Tục lệ của các tộc họ ở Hội An

Chủ nhật - 07/01/2024 21:33
Cộng đồng cư dân Hội An là sự hợp cư của nhiều tộc họ. Thiết chế làng xã ở Hội An có những yếu tố không được chặt chẽ, bù vào đó, quan hệ tộc họ phát triển mạnh mẽ. Biểu hiện của hiện tượng này là việc thờ chư tộc phái ở các đình làng xuất hiện phổ biến thay vì Thành Hoàng. Mỗi tộc họ đều có nhà thờ tộc và ruộng đất riêng của tộc.
      Do tính chất là một vùng đất mới khai phá, vai trò làng xã chưa xác định, nên từ lúc ban đầu, các tộc họ có quyền chiếm hữu đất riêng. Mặt khác, do sự phát triển về kinh tế - xã hội, về vốn liếng, một số tộc họ giàu có đã bỏ kinh phí ra mua đất của tư nhân hoặc của làng để làm đất tộc. Từ tình hình như vậy nên ruộng công tại Hội An có diện tích hạn chế, ngược lại, ruộng tư, ruộng tộc được mở rộng. Xuất phát từ thực tế này nên sự liên kết theo tộc họ phát triển mạnh, vai trò tộc họ trong đời sống xã hội được củng cố. Vai trò này thể hiện tập trung ở vị tộc trưởng và nhiều việc của làng xã được giải quyết thông qua tộc họ.
nguyen viet thanh ha
Nhà thờ tộc Nguyễn Viết ở Thanh Hà - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Con cháu, những thành viên trong tộc, dù có chức phận cao nhưng khi về tộc họ vẫn phải coi trọng tộc trưởng. Tộc trưởng có quyền quở phạt và xử lý những thành viên trong tộc làm việc sai trái,... Trong những lúc ấy, tiếng nói của tộc họ thông qua vị tộc trưởng được đặc biệt coi trọng. Quan, hôn, tang, tế của những người trong tộc thường phải thông qua tộc trưởng hoặc sau này là hội đồng gia tộc. Việc gạch tên khỏi gia tộc là một hình phạt nặng nề về tinh thần. Vai trò của chế độ gia tộc phụ quyền, sự tồn tại của ruộng tộc và các phong tục tập quán kèm theo thể hiện sức sống mạnh mẽ của tàn dư công xã thị tộc, công xã nông thôn tại địa phương. Mỗi tộc họ có những tục lệ được hình thành từ lâu đời, trở thành sợi dây tinh thần bền chặt.

      Việc Lề

      Do các tộc họ phát triển mạnh nên, ngoài việc làng, việc xóm, cư dân Hội An còn có tục lo việc Lề. Hàng năm vào tháng 3 và tháng 8 (Xuân Thu nhị kỳ) những thành viên trong tộc tập trung về nhà thờ tộc để lo việc tế tự tổ tiên. Khi đến thường có mang theo lễ vật. Đối với những tộc họ lớn, việc lề được tổ chức qui mô, có lễ nhạc, văn tế, ăn uống linh đình. Những tộc nhỏ tổ chức gọn nhẹ hơn. Việc Lề thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với tộc họ, thể hiện tâm lý coi trọng cội nguồn, coi trọng huyết thống của cư dân địa phương. Việc Lề ở Hội An có lẽ là biến dạng của lễ cúng vật lề, một lễ cúng phổ biến ở khu vực Đàng Trong. Khi viết về sinh hoạt văn hóa của người Việt ở Rạch Giá - Cà Mau, Sơn Nam đã mô tả tục này:
... để cho những người một tông tộc dễ nhận ra nhau (trong trường hợp chạy loạn, tỵ nạn chính trị, phải thay đổi tên họ) người ta bày ra lễ cúng vật lề (còn gọi là việc lề) qui định đến ngày nào đó trong năm, mỗi gia đình bày ra lễ cúng người trong dòng tộc bằng một món tiêu biểu và chỉ có món ấy mà thôi, thí dụ như cúng bằng cá lóc, hoặc là tôm, hoặc cá sấu[1]. Ở vùng Trà Quế hiện nay còn món tam hữu, trước đây có lẽ là vật lề của một tộc. Tộc Đặng ở Cẩm Nam hiện vẫn còn tục cúng tộc bằng các món chế biến từ hến,...

      Chạp mả

      Ngoài việc Lề, các tộc họ còn có tục chạp m, hoặc hộ mả, giỗ mả. Như tên gọi, chạp mả là tục lệ gắn với việc chăm sóc phần mộ những người đã khuất. Cư dân địa phương chia làm 2 loại mả: Mả tộc và mả âm linh. Mả âm linh là mả vô thừa nhận, được làng đứng ra dẫy và cúng âm linh tại miếu vào dịp Thanh Minh. Mả tộc do các tộc giữ gìn, chăm sóc. Hàng năm, mỗi tộc qui định một ngày riêng, thường vào tháng chạp âm lịch để sửa sang, tu bổ phần mộ các thành viên đã qua đời. Sau khi dẫy mả xong, tổ chức cúng tổ tiên tại nhà thờ tộc. Trong ngày này, con cháu nội ngoại có trách nhiệm tập trung về nhà thờ tộc để cùng lo việc cúng giỗ. Trách nhiệm dẫy mả, cúng tế, tiếp tân, đãi đằng... do bên nội chia nhau gánh vác. Bên ngoại chỉ đến tham dự và cúng hương ông bà. Chạp mả thực chất là một sinh hoạt văn hóa của cư dân Hội An, qua đó thể hiện ý thức coi trọng quan hệ họ hàng thân tộc cũng như vai trò của sinh hoạt tộc họ trong đời sống xã hội tại địa phương. Qua tục lệ này, quan hệ họ hàng thường xuyên được củng cố bằng sự gặp mặt hàng năm. Đây cũng là ngày để mọi người hiểu rõ cội nguồn, biết được công lao tổ tiên gia tộc, qua đó, giáo dục ý thức giữ gìn và tô bồi truyền thống tốt đẹp của tộc họ.

      Ngoài ra, do sự phát triển về số lượng thành viên qua các thế hệ nên tộc họ có hiện tượng tách nhánh để dễ dàng trong việc tập trung tế tự. Việc tách nhánh không có quy định cụ thể, thường căn cứ vào sự phát triển của các thành viên. Khi tách nhánh, dòng trưởng gọi là phái nhất, sau đó là phái nhì, ba, tư, năm... Phái nhất lo việc tế tự ở nhà thờ chính. Các phái thứ lập thành nhà thờ riêng. Khi chia thành nhiều phái, mỗi phái có trách nhiệm chăm sóc riêng một số mồ mả của nhánh mình. Các phần mộ của phái thường được tính từ 3 đời trở về trước (cố, nội, cha), trên nữa thì phái nhất lo. Quan hệ giữa các phái vẫn được duy trì. Ngày chạp mả ở nhà thờ chính, các phái có trách nhiệm đến cúng tiên tổ, ngược lại, khi các phái chạp mả, phái nhất cũng có trách nhiệm tham gia đóng góp. Khi có việc quan trọng, trong dịp hội tổ, các phái tập trung về nhà thờ chính để cùng lo. Quan hệ thân tộc vì thế, vẫn có sự gắn bó nhất định.

      Bên cạnh ấy, mỗi tộc họ đều có phổ hệ riêng, được giữ gìn hết sức cẩn trọng và nhiều khi được linh thiêng hóa. Ngày thường, phổ hệ được đặt giữa bàn thờ tộc, trong chiếc hộp hình chữ nhật sơn đỏ. Đầu phổ hệ xoay về hướng Đông. Khi có việc mở ra xem phải thắp hương xin phép tổ tiên. Khi xảy ra sự biến, gia phổ hoặc phổ hệ được bảo vệ trước tiên, nhiều lúc được coi trọng hơn cả gia sản.

      Dù tộc lớn hoặc tộc nhỏ, dù đất đai ít hay nhiều, các tộc họ vẫn chung sống với nhau rất hòa hợp, các thành viên khác tộc sẵn sàng liên kết chặt chẽ trước sự đe đọa đến từ bên ngoài. Điều này thể hiện tính bảo lưu mạnh mẽ ý thức dân tộc của cư dân Hội An từ xưa đến nay.
 
[1] Sơn Nam (1970), “Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá”, Tập san Sử Địa số 20, Sài Gòn xuất bản, tr.179.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây