Một số văn bằng được lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn văn – Thanh Hà

Thứ hai - 18/09/2023 03:33
Trong lịch sử hình thành và phát triển của làng Thanh Hà, gắn liền với sự di dân lập làng mở ấp, đến nay, vẫn chưa có tư liệu nào xác định niên đại cụ thể về quá trình thành lập làng. Qua nhiều tư liệu cho biết làng Thanh Hà có 8 tộc tiền hiền gọi là bát tôn gồm các tộc Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Ngụy Như, Bùi Phước, Võ Đình, Võ Văn, từ Thanh Hóa, Nghệ An đến khai cơ, lập nghiệp tại vùng đất này, lập nên làng Thanh Hà. Theo tư liệu, tộc Nguyễn Văn nguyên quán ở Quảng Xương – Thanh Hóa, trong công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, thủy tổ của tộc đã dừng lại vùng đất này, khai hoang lập ấp, lập làng.
      Theo thông tin của gia tộc (do ông Nguyễn Văn Sinh – Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Văn cung cấp), các tiền nhân tộc Nguyễn Văn đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nêu cao tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng, như: “Cụ Nguyễn Văn Tiềm, Nguyễn Văn Tơ, Nguyễn Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Lệ tham gia phong trào Duy Tân. Cụ Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Văn Thời, Nguyễn Văn Ninh là những người trong đội nghĩa quân cụ Nguyễn Duy Hiệu…”. Bên cạnh đó, trong tộc còn có vị làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, được phong sắc, thăng chức vụ, như Nguyễn Văn Tảo, Nguyễn Văn Học. Nguyễn Văn Tảo là người làm quan trải qua các đời từ vua Minh Mạng đến vua Tự Đức, làm Thơ lại trong Thủy quân cai quản công vụ sổ sách. Nguyễn Văn Học được tín nhiệm trong việc thừa hành công vụ của xã.

      Những sắc phong này hiện được lưu giữ  tại nhà thờ tộc Nguyễn Văn với 8 trang văn bản gốc, được viết trên giấy dó, đóng bằng ấn triện đỏ. Đến nay, những tài liệu này vẫn được bảo quản khá nguyên vẹn.

      Về nhân vật Nguyễn Văn Tảo, được sắc phong thăng chức trong các công việc ở quân ngũ, giữ gìn sổ sách thư tịch. Năm Minh Mạng thứ 1 (1820) ông được bổ nhiệm chức Thủ hiệp tòng y đội Cai đội phụng giữ bạ tịch công vụ trong Thủy quân. Đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Nguyễn Văn Tảo được sắc chiếu nhận chức ở đội 4 Tòng cửu phẩm Thơ lại tại y quân, ban tước là Tảo Khiết nam, vẫn giữ sổ sách bạ tịch trong doanh. Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) cấp văn bằng sung chức làm ở Điển ti. Đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) phê chuẩn bằng cấp cho Nguyễn Văn Tảo làm chức Tập sự Tòng bát phẩm Thơ lại, quản lý công vụ giấy tờ sổ sách quan trọng. Năm Tự Đức thứ 2 (1849) được ban chức Tòng bát phẩm Thơ lại, vẫn đảm trách công vụ ở Điển ti, quản lí sổ sách trong vệ.

      * Văn bản 1
      Phiên âm
      Khâm sai Chưởng Thủy quân quan
      Kê

      Nhất sai nội quân Trung Thủy cơ tứ đội Biện lại Tảo Nguyễn Văn Tảo quán Điện Bàn phủ Diên Khánh huyện Phú Triêm hạ tổng Thanh Hà xã, phả y danh phục sự hữu nhật, công vụ sảo tường, cụ hữu y cơ Chánh Phó quản cơ, thân thỉnh. Nhưng thử hợp sai y danh vi Tiện nghi Thủ hiệp Tảo tòng y đội Cai đội phụng thủ bạ tịch chư công vụ. Nhược sở sự phất kiền, hữu công pháp tại. Tư sai.

      Minh Mạng nguyên niên thất nguyệt sơ nhị nhật.

      (Ấn: Thủy quân chi ấn).
      Dịch nghĩa
      Quan Khâm sai cai quản Thủy quân, sai phái Biện lại Nguyễn Văn Tảo ở đội 4 của cơ Trung Thủy thuộc Thủy quân, quê quán tại xã Thanh Hà tổng Phú Triêm hạ huyện Diên Khánh phủ Điện Bàn, phục vụ trong quân đã lâu ngày, các công việc đều khá am tường, lại có các viên Chánh Phó quản cơ của cơ ấy trình xin. Vì thế, hợp thức sai phái tên ấy là Tiện nghi Thủ hiệp Tảo, nghe theo mệnh lệnh của viên Cai đội của đội ấy để phụng hành các công việc giấy tờ sổ sách. Nếu không kính cẩn thừa hành, sẽ có phép công nghiêm trị. Nay cấp bằng.

      Ngày mồng 2 tháng 7 năm Minh Mệnh thứ 1 (1820).
      (Ấn: Thủy quân chi ấn).

 
nguyen van thanh ha
Chiếu chỉ thăng chức cho ông Nguyễn Văn Tảo - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      * Văn bản 2
      Phiên âm

      Chiếu Thủy quân Trung Thủy cơ tứ đội vị nhập lưu Thơ lại Nguyễn Văn Tảo, quán Điện Bàn phủ, Diên Phước huyện, Phú Triêm Hạ tổng, Thanh Hà xã, phục sự hữu nhật, thư toán sảo thông. Tư kinh chưởng lãnh đại viên tấu thỉnh, chuẩn thực thụ nội quân y cơ tứ đội Tòng cửu phẩm Thơ lại Tảo Khiết nam, tòng Cai đội phụng thủ nội đội bạ tịch công vụ. Nhược sở sự phất cần, hữu quốc pháp tại. Khâm tai!

      Minh Mệnh ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.

      (Ấn: Quốc gia tín bảo).
      Dịch nghĩa

      Ban chiếu chỉ cho Nguyễn Văn Tảo, hiện đang là vị nhập lưu Thơ lại ở đội 4 cơ Trung Thủy thuộc Thủy quân, quê quán tại xã Thanh Hà tổng Phú Triêm Hạ huyện Diên Phước phủ Điện Bàn, là người làm việc đã lâu ngày, viết lách và tính toán khá thành thạo. Nay đã được các viên đại thần tâu xin, vậy chuẩn ban thực thụ chức Tòng cửu phẩm Thơ lại ở đội 4 của cơ thuộc quân ấy, ban tước là Tảo Khiết nam, nghe theo mệnh lệnh của viên Cai đội để phụng hành công việc sổ sách trong đội. Nếu như bê trễ biếng lười, sẽ có phép nước trị tội. Hãy kính thay!

      Ngày 29 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 5 (1824).

      (Ấn: Quốc gia tín bảo).
      * Văn bản 3
      Phiên âm
      Kinh kỳ Thủy sư Đô Thống sung Thống quản Thị vệ Đại thần Võ, Thự Đề đốc Đoàn, Công bộ Thự Hữu tham tri, Hiệp lý Kinh cơ Thủy sư sự vụ Nguyễn.

      Vi tuân chỉ thí sai sự. Chiếu đắc tiêu nội Thủy sư Trung doanh Ngũ vệ tam đội Chánh cửu phẩm Thơ lại Nguyễn Văn Tảo. Tư phụng hữu sách thỉnh thôi bổ y doanh nhị vệ thí sai Tòng bát phẩm Thơ lại. Khâm phụng chỉ chuẩn tại án đẳng, nhân triếp thử bằng cấp Thí sai cai vệ Tòng bát phẩm Thơ lại Nguyễn Văn Tảo, tòng cai quản viên Điển ti nội vệ sách tịch chư công vụ, yếu nghi mẫn tế sự công. Nhược quyết chức phất cần hữu quốc pháp tại. Tu chí cấp bằng giả.

      Hữu bằng cấp.

      Kinh kỳ Thủy sư Trung doanh nhị vệ Thí sai Tòng bát phẩm Thơ lại Nguyễn Văn Tảo chuẩn thử.

      Thiệu Trị tứ niên tứ nguyệt thập lục nhật.
      (Kinh kỳ Thủy sư chi ấn).

      Dịch nghĩa

      Quan Kinh kỳ Thủy sư Đô Thống sung Thống quản Thị vệ Đại thần họ Võ, quan Thự Đề đốc họ Đoàn, quan bộ Công Thự Hữu tham tri Hiệp lý Kinh cơ Thủy sư sự vụ họ Nguyễn.
Nay tuân theo Thánh chỉ làm việc tuyển dụng tập sự. Xét thấy Chánh cửu phẩm Thơ lại Nguyễn Văn Tảo ở đội 3 vệ 5 thuộc Trung doanh Thủy sư là người nổi trội, nay kính có danh sách xin được bổ dụng làm chức tập sự công việc của Tòng bát phẩm Thơ lại ở vệ 2 của doanh ấy. Kính tuân Thánh chỉ đã đồng ý, nhân đó bèn phê chuẩn bằng cấp cho Nguyễn Văn Tảo làm tập sự Tòng bát phẩm Thơ lại ở vệ ấy, theo hầu mệnh lệnh của viên cai quản mà đảm nhiệm công việc sổ sách trong vệ, phải nên mẫn cán siêng năng để phụng hành công vụ. Nếu như bê trễ biếng lười, ắt có phép nước nghiêm trị. Vậy ban bằng cấp.

      Trên đây là bằng cấp.

      Kinh kỳ Thủy sư Trung doanh vệ 2 Thí sai Tòng bát phẩm Thơ lại Nguyễn Văn Tảo, hãy chuẩn theo đó mà thực hiện!

      Ngày 16 tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

      (Ấn: Kinh kỳ Thủy sư chi ấn)
 
      Nguyễn Văn Học được cấp văn bằng tuyển làm Phó tổng phụ biện tổng Phú Triêm hạ vào năm Thành Thái thứ 13 (1901), đến năm Thành Thái thứ 19 (1907), Nguyễn Văn Học được bổ làm Lý trưởng xã Thanh Hà. Một số văn bằng cấp cho ông Nguyễn Văn Học như sau:
 
nguyen van thanh ha
Văn bằng cấp cho ông Nguyễn Văn Học  -  Ảnh: Hoàng Phúc
 
      * Văn bản 1
      Phiên âm

      Điện Bàn phủ Tri phủ Đinh

      Vi quyền cấp sự tư cứ Phú Triêm hạ tổng Chánh phó tổng đẳng, trình tự Cai tổng địa […] huyền cách văn thuộc quý tòa sở tại hiện hạ công vụ đa kì sát hữu Thanh Hà xã Phó Lý trưởng Nguyễn Văn Học, vi nhân cần cán khả kham vi Phụ biện Phó tổng khẩn khất cấp hạ văn bằng hứa cai phục sự ti tư cộng tể đẳng. Ngữ triếp thử hợp hành quyền cấp nghi hiệp tòng Chánh Phó tổng xướng xuất dân xã thừa hành chư công vụ. Nhược sở sự phất cần hữu cữu. Tu chí quyền cấp giả.

      Hữu quyền cấp.

      Phú Triêm hạ tổng phụ biên Phó tổng Nguyễn Văn Học cứ thử.

      Thành Thái thập tam niên tứ nguyệt sơ nhị nhật.

      Dịch nghĩa

      Tri phủ phủ Điện Bàn họ Đinh

      Làm tờ cấp quyền, nay dựa theo tờ trình của Chánh Phó tổng tổng Phú Triêm hạ, trình bày về việc cai tổng ở địa phương đang bị bỏ trống, lại phó thác cho các quý tòa sở tại xem xét giám sát các công việc chung rất nhiều, xét thấy có Nguyễn Văn Học là Phó Lý trưởng xã Thanh Hà, là người cần mẫn, có thể kham được công việc phụ biện Phó tổng, khẩn cầu được cấp hạ văn bằng, hết mình phục tòng công việc, giúp đỡ cứu người. Tiến cử bổ nhiệm quyền hành cùng nhau phục tòng Chánh Phó tổng, đề xuất cùng dân trong xã thừa hành công vụ. Nếu như giữ chức mà không chuyên cần sẽ bị phạt tội. Nay cấp quyền vậy.

      Trên là bản cấp quyền.

      Phụ biện Phó tổng tổng Phú Triêm hạ Nguyễn Văn Học căn cứ thực hiện.

      Ngày mùng 2 tháng 4 năm Thành Thái thứ 13 (1901).

      * Văn bản 2
      Phiên âm

      Điện Bàn phủ Tri phủ Lê

      Vi bằng cấp sự, tư cứ Phú Triệm hạ tổng Thanh Hà xã viên hào đẳng, trình tự cai xã Lý trưởng huyền khuyết ứng biện nhu nhân hội tề tuân lệ lân trạch xã nội Nguyễn Văn Học, vi nhân mẫn cán, bút toán sảo thông, đồng ứng thuận trí cai vi Lý trưởng cụ hữu liên danh ký bảo minh bạch, hẩn ngật cấp hạ văn bằng hứa cai phục sự trình biện đẳng. Ngữ nghiệp sát thuộc thực trừ lánh bẩm tiêu tòa ngoại triếp thử hợp hành bằng cấp nghi nhận lãnh triện bạ cha tòng tổng nội chánh phó tổng xướng xuất xã dân thừa hành chưa công vụ. Nhược sở sự phất cần hữu cữu. Tu chí bằng cấp giả.

      Hữu bằng cấp.

      Thanh Hà xã Lý trưởng Nguyễn Văn Học cứ thử.

      Thành Thái thập cửu niên tam nguyệt thập cửu nhật.

      Dịch nghĩa
      Tri phủ phủ Điện Bàn họ Lê

      Nay làm bằng cấp. Nay căn cứ vào việc có đơn trình của các quan viên hào mục ở xã Thanh Hà tổng Phú Triêm hạ, về việc trong xã còn khuyết chức quan Lý trưởng, nay đồng ý hội họp xem xét người trong xã theo lệ tuyển chọn, có Nguyễn Văn Học là người mẫn cán trong công việc, am tường việc tính toán, vậy nên đồng thuận mà bố trí cho làm Lý trưởng, có đầy đủ tên tuổi, ghi chép bầu cử minh bạch, thành thật, ban cho văn bằng để phụng sự công việc. Xét thấy việc phó thác điều bổ chức quan vâng mệnh theo tỉnh tòa, nên tiến hành việc cấp bằng theo nghi lễ, nhận lãnh con dấu và sổ sách, cùng nhau phục tòng Chánh phó tổng trong tổng, dẫn dắt xã dân thừa hành công vụ. Nếu như làm việc không chuyên cần, sẽ bị xử phạt. Nên cấp bằng cấp vậy.

      Trên là bằng cấp.

      Lý trưởng xã Thanh Hà Nguyễn Văn Học căn cứ thi hành.

      Ngày 19 tháng 3 năm Thái Thái thứ 19 (1907).

      Mặc dù, với số lượng tài liệu của nhà thờ tộc Nguyễn Văn không nhiều, thế nhưng giá trị lịch sử, giá trị tư liệu hiện vật hiện hữu đến nay vẫn là điều vô cùng quý giá. Cùng với các nhân vật nổi tiếng khác của vùng đất Thanh Hà, tộc Nguyễn Văn cũng đã góp phần tạo nên một truyền thống hiếu học có nhiều người làm quan ở vùng đất này.

 

Tác giả: Lê Thị Lưu

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây