Bề dày lịch sử văn hóa của Chùa Cầu nhìn từ một truyền thuyết

Thứ hai - 23/10/2023 03:21
Một truyền thuyết lưu truyền phổ biến tại địa phương kể rằng, thuở xưa Hội An là một cồn đất/ cù lao lớn nổi lên bên bờ biển Đông, vị trí tại nơi hội tụ các dòng sông lớn của xứ Quảng trước khi đổ ra biển. Đây là vùng đất tốt về phong thủy, địa mạch linh vượng nên dân chúng các nơi và thương nhân các nước tụ tập về đây thành nơi đô hội lớn. Thương nhân nước ngoài đến buôn bán, cư trú tại Hội An ngày càng đông, trong đó đông nhất là thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa.
     Người này nhận ra dưới lòng đất Hội An có một con Cù khổng lồ, đầu Cù ở Ấn Độ, đuôi Cù ở đất Phù Tang. Mỗi lần Cù cựa mình thì phố xá Hội An bị sạt lở, hoặc Cù vẫy đuôi thì nước Nhật Bản bị động đất. Để nước Nhật tránh được họa động đất cũng như để phố Hội An được bình yên, người Nhật đã đúc một thanh kiếm bằng vàng yểm vào sống lưng con Cù nơi có huyết mạch chủ đạo nằm ở vị trí Chùa Cầu hiện nay để ngăn không cho “Cù dậy”. Bên trên thanh kiếm người Nhật xây một chiếc cầu có mái che và thỉnh các vị thần về trấn giữ. Chiếc cầu xây nhiều năm mới hoàn thành vì Cù không chịu nằm yên, hễ đổ móng xong thì lại gây mưa gió, nước xoáy cuốn trôi đi. Người Nhật đã phải nấu chì, bạc đổ xuống lòng khe để làm móng, bên trên xây các trụ đỡ bằng đá. Nhờ vậy cây cầu mới bền vững cho đến bây giờ. Về sau, khi tiếp quản, người làng Minh Hương đã đứng ra huy động tiền của xây thêm một miếu thờ giữa mé Bắc cầu và thỉnh Bắc Đế Trấn Võ, một vị thần nguồn gốc Trung Hoa gắn với tài trị thủy về thờ, do vậy truyền thuyền kéo dài thêm một đoạn về sự trấn áp thủy tai, thủy quái, trấn “Cù dậy” của Bắc Đế. Chiếc cầu ấy chính là Chùa Cầu ngày nay, trong quá khứ nó còn được gọi là Cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều.

chua cau
Nội thất Chùa Cầu - Ảnh: Hồng Việt
 
     “Cù dậy” là một quan niệm dân gian nhuốm đầy màu sắc huyền ảo về sự cất mình bay lên của một con vật linh thiêng sau một thời gian nằm im dưới lòng đất. Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị định nghĩa: “Cù: loài rồng không sừng, tục hiểu nó thường nằm dưới đất, chổ nó dậy thành sông. Cù dậy: Cù đội đất mà lên. Tục hiểu cù lao nổi cũng là tại Cù dậy”[1]. Một số người cho rằng “Cù dậy là danh từ phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dùng để chỉ một con cá sấu tu lâu năm ẩn mình dưới các bãi bồi chờ ngày hóa rồng. Khi có mưa gió sấm chớp chúng cựa mình bay lên khiến các bãi bồi lỡ hoặc nổi lên, người ta gọi đó là hiện tượng Cù dậy và đặt tên cho các bãi bồi đó là cù lao”[2]. Truyền thuyết Trấn Cù dậy và quan niệm Cù vẫy đuôi gây động đất có nhiều điểm tương đồng với một truyền thuyết của Nhật Bản về quái vật Mamazu. Theo đó, Mamazu là một loài cá da trơn khổng lồ nằm sâu dưới bùn, hễ nó vẫy đuôi thì gây nên động đất. Nhờ có thần sấm sét và kiếm đạo Kashima dùng một viên đá đè lên đầu Mamazu mới làm nó di chuyển chậm lại và do đó hạn chế được tần suất động đất.

     Truyền thuyết Trấn Cù dậy ở trên đã xác nhận một cách rõ ràng rằng người Nhật là chủ nhân đầu tiên xây dựng chùa Cầu, cây cầu có mái che duy nhất ở Hội An, và là một trong số ít cây cầu có mái che được vẽ trên các bản đồ cổ của nước ta từ thế kỷ 17, 18. Thế nhưng truyền thuyết lại không nói rõ thời gian cụ thể, mà chỉ cho biết cầu được xây dựng vào lúc người Nhật đến buôn bán đông đúc ở Hội An. Cũng không có tư liệu thư tịch nào đề cập đến thời gian xây cầu nên dẫn đến nhiều suy đoán chủ quan khác nhau kiểu “khởi công năm Thân hoàn thành năm Tuất”, dựa vào các linh vật thờ ở hai đầu cầu. Tư liệu sớm nhất được biết cho đến nay đề cập đến cây cầu có mái che ở Hội An là câu chuyên về những người mù coi bói trên cây cầu này của linh mục Bénigne Vachet người đã ở Đàng Trong từ năm 1673 đến 1683[3]. Tư liệu này cho phép xác định cây cầu đã được xây dựng từ trước thời điểm 1683. Đến năm 1695 khi ghé Hội An, thiền sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã viết trong Hải Ngoại kỷ sự: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của thương khách các nước, thẳng bờ sông một con đường dài 3, 4 dặm, gọi là Đại Đường cái, hai bên đường hàng phố liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phúc Kiến, vẫn ăn mặc theo lối tiền triều (nhà Minh), phần đông phụ nữ coi việc mua bán, những khách trú ở đây hay cưới vợ bản xứ cho tiện việc thương mại, cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, các bờ bên kia tức Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc, …[4] Ghi nhận của Thích Đại Sán là tư liệu văn bản đầu tiên xác định chủ nhân Nhật Bản của cây cầu, qua đó làm cho truyền thuyết Trấn Cù dậy không chỉ mang tính huyền thoại mà còn có nguồn gốc thực tế. Hơn 100 năm sau, trong văn bia trùng tu Chùa Cầu năm 1817 gắn ở phía Đông Bắc cầu có tiêu đề Trùng tu Lai Viễn kiều ký, Đốc học Quảng Nam Đinh Phiên một lần nữa xác định: “Minh Hương Hội An phố giới ư Cẩm Phô hữu khê hữu kiều cổ dã, tương truyền Nhật Bản quốc nhân sở tác” (làng Minh Hương ở phố Hội An, giáp giới Cẩm Phô có một khe nước, khe có cầu đã lâu, tương truyền do người nước Nhật Bản làm nên)[5].

     Lai Viễn kiều là một tên gọi khác của chùa Cầu/ cầu Nhật Bản, tên gọi này gắn với một sự kiện được ghi lại trong Đại Nam thực lục tiền biên: “Kỷ Hợi, năm thứ 28 (1719), mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho”[6]. Cầu có mái che ở nước ta thì nhiều nhưng cây cầu do thương nhân nước ngoài đứng ra xây dựng và được một vị chúa đứng đầu tập đoàn quân chủ Đàng Trong ban cho tên hiệu thì có lẽ chỉ có Chùa Cầu Hội An. Sự kiện này đã làm Chùa Cầu trở nên nổi tiếng và mang tính khác biệt so với những cây cầu có mái che khác. Hai chữ Lai Viễn vốn được lấy từ một câu trong sách Luận Ngữ: “Hữu bằng tư viễn phương lai; bất duyệt lạc hồ?” (Có một người bạn từ phương xa đến, há chẳng đáng vui mừng hay sao?). Việc chọn tên hiệu Lai Viễn kiều để ban tặng thể hiện nguyện vọng và xu hướng tích cực mở cửa giao lưu – hội nhập với bên ngoài, đặc biệt đối với Nhật Bản của các vị chúa Nguyễn giai đoạn đầy khởi nghiệp và tên hiệu này cũng đánh dấu một thời kỳ phát triển phồn thịnh của thương cảng quốc tế Hội An.

 
chua cau 1916

     Đến những năm 1634 -1635 những người Nhật ở phố Hội An thưa dần do một lệnh cấm xuất ngoại (Tỏa quốc) của chính quyền Nhật Bản. Rồi người Hoa tiếp quản việc ngoại thương của người Nhật ở thương cảng Hội An và tiếp tục giữ gìn, tu bổ chùa Cầu. Khi người Pháp chiếm đóng Hội An, chiếc cầu cũng đã được Chánh công sứ Lesterlin đứng ra xuất tiền tu bổ vào năm Ất Mão 1915. Những di vật, chứng tích liên quan đến các sự kiện này vẫn được bảo tồn tại chùa Cầu, minh chứng cho bề dày lịch sử - văn hóa và quá trình giao lưu - hội nhập văn hóa gồm nhiều nguồn gốc khác nhau Chăm, Việt, Nhật, Hoa, phương Tây ở Hội An, góp phần làm cho truyền thuyết Trấn Cù dậy càng thêm lung linh huyền ảo,…

     Cầu Nhật Bản, Lai Viễn kiều, Chùa Cầu là kết quả đồng thời cũng là biểu tượng của một thời kỳ Hội An, xứ Quảng tích cực mở cửa giao lưu- hội nhập với thế giới bên ngoài, của sự hợp tác hòa bình, hữu nghị để cùng phát triển giữa Hội An, Việt Nam với Nhật Bản nói riêng, với các quốc gia, dân tộc đã từng có mặt ở Hội An nói chung.

     Chùa Cầu còn gắn chặt với ký ức của nhiều thế hệ cư dân địa phương, thậm chí trở thành biểu tượng linh thiêng về niềm tin trấn Cù dậy nhằm bảo vệ sự bình yên cho phố xá, cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho cư dân. Niềm tin, ký ức đó chính là phần cốt lõi, tinh túy góp phần quan trọng tạo nên giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo, riêng có của cây cầu trứ danh này.
 
[1] Huỳnh Tịnh Paulus Của - Đại Nam Quốc âm tự vị, Sài Gòn xuất bản, 1895, tr 194
[2] “Rồng và hiện tượng Cù dậy”, Tuvilyso.net
[3] Câu chuyện được linh mục L.Cadière giới thiệu trong BAVH tập 7, 1920 với nhan đề: “Trên cầu Faifo thế kỷ XVII- Câu chuyện khôi hài”.
[4] Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Viện Đại học Huế Sài Gòn, xb 1963, tr 154.
[5] Nhóm nghiên cứu Hội An - Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1, Văn bia, Công ty in – phát hành sách Quảng Nam, 2015, tr 189-191
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn,  Đại Nam thực lục tiền biên (tập I), Nxb Giáo dục, 2007, tr 137

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

 Từ khóa: Chùa cầu...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây