Ký ức về đấu tranh cách mạng của một nữ cựu tù yêu nước

Thứ ba - 18/07/2023 23:11
Những ngày tháng 7 năm 2023, trong không khí chung của cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tổ chức nhiều đợt sưu tầm, nghiên cứu để tiếp tục bổ sung hiện vật phục vụ các hạng mục trưng bày tại di tích nhà lao Hội An, chúng tôi đã có những buổi trò chuyện để ghi lại tư liệu ký ức về một thời đấu tranh hào hùng, anh dũng với nữ cựu tù yêu nước, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa ở ngay tại nơi bà và các đồng chí, đồng đội từng hoạt động, từng bị giam cầm, tra tấn.
TNB 59409 02
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa và hiện vật chiếc khăn thêu của bà hiến tặng đang trưng bày tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
 

      Điểm đầu tiên chúng tôi đến là ngôi nhà của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Hóa, nơi diễn ra những hoạt động đầu tiên trong quá trình đấu tranh cách mạng của bà. Tại đây, bà Hóa nhớ lại: từ tấm bé bà đã thấy bà ngoại và mẹ mình đào hầm trong nhà để che giấu cán bộ. Nhiều lần bà nhìn thấy địch bắt bà ngoại và mẹ mình ra đánh đập để tra khảo. Tinh thần anh dũng của bà, của mẹ như mạch suối ngầm nuôi dưỡng ý chí hoạt động trong bà lớn dần hàng ngày nên từ năm 1965 khi mới 13 tuổi, bà Hóa đã tham gia hoạt động cách mạng trong đội thiếu niên tiền phong như đi đưa thư, đi cảnh giới cho các chú cán bộ. Có lúc bị địch đuổi bắt, chúng hăm dọa, dụ dỗ để lấy thông tin về các cô chú cán bộ nhưng bà Hóa khi đó là một cô gái nhỏ bé đã khôn khéo giả như không biết và một mực trả lời là “tôi còn nhỏ, nào biết chi mô” khiến bọn địch không thể lấy được thông tin, chúng nản chí phải bỏ cuộc. Được các chú khen là khôn ngoan, gan dạ, bà càng hăng hái hoạt động. 15 tuổi bà đã là đội trưởng đội thiếu niên tiền phong chim Chèo Bẻo và là tổ trưởng tổ thanh niên nòng cốt đấu tranh chính trị của xã Cẩm Thanh. Đến năm 1968 bà là bí thư chi đoàn, được các chú cán bộ phân công nhiều nhiệm vụ như bám địch, đậy và dỡ nắp công sự bí mật.
 

      Xuân Mậu Thân 1968, đúng vào sáng mùng 1 Tết, trong vai trò là tổ trưởng tổ giao liên, bà dẫn đường để cánh quân gồm hàng trăm người từ Thuận Tình qua Cồn Chài, nơi địch đóng quân để đấu tranh xé cờ ba que và cùng hô to “Tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền”. Trận đó, địch từ Đồn biệt kích Tây Hồ xuống tiếp viện, một viên đạn sượt qua đầu khiến bà bị thương. Tuy bị thương, nhưng trong 3 ngày Tết, bà vẫn cùng mọi người khiêng 32 thi thể liệt sĩ và vận động xin vải để liệm, mai táng những người đã hi sinh. Chiều mùng 4 Tết Mậu Thân, bà về nhà trong khi gia đình những tưởng người con gái nhỏ bé đã hi sinh trong trận đấu tranh ngày mùng 1 Tết. Sau sự kiện này, ban binh vận  thị xã đã rút bà lên làm giao liên ở vùng địch với nhiệm vụ đánh địch trong lòng địch. Thời gian này bà xây dựng đường dây hoạt động được 7 cơ sở hợp pháp, 8 cơ sở nội tuyến trong các đơn vị của địch. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở hợp pháp hoạt động trong lòng địch bà cũng nhận nhiệm vụ đánh địch, diệt ác ôn lập được nhiều thành tích. Trong quá trình hoạt động hợp pháp dù nhanh nhẹn, khôn khéo trong hoạt động nhưng bà Hóa cũng nhiều lần bị địch nghi ngờ bắt, tra khảo.
 

      Khi cùng bà Hóa đến nhà lao Hội An, nơi bà từng bị giam giữ trước khi địch chuyển bà lên Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt (một tên gọi khác bọn địch dùng để chỉ nhà lao thiếu nhi Đà Lạt), bà Hóa đã bồi hồi kể lại: Địch bắt cô nhiều lần, tra khảo nhiều nhưng giam giữ tại nhà lao Hội An từ tháng 12 năm 1970 đến tháng 5 năm 1971 sau đó chúng chuyển bà lên nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đến tháng 5 năm 1972. Thời gian bị giam giữ ở nhà lao Hội An, bà Hóa bị địch đưa đi tra tấn nhiều với đủ các hình thức dã man như đi tàu bay (địch treo người bà lên, kéo rút cho cả người bà đưa qua đưa lại trên không trung), đi tàu thủy (địch đổ nước xà phòng vào mũi, vào miệng bà rồi bắt nằm trên ghế dài, đạp chân lên bụng cho nước xịt ra ở hậu môn). Không những thế, chúng còn bắt cóc, rắn thả vào quần để khiến bà sợ mà khai ra cơ sở. Tất cả những hình thức tra tấn dã man đó chúng thực hiện đối với bà Hóa từ ngày này qua ngày khác ở trong khu vực tra tấn ở nhà lao nhưng vẫn không moi được thông tin gì nên chúng đưa bà về chôn sống ở Cẩm Thanh và bắt người nhà, dân làng ra chứng kiến. Bây giờ, bà Hóa và những người dân Cẩm Thanh cùng thời vẫn còn nhớ như in trận tra tấn dã man đó. Bọn địch mang bà ra đào đất chôn toàn thân bà dưới trời nắng, chỉ để đầu nhô lên mặt đất và tiến hành tra khảo mãi. Lúc đó tạng người bà bé nhỏ so với tuổi 19 nhưng sự gan dạ và khôn khéo của bà lại khiến bọn địch khiếp đảm và bất lực.
 

      Ngồi nhớ lại những kỷ niệm về hoạt động cách mạng cũng như sự tra tấn của địch trong lao tù, bà Hóa nói: Lúc đó cô không biết sợ là gì nữa. Nhưng phải vừa gan dạ, vừa mềm dẻo để bọn địch không có lý do giam cầm cô lâu. Thời gian ở trong lao tù, ngoài những lúc bị địch tra tấn, bà cùng mọi người vẫn hát ca, thêu thùa, may vá. Một lòng một dạ hướng về mảnh đất truyền thống đấu tranh cách mạng nên ở trên vỏ gối, trên khăn tay hay trên ba lô bà đều thêu chữ “Hướng về đất Cẩm tôi mơ”. Nhiều hiện vật thêu, may của bà hiện nay được trưng bày tại di tích nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, nơi bà và nhiều đồng đội bị chuyển từ nhà lao Hội An tới đây.
 

      Một thông tin đến nay còn ít người biết đó là, năm 1968, thị xã Thanh Hóa tặng thị xã Hội An lá cờ thêu 6 chữ “Hội An anh dũng hiên ngang”, ngay sau đó, trong một buổi họp chi đoàn xã Cẩm Thanh, đồng chí Tâm - Phó bí thư thị ủy Hội An khi đó đã mời bà Hóa và 5 đồng chí trong trong đội thiếu niên tiền phong chim Chèo Bẻo lên tặng tên cho từng người, ứng với dòng chữ trên lá cờ: Bà Hóa được đặt tên là Hội, bà Thạnh là An, bà Thu Hà là Anh, bà Én là Dũng, bà Tám là Hiên và ông Diện là Ngang. Buổi họp đơn sơ nhưng khi nghe tuyên bố được đặt tên trong 6 chữ của lá cờ đó khiến bà Hóa và các bạn thiếu nhi rất cảm động và càng thêm kiên cường trong đấu tranh cách mạng.
 

      Không chỉ gan dạ, bền bỉ mà còn có tư chất văn nghệ nhất là có năng khiếu về hát dân ca, khi được thả từ nhà tù thiếu nhi Đà Lạt vào tháng 5/1972, bà cùng lời ca, tiếng hát của mình tiếp tục hoạt động tại Đội loa Ban binh vận thị xã đến ngày đất nước thống nhất. Thu Hà, một trong những đồng đội của bà Hóa còn nhớ lại, mỗi khi đội thiếu niên tiền phong chim chèo bẻo diễn kịch, bà Hóa luôn là người ra mở màn sân khấu để chào, giới thiệu trước nhất. Và trong những đêm thanh vắng, tiếng nói, tiếng hát của bà Hóa cất lên từ những loa truyền thanh ở vùng địch để tuyên truyền cho những người đang làm việc ở phía địch thấu hiểu, quay trở về với cách mạng, với nhân dân.
 

      Đến nay, dù đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, bà Hóa vẫn bền bỉ tham gia trong Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin, vừa để mang lại quyền lợi cho những nạn nhân mang di chứng do chất độc hoá học của Mỹ trong chiến tranh, cho những đồng đội của mình và vừa để giúp thế hệ được sinh ra, lớn lên trong hòa bình có cơ hội ủng hộ, thể hiện lòng  biết ơn với thế hệ đi trước từng chẳng tiếc máu xương đấu tranh cách mạng cho đất nước được hòa bình, thống nhất.

 

Tác giả: Khiếu Thị Hoài

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây