Thông tin về đạo sắc bằng vải lụa ở Hội An

Chủ nhật - 07/01/2024 20:51
Trong những thập niên qua, công tác sưu tầm, tập hợp, dịch thuật, phát huy nguồn tài liệu Hán Nôm ở Hội An đã đạt được những kết quả quan trọng.
      Đến nay, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã tập hợp được nguồn tư liệu khá đồ sộ, phong phú cả về hình thức lẫn nội dung, gồm các thể loại văn bản từ sắc, trình, trát, địa bạ, khế ước, gia phả, phân thư, sách thuốc, kinh kệ… được viết, in trên nhiều chất liệu như giấy, vải lụa, khắc trên đá, gỗ chuông đồng,… Trong đó, có một điều đặc biệt là chúng tôi đã sưu tầm được một đạo sắc phong bằng chất liệu vải lụa ban cho Thành Đức hầu Lý Đại Thành, người xã Minh Hương vào năm Gia Long thứ 2. Đây là sắc phong bằng chất liệu lụa duy nhất được sưu tầm ở Hội An cho đến nay.

      Về nhân vật Lý Đại Thành, qua một số tư liệu cho biết ông là người làng Minh Hương (Hội An), có nhiều công lao trong việc khôi phục triều Nguyễn vào đầu thế kỷ 19. Ông là quan võ dưới triều Gia Long, từng giữ chức Phó Vệ uý Cơ Trung Chấn thuộc Trung Quân, tước là Thành Đức hầu. Ông đã trải trận mạc, lập được công lao, phò tá hầu vua, giàu lòng trung nghĩa.
Năm Gia Long thứ 2 (1803), sau khi mất ông được gia Phụ Quốc công thần Chiêu Nghị Tướng quân Khâm sai Chánh Vệ úy Cẩm y vệ. Bài vị của ông được thờ ở miếu Trung Dõng. Cũng như biểu dương công đức, nhớ đến ơn trạch của ngài, năm 1943, cùng với Thái Văn Thoại - là một công thần của nhà Nguyễn, từng giữ chức Khâm Sai Cai Cơ Thoại Ngọc hầu, được triều Nguyễn phong nhân thần với tước hiệu là: Dực bảo trung hưng Linh phù chi thần.

      Sắc phong cho Lý Đại Thành được viết trên chất liệu vải lụa, chữ viết bằng mực màu đen, kích thước sắc dài 78cm, rộng 60cm, đường viền rộng 3cm được vẽ họa tiết rồng, mây cách điệu, lưỡng long tranh châu cách điệu bằng mực nhiều màu, đóng dấu ấn “Phong tặng chi bảo”. Đây là sắc phong của vị vua đầu tiên triều Nguyễn ban cho vị quan có nhiều công lao, đóng góp cho triều đình lúc bấy giờ. Trải qua thời gian 220 năm tồn tại, qua nhiều biến thiên của lịch sử, sắc phong tuy có nhiều vết rách, loang, một số chữ viết đã bị mờ, mất chữ, thế nhưng nội dung trên sắc vẫn thể hiện đầy đủ, khá nguyên vẹn về nguyên nhân, chức tước, việc ca ngợi công đức của Lý Đại Thành được đề cập trong sắc.

      Thể thức văn bản mở đầu là từ Sắc - 勅, cuối văn bản là cụm từ Cố sắc - 故 勅. Dòng niên sắc phong được ghi bằng chữ viết đơn - 嘉 隆 二 年 三 月 十 四 日 (Gia Long nhị niên tam nguyệt thập tứ nhật). Đây là điểm khác biệt so với cách ghi niên đại trong các sắc phong sau này. Trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép “Vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) có chỉ: “Từ nay về sau các sắc, biểu và văn thư dùng ở các nha, chỗ dòng niên hiệu những chữ năm …tháng… ngày đều dùng chữ viết đơn, chuẩn từ sau đều dùng chữ viết kép, như những loại chữ nhất (一) viết là nhất (壹), nhị (二) viết là nhị (貳) để phòng sự thay đổi…[1].

      Nội dung sắc phong cụ thể như sau:

 
sach phong
Sắc phong Lý Đại Thành vào năm Gia Long thứ 2 - Ảnh: Tư liệu
 
      Phiên âm

Sắc Trung quân Chấn Sai vệ Khâm sai Phó vệ cố Thành Đức hầu Lý Đại Thành.
Minh kiếm hùng phong
Loan hồ tráng chi
Càn hối nhật, chu toàn thị lại, đa niên phàn hoặc dược chi long
Đồn tạo thiên, thảo muội vân sơ, bách chiến hãn gian quan chi mã
Giáp thuẫn dự, kỳ thâm dữ chiểu
Kinh cức phi, tư Đại Hán đồ
Huy qua tì nhất lữ chi binh, Đông đô tích mậu
Nhẫm kim kích bách phu chi dũng, Tây tặc tâm hàn
Kim nãi như chi nhân hề
Thiền hà đoạt chi tốc dã…
Khả gia tặng Phụ quốc công thần, quang tiếng Chiêu Nghị tướng quân, Thượng Hộ quân Cẩm Y vệ, Khâm sai Chánh vệ úy Thành Đức hầu thụy Cương Chính.
Ô hô! Vạn đại vinh danh bất dẫn, trung nghĩa ký chương
Thiên thu chánh khí do sinh, cương thường vĩnh thực
Hệ duy linh sảng
Phục thử sủng quang;
Cố sắc!
Gia Long nhị niên tam nguyệt thập tứ nhật.

      Dịch nghĩa

Sắc phong cho Khâm sai Phó vệ úy vệ Chấn sai thuộc Trung quân là Thành Đức hầu Lý Đại Thành người đã quá cố.
Anh hùng phong thái tựa kiếm reo
Tráng kiệt chí tâm như nỏ cứng
Thuở trời đất mịt mù, xoay chuyển trông chờ vào đó, nhiều năm hăng hái cơ mưu
Buổi trấn đồn tạo dựng, gian nan là lúc khởi đầu, trăm trận ruổi rong chiến mã
Dự binh giáp, kể đã uyên thâm
Vượt chông gai, phò ngôi chân Chúa
Khua giáo chỉ huy chúng sĩ, Đông đô rực rỡ chiến công
Gối đồng khích lệ trăm quân, Tây tặn rụng rời hồn vía
Nay được người thế này chừ
Trời sao đoạt đi chóng vậy!

      Vậy xứng đáng được tặng thêm là Phụ quốc Công thần, tiến phong Chiêu Nghị Tướng quân, Khâm sai Chánh vệ úy vệ Cẩm Y thuộc quân Thượng hộ, ban tước Thành Đức hầu, thụy là Cương Chính.

Than ôi!
Muôn thở vinh danh bất hủ, trung nghĩa sáng soi
Nghìn năm cánh khí mãi còn, cương thường vững chãi
Nghĩ nhớ hương hồn linh sảng
Hãy nên kính nhận sủng ân!
Vì vậy ban sắc này.
Ngày 14 tháng 3 năm Gia Long thứ 2 (1803).

      Bên cạnh sắc phong chức tước này, Lý Đại Thành còn được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong nhân thần với mỹ tự Dực bảo trung hưng Linh phù chi thần. Nhân thần là những vị thần có họ tên, công trạng, quan tước rõ ràng, lúc sống có công lao, trung tiết, lúc chết vẫn thiêng liêng phù trợ cho nước, cho dân. Được dân xã Minh Hương đưa vào đền Tiền hiền của làng, dân chúng lấy làm lệ mà thờ cúng lâu dài. Nội dung sắc phong như sau

      Phiên âm

Sắc Quảng Nam tỉnh Minh Hương xã phụng sự Thành Đức hầu Lý Đại Thành đại lang chi thần, nẫm trứ linh ứng.
Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miến niệm thần hưu trữ phong vi Dực bảo trung hưng Linh phù chi thần, chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ thương hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai.
Bảo Đại thập bát niên bát nguyệt thập ngũ nhật.

      Dịch nghĩa

Sắc cho đại lang Thành Đức hầu Lý Đại Thành chi thần, đã từng linh ứng hiển hiện.
Nay vâng thừa mệnh lớn, nhớ đến ơn thần mà trứ phong mỹ hiệu là Dực bảo trung hưng Linh phù chi thần, chuẩn cho trăm dân được phụng thờ thần, để thần bảo vệ che chở dân ta.
Kính thay!
Ngày 15 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 18 (1943).

      Với chất liệu độc bản trong tổng số sắc phong ở Hội An, niên đại mở đầu của vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, đạo sắc phong này đã tạo nên giá trị vô cùng đặc biệt, chứa đựng nguồn thông tin quan trọng về lịch sử, công trạng phò vua đánh giặc, hiển hách vang danh không chỉ làng Minh Hương, mà cả vùng đất Hội An. Sự hiện diện của đạo sắc phong này góp một nguồn tư liệu quan trọng trong nghiên cứu về sắc phong thời Nguyễn ở Hội An, Quảng Nam.
 
[1] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, tập III, quyển 19, trang 41.

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây