Đô thị cảng quốc tế Faifo – Hội An – “Khu kinh tế đặc biệt thời chúa Nguyễn (từ góc nhìn Địa – Lịch sử - Chính trị)

Chủ nhật - 26/11/2023 20:55
Nhìn chung, Nam Trung Bộ nằm trong vùng địa hình rừng núi, lưu vục sông, vùng duyên hải và đảo ven bờ. Nơi đây, với đặc trưng địa hình hẹp chiều ngang (Tây - Đông).
toan canh pho co nhin ve cu lao
Toàn cảnh Hội An - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Dãy Trường Sơn - Tây và biển khơi - Đông, tạo thế "tựa sơn/núi hướng hải/biển", chạy dài theo trục Bắc - Nam. Đó là những dãy núi, đồi liên tiếp tách ra từ dải Trường Sơn đâm ngang ra biển (hoành sơn) tạo nên những ranh giới phân cách về địa lý (địa hình/địa mạo, khí hậu), vừa là đường kết nối dẫn truyền về địa lịch sử, chính trị, văn hóa của các tiểu vùng văn hóa Nam Trung bộ trên nền tảng chung. Tương ứng với mỗi tỉnh là một hệ thống lưu vực sông cấu tạo nên lãnh thổ đó. Đồng thời, do những thành tạo cát, những đầm phá hay vũng vịnh và cả đèo, nên ở đây có nhiều cửa sông sâu, cùng với đường bờ biển cao, khúc khuỷu tạo thành cảng vịnh là nơi đậu tàu/thuyền rất tốt. Ngoài bờ là những đảo, cụm đảo được hình thành trong quá trình tạo sơn. Những đảo này vừa là những bình phong ngăn chặn bớt sóng gió biển Đông, vừa là những điểm tiền tiêu, tiếp biến giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, nối Bắc - Nam và Đông - Tây. Chính ở khu vực này, trong các thế kỷ XVI - XVIII, thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhờ tích hợp những yếu tố ngoại sinh và nội sinh, đã nhanh chóng dự nhập và trở thành mắt xích trọng yếu trong mạng lưới hải thương khu vực và thế giới. Thông qua các cửa biển, ngoại thương phát triển không chỉ mang lại thế đứng chân vững chắc cho chúa Nguyễn trên vùng đất mới có nhiều khác biệt về văn hóa, mà còn là bệ đỡ để chính quyền Đàng Trong mở rộng tầm ảnh hưởng về phương Nam. Những thuyền buôn tấp nập ở vùng biển Đàng Trong đã mang đến sự phục hưng cho nhiều thương cảng với hệ thống dày đặc các cảng thị ở Đàng Trong. Đây chính là cửa ngõ để các nguồn hàng và thương phẩm của cả xứ Đàng Trong về các cảng thị để rồi từ đây các mặt hàng được vận chuyển tới các thị trường nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hải cảng có vị trí, đóng vai trò quan trong bậc nhất thời các Chúa Nguyễn, đó là Đô thị thương cảng Faifo - Hội An. Giáo sĩ người Ý, C.Borri ghi nhận: “Về hải cảng thì thật lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn 100 dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận lợi để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn. Hải cảng đạp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng tỉnh Quảng Nam (Faifo - Hội An)[1].

      Bởi, từ cuối thế kỷ XV trở đi, các lớp cư dân Việt ở Xứ Quảng đã tiếp quản, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, thương mại của người Chăm, đặc biệt đã phát triển thương cảng Hội An giữ ưu thế trội vượt hơn các nơi khác, trở thành vùng kinh tế trọng điểm thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Hàng hóa ở khắp vùng (núi, trung du, đồng bằng) ở Quảng Nam theo các ngõ nguồn của hệ thống sông Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang… được các lái buôn nguồn chuyển xuống phố chợ Faifo - Hội An. Đồng thời thu hút (thu gom) rất nhiều sản vật ở trong vùng, các khu vực trên thế giới về thương cảng Hội An qua các cửa sông/biển (Cửa Đại, Cửa Hàn…). Nhà sử học Lê Quý Đôn thời bấy giờ cho biết: “Những thuyền từ Sơn Nam về thì chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về thì chỉ mua được một thứ hồ tiêu; còn từ Quảng Nam về thì các hàng không có món gì không có, các nước phiên không kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ đi thuyền, đi ngựa đều hội tập tại phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều đến tụ tập để mua về nước. Trước đây hàng hóa nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được[2].

      Tại thị trường thương cảng Hội An lúc bấy giờ có: 1/Hàng hóa, thổ sản của xứ Quảng, Đàng Trong để xuất đi các nước, gồm: Hàng lâm thổ sản: Gỗ (ó, vàng, mun, sơn, trắc...), quế, song, mây, củ nâu, trầm hương/ kỳ nam, xạ hương, các loại thuốc nam, da thú, ngà voi, sừng tê giác, tiêu, cau, sáp ong, mật ong...[3] ; Thủy hải sản: Hải sâm, đồi mồi, vây cá, da cá mập, ốc hương, tôm khô, tổ yến (yến sào)...; Hàng thủ công: Tơ lụa, đường (phèn, phổi, cát), mật mía, sản phẩm nghề làm xà cừ... Kim loại: Vàng thô...[4]; 2/ Mặt hàng thương nhân các nước mang đến thị trường Hội An để trao đổi. Thương nhân Trung Quốc có: “Hàng mang đến thì sa đoạn, gấm vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm y phục, dày tốt, nhung, đơ-ra (?), kính, pha lê, quạt giấy, bút mực, kim, cúc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ, đồ sành,...”[5]; Thương nhân Nhật Bản có “vàng, bạc, đồng, tiền vàng, tiền bạc, tiền đồng, sắt, tiền kẽm, các loại vũ khí, áo lụa cao cấp, tranh tượng, quạt, dù, đồ gốm, sứ, sơn mài, đồ dùng, đồ trang sức bằng bạc...”[6]; Thuyền buôn của các nước phương tây, có thuyền xuất phát từ các nước phương tây, nhưng cũng rất nhiều thuyền buôn xuất phát từ các nước Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản...), Nam Á (Ấn Độ...) và Đông Nam Á. Mặt hàng chủ yếu của họ “tất cả các thứ hàng bằng sắt (đồ sắt tây), hàng thủy tinh, một số hàng vải nhẹ màu đẹp (ví dụ màu đỏ) sẽ có thể bán được ở đây. Có thể bán chạy ở đây tất cả các thứ vũ khí - làm ở châu Âu, nhất là lưỡi kiếm làm theo mẫu trong xứ này... Vải Ly-ông (Lyon) hoa vàng và bạc người Đàng Trong dùng nó để làm túi đựng trầu, đựng thuốc. Còn có thể mang đến một số vải đỏ tươi, một số thảm, một số vải Brelagne... Trong những hàng sắt, chớ nên quên những vòng tay và hoa tai mạ...”[7]; Thương nhân các nước Nam và Đông Nam Á: “Từ Xiêm: Ngà voi, thiếc, chì, gạo...; Cao Miên: Bạch đậu khấu, sáp ong, lạc, gỗ, da trâu, sừng tê...; Batavia: bạc, lưu huỳnh, sợi, vải thô, đỏ và trắng, đỏ son...: Manila: Bạc, lưu huỳnh, vỏ ốc, thuốc lá sợi,…[8].

      Có thể nói, Faifo - Hội An là một trường hợp độc đáo, đặc biệt ở Việt Nam, bởi với vị trí địa lý, địa lịch sử - văn hóa và cả nhiều cơ may lịch sử, chính trị, thời cuộc mà nơi đây đã trở thành một Cảng thị quốc tế cửa sông - ven biển có lịch sử dài lâu hàng ngàn năm. Đặc biệt trong thời kỳ các Chúa Nguyễn, Faifo - Hội An trở thành một Đô thị thương cảng quốc tế có quy mô rộng lớn và hoàn chỉnh bậc nhất, cả ở trong tầm khu vực - Đông Nam Á. Nơi đây thực sự là chốn đô hội, rực rỡ, huy hoàng, giao thương mậu dịch quốc tế mạnh mẽ ở Châu Á. Bởi các Chúa Nguyễn đã đặt Faifo - Hội An dưới sự quản lý, phát triển kinh tế bằng những chủ trương, chính sách riêng biệt, vừa không có tiền lệ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, với “cơ chế đặc thù”, có ý nghĩa như một “đặc khu kinh tế”. Thậm chí sau này, Hội An vẫn tiếp tục dược hưởng một số ưu đãi trong thời kỳ các vua triều nhà Nguyễn và cả thời kỳ Pháp thuộc.

      Khởi đầu từ chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (1602) và các chúa Nguyễn kế nghiệp, dựa vào ưu thế về địa lý, tiềm lực kinh tế, cả thời cuộc lịch sử trong nước, khu vực và quốc tế, các chúa Nguyễn, đã tạo điều kiện, khuyến khích sản xuất, khai thác sản vật của địa phương (xứ Quảng), Đàng Trong, vừa tận dụng mọi hình thức ngoại giao từ trực tiếp đến gián tiếp, mở rộng quan hệ bên ngoài, cho phép các tàu buôn nước ngoài vào cùng trao đổi mua bán để khuyến khích mậu dịch ở Faifo - Hội An và cả xứ Quảng phát triển mạnh mẽ. Những trường hợp muốn cư trú lâu dài, Chúa đã tạo điều kiện cho họ lập phố cư trú, xây dựng thành thị trấn/dãy phố riêng, được hưởng những quyền tự trị rộng rãi (như trường hợp Phố Nhật, phố Khách), hay cho họ mở thương điếm, văn phòng mại biện, hoặc thuê nhà, gian hàng, hay mua bán trên khoang thuyền... và hàng năm cho mở hội chợ kéo dài 4 tháng liền ở Faifo - Hội An nên khách thương các nước đến mua bán, trao đổi hàng hóa rất sầm uất. Đặc biệt cho thành lập làng Minh Hương bên cạnh làng Việt, được nhà nước coi như người Việt, thậm chí còn được hưởng một số đặc ân: miễn phục dịch, sưu sai, tuần đò, quét chợ... Chính vì thế mà cộng đồng Hoa thương ở Hội An có điều kiện phát triển, đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu cho sự phát triển của Đô thị thương cảng Hội An. Đồng thời, Chúa Nguyễn đã chủ động viết thư cho Tokugawa Ieyasu (Nhật Bản) để thanh minh chuyện cũ và tỏ ý muốn thông thương, buôn bán giữa hai nước, gả Công nữ cho thương gia Nhật Bản. Đối với thương nhân các nước phương Tây, Chúa cũng viết thư, mời chào, gửi quà tặng, tiếp đón chu đáo những người đến lập thương điếm, văn phòng mại biện làm ăn ở Hội An. Thậm chí chúa sẵn sàng gạt bỏ những hiềm thù, rắc rối do họ gây ra, “nhún mình” để kêu gọi thương nhân các nước nhằm tạo thuận lợi cho mình, như trường hợp các thương gia Bồ Đào Nha và các nhà truyền giáo của họ. Hoặc sau ba lần bị người Hà Lan dùng lực lượng quân sự tấn công, Chúa vẫn ký với họ bản hòa ước có phần ưu đãi hơn so với các thương nhân nước khác.

      Với tầm nhìn sáng suốt, chiến lược Chúa Nguyễn đã cho lập Dinh trấn Quảng Nam, lúc đầu ở Cần Húc (Duy Xuyên) sau đổi về Thanh Chiêm (Điện Bàn), coi đây vừa là Trung tâm chính trị của Dinh/Trấn Quang Nam, vừa là “thượng đô thứ hai” (nơi đây do Thế Tử - người kế nghiệp Chúa trị vì) trực tiếp quản lý, điều hành thương cảng quốc tế Faifo - Hội An, vừa thuận tiện cho thương khách nước ngoài muốn quan hệ với chính quyền Chúa Nguyễn. Bên cạnh đó, có một cơ quan chuyên trách về ngoại thương - gọi là Ty Tàu Vụ gồm 185 người, nhân viên của cơ quan này phần lớn sử dụng các thương nhân người Nhật và người Hoa. Họ có nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa, cân lường và ấn định giá cả các loại hàng hóa xuất, nhập, thu mua hàng cho nhà nước, làm thông dịch viên... thậm chí làm đến chức Cai phủ tàu, Ký lục tàu, Tri bộ tàu (như trường hợp Cai phủ tàu: Khổng Thiên Như, Chu Kỳ Sơn). Bởi các Chúa biết rõ khả năng dồi dào và “uy tín” của họ trên thương trường, giao dịch buôn bán. Chúa Nguyễn còn giao “đặt các xã Minh Hương, Hội An, Lao Chiêm (Cù Lao Chàm), làng Câu (Phước Trạch), Thanh Châu (Cẩm Thanh) giữ việc thám báo”. Nét nổi bật nhất về phương thức buôn bán ở đô thị thương cảng quốc tế này là hình thức tổ chức chợ phiên kéo dài giữa hai kỳ gió mùa mậu dịch hàng năm (gió Đông Bắc/Bấc và gió Đông Nam/Nồm). Từ các tháng đầu năm, khi mùa xuân về, gió mùa Đông Bắc đưa thuyền Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ (ở Ma Cao),... đến trao đổi hàng hóa ở Hội An, cùng với thương nhân các nước phương Tây, Nam và Đông Nam Châu Á, tấp nập nhất vào tháng 3, 4, 5. Đến cuối mùa mậu dịch khoảng tháng 7, 8 khi gió mùa Đông Nam còn thổi và báo hiệu mùa mưa bão sắp tới, đoàn thuyền buôn bắt đầu rời bến Hội An để về nước. Để thuận tiện cho việc mua - bán hàng hóa và được phép của các Chúa Nguyễn, người Nhật, người Hoa định cư lập phố (lấy vợ Việt); thương nhân Hà Lan lập thương điếm để đặt cơ sở mua bán lâu dài; thương nhân Bồ và thương nhân một số nước khác lại chọn hình thức thuê nhà trọ, gian hàng hay mua bán trên khoang thuyền. Theo Poivre (một thương nhân Pháp lúc bấy giờ ở Hội An), “ở Hội An người ta có thể tìm thấy những đại lý cho thuê, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Đại lý lớn nhất giá thông thường là 100 đồng cho cả thời gian gió mùa[9]. Để có được hàng hóa năm tới vừa tốt, rẻ, đạt yêu cầu, thương nhân các nước thường sử dụng hình thức “mãi biện” để thu mua hàng và bao mua, bao tiêu; “Đặt hàng - ứng trước” qua việc giao mẫu hàng; tổ chức quảng cáo, giới thiệu mặt hàng dưới hình thức quà tặng hay bán rẻ. Ngoài ra còn có hình thức độc quyền thu mua của nhà nước hoặc các hình thức đầu cơ, liên kết giảm giá hàng để cạnh tranh của các thương nhân, nhất là thương nhân Hoa. Luật lệ thuế quan cũng được chính quyền Chúa Nguyễn áp dụng một cách rất nghiêm ngặt, thuế xuất, nhập khẩu của thương thuyền ngoại quốc được ấn định rất cụ thể, công khai, đối với từng loại thuyền, hàng và thuyền buôn của từng nước, để tránh quan thu thuế nhũng nhiễu. Thuyền buôn nào dấu hàng mà Tàu Vụ khám được thì cả thuyền/tàu, lẫn hàng đều bị tịch thu sung công. Tàu không chở hàng thì không được vào bến. Các tàu buôn muốn mua sản vật hay hàng hóa trong xứ, trước khi đưa hàng xuống tàu phải làm đơn nộp cho ông Cai bộ xét, khi được chấp thuận, Cai bộ sẽ cho lính áp tải hàng lên tàu. Mọi sự tự tiện cất hàng đều bị cấm chỉ. Số thuế hàng năm thu được ở phố cảng Hội An nhà nước lấy 6 phần, 4 phần còn lại dùng vào lương bổng cho cơ quan Ty Tàu Vụ (tức theo Tứ - Lục). Ty Tàu Vụ là cơ quan tự trị về mặt tài chính, đây là cách quản lý khá tiến bộ lúc bấy giờ.

      Mọi chủ trương, chính sách trên với tính chất xem Hội An như một “Đặc khu kinh tế”. Nhìn một cách tổng thể, Đô thị thương cảng Hội An thời Chúa Nguyễn được đặt dưới một hệ thống quản lý rộng lớn, khá quy mô hoàn chỉnh, liên kết rộng rãi giữa các vùng trong tỉnh/cả xứ Quảng Nam và cả Đàng Trong, giữa trung tâm và ngoại vi bao gồm: Điểm tiền tiêu: Ở về phía Đông Hội An là Cù Lao Chàm một “trấn sơn”, đảo tiền tiêu của Cửa biển, Phố cảng Hội An hay điểm dừng chân, mốc vĩnh hằng cho các thương thuyền trên con đường hàng hải; Cửa biển: “… Một gọi là Pullu Ciam Pello (Cửa Đại - Hội An), Cửa kia là Turon (Cửa Hàn - Đà Nẵng)…, chúng hợp với nhau làm một, nơi đó người ta gặp các tàu đi vào từ cửa này hay cửa khác… ở đây gọi là Faifo…; Tiền cảng: Nơi neo đậu tàu/ thuyền của các nước sau khi vào cửa (Cửa Đại hoặc Cửa Hàn) như: Touron, Trà Nhiêu, Trung Phường… để chờ làm thủ tục hải quan...; Các bến chợ trên sông: có nhiệm vụ thu gom và trung chuyển hàng hóa từ khắp các ngõ nguồn của xứ Quảng như Đà Nẵng, Trà Nhiêu, Thăng Bình, Thành Hà, Trà Kiệu, Trà My, Tiên Phước, các Bến Hiên/Giằng, Phước Sơn…; Dinh Trấn Quảng Nam/ Trung tâm hành chinh - chính trị: có vai trò quản lý trực tiếp mọi hoạt động của Đô thi thương cảng quốc tế Faifo - Hội An, với tính chất xem Hội An là “Đặc khu kinh tế”; Phố chợ Faifo - Hội An. trung tâm Hội chợ quốc tế: nơi diễn ra các hoạt động mua bán thông qua hội chợ hàng năm. Tất cả các vị trí: Điểm tiền tiêu; Cửa biển - Sông; Tiền cảng; Bến chợ trên sông; Dinh Trấn Quảng Nam... vừa là vệ tinh trực tiếp của trung tâm phố chợ Faifo - Hội An, đồng thời vừa là phần nhân tố hữu cơ, gắn kết cấu thành Đô thị thương cảng quốc tế Hội An, tạo nên sự vượt trội về tính chất quy mô, hệ thống hoàn chỉnh của thương cảng này ở trong cả khu vực Đông Nam Á. Những đặc tính vượt trội và sự thăng hoa của Đô thi thương cảng quốc tế Hội An chính là nhờ có vai trò quyết định của các chúa Nguyễn.

      Nhìn lại suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An, mỗi thời kỳ luôn diễn ra sự hội nhập dân cư, giao lưu kinh tế và tiếp biến văn hóa hay nói một cách khác đó là quá trình Hội nhân/người - hội thương/buôn bán - hội văn (hóa). Hầu như ở đây, giai đoạn sau lặp lại giai đoạn trước về yếu tố hội nhập (con người; giao thương; và văn hóa) nhưng ở cung, bậc cao hơn. Hoặc xét về góc độ dân cư: Hội An luôn có sự biến động dân cư tăng cơ học, có chất lượng cao/tinh túy. Từ đặc tính lịch sử này, theo các nhà sử học quốc tế: Hội An là một kiểu mẫu tiêu biểu về lịch sử hình thành, phát triển đô thị ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thời Trung - cận đại. Hơn nữa, Khu phố cổ Hội An là 1 trong 8 di sản văn hóa, thiên nhiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO ghi vào danh sách Di sản thế giới mà là “di sản sống”, nghĩa là ở đây, hầu hết người dân/chủ di sản nắm quyền sở hữu, sử dụng và vẫn sống cuộc sống đời thường ngay trong ngôi nhà/ di sản kiến trúc đô thị của mình. Nó mang ý nghĩa như một “bảo tàng sống” - bảo tàng về lịch sử dân cư, lối sống và kiến trúc đô thị. Đúng như những tiêu chí đánh gia của tổ chức UNESCO: Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật toàn cầu của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế; và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị châu Á truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn. Như vậy, Hội An phải giữ gìn nguyên vẹn, tính chân xác những yếu tố đặc trưng nổi bật toàn cầu của di sản thế giới này cho nhân loại, đồng thời phải gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, đem lại lợi ích bền vững cho cả cộng đồng người dân địa phương.

      Có thể nói trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hội An đã ý thức được được trách nhiệm của mình, đồng thời khá thành công trong việc bảo tồn, phát huy, phát triển kinh tế du lịch, đạt được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý cả về bảo tồn di sản và phát triển du lịch, theo định hướng xây dựng thành phố: Sinh thái - văn hóa - du lịch. Đến nay Di sản Văn hóa thế giới Hội An đã trở thành thương hiệu khá hấp dẫn đối với du khách quốc tế và trong nước. Hội An được các nhà quản lý và khoa học thống nhất nhận xét: “...một trong những trường hợp thành công nhất ở Việt Nam trong việc đảm bảo sự tồn tại lâu dài của các di sản văn hóa và nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân bằng định hướng phát triển du lịch. Lý do của thành công này là ở chỗ Hội An có một hệ thống các chính sách liên kết chặt chẽ quản lý di sản văn hóa và phát triển du lịch”. Hay, Ông Richard Engelhardt - nguyên cố vấn văn hóa của tổ chức UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Thời kỳ phục hưng của Hội An có thể được coi là sự thành công trong công tác bảo tồn di sản địa phương, trong việc sử dụng truyền thống văn hóa, kỹ năng và những sản phẩm địa phương như là nền tảng cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Hôm nay UNESCO chúc mừng những người dân Hội An - và tất cả những người đã ủng hộ họ về tầm nhìn đã mang quá khứ vào tương lai, và về cam kết những tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất của công tác bảo tồn di sản. Kết quả này là cả sự tuyệt vời và mẫu mực và chắc chắn rằng Di sản văn hóa và cộng đồng dân cư của phố cổ xinh đẹp này sẽ không bao giờ mất đi...”

      Như vậy, hơn 400 năm trước, Faifo - Hội An đã được đặt dưới sự quản lý, phát triển kinh tế với “cơ chế đặc thù” và có ý nghĩa như một “đặc khu kinh tế” bởi các chính sách, chủ trương của các Chúa nguyễn cho một hệ thống với quy mô hoàn chỉnh (bao gồm: Cửa biển - Sông, Tiền cảng, Bến chợ trên sông, Điểm tiền tiêu, Trung tâm hành chính - chính tri; Trung tâm phố chợ quốc tế Faifo - Hội An). Nhờ vào đó và cùng với nhiều yếu tố về vị trí địa lý, về truyền thống, lịch sử, thời cuộc trong nước và quốc tế... mà Faifo - Hội An đã có điều kiện phát triển trở thành một trung tâm thương mại, mậu dịch quốc tế nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á. Có thể khẳng định, nếu không được hưởng những cơ chế/chính sách đặc thù thì Faifo - Hội An không thể trở thành chính nó, vốn nổi tiếng một thời và là Di sản văn hóa thế giới của nhân loại. Ngày này ở Hội An lại đang diễn ra một sự hội nhập (dân cư, kinh tế, văn hóa) mạnh mẽ theo xu hướng phát triển kinh tế văn hóa du lịch - dịch vụ - thương mại quốc tế trên nền tảng Di sản văn hóa và thiên nhiên. Diễn trình này đang đặt ra những vấn đề về cơ sở hạ tầng, cơ cấu xã hội, kết cấu dân cư, thiết chế văn hóa, hành chính của một đô thị - nông thôn mang tính truyền thống, lịch sử - văn hóa, vừa gắn với hội nhập và phát triển theo xu hướng du lịch - dịch vụ quốc tế, vừa phải đảm bảo tối ưu nguyên tắc bảo tồn tính chân xác. Về góc độ không gian quản lý và phát triển ở đây không chỉ là trong phạm vi Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới mà phải bao gồm cả một tổng thể cảnh quan sông nước, biển - đảo, làng quê, làng nghề truyền thống; cả vùng di sản văn hóa đô thị và nông thôn. Trong đó phải tính đến cả yếu tố liên kết bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế du lịch trong vùng và khu vực, mà trước hết và trực tiếp là trong phạm vi của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Xuất phát từ những yếu tố đặc thù này mà Hội An đã đến lúc cấp thiết đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý vận hành thích ứng đặc thù, mở rộng liên kết để bảo tồn và phát triển bền vững.


* Tài liệu tham khảo:
1. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
2. Phan Du (1974), Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng, Ban Tu - thư Thị hội Cổ học Đà Nẵng xuất bản.
3. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Oruga Sadao (1979), Người Nhật trong thời Châu Ấn, Tokyo.
5. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
6. Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Sử học Hà Nội, Hà Nội.
 
[1] Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.91.
[2] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb. Khoa học xã hội, tr.256-257.
[3] Vào đầu thế kỷ XVII, Giáo sĩ Borri đã có cho biết: “Trầm hương thì ai cũng có thể bán tùy thích, nhưng chuá độc quyền mua bán kỳ nam vì hương thơm và tác dụng đặc biệt của nó… tuy ít được trọng hơn và giá cũng rẻ hơn kỳ nam, nhưng chỉ một tàu chở đầy trầm hương cũng đủ cho thương gia trở nên giàu có và sung túc suốt đời”. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Sđd, tr.32.
[4] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.233-234.
[5] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.257.
[6] Oruga Sadao (1979), Người Nhật trong thời Châu Ấn, Tokyo, tr.27.
[7] Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Sử học Hà Nội, Hà Nội, tr.234-235.
[8] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội Đàng Trong thế kỷ XII-XVIII, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, tr.115.
[9] Phan Du (1974), Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng, Ban Tu - thư Thị hội Cổ học Đà Nẵng xuất bản, tr.195

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: duyên hải, trung bộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây