Những sự kiện liên quan đến di tích cổ ở Hội An vào năm Thìn

Thứ ba - 20/02/2024 21:36
Trong 12 con giáp tương ứng với 12 Địa chi (Thập nhị Địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi) theo quan niệm văn hóa cổ truyền của dân tộc, rồng (Thìn, âm Hán Việt: Long) đứng ở vị thứ 5, là một con vật mang tính huyền thoại nằm trong bộ Tứ linh (long, lân, quy, phụng). Trong âm lịch, tháng ba là tháng Thìn.
 
     Tháng và năm Thìn theo Thiên can và Địa chi có: Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn và Nhâm Thìn. Chu kỳ của mỗi năm can chi là 60 năm (Lục thập hoa giáp). Năm Giáp Thìn - 2024 bắt đầu từ ngày 10/02/2024 đến ngày 28/01/2025 theo Dương lịch.

     Tại các di tích cổ ở Hội An, liên quan đến con rồng và năm Thìn, bên cạnh những tác phẩm điêu khắc trên đá, gỗ, những phù điêu đắp vẽ trang trí kiến trúc, không gian thờ tự như tại các bàn thờ, bình phong, hệ mái, vv... với các chủ đề ngư long hý thủy, long mã phụ hà đồ, lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều dương,vv... còn có nhiều sự kiện diễn ra trong năm Thìn như việc xây dựng hay tu bổ di tích, việc phụng cúng đồ vật, tự khí,…

     Di tích Quan Công miếu (tên thường gọi là Chùa Ông), là một công trình kiến trúc tín ngưỡng được xây dựng rất sớm ở Hội An và mang nhiều giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật cũng như yếu tố văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Tại đây còn lưu giữ hơn 30 bức hoành và nhiều cặp liễn đối Hán Nôm có giá trị về văn học, nghệ thuật. Trong đó có nhiều bức hoành, liễn đối được tạo lập, tiến cúng vào năm Thìn như bức hoành Trung thiên nhật nguyệt (Sáng như nhật nguyệt) lập năm Càn Long Giáp Thìn (1784), bức Linh uy diệu ứng (Uy linh huyền diệu) lập mùa xuân năm Bính Thìn (1856), bức Nghĩa trùng thiên (Nghĩa khắp trời) lập vào ngày tốt đầu xuân và bức Trạch cập thánh ân (Thánh ân ban khắp) lập ngày tốt mùa thu năm Nhâm Thìn (1892). Vào năm Giáp Thìn (1904), nhiều bức hoành được tạo lập, tiến cúng nhân dịp tu bổ hoàn thành Quan Công miếu như bức Nghĩa khí do thương nhân bang Quỳnh Phủ kính tặng, bức Thốn tâm đan thành (Tấc làng thành kính), bức Chính khí trường tồn (Chính khí dài lâu), bức Hạo khí lăng tiêu (Khí tận mây xanh) do thương nhân bang Quảng Triệu phụng cúng, bức Hạo nhiên chính khí (Chính khí tràn dâng) do bang Gia Ứng cúng, bức Vạn cổ tinh trung (Lòng trung vạn thuở) do thương nhân bang Phúc Kiến cúng, bức Hiệp thiên cung (Cung hiệp thiên) do hội quán Ngũ Bang cúng.

     Về liễn đối, có cặp: Nhất điểm đan tâm tồn Bắc sử; Thiên thu nghĩa khí tráng Nam cương (Một tấm lòng son lưu sử Bắc; Ngàn năm nghĩa khí tại trời Nam) lập năm Thiệu Trị thứ 4, tức năm Giáp Thìn (1844), do tri huyện Trương Tăng Diễn cúng; và cặp: Tồn tín nghĩa thần ân quảng đại; Lạc xuân thu hạo khí lưu quang (Giữ tín nghĩa ơn thần rộng khắp; Vui xuân thu khí lớn sáng truyền) do Hứa Trường Thắng phụng cúng vào năm Giáp Thìn (1904).

 
buc hoanh
Bức hoành Trung Thiên Nhật Nguyệt tại Quan Công miếu lập năm Giáp Thìn 1784 - Ảnh: Hồng Việt
 
     Tại di tích Tụy Tiên đường Minh Hương có tấm bia đá lập vào năm Duy Tân năm thứ hai (1908) do cử nhân Trương Đồng Hiệp, người làng Minh Hương phụng soạn và phó bảng Hà Đình Nguyễn Thuật hiệu chỉnh. Văn bia cho biết Tụy Tiên đường Minh Hương được xây dựng vào năm Canh Thìn (1820) tại vị trí nay là Văn chỉ Minh Hương. Sau đó mới dời về vị trí hiện nay vào năm Thành Thái thứ 17 (1905). Trong văn bia có đoạn: “Minh Mạng nguyên niên kiến Tiền hiền từ, ngạch viết Tụy Tiên đường,..,” (Năm Minh Mạng thứ nhất thiết lập nhà thờ Tiền hiền, đề biển là Tụy Tiên đường).

     Năm Mậu Thìn (1868) xây dựng miếu tổ nghề gốm Nam Diêu làng Thanh Hà, một trong 4 ngôi miếu nằm ở Khu miếu tổ nghề gốm Nam Diêu hiện nay (gồm miếu tổ nghề gốm Nam Diêu, miếu Thái Giám, miếu Âm Linh và miếu Sơn Tinh). Miếu tổ nghề gốm Nam Diêu được tu bổ vào các năm 1893, 1933, 1997. Miếu xoay hướng Tây Nam, kết cấu tiền đường hậu tẩm, lối vào ở mặt tiền miếu tạo kiểu cuốn vòm. Nội thất miếu thờ Thiên Công, Ngũ Hành, Thổ Thần, Tiền hiền và Hậu hiền của ấp Nam Diêu.

     Cũng vào năm Mậu Thìn (1868) xây dựng hoàn thành Văn chỉ Minh Hương tại số 20 Phan Châu Trinh hiện nay để thờ Khổng Tử, Tứ Phối, Thất thập nhị Hiền và các vị khoa bảng làng Minh Hương. Văn bia tại di tích do Đặng Huy Trứ đề bút cho biết Văn chỉ Minh Hương được khởi dựng vào năm Đinh Mão (1867), được hoàn thành vào năm Mậu Thìn (1868).

 
buc hanh
Bức hoành Hạo Khí Lăng Tiêu tại Quan Công miếu lập năm Giáp Thìn 1904 - Ảnh: Hồng Việt

     Năm Nhâm Thìn (1892), di tích chùa Chúc Thánh được tu bổ và xây dựng thêm Hậu tổ. Chùa Chúc Thánh là ngôi cổ tự được Sắc tứ ở Hội An. Ngôi chùa do thiền sư Minh Hải khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, đây là Tổ đình của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh tại Đàng Trong, Việt Nam. Bia trùng tu chùa Chúc Thánh lập năm Duy Tân Ất Mão (1915) cho biết:  “năm Nhâm Thìn đời Thành Thái (1892) thầy trụ trì hiệu Quảng Viên (người huyện Duy Xuyên) sửa sang lại quy mô, đẹp hơn. Năm Giáp Ngọ Thành Thái (1894), thầy Chánh tự hiệu Chứng Đạo (người huyện Duy Xuyên) cùng thầy Phó tự Quảng Đạt (người huyện Duy Xuyên) tu chỉnh lại.”

     Cũng vào năm Nhâm Thìn (1892), tại các di tích hội quán Ngũ Bang và hội quán Hải Nam cũng được tiến cúng nhiều hoành phi, liến đối. Tại hội quán Ngũ Bang có bức hoành Ân tứ quảng triệu (Ơn ban rộng khắp) do thương nhân bang Quảng Triệu ở Huế cúng, bức Công bất Vũ Hạ (Công đức không kém gì vua Vũ)  do hiệu Vinh Thành và hiệu Tài Nguyên cúng; cặp liễn đối: Linh điểu lai thời hoành hải kình ba thiên đảo tịnh; Từ vân quá xứ kiêm thiên ngạc lãng nhất bồng bình (Chim quý bay qua, biển rộng sóng trào ngàn đảo tịnh; Mây lành kéo đến, trời cao gió lộng một non yên) do hiệu Thăng Phong bang Quỳnh Phủ cúng. Tại hội quán Hải Nam có cặp liễn đối: Khí tụ nhi thân, giả vi thần, tùng cổ anh linh, đa do oan phẫn; Đức thi ư nhân, tắc nghi tự, huống đồng tang tử, hựu tại địa hương (Khí khái tụ thành thần, theo dấu anh linh do oan trái; Đức độ xây nên miếu, thương người bổn quán ở nơi xa) do các thương nhân Phan Thiên Liêm, Phan Tiên Tường, Hàn Nhân Phong, Hồng Dĩ Cẩm, Trịnh Đình Côn, Đặng Hoán Giai cúng.

     Hiện nay tại đình An Mỹ ở Cẩm Châu còn lưu giữ 2 bức hoành được tạo lập, phụng cúng vào năm Thìn gồm: Bức Phổ đức Nam thiên (Đức tốt trời Nam) do bổn xã lập vào năm Thiệu Trị thứ 4, tức năm Giáp Thìn (1844) và bức Chiêu Tiền Liệt (Rạng rỡ đời trước) do tộc Nguyễn Đức - tộc Tiền hiền làng An Mỹ phụng cúng vào năm Giáp Thìn (1904).

     Tại Văn chỉ Cẩm Phô hiện nay còn lưu giữ bức hoành đề Văn Thánh miếu (miếu Văn Thánh) lập vào năm Canh Thìn Bảo Đại thứ 15 (1940), do Hàn Lâm viện Kiểm thảo Nguyễn Tường Long cúng.

     Ngoài các sự kiện liên quan đến di tích cổ ở Hội An, còn nhiều nguồn tư liệu, sự kiện về Hội An được ghi chép hoặc diễn ra vào năm Thìn như Bia phổ đà sơn linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn lập năm Canh Thìn (1640) ghi chép về người Nhật ở Hội An, việc Đạo Thiên Chúa truyền bá vào Việt Nam qua sự kiện giáo đoàn Dòng Tên đến Hội An vào năm Bính Thìn (1616),...

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây