Vào những buổi sớm mai, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi đỉnh Hòn Lao ở Cù Lao Chàm, tại bãi biển An Bàng, Phước Trạch chúng ta sẽ được chứng kiến một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, khi những chiếc thúng chai nhỏ nhắn nhấp nhô vượt qua những con sóng bạc đầu để cập bờ, mang theo bên trong những rổ cá, mực, ghẹ tươi rói còn xanh màu biển.
Cư dân Cù Lao Chàm dùng thúng Chai đánh bắt cá - Ảnh: Hồng Việt
Thật không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi tận mắt nhìn thấy từ xa những chiếc thúng chai nhỏ như chiếc lá ấy cưỡi lên sóng biển để an toàn vào bờ, bên trên chỉ có một ngư dân với một cây dầm nhỏ. Hoặc đến với rừng dừa nước Cẩm Thanh sẽ thấy từng đoàn thúng chai nằm thả mình ven các bến đỗ để sẵn sàng lắc những vũ điệu xoay tròn trên sông nước trông rất điệu nghệ và đẹp mắt nhằm phục vụ du khách. Trên những chiếc thúng ấy cũng chỉ có một người với một cây dầm nhỏ. Vào buổi trưa hoặc chiều ra các bãi biển Hội An, sẽ bắt gặp những chiếc thúng chai ấy nằm phơi mình trên bãi cát trắng trông như những chú rùa biển ngoại cỡ đang nghỉ ngơi trong làn gió biển mát lành và cũng thật bình yên, dân dã khi nhìn những chiếc thúng chai đang thong thả buông câu, thả lưới trên một góc sông, con lạch trong xanh… Những hình ảnh đó cho ta ấn tượng ban đầu về thúng chai ở Hội An. Có thể nói, thúng chai là một phương tiện, công cụ sông biển độc đáo, riêng có thể hiện sự thông minh, sáng tạo, kỹ năng đan đát khéo léo cũng như khả năng thích ứng nhanh với môi trường sông nước, biển đảo và truyền thống đi sông, đi biển của người Việt.
3.1. Thúng chai - phương tiện sông biển đa ưu điểm
Tuy cùng là loại ghe thuyền đan toàn bằng tre nhưng do đặc điểm về hình dáng, cấu trúc, chất liệu mà thúng chai có nhiều ưu điểm so với các phương tiện cùng loại. Ưu điểm trước hết đây là phương tiện gọn nhẹ, tiện ích, dễ di chuyển, sử dụng, bảo quản. Để di chuyển thúng chai từ nhà ra sông, từ bãi xuống biển hoặc ngược lại chỉ cần một vài người, thậm chí một người cũng có thể thực hiện. Thúng chai cũng dễ dàng đưa lên các con tàu đánh bắt xa bờ để tham gia buông câu, bủa lưới. Để điều khiển thúng chai chỉ cần một người với một cây dầm. Khi không có dầm thì dùng đôi tay không để lắc thúng di chuyển trên mặt nước và ai cũng điều khiển được từ phụ nữ cho đến người già, trẻ em. Ưu điểm thứ hai do có dáng tròn, đáy thuôn bằng không có sống nên thúng chai có thể cưỡi lên sóng nước để di chuyển về phía trước hoặc có thể xoay theo chiều sóng mà không bị lật ngang như các ghe thuyền thân dài. Một ưu điểm khác nằm ở tính cơ động, dễ xoay trở của thúng chai. Chính ưu điểm này làm cho thúng chai đi lại dễ dàng ở nhiều địa hình sông nước khác nhau từ các bàu đầm đến hói rạch, từ vùng biển ven bờ, xa bờ đến các ghềnh đá, rạng đá tại các hòn đảo. Thúng chai có thể len lỏi vào sâu các khu dân cư nhỏ hẹp trongmùa lũ lụt hoặc luồn mình vào các vạt dừa nước để bắt tôm cá, các vạt rau muống để cắt rau… Thúng chai dễ xoay trở trong các địa hình sông nước này, từ phía trước có thể chuyển thành phía sau, từ đi tới có thể nhanh chóng chuyển thành đi ngang, đi lui một cách rất cơ động. Tính cơ động còn được thể hiện ở chỗ một chiếc thúng chai bị chìm có thể nhanh chóng đưa lên mặt nước, tát nước ra và hoạt động trở lại. Tính bền chắc cũng là một ưu điểm của loại phương tiện này. Một chiếc thúng chai có thời gian sử dụng từ 10 đến 15 năm. Do làm bằng tre, mây nên thúng chai có độ dẻo dai, bền chắc, giống như nguyên vật liệu tạo nên nó. Thúng chai chịu đựng được sóng gió, đặc biệt ở môi trường nước mặn nó lại càng lâu bị hư hỏng, mối mọt. Cuối cùng không thể bỏ qua một ưu điểm của thúng chai là tính tiết kiệm về kinh tế. Vật liệu làm thúng chai là những loại phổ biến, dễ tìm ở địa phương gồm tre, mây, dầu rái, phân trâu bò, chai phà. Giá tiền của chúng lại không quá đắt. Công đan thúng chai cũng không cao và trước đây, nhiều ngư dân có thể tự đan mà không phải thuê, đặt làm. Do vậy chúng ta thấy rằng những gia đình làm nghề ở bãi ngang mỗi nhà đều có ít nhất một chiếc thúng chai trong khi đó những tàu thuyền lớn thì không phải nhà nào cũng có.
3. 2. Thúng chai - phương tiện sông biển đa công dụng
Đây cũng là một ưu điểm rõ nét của thúng chai. Cólẽ không một phương tiện tàu thuyền nào lại có nhiều công dụng như vậy. Trước hết đây là một phương tiện đi lại đường thuỷ rất tiện lợi ở phạm vi gần. Ngày trước các nhà cửa, làng xóm thường lập ở vị trí ven sông. Khi muốn thăm viếng nhau hoặc cần một công chuyện gì đó, người ta chỉ cần vác thúng ra sông để đi. Trong thúng có thể chở thêm một vài người hoặc một vài món vật dụng, quà cáp. Công dụng này của nó cũng giống như chiếc xe đạp trên cạn ngày nay. Khi không có ghe đò thì có thể dùng thúng chai để đưa người, hàng hoá qua sông. Thúng chai chở người qua các bãi bồi giữa sông để canh tác, thu hoạch khoai sắn, dâu bắp, chở nông sản đến bán ở các chợ gần nhà…
Công dụng chứng tỏ sự quan trọng của thúng chai trong đời sống của cư dân sông biển thể hiện ở chỗ đây là phương tiện đánh bắt thuỷ hải sản phổ biến ở nhiều cộng đồng ngư dân nghề sông cũng như nghề biển. Thúng chai có mặt ở khắp các môi trường đánh bắt thuỷ hải sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Thúng chai dùng đi bủa rập, thả lưới bén, câu cá trong sông rạch, bàu đầm. Thúng chai là phương tiện ra biển hàng đêm, hàng ngày của nghề lưới dày, lưới cản, câu mực, lưới ghẹ tại các bãi ngang An Bàng, Phước Trạch. Tại Cù Lao Chàm cứ chiều chiều những chiếc thúng chai lại được ngư dân bơi ra các vùng biển quanh đảo giăng câu thả lưới đến sáng mai quay ra thu lưới với nhiều cá, ghẹ... Thúng chai là phương tiện len lỏi vào các ghềnh đá ở các hòn đảo để cạy gỡ vú sao, vú nàng, hàu, ốc... Thúng chai cũng theo những chiếc tàu thuyền đánh bắt xa bờ tham gia bủa lưới, câu ngừ, câu mực… Có nhiều tàu câu mực khơi, mực xà chở theo đến 40 - 45 thúng chai để hành nghề.
Một bức hình chụp những năm 1920 cho thấy những chiếc ghe trường, ghe giã đậu tại bến Đà Nẵng có bên cạnh một chiếc thúng chai. Chiếc thúng này dùng để vận chuyển hải sản, ngư dân từ ghe lớn vào bờ và ngược lại vì nó dễ cơ động, có thể len lỏi giữa những ghe thuyền lớn đang neo đậu. Vào các thế kỷ trước đây thúng chai còn theo những chiếc ghe bầu để làm nhiệm vụ trung chuyển hàng hoá, lái bạn từ bờ ra ghe và ngược lại, làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, củi nước đảm bảo hậu cần khi ngang qua các bến cảng.
Vào những mùa lũ lụt thúng chai được sử dụng làm công cụ cứu hộ, tiếp tế hữu hiệu, nhất là ở các địa bàn nhỏ hẹp, ghe thuyền lớn không thể vào được. Ở Cẩm Thanh, thúng chai là phương tiện đưa người từ các xóm thôn ra tàu lớn tránh lụt. Thúng chai len lỏi vào các kiệt hẻm để tiếp tế đồ ăn thức uống hoặc di chuyển người dân đến nơi an toàn khi những cơn lụt lớn nhấn chìm phố cổ Hội An. Và không ít khi thúng chai đã từng chuyên chở những bệnh nhân, những người bị thương đến nơi cấp cứu hoặc ra tàu thuyền để đưa đến bệnh viện.
Vào dịp lễ cầu ngư hàng năm hay vào các ngày lễ hội lớn, ngoài đua ghe ngang ghe tiến, cư dân nhiều địa phương sông nước ở Hội An còn tổ chức thi lắc hoặc bơi thúng chai. Lắc là chỉ một người với thúng, còn bơi thì có thêm một cây dầm. Các cuộc thi này thường rất hào hứng, sôi nổi, vừa là dịp để vui chơi giải trí vừa là để thi thố tay nghề chèo lắc của ngư dân. Các cuộc thi bơi lắc thúng chai đã mang lại cho các lễ hội truyền thống, hội hè hiện đại một nét văn hoá sông biển đặc sắc, riêng có. Hình ảnh thúng chai trên sông Hội An năm 1924 cho biết từ rất sớm thúng chai đã được sử dụng để tổ chức các cuộc thi bơi lắc.
Thúng chai còn được sử dụng để làm vật đựng nước, lúa gạo, chượp cá để làm mắm. Khi có lũ lụt, nhiều nhà sử dụng thúng chai làm đồ đựng vật dụng, thóc lúa và treo lên trần nhà để tránh bị nước cuốn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thúng chai được sử dụng để đưa đón cán bộ, bộ đội từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do và ngược lại. Hoạt động này thường diễn ra ban đêm và thúng chai là phương tiện gọn nhẹ, nhỏ nên khó bị phát hiện, dễ che giấu.
Thời gian gần đây, thúng chai đã có thêm một công dụng mới khi được sử dụng để phục vụ các hoạt động du lịch liên quan đến sông nước. Đây là sự kế thừa, phát huy truyền thống rất hữu hiệu và đầy sáng tạo. Ở Cù Lao Chàm, An Bàng, Phước Trạch, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, nhiều thúng chai trở thành công cụ để du khách trải nghiệm các hoạt động buông câu, thả lưới, thu hoạch thuỷ hải sản cùng ngư dân địa phương. Biểu diễn lắc thúng chai đã được đưa vào chương trình du lịch Rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh và là một tiết mục lạ mắt, thu hút đông đảo du khách tham gia. Chỉ riêng xã Cẩm Thanh năm 2018 đã có 400 hộ dân với 918 thúng chai tham gia hoạt động du lịch, góp phần đáng kể cải thiện sinh kế của người dân. Hiện nay con số này lên đến 1.200 thúng.
Ở Tam Thanh (Tam Kỳ) những thúng chai hư hỏng còn được sử dụng làm vật liệu thể hiện các bức bích họa lạ mắt thu hút sự quan tâm của du khách.
Những loài nhuyễn thể có vỏ cứng sống bám vào các vách đá sát nước biển.