Cù Lao Chàm, Hội An là một trong những địa điểm du lịch được du khách chọn lựa vào mỗi dịp hè đến, nhất là vào tháng 7, tháng 8 khi trên các triền núi, quanh các con đường hoa ngô đồng bung nở, khoe sắc đỏ rực cả vùng trời Cù Lao.
Đến với cụm đảo Cù Lao Chàm xinh đẹp, cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Cù Lao Chàm – Hội An” sẽ là cẩm nang du lịch bổ ích đối với du khách. Cuốn sách do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cùng với Ban Quản lý khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm biên soạn, Viện Văn hóa quốc tế, Trường Đại học nữ Chiêu Hòa và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính.
Cuốn sách "Cù Lao Chàm - Hội An" - Ảnh: Quang Ngọc
Cuốn sách chỉ vẻn vẹn 56 trang nhưng những nội dung cô đọng, hấp dẫn cùng rất nhiều bức ảnh đẹp được in trên giấy couche được Nhà xuất bản Đà Nẵng cấp phép xuất bản năm 2018 thực sự là người bạn thú vị với mỗi độc giả muốn khám phá Cù Lao Chàm.
Cuốn sách song ngữ “Cù Lao Chàm – Hội An” được mở đầu với hình ảnh bản đồ du lịch Cù Lao Chàm cùng những hình ảnh đẹp, hấp dẫn, cách trình bày khoa học, thuận tiện cho độc giả theo dõi, sử dụng. Độc giả có thể dễ dàng nhìn thấy ở bản đồ du lịch này 7 bãi biển: Bãi Bấc, Bãi Ông, Bãi Làng, Bãi Xếp, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Hương.
Từng địa danh trên bản đồ đều có hình ảnh thu nhỏ và những dòng mô tả ngắn gọn với những nét đặc trưng, hấp dẫn. Trên bản đồ, bên cạnh những chỉ dẫn về hình ảnh thiên nhiên với bãi biển, rừng cây, vách núi… người đọc còn nhìn thấy vị trí của các công trình kiến trúc và một số nhà dân tiêu biểu như: miếu Tổ nghề Yến, chùa Hải Tạng, lăng Ông Ngư…
Điều thú vị, trên bản đồ này, ở những vị trí chụp ảnh check in từ ngọn đồi nhìn xuống Bãi Hương hay ở hàng cây ngô đồng đỏ… có hình vẽ chiếc máy ảnh thiết kế tinh tế, nhỏ xíu nhưng người đọc dễ dàng nhận ra.
Như một người bạn đường du lịch thân thiện, tận tâm, ngay sau hình vẽ bản đồ sinh động, thú vị và những dòng giới thiệu ngắn gọn về lịch sử-văn hóa Cù Lao Chàm, cuốn sách đưa người đọc đến từng địa danh cùng nội dung khái quát và hình ảnh đẹp về phong cảnh, về đời sống sinh hoạt của người dân như: Bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Xếp.
Mời quý vị độc giả cùng đến thăm thôn Bãi Hương – một trong số những địa danh kể trên qua nội dung giới thiệu của cuốn sách: “Bãi Hương nằm về phía Tây Nam hòn Lao, Cù Lao Chàm. Tại đây có gần 94 hộ dân sinh sống tạo thành một xóm nhỏ chuyên về nghề đánh bắt hải sản trên biển.
Đến với Bãi Hương, bạn sẽ cảm nhận rất rõ phong cảnh thiên nhiên hoang sơ và cuộc sống bình yên của những người dân biển đảo trong những căn nhà đơn sơ dọc các con đường ngoằn ngoèo nhỏ hẹp. Mỗi sáng sớm những chiếc thuyền câu, thuyền lưới cập bến bày bán các loại tôm, ghẹ, cá, mực tươi rói dọc cầu cảng vào xóm. Bạn có thể nghỉ lại tại một homestay là ngôi nhà nhỏ mang đậm dấu vết cuộc sống của người dân biển, thưởng thức những món hải sản tươi ngon do chính họ đánh bắt hoặc theo những chiếc thuyền câu, thúng chai (thuyền thúng) cùng chủ nhà đi câu, đánh lưới, lặn ngắm san hô. Chiều chiều bạn có thể ngồi hóng gió biển mát lành dưới hàng dừa xanh dọc con đường chính nhìn ra biển.
Các di tích miếu Tổ Nghề Yến, miếu Ngũ Hành, tịnh xá Ngọc Hương là những điểm tham quan giúp bạn hiểu rõ hơn về đời sống tinh thần của người dân nơi đây”.
Phần nội dung “Lịch sử và kiến trúc” của cuốn sách đặc biệt thú vị, hữu ích với những độc giả/du khách muốn tìm hiểu, khám phá Cù Lao Chàm ở góc nhìn mang tính lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, nội dung giới thiệu và hình ảnh về hiện vật khảo cổ học tại Bãi Ông, Bãi Làng trong phần này sẽ giúp độc giả/du khách có thêm nhận thức về mảnh đất Cù Lao Chàm – Hội An thời kỳ Tiền – Sơ sử và dòng chảy văn hóa thời đại Kim khí của xứ Quảng, miền Trung: “Cù Lao Chàm là một vùng đảo có lịch sử phát triển lâu đời. Tại đây đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Bãi Ông có niên đại cách ngày nay trên 3000 năm, chứng tỏ lúc bấy giờ đã có cư dân sinh sống và khai thác các tài nguyên biển đảo.
Thời kỳ Champa (TK II – XV), Cù Lao Chàm là một địa chỉ nổi tiếng trên tuyến đường giao thương hàng hải quốc tế ven biển Đông với các tên gọi Sanfu – fulaw, Pulao Ciam, Chiêm bất lao… Thương thuyền các nước khi đến buôn bán với Lâm Ấp phố của Champa ở bên trong cửa Đại Chiêm thường ghé lại Cù Lao Chàm để tiếp tế lương thực, củi nước và thực hiện hoạt động mậu dịch. Tại Bãi Làng đã tìm thấy một số địa điểm khảo cổ học thuộc thế kỷ IX – X với các hiện vật như đồ gốm Islam (Trung Cận Đông); thủy tinh màu Ả - rập, Ba Tư; gốm Việt Châu, Định Châu, Hồ Nam (Trung Quốc), gốm Thái Lan, Việt Nam cho thấy hoạt động giao thương tại đây đã diễn ra mạnh mẽ, nhộn nhịp.
Người Việt có mặt ở Cù Lao Chàm vào khoảng thế kỷ XVI – XVII. Kế tục truyền thống khai thác biển đảo của người Chăm, các lớp cư dân Việt đã xây dựng, phát triển Cù Lao Chàm thành một làng biển đảo đặc trưng có nghề nông, nghề buôn bán, dịch vụ, nghề đánh bắt, khai thác các sản vật trên rừng dưới biển còn truyền lại cho đến ngày nay.”
Ở mỗi di tích như chùa Hải Tạng, lăng Ông Ngư, giếng xóm Cấm, đình Tiền Hiền, miếu Bà Bạch, miếu Thành Hoàng, miếu Tổ nghề Yến… hay ở những nghề truyền thống như nghề làm bánh su sê, nghề đan võng ngô đồng… độc giả/du khách không chỉ tìm thấy những kiến thức được giới thiệu ngắn gọn qua sự chắt lọc thông tin mà còn mãn nhãn với những bức ảnh đẹp về từng loại hình di sản vật thể, phi vật thể nơi hòn đảo xinh đẹp này.
Phần cuối cùng của cuốn sách, những nội dung về tài nguyên biển, tài nguyên rừng của Cù Lao Chàm cùng hệ động thực vật biển gồm nhiều giống loài đặc hữu và mang tính đại diện cho hệ sinh thái biển đảo được thể hiện không chỉ qua lời giới thiệu mà còn qua những hình ảnh đẹp gắn với hình ảnh hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển như một lời nhắc độc giả/du khách thực hiện những hành động cụ thể khi đến đảo Cù Lao Chàm để cùng nhau bảo vệ những giá trị đã được tổ chức UNESCO vinh danh là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Chỉ với chưa đầy 60 trang in, cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Cù Lao Chàm – Hội An” đã giúp chúng ta khám phá những giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Cù Lao Chàm. Ấn phẩm đẹp và nhiều thông tin bổ ích, thú vị này là một người bạn không thể thiếu với mỗi ai yêu mến, muốn khám phá vẻ đẹp và giá trị văn hóa lịch sử - sinh thái - nhân văn của Cù Lao Chàm.