Hoa mai trong ngày Tết và tín ngưỡng dân gian ở Hội An

Thứ hai - 22/01/2024 02:25
Ở Hội An (và có lẽ cũng hầu như suốt một dải từ Quảng Trị trở vào Nam), người ta coi hoa mai là biểu tượng của mùa xuân. Hoa mai được tôn vinh không chỉ vì sắc vàng mãn khai sau một năm - 365 ngày ngậm vàng nhật nguyệt mà còn vì đây là loài hoa báo hiệu sự hồi sinh của vạn vật sau những ngày đông giá băng. Hoa mai còn là biểu tượng của đất trời tràn đầy sự sống, sự rắn rỏi và với hương sắc ngọt ngào, tạo nên ấn tượng cảm xúc, báo hiệu sắc xuân.
hoi tet hoa xuan
Hoa mai bày bán tại chợ hoa xuân Ất Mùi ở Hội An  -  Ảnh: Hồng Việt
 
      Ngày xưa, khắp các làng quê và ngay trong sân vườn của những ngôi nhà phố ở Hội An hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây mai trước/trong sân vườn nhà để làm cảnh. Và cũng có rất nhiều vườn mai được trồng để chuyên cắt cành bán vào dịp Tết. Lắm khi thời cuộc đổi thay những cội mai già đã từng trải qua, chứng kiến, độc thoại với nhiều thế hệ chủ nhân, vẫn kiên trinh phơi gan cùng tuế nguyệt cho người ly hương nhớ cảnh quay về. Tuy mai là loại cây rất khó trồng nhưng khi đã bén đất rồi thì sức sống mạnh mẽ không gì bằng. Kinh nghiệm dân gian người xưa mách bảo, chỉ vào những năm nhuận, hạt mai mới chịu nảy mầm, xanh lá hứa hẹn những mùa hoa thắm sắc luân hồi. Truyền thuyết dân gian kể rằng, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, để cứu nguy cho dân làng, cô gái nhỏ nhắn đó đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái. Không ai biết cô ấy đã hy sinh, vì hàng năm vào chiều 29 Tết, nàng luôn quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ cô ấy mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp Tết lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ. Cây mai từ đó được người dân nhân giống, như một cách tưởng nhớ đến cô gái, cũng như răn đe loài quỷ dữ sợ oai phong của cô mà không dám quấy động đời sống yên lành của mọi người.

      Hàng năm, ở Hội An, từ cuối tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là những ngày tháng mùa mưa tầm tã, hết lũ/lụt, gió bão kéo dài, rồi lại bước vào những ngày tháng mùa đông lạnh giá, cây mai, cùng các loại cây cỏ khác nói chung đều hứng chịu cảnh bị gió mưa vùi dập tàn tạ, ấy thế mà sau đó khi có nắng về là cây mai trở lên tươi tốt, đầy sức sống, cành lá xanh tươi. Chính thời gian này, thường trong dịp vào tiết Đông chí người ta lại tỉ mỉ vặt/tuốt hết từng cái lá chỉ còn trơ trụi cành cây. Bây giờ, trông những cành mai trụi lá, trơ cành gầy guộc hắt hiu đến tội nghiệp. Ấy thế mà càng về cuối năm, trong cánh mai vàng mỏng manh quá đỗi đến vậy mà chồi biếc bật lên từ đầu cành vô cùng mãnh liệt. Loài hoa ấy như thi gan cùng giá rét ngày đông để bất chợt một sớm mai hanh hao nắng ấm, bừng nở sắc vàng báo rằng xuân đã đến. Có lẽ thế mà người xưa đã mượn hình ảnh hoa mai để ngợi ca khí tiết, đức tính cao thượng, phẩm chất trong sạch của bậc chính nhân quân tử. Quả chắc vì thế, một con người với tính cách như Cao Bá Quát mà cả đời chỉ cúi lạy trước hoa mai: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (một đời chỉ biết lạy hoa mai).

      Hàng năm, vào cuối tháng Chạp, bao nhiêu lo toan mải miết chừng như dịu lại khi bất chợt, dưới những tia nắng nhẹ, thoáng chút gió heo may, trước hiên nhà ai chơm chớm nụ hoa vàng. Nghĩa là Tết đã về, dù ở đâu xa người ta cũng cố tìm mọi cách quay về sum họp với gia đình. Sau khi quyét dọn bàn thờ, sửa sang nhà cửa không một ai quên việc chọn một cành mai thật đẹp còn chúm chím nụ vàng, cắm vào chiếc bình lớn đặt nơi trang trọng nhất để mừng xuân mới. Bên sắc màu mâm thờ ngũ quả, trong khói hương nghi ngút, hoa mai càng toát lên một vẻ thanh thoát đầy hồn cốt của truyền thống gia phong. Người chơi mai còn tin rằng, hoa mai tượng trưng cho tài lộc, hoa nở càng nhiều cánh là năm mới gia đình càng được nhiều may mắn. Hiểu được lòng người, hoa thường nở không ít hơn 5 cánh. Năm cánh hoa mai là hình ảnh năm vị thần may mắn, của ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh), là biểu tượng của sự trường thọ,… Vì thế tục lệ vào đầu năm, khi đến chúc tết mọi nhà, đừng quên ngắm và khen cành mai đẹp. Đó là lời chúc có ý nghĩa nhất, tinh tế nhất đối với gia chủ.

       Hoa mai còn là một đề tài khá quen thuộc của các loại hình nghệ thuật từ xưa đến nay, nhất là đề tài trang trí trên các công trình kiến trúc nhà phố ở Hội An. Các kiểu thức thường gặp về mai có khi chỉ là đóa hoa nở phối hợp với nền mặt vọng (mắt võng), tổ ong, vạn thọ,… có khi là cụm lão mai bên khối đá; có khi như một bức tranh sinh động trong kiểu thức mai điểu, hay bên cạnh khóm trúc biểu tượng cho mối tình nồng thắm lứa đôi trúc - mai. Ngoài ra kiểu thức thường gặp nhất là mai hóa long, giao hóa, phụng hóa hay đứng trong bộ tứ thời: mai, liên (sen), cúc, trúc hay bộ tứ quý: mai, lan, cúc, tùng. Đó không chỉ một loại hoa biểu tượng cái đẹp mà còn là biểu tượng của sự tốt lành và bao điều ước vọng, không chỉ dành cho bậc vương gia mà hoa còn đến với mọi nhà.

      Cũng cần phải nói thêm rằng, thực tế, hoa mai () là một loài cây có hoa, tên khoa học là Prunus mume Siebold & ZuccVà có rất nhiều loại, có lẽ mỗi vùng lại thường nhìn thấy và khái quát hóa nét đẹp của nó theo cảm nhận của mình. Chính vì vậy, hình ảnh của mai trong nghệ thuật tạo hình của Trung Hoa chưa hẳn là giống mai vàng (hoàng mai) hay mai trắng (bạch mai) như chúng ta thường thấy ở Hội An hoặc cả ở  miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ví như đứng về mặt biểu tượng, bộ “tứ thời” trong văn hóa Trung Hoa bao gồm mẫu đơn, sen, cúc, mai, tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, thì trong nhóm này, hoa mai với người Hán lại mang biểu tượng của mùa đông. Hay trong nhóm “tam hữu”: những người bạn gắn bó bên nhau trong tuyết giá chính là mai, tùng, trúc. Các dạng biểu hiện trên không có trong bộ “tứ thời” ở nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ trong kiến trúc ở Hội An.

      Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết, người ta chọn những cây mai có nhiều lộc, nhiều hoa, tươi để chặt cành, mang ra thị trường bán. Trong những năm gần đây, cây mai cũng được nghệ nhân tạo thành cây thế bằng cách chọn những cành mai to, khúc khuỷu, da sần sùi, loang lổ, có thế đẹp tự nhiên trên cây mai cổ thụ, bó đất, chiết cho ra rễ, cưa và trồng vào chậu, rồi chăm sóc tạo thế/dáng để bán hoặc cho những người thích chơi mai thuê để trưng/chơi mai vào dịp Tết. Tuy vậy, cây mai tự nhiên từ thời ông cố/ông nội trồng để lại trong sân vườn hoặc việc trưng/chơi mai cành vẫn có ý nghĩa, giá trị và sự thú vị riêng mà không thể thay thế được.

      Quả thực, với tốc độ của đô thị hóa, phát triển đô thị mạnh mẽ như hiện nay, nhiều cây mai già trong sân vườn, cả vườn mai đang bị mất dần… chắc hẳn, chúng ta sẽ thấy hương xuân phai nhạt ít nhiều nếu mai đây Tết về mà trong mỗi nhà thiếu vắng một cành mai.

 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây