Di tích đình Hội An trong lịch sử

Thứ ba - 15/08/2023 22:22
dinh ong voi 1
Đình Ông Voi nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Việt
 
      Những tư liệu lịch sử được sưu tầm và kết quả nghiên cứu trong thời gian qua cho biết rằng, quá trình hình thành cộng đồng làng xã người Việt trên mảnh đất thành phố Hội An diễn ra từ rất sớm. Bia mộ tổ tộc Trần (陳)[1] ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh cho biết làng Võng Nhi (網 兒) xuất hiện năm 1498; tác phẩm Ô Châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc khắc in năm 1555 đã nhắc đến tên 2 làng ở Hội An là Cẩm Phô (錦 鋪) và Hoài Phô (淮 鋪)… Vào cuối thế kỷ 16, đầu 17, nhiều làng xã khác cũng lần lượt được hình thành, trong đó có làng/xã Hội An (會 安). Tư liệu có được đến nay cho biết, danh xưng xã Hội An được nhắc đến sớm nhất trong bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật (普 佛) ở động Hoa Nghiêm, chùa Tam Thai - Non Nước[2]. Bia khắc lập năm Canh Thìn (năm 1640). Trong bia có ghi 4 người ở xã Hội An cúng tiền để làm chùa, gồm Nguyễn Văn Triều/Triêu, Nguyễn Thị Đức, Châu/Chu Thị Tân, Nguyễn Thị Ức/Liễu. Cụ thể:
“... Nguyễn Văn Triêu [Triều], tự [là] Viên An, [cùng] Nguyễn Thị Đức hiệu [là] Diệu Ngọc, [ở] xã Hội An, cúng tiền hai mươi quan;... Châu [Chu] Thị Tân, hiệu [là] Từ Thức, [ở] xã Hội An, cúng tiền bảy quan;... Nguyễn Thị Liễu [Ức], hiệu [là] Từ Quế, [ở] xã Hội An, cúng tiền mười quan”[3]

      Trong lịch sử, địa danh hành chính “xã Hội An” từng thay đổi tên gọi thành “Điển Hội đệ nhứt phường”. Việc thay đổi từ “Hội An” thành “Điển Hội” thực hiện theo chỉ dụ của vua Bảo Đại ngày 20/7/1936 (Bảo Đại năm thứ 11). Tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam (Quảng Nam xã chí) do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1941-1943 chép:
Làng Điển Hội đệ nhứt phường hồi trước gọi là Hội An xã. Thay đổi tên hiệu làng nầy là theo chỉ dụ ngày 20 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 11 là vì về miền này nhiều làng tên hiệu trùng nhau, việc quan có khó khăn nên mới đổi lại Điển Hội xã.[4]

      Dưới thời Pháp thuộc, tên “Hội An” còn được sử dụng để đặt tên cho con đường chạy từ đường Quảng Nam (rue Quảng Nam)[5] ra đến bờ sông đó là đường Hội An (rue Hoi An)[6]. Đường Hội An vắt qua đường Minh Hương (rue Minh Hương)[7], đường Cầu Nhật Bản (rue du Pont Japonais)[8], đường Quảng Đông (rue Cantonnais)[9]. Đến năm 1955, theo Nghị định số I423/ND/PC ngày 23/5/1955 của Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung Việt (Quốc gia Việt Nam) đã đổi tên đường Hội An thành đường Lê Lợi.

      Sự hình thành, phát triển của làng/xã Hội An gắn với quá trình định cư, khai khẩn, khai cơ lập nghiệp của nhiều tộc họ gồm Nguyễn (阮), Phan (潘), Trần (陳), Lê (黎),... Tại gian thờ chính giữa của di tích Hội An tiên từ có bài vị lớn đề: 歷 賢. 前 (Lịch đại tiên hiền. Tiền hiền khai khẩn hậu hiền khai khẩn chư linh vị) ghi các tộc họ tiền hiền, hậu hiền khai khẩn làng Hội An gồm các tộc Nguyễn, Phan, Trần. Tại Hội An tiên từ còn có các bàn thờ khác như: Nguyễn môn, Lâm môn, Mạc môn đường lịch đại tôn thân liệt vị; Phụng vị Châu môn lịch đại tiên linh liệt vị; bàn thờ tả ban (có thờ người của một số tộc họ như họ Nguyễn, Lê, Châu); bàn thờ hữu ban (có thờ người của một số tộc họ như họ Trương, Nguyễn, Lê Viết, Võ, Phan). Trong lịch sử, cộng đồng chư tộc phái làng/xã Hội An đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng quy mô mà trong đó tiêu biểu là đình Hội An (đình Ông Voi)[10] và Hội An tiên từ. Hai công trình này vừa khẳng định bề dày lịch sử văn hóa, đồng thời cũng phản ánh được điều kiện kinh tế, vị thế xã hội của làng/xã Hội An xưa. Riêng đình Hội An được xem là di tích độc đáo, điển hình về thờ tự và kiến trúc đình làng trên địa bàn thành phố Hội An, Quảng Nam hiện nay.

 
khong anh dinh ong voi
Một góc đình Ông Voi - Ảnh: Quang Ngọc
 
      Kết quả tham vấn cộng đồng về làng Hội An và đình Hội An cho biết, trong dân gian trước đây thường gọi ngôi đình là đình làng Hội[11]. Có lẽ tên gọi đình Ông Voi xuất hiện cuối thập niên 60 của thế kỷ 20. Lúc bấy giờ chiến tranh diễn ra ác liệt, nhiều người tản cư đến ở trong khu vực đình, do có tượng hai con voi phía trước sân đình nên dân gian gọi tên là đình Ông Voi để dễ nhớ. 

      Đình làng Hội An xây dựng vào thời Lê[12] và được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Có thể lần tu bổ đầu tiên vào năm Gia Long thứ 17 (năm Mậu Dần - 1818). Đến năm Thành Thái thứ 19 (năm Đinh Mùi - 1907) phải di dời đến vị trí hiện nay. Sau đó làm thêm tiền đường hoàn thành vào năm Bảo Đại thứ 17 (năm 1942).
Bia đá khắc ghi việc tu bổ, tôn tạo ngôi đình vào năm 1942 cùng phương danh những người cúng ngân lượng hiện lưu giữ tại đình có đoạn cho biết:

      Nguyên văn:[13]

      我 鄉 亭 之 建 在 黎 朝 年 間 迨 嘉 隆 十 七 年 戊 寅 重 修 至 成 泰 十 九 年 丁 未 春 吉 旦 逼 於 路 乃 移 于 [?] 地 点 及 保 大 十 七 年 弍 月 日 復 修 並 創 造 前 堂 三 个 月 工 成 所 不 忘 也 歷 世 規 模 千 秋 香 火 徼 福 於 神 所 以 安 鄉 里 也 所 有 諸 貴 好 心 奉 供 效 干 計 列 芳 名 于 后.

      Phiên âm:

      Ngã hương đình chi kiến tại Lê triều niên gian đãi Gia Long thập thất niên Mậu Dần trùng tu chí Thành Thái thập cửu niên Đinh Mùi xuân cát đán, bức ư lộ nãi di vu. [?] địa điểm cập kim Bảo Đại thập thất niên nhị nguyệt nhật, phục tu tịnh sáng tạo tiền đường tam cá nguyệt công thành, sở bất vong dã lịch thế quy mô thiên thu hương hỏa, kiêu phúc ư thần, sở dĩ an hương lí dã sở hữu chư quý chức hảo tâm phụng cúng hiệu can kế liệt phương danh vu hậu. 

      Dịch nghĩa:

      Đình làng ta xây dựng vào khoảng niên đại Lê triều, được trùng tu năm Mậu Dần Gia Long thứ 17, đến mùa xuân năm Đinh Mùi Thành Thái thứ 19, vì nằm sát đường nên bèn di dời đến. Đến ngày tháng hai năm Bảo Đại thứ 17, phục dựng tu tạo lại, cùng xây dựng tiền đường 3 tháng là hoàn thành, để không quên được các đời đã qua, cũng như để hương hỏa ngàn năm, cầu phúc nơi thần linh, vì an yên mà các hương lí, cùng các quý chức có lòng thành phụng cúng công đức, xin được liệt kê phương danh như sau.

      Sau lần tu bổ năm 1942, bố cục và quy mô kiến trúc ngôi đình được hoàn chỉnh như ngày nay, gồm các hạng mục: Cổng và tường rào, sân trước (có 2 trụ cờ và 2 tượng con voi, góc bên trái sân có miếu thờ[14]), tiền đường, sân giữa, nhà đông và nhà tây, chính điện, hậu tẩm (2 tầng), giếng nước và nhà trù ở phía sau[15]. Theo thông tin tham vấn cộng đồng, trước 1975, trong khuôn viên ngôi đình có có 3 cây sứ, 1 cây me ở phía sau, 2 cây phượng và 1 cây mai ở phía trước.

      Hiện tại, phía dưới đòn đông ở chính điện ngôi đình có cây xà cò ghi lại sự kiện trùng tu ngôi đình vào năm Thành Thái thứ 19 (tức năm 1907) và năm Quý Tỵ (tức năm 1953) như sau: 成 (Thành Thái Đinh Mùi niên Hội An xã quan viên cải tạo hất kim Quý Tỵ niên thất nguyệt cát nhật bản xã hội đồng hương chính trùng hưng). Tại buổi tham vấn cộng đồng cho biết thêm, năm 1956 tại ngôi đình có tổ chức lễ khánh thành tu bổ[16].

      Sau năm 1975 đến nay, ngôi đình được tu bổ 3 lần vào năm 1996, 2007 và năm 2020. Năm 1996, việc tu bổ được cấp phép theo hồ sơ thiết kế của Trung tâm Thiết kế và Tu bổ Di tích thuộc Bộ Văn hóa Thông tin lập tháng 1/1992. Các hạng mục tu bổ được thực hiện theo Giấy phép sửa chữa số 178/GPSC do UBND thị xã Hội An cấp ngày 4/5/1996 gồm: Tháo dỡ mái tole fibro xi măng, thay các kết cấu gỗ hư bằng gỗ mới, trét lại tường, nền lát gạch bát tràng đất nung, phục hồi lại sàn giữa lát đá, quét vôi tường, các họa tiết và lan can hậu cung cũng như hoa văn theo thiết kế. Diện tích tu bổ là 20,04m x 10,56m = 211,62m2. Tả hữu 11,87m x 5,73m x 2 = 136,00m2. Theo nội dung trên thì năm 1996 ngôi đình được tu bổ chính điện và nhà đông, nhà tây. Năm 2007 ngôi đình tiếp tục được tu bổ (hạng mục tiền đình) theo quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật số 208/QĐ-TCKH ngày 11/10/2007 của Phòng Tài chính Kế hoạch. Ngày 28/8/2019, UBND thành phố Hội An ban hành Quyết định số 1575/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư, tôn tạo di tích đình Ông Voi. Theo quyết định này, mục tiêu đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích nhằm phục hồi lại những giá trị nguyên gốc của di tích và phát huy thành điểm tham quan, trưng bày về lịch sử - văn hóa làng Hội An. Công trình tu bổ di tích đình Ông Voi hoàn thành vào cuối năm 2021.

      Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo di tích như đã đề cập ở trên, di tích đình Hội An cũng từng bị tác động làm thay đổi do việc sử dụng di tích không đúng với chức năng vốn có. Năm 1981, di tích đình Hội An được sử dụng làm trường Mầm Non Minh An. Để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của trường, một số hạng mục di tích bị phá bỏ hoặc bịt kín như phá bỏ miếu Bà, trụ cờ, bịt cổng vào di tích, trổ lối đi bên tường hông phía đường Lê Lợi… Cảnh quan chung của ngôi đình cũng bị ảnh hưởng do việc xây dựng dãy phòng học 2 tầng ở sân trước đình. Lần tu bổ gần đây, ngoài việc phục dựng lại những hạng mục đã bị hư hại, phá bỏ trước đây, còn điều chỉnh, phục hồi lại những yếu tố văn hóa phi vật vốn có của di tích.

      Trong lịch sử, tại di tích đình Hội An từng diễn ra những sự kiện liên quan đến lịch sử chính trị - xã hội địa phương mà tiêu biểu là sự kiện “Đội biệt động thị xã” treo Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trên trụ cờ trước sân đình vào năm 1966[17].

      Về việc sử dụng: Đình Hội An là tổ chức các hoạt động văn hóa - tín ngưỡng cộng đồng và cũng là nơi giải quyết công việc hành chính của làng/xã Hội An xưa. Đình thờ thần. Theo ghi chép trong Quảng Nam xã chí và khảo sát thực địa, các vị thần được thờ ở đình Hội An gồm Thành Hoàng, Thổ Địa, Thái Giám Bạch Mã, Đại Càn, Ngũ Hành Tiên Nương, Bạch Thố Kim Tinh, Phiếm Ái, Bô Bô. Những sắc phong liên quan đến các vị thần này hiện được bảo quản tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Bên cạnh chức năng thờ tự và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, ngôi đình cũng là trụ sở, nơi diễn ra các hoạt động hành chính, quân sự, xã hội của chính quyền cấp cơ sở. Trước năm 1975, ngôi đình là nơi làm việc của chính quyền ấp Hội An, nơi hội họp của liên gia. Thông tin từ buổi tham vấn cộng đồng cho biết thêm, từ năm 1945 - 1975, tại ngôi đình cũng có diễn ra hoạt động dạy học. Từ năm 1947, đình Hội An mở các lớp dạy học, gọi là trường làng Hội[18] (trường nam, còn Tụy Tiên đường Minh Hương là trường nữ). Khoảng năm 1970, trong đình có tổ chức lớp dạy toán của thầy Đỗ Cao Hữu. Đến năm 1972 có thêm lớp tiếng Anh do các Thông dịch viên ở Hội An thời bấy giờ tổ chức, học vào ban đêm.[19] Sau năm 1975, đình được sử dụng làm nơi sinh hoạt khối 3 phường Minh An và tổ chức một số hoạt động văn hóa văn nghệ. Đến năm 1981, ngôi đình được sử dụng làm Trường Mẫu giáo Măng non Minh An. Năm 2019, Trường Mẫu giáo Măng non Minh An di dời đến cơ sở mới. Từ năm 2019 đến tháng 5/2020, đình là nơi làm việc tạm của Công an phường Minh An (tại dãy phòng học trước sân).

      Dưới góc độ ghi chép, mô tả và quản lý di tích, có thể nói Quảng Nam xã chí do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện năm 1941-1943 là tài liệu đầu tiên ghi chép khá cụ thể về lịch sử, thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng và đặc biệt là kiến trúc của ngôi đình[20]. Năm 1985, Phòng Văn hóa Thông tin Hội An thực hiện bản lược kê lý lịch di tích đình Ông Voi[21] theo mẫu của Phòng Bảo tồn Bảo tàng - Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Đến ngày 7/7/1992, biên bản và sơ đồ khoanh vùng bảo vệ di tích được lập bởi ông Nguyễn Đình An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Hồ Hải Học - Giám đốc sở Văn hóa - Thông tin, ông Nguyễn Nhơn - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, ông Phạm Ngọc Giỏi - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hội An, ông Nguyễn Vân Phi - Phòng Văn hóa Thông tin  Hội An và ông Trần Hẩn - Phó Chủ tịch UBND phường Minh An. Ngày 4/9/1992, lý lịch di tích được lập bởi ông Trần Văn An - Ban Quản lý Di tích và Dịch Vụ du lịch Hội An. Lý lịch được ông Phạm Ngọc Giỏi - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hội An xác nhận (Lý lịch số 48/HS-ĐTC).

      Đình Hội An là công trình văn hóa - tín ngưỡng có quy mô và độc đáo về kiến trúc, là nơi từng diễn ra một số sự kiện lịch sử, trong đó có sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An. Ngoài việc thờ tự cúng kính, di tích cũng được sử dụng vào nhiều mục đích khác, trong đó tiêu biểu là sử dụng làm nơi dạy học. Hiện nay di tích đình Hội An trở thành điểm tham quan hấp dẫn trong khu phố cổ Hội An
 
[1] Bia lập năm Ất Dậu - 1945.
[2] Phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
[3] Nhóm nghiên cứu Hội An (2014), Di sản Hán Nôm Hội An, tập 1 - Văn bia, in tại Công ty cổ phần in, phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Nam, trang  112-132.
[4] Bản sao lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An. Bản gốc lưu tại Viên nghiên cứu Hán Nôm.
[5] Đường Trần Hưng Đạo bây giờ
[6] Đường Lê Lợi bây giờ.
[7] Đường Phan Chu Trinh bây giờ
[8] Đường Trần Phú bây giờ
[9] Đường Nguyễn Thái Học bây giờ
[10] Ngôi đình tọa lạc tại số 27 Lê Lợi, phường Minh An. Cách không xa về phía bắc là Hội An tiên từ (會 安 先 祠) tọa lạc tại số 01 Lê Lợi, thờ Tiền hiền, Hậu hiền của làng. Hội An tiên từ được sáng lập năm Minh Mạng thứ 14 (năm Quý Tỵ - 1833).
[11] Cách gọi tắt về làng Hội An, giống như làng Minh Hương được dân gian gọi là làng Minh (thông tin của ông Tăng Xuyên, Trưởng Ban trị sự di tích Minh Hương Tụy tiên đường)
[12] Hiện nay chưa tìm thấy tư liệu để xác định chính xác niên đại xây dựng của ngôi đình. Bia đá tại đình cũng như ghi chép trong Quảng Nam xã chí đều cho biết đình được xây dựng vào thời Lê.
[13] Thực hiện nguyên văn Hán Nôm, phiên âm, dịch nghĩa: CN. Lê Thị Lưu.
[14] Miếu thờ gọi là miếu Bà. Theo thông tin tham vấn cộng đồng, miếu có nền cao khoảng 80cm, kích thước 6m ngang và 8m sâu, có 2 nhỏn mái và máng xối ở giữa. Trước miếu có bình phong. Trong miếu thờ tự 4 bàn: Gian đầu thờ bà Phường Chào, gian giữa thờ Thành Hoàng, gian ba thờ Ngũ Hành, bàn thờ Tiền Vãng gắn tường. Mỗi gian cửa 4 cánh, bên hông có cửa phụ để mở ra vào thắp hương.
[15] Tham khảo thêm thông tin và bản vẽ mặt bằng di tích trong tập” Quảng Nam xã chí” do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện.
[16] Hiện nay chưa sưu tầm được tư liệu thành văn nào nói về sự kiện này.
[17] Thông tin từ buổi tham vấn cộng đồng cho rằng sự kiện này diễn ra năm 1972. Tuy nhiên, trong ghi chép của đồng chí Đinh Văn Lời cho biết sự kiện diễn ra năm 1966: “Tại đình Ông Voi, chúng bố trí một tổ chức Thanh niên đoàn Quốc dân Đảng do Lê Ba và Lê Hoa cầm đầu, tên Huỳnh Thanh Trái làm Bí thư Thanh niên Đoàn Quốc dân Đảng và một toán lính Phòng vệ Dân sự trực ở đây vào ban đêm. Để gây tiếng vang lớn và đẩy mạnh phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân nội thị, phấn khởi, tin tường và theo Cách mạng nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 1966. Lãnh đạo đội biệt động thành chủ trương treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ đình Ông Voi... Đồng chí Nguyễn Thị Sim được giao nhiệm vụ may cờ kích thước 1,2m x 2m. Đồng chí Trần Độ, Đinh Văn Lời và Bùi Sơn Thanh theo dõi nắm tình hình di biến động của địch ở đình Ông Voi... Đêm ngày 1, rạng sáng ngày 2/9/1966, khoảng 3 giờ sáng ba anh em chúng tôi đi làm nhiệm vụ treo cờ thì gặp một chiếc xe Quân cảnh đi tuần, chặn hỏi chúng tôi, ba anh em chúng tôi mặc quần đùi, áo thun giả như đi tập thể dục. May thay, chúng tôi  chưa mang cờ và lựu đạn theo người, sau khi vào đình giả vờ tập thể dục, theo dõi không có tên lính và bộn Quốc dân Đảng  nào cả. Đồng chí Lờ chạy về lấy cờ và lựu đạn ra đình treo lên. Còn đồng chí Trần Độ cảnh giới kiệt phở Tùng, đồng chí Thanh cảnh giới kiệt SICA và đường Lê Lợi. Sau khi cột lá cờ vào dây xong, dưới là cờ cột một quả lựu đạn M26 tòn ten kéo lên... Đến 7 giờ sáng địch mới nghe tin lên bao vây, phong tỏa cấm đường, cấm xe qua lại đình Ông Voi. Đến 10 giờ sáng, lực lượng công binh mới lên rà mìn, hạ cờ xuống.”
 
[18] Thầy Ngọc là người thuộc thế hệ học sinh đầu tiên học ở trong đình, hiện thầy đang sinh sống ở Thành phố Hồ chí Minh.
[19] Điều hành lớp tiếng Anh là ông Nhã (Thiếu úy Nhã ở kiệt SICA).
[20] Đình làng nầy trước kia dựng lên từ triều Lê, nằm chính giữa đường quan (Rue Hội An). Đến năm Gia Long thứ 17, trùng tu lại có viết chữ nho trên một cái đòn tay ở giữa Đình (III). Tục gọi là “Xa Cò”. Đến năm Thành Thái thứ 17, nhà nước mở ra con đường (Rue Hội An) nên làng mới dời đình về bên trái của con đường ấy. Và đến năm Nhâm Ngọ (Bảo Đại 17), làng lại tu bổ đình lại và có viết chữ nho trên xa cò trong nhà tiền đàng (V).
Đình theo kiểu xưa của người Tàu, trên lầu (I) trong hết thờ bà Đại Càng, xuống dưới (II) là Hậu tẩm (khám để sắc thần). Trên nóc lầu có tô hai con rồng chầu mặt trời. Đến đình (III) để Hương án. Đến sân đình (IV) dùng làm rạp khi nào tế lót đá careaux. Bên góc sân có bốn cái đôn đá (a). Bên tay mặt là nhà Tây và bên tay trái là nhà Đông. Trước sân là nhà tiền Đàng (V) dùng làm nhà Hội hương luôn thể. Nền đình tô ciment hết thảy. Sau nhà Đông là nhà bếp, cạnh bên có cái giếng (c và c’). Trước mặt nhà tiền Đàng có thờ một đôi voi đủ bành bằng ciment (b). Trước nhà Đông có một cái miếu chia ra ba gian. Gian giữa thờ vị Thành Hoàng (IX), gian trong (X) thờ Ba Bà, gian ngoài (VIII) thờ các vị ngũ Hành. Trước miếu xây có hai con kỳ lân đá (e). Trong cửa đình (XI) độ 3 thước tây có hai trụ cờ (d). Xung quanh đình có thành vôi bao bọc.
Tại đình làng có thờ một cặp độc bình rất xưa, bề cao độ 0m60. Một cái vẽ chữ thọ, một cái vẽ sơn thủy ; 4 bộ đồ ngũ sự bằng đồng (lư tròn), 1 bộ đồ tam sự bằng đồng (lư vuông), bề cao độ 0m50. Và một con voi bằng đồng cân nặng độ 1kg; 1 cái hương án chạm 1 mặt, bề cao độ 1m20, bề dài độ 1m40, và bề dày độ 0m60.
[21] Bản lược kê lý lịch di tích đình Ông Voi do Trần Thành lập vào ngày 22/8/1985.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây