ở phía Nam, cùng với hệ Thu Bồn được xem là “Vũng Tàu Nam” của thương cảng Hội An trong lịch sử. Giáo sĩ người Ý, C.Borri ghi nhận: “Trong khoảng hơn 100 dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng... Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng tỉnh Quảng Nam (tức Hội An - TG)[9]; Hoặc một thương nhân Pierre Poivre (đến Đàng Trong năm 1748) nhận xét: “... Thương cảng này sâu, nên tàu thuyền cập bến dễ dàng, an toàn - Faifo là địa điểm thương mại quan trọng nhất Đàng Trong, có gần 6.000 người Trung Hoa là những nhà buôn bán lớn nhất”[10].

      Chính từ những yếu tố với hệ thống sông, cửa biển - địa lợi này, mà bằng vào những chứng cứ khảo cổ học cho biết, ngay từ thế kỷ I, II trước Công nguyên, Hội An đã là một cảng thị sơ khai thu hút thương nhân các nước từ vùng Nam Á, vịnh Thái Lan, qua Đông Nam Á - hải đảo lên vùng Đông Á. Từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV sau Công nguyên, qua di tích khảo cổ và tư liệu thư tịch của Ba Tư, Ả Rập, Trung Quốc... khẳng định khu vực Hội An là Chiêm Cảng - có Lâm Ấp phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất của Vương quốc Champa (tức nước Lâm Ấp hay Chiêm Thành), cùng với cụm đảo Cù Lao Chàm đây là vị trí quan trọng hàng đầu trong tuyến hàng hải ở khu vực và quốc tế. Nơi có thể trao đổi hàng hóa, tích lũy lương thảo, nước ngọt, nghỉ ngơi, sửa chữa tàu/thuyền... Hơn nữa, quan hệ thương mại thông qua Chiêm cảng - Vương quốc Champa, thời kỳ này đã được mở rộng đến tận các nước ở vùng Trung Cận Đông, Địa Trung Hải, tức là với cả thế giới Ba Tư - Ả Rập, vùng Biển Đỏ. Đặc biệt, khu vực Hội An càng sôi động hơn dưới thời Đại Việt (suốt gần 3 thế kỷ XVII, XVIII, đầu XIX).

      Mặt khác khu vực Hội An cũng là nơi tập trung các tuyến giao thương chủ đạo trên biển, thu hút tất cả những đặc sản có giá trị trên trường quốc tế về đây bán buôn, trao đổi. Ngoài ra, xuất phát từ môi trường sông nước, biển đảo Hội An còn rất nổi tiếng với nghề buôn ghe bầu và một nghề khá đặc biệt khác đó là nghề khai thác yến sào. Người dân làng Thanh Châu - Hội An xưa kia luôn được các Chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn trọng dụng, bổ sung vào những đội lính Trường Sa, Hoàng Sa chuyên khai thác tài nguyên trên biển Đông. Và do là nơi có vị trí hiểm yếu về quân sự, kinh tế nên từ thời các Chúa Nguyễn đến các triều đại phong kiến sau này dân làng Thanh Châu, Làng Câu/Phước Trạch - Hội An còn được giao nhiệm vụ cảnh giới tàu thuyền đi lại, ra vào vùng biển Cửa Đại - Hội An. Nhiều căn cứ thủy quân, bến tàu được thành lập tại đây, nhiều tướng lĩnh người Thanh Châu được giữ trọng trách và ghi công lớn trong quân đội của các triều đại phong kiến.

      Hệ thống sông và cửa biển, đảo là một yếu tố địa lợi, tạo nên vị thế địa lý, địa kinh tế, lịch sử, văn hóa cho vùng đất Hội An, và cùng với các yếu tố khác có tính chất quyết định, tạo nên những tính chất đặc trưng khá tiêu biểu nổi bật của Đô thị thương cảng này trong lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á đó là: Hội An là một cảng thị quốc tế có lịch sử sớm, liên tục lâu, dài, gần 2.000 năm (khởi đầu từ nền văn hóa Sa Huỳnh đến thời kỳ Đại Việt – Đại Nam); cảng thị Hội An là một cảng sông, cận biển với nhiều cửa vào (ít nhất là 2 cửa: Cửa Đại và Cửa Hàn); cảng thị Hội An là một mẫu hình tiêu biểu về một loại hình hình thành Đô thị ở Đông Nam Á; cảng thị Hội An có hệ thống quy mô và hoàn chỉnh vào bậc nhất ở Việt Nam thời kỳ Cổ - Trung - Cận đại, nhất là vào thời kỳ các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

      Nhìn một cách tổng thể theo nghĩa Đô thị thương cảng bao gồm cả trung tâm và vệ tinh rộng lớn đó là cửa biển, tiền cảng, các bến chợ trên sông, điểm tiền tiêu, dinh Trấn Quảng Nam/ Trung tâm hành chính - chính trị. Tất cả các vị trí này vừa là vệ tinh trực tiếp của trung tâm phố chợ Faifo - Hội  An, vừa  là phần nhân tố hữu cơ, gắn kết cấu thành Đô thị thương cảng quốc tế Hội An, tạo nên sự vượt trội về tính quy mô, hoàn chỉnh của thương cảng này ở trong cả khu vực Đông Nam Á.
 
[1] Đây là những khái niệm, gợi ý, đề xuất hướng nghiên cứu của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, liên quan đến cảng thị - đô thị học ở miền Trung, Việt Nam.
[2] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.256-257.
[3] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, tr.150.
[4] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, sđd, tr.151.
[5] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, sđd, tr.151.
[6] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, sđd, tr.151.
[7] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, sđd, tr.151.
[8] Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr.91.
[9] Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, sđd, tr.91.
[10] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, sđd, tr.31.

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây