Đèn lồng được xem là sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực và đến nhiều nơi trên thế giới. Khi nhắc đến Hội An, hiện nay nhiều người thường nghĩ đến những dãy phố cổ kính với nhiều đèn lồng màu sắc, kiểu dáng tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp, thu hút khách tham quan thưởng lãm. Cùng với hoạt động múa thiên cẩu, múa lân sư rồng, trưng bày mâm cổ,… việc trang trí đèn lồng tại di tích, nhà ở và các điểm sinh hoạt công cộng là nét đặc trưng trong dịp tết Trung thu ở Hội An.
Trẻ em vui hội Trung thu ở Hội An năm 1997. ảnh tư liệu Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An
Qua một số tư liệu thư tịch và theo tư liệu hồi cố dân gian cho biết đèn lồng xuất hiện ở Hội An từ khá lâu. Một số văn bản có niên đại thế kỷ 18 ghi chép rằng vào dịp tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, các làng Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô đã tổ chức thả hoa đăng hoặc treo đèn lồng, làm đám rước kiệu ngoài phố… rất sôi nổi, rực rỡ. Theo bảng kê các khoản chi của Lý Tam Bửu Vụ xã Minh Hương năm 1787, trong đó có khoản chi thuê người làm lồng đèn cho cung Trừng Hán. Qua đó cho thấy, vào khoảng thời gian này, cộng đồng cư dân xã Minh Hương ở Hội An đã thuê người làm lồng đèn trang trí tại miếu Quan Công. Hơn nữa, với sự có mặt và sử dụng trên vài chục năm của nhiều loại lồng đèn tại các gia đình, nhà thờ tộc họ, các di tích đình, miếu, chùa, hội quán ở Hội An, từ đó có thể xác định được bề dày của quá trình hình thành và phát triển nghề làm lồng đèn tại địa phương. Từ những năm 1990 trở đi, cùng với sự phát triển của các hoạt động du lịch, dịch vụ, nghề làm lồng đèn ở Hội An bắt đầu phục hồi, khởi sắc. Qua số liệu thống kê cho thấy tại Hội An hiện có gần 40 cơ sở sản xuất lồng đèn nằm rải rác trên địa bàn thành phố.
Từ lâu, ở Hội An đã hình thành tập quán sử dụng đèn lồng vào các dịp cưới hỏi, ma chay, lễ tục nhất là ở các gia đình giàu có và gia đình thuộc cộng đồng người Hoa. Ðèn lồng ở Hội An có nhiều kích cỡ, kiểu dáng, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, bánh ú, ngôi sao giản đơn đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, cá chép, hình tứ linh với đủ sắc màu… Trước đây, trên bàn thờ mỗi gia đình trong khu phố cổ đều có treo hai chiếc đèn lồng họ rất lớn được viết đại tự Hán Nôm rất đẹp, trên đó ghi tên dòng họ của mỗi tộc, tên hiệu buôn, hội quán. Cho đến hiện nay, tại một số gia tộc trong khu phố cổ Hội An vẫn còn treo những chiếc lồng đèn họ như tộc Thái, Diệp…
Đến dịp hội hè, lễ tiết người dân lại làm đèn để treo, trước làm để trang trí trong gia đình, sau đó để nhận biết được tộc họ, bang hội. Vì vậy, làm đèn lồng đã trở thành một nghề đặc sắc ở Hội An từ khá sớm. Theo tư liệu hồi cố dân gian, trước đây, ở Hội An có những người chuyên phất lại lồng đèn (làm lại những chiếc lồng đèn bị hư hỏng phần bên ngoài) như ông Chánh Diệm (đường Trần Phú). Sau năm 1975, có ông Vương Thiệu Quang (đường Trần Phú) là hai trong những người chuyên làm lồng đèn hình tròn, có thể xếp lại được. Liên quan đến người nắm giữ tri thức, kinh nghiệm dân gian trong sản xuất, chế tác lồng đèn và là một trong những người lưu giữ, truyền nghề làm lồng đèn cho đến hiện nay ở Hội An có nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba. Theo những người trong nghề cho biết, ông Huỳnh Văn Ba là người đầu tiên cải tiến thành công kiểu lồng đèn xếp gọn như hiện nay.
Đặc biệt, hàng năm vào dịp tết Trung thu một lượng lớn lồng đèn được sản xuất, bày bán để phục vụ nhu cầu trang trí, vui chơi giải trí, các đêm múa thiên cẩu, múa lân, rước đèn của đông đảo trẻ em ở Hội An. Nói đến đồ chơi tết Trung thu là phải nói đến lồng đèn, thứ không thể thiếu để các em đi rước trăng. Vào dịp này, khi đến Hội An chúng ta sẽ bắt gặp nhiều hơn những chiếc lồng đèn với nhiều kiểu dáng, màu sắc.
Theo hồi cố dân gian, trước đây vào dịp rằm tháng Tám ở Hội An, hầu như các nhà trong khu phố cổ đều treo trước hiên một hoặc hai chiếc lồng đèn lớn do tự tay người trong gia đình làm hoặc đặt người ở địa phương làm, có một số gia đình đặt mua ở nước ngoài. Đó là những chiếc lồng đèn có hình quả lựu, quả đào, hình trụ bát giác,... có sườn bằng gỗ, thân bằng kính vẽ các hình bát tiên, hoa lá trang trí nhiều sắc màu hoặc đèn kéo quân được chế tác tinh xảo, độc đáo. Trong khi đó, tại các di tích tôn giáo, tín ngưỡng cũng trang trí, giăng đèn, kết hoa rất trang trọng, rực rỡ. Ở đây chủ yếu sử dụng loại lồng đèn hình tròn, sườn được đan bằng những nan tre nhỏ, vót tròn, bên ngoài dán giấy trong và vẽ các hình trang trí nhiều màu sắc.
Trang trí lồng đèn và mâm cổ dịp Trung thu năm 2008 - Ảnh: Hồng Việt
Hiện nay, đèn lồng Hội An chủ yếu được làm bằng sườn tre, ngoài bọc vải với nhiều màu, họa tiết vừa bảo đảm độ bền cũng như thẩm mỹ. Đây là yếu tố nổi trội, bảo đảm thương hiệu đèn lồng Hội An được nhiều du khách yêu thích. Dựa vào kiểu dáng, có các loại lồng đèn hình tròn, hình bánh ú, củ tỏi, trụ tròn, quả trám, ô van, dĩa bay, chong chóng, quả đu đủ, trụ bát giác... Theo ông Trần Hà, chủ cơ sở sản xuất đèn lồng Hà Linh - Cẩm Châu cho biết, vào dịp Trung thu, số lượng tiêu thụ lồng đèn nhiều hơn so với ngày bình thường. Chủ yếu là lồng đèn ngôi sao, bánh ú, lồng đèn hình tròn, hình cá chép…
Vào những ngày đầu tháng Tám âm lịch hàng năm, khi tiếng trống, tiếng xập xõa vang dội đêm đêm như nhắc nhở, thúc giục lòng người chuẩn bị vào mùa lễ hội Trung thu, khi đó dạo quanh phố cổ cho đến khu vực ngoại thị, chúng ta dễ dàng bắt gặp vô số lồng đèn, những chiếc đầu lân, Thiên cẩu, mặt nạ, trống được bày bán trong cửa hàng, cửa hiệu và cơ sở sản xuất lồng đèn. Tại các nhà hàng, khách sạn trang trí nhiều loại lồng đèn với nhiều sắc màu, kiểu dáng, họa tiết tạo nên không gian phố cổ rất ấn tượng, đặc biệt vào những đêm trăng rằm tháng Tám cũng là dịp để những ánh đèn càng trở nên lung linh, huyền ảo khi mà cả khu phố đều không sử dụng ánh sáng trắng.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa của địa phương, trong thời gian qua vào dịp Trung thu, Thành phố tổ chức các hội thi múa thiên cẩu, lân, thi lồng đèn, hoặc tổ chức hoạt động rước đèn Trung thu, trang trí và sắp đặt lồng đèn,… qua đó thu hút các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương, doanh nghiệp tham gia nhằm tạo nên không khí lễ hội sôi nổi. Tại các cuộc thi này, các mẫu mã lồng đèn được sáng tạo với nhiều hình thức, kiểu dáng rất phong phú, mang tính mỹ thuật như lồng đèn hình tứ linh (long, lân, quy, phụng), lồng đèn cá chép, lồng đèn mô phỏng hình mặt trăng có chú Cuội, chị Hằng,… đặc biệt lồng đèn kéo quân là một trong những loại lồng đèn đặc trưng ở Hội An. Với nhiều hoạt động trong đêm lễ hội lồng đèn chào đón Trung Thu, phố cổ Hội An càng trở nên bừng sáng và lung linh hơn bao giờ hết, hơn nữa những chiếc đèn lồng cũng là biểu tượng cho sự an lành và may mắn sẽ đến với mọi người. Qua đó, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương.
Là lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng được hình thành trên cơ sở truyền thống văn hóa bản địa, văn hóa của dân tộc, có sự giao lưu - tiếp biến văn hóa với Trung Hoa, Nhật Bản, gắn với quá trình hình thành, phát triển của đô thị - thương cảng Hội An, tết Trung thu không chỉ là di sản văn hóa thu hút sự quan tâm, thực hành của người lớn mà còn là một lễ hội lớn của trẻ em diễn ra trên địa bàn thành phố Hội An trong dịp rằm tháng Tám âm lịch hàng năm. Trải qua thời gian, những tập tục, lễ nghi trong Tết Trung thu ở Hội An luôn được các thế hệ kế cận vun đắp, tô bồi yếu tố mới nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được giá trị đặc trưng, độc đáo. Trong đó có nghề làm lồng đèn và tập tục trang trí, sử dụng lồng đèn trong dịp lễ trọng này. Thực tế cho thấy sự hình thành nên nghề này đã có sự giao lưu rộng rãi về kỹ thuật chế tác giữa người Việt, Hoa, Nhật và phương Tây. Các kinh nghiệm, kỹ thuật từ nhiều phong cách khác nhau đã được du nhập vào Hội An và được các nghệ nhân bản địa tích góp thành những tri thức dân gian, tạo điều kiện để nghề làm lồng đèn tại đây phát triển và truyền lại cho đến ngày nay. Để làm được một chiếc đèn lồng rất công phu, đòi hỏi người chế tác ngoài tâm huyết, yêu nghề còn phải có kinh nghiệm. Những người thực hành nghề ngày nay đã biết kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống với các kỹ thuật hiện đại để rút ngắn thời gian lao động, tạo nên những mẫu mã mới, phong phú, đa dạng, đưa những chiếc lồng đèn Hội An trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, một sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn đặc biệt, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả thị trường nhiều nước trên thế giới.
Trung thu ở Hội An luôn đặc sắc với vẻ đẹp lung linh và ảo diệu bởi những chiếc đèn nhiều màu sắc ẩn chứa các giá trị văn hoá truyền thống của người dân phố Hội. Vì vậy, đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét đẹp riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà, mọi quán xá, hòa cùng những thanh âm của trống, xập xõa cùng những bước chân nhộn nhịp, vui tươi của trẻ em, thêm vào đó, đường phố cổ không có tiếng động cơ, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của hàng vạn khách du lịch.
Tết Trung thu ở Hội An là một trong những tập tục, lễ hội truyền thống lớn luôn được cộng đồng cư dân Hội An nâng niu, phát huy trở thành một tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, là “phần hồn” không thể tách rời của đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa Thế giới. Trong đó, việc chế tác, trang trí và sử dụng đèn lồng trong dip tết Trung thu từ lâu đã trở thành tập quán quen thuộc, góp phần tạo nên những giá trị đặc trưng của Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tết Trung thu ở Hội An.
Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2017), Di sản Hán Nôm Hội An - tập 3 - Tư liệu xã Minh Hương (Quyển 1: Tờ truyền, trát văn và trình, bẩm), Nxb Đà Nẵng,