Dẫn nhập
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, “xu cát tị hung” (mong điều lành, tránh điều xấu) là tâm lý phổ biến của con người. Để có thể biến “hung” thành “cát”, trong văn hóa phương Đông, ngoài việc thờ cúng các đối tượng gây hại để không tiếp tục bị hại, dựa vào thế lực khác để phủ dụ, che chở, vận dụng các yếu tố ngũ hành, phong thủy để khắc chế các yếu tố bất lợi, một phương thức thường dùng là sử dụng vật trấn yểm, trấn trạch. Trấn yểm (hay trấn ếm, ếm đối) là việc “dùng bùa phép ngăn chặn ma quỷ hay điều xui xẻo”. Trấn trạch: “giữ nhà, chống ma quỷ, chống việc xui xẻo”. Trấn yểm có nguồn gốc nguyên thủy, về sau được khái quát hóa dựa theo các nguyên lý triết học, tôn giáo. Thật vậy, ngày nay chúng ta cũng không khó khăn để tìm thấy các dấu vết của trấn yểm ở các dân tộc, bộ tộc còn lưu giữ các tập tục nguyên thủy ở Việt Nam nói chung và các quốc gia, khu vực khác.
Ở Việt Nam, trấn yểm là việc khá phổ biến trong dân gian. Hội An cũng không phải là ngoại lệ, chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp, dấu vết về việc trấn yểm, thậm chí nó rất phổ biến và xuất hiện trên nhiều công trình kiến trúc dân dụng, tín ngưỡng,... Nội dung bài viết này tập trung nghiên cứu một công trình kiến trúc dân dụng là ngôi nhà số 11/10 đường Trần Phú, phường Minh An để nhằm chỉ ra rằng việc trấn yểm trong kiến trúc dân dụng ở Hội An là khá phổ biến, thông qua việc trấn yểm chủ nhân công trình đó mong muốn đạt được những mục đích nhằm đem lại sự cát tường cho ngôi nhà mà mình cư ngụ. Bài viết này tác giả không có ý định đi sâu nguồn gốc, các lý thuyết về phong thủy mà nó như là một cuộc thám sát với các phương pháp mô tả, đối chiếu so sánh, tham vấn về một công trình nhằm mang đến một cái nhìn khái quát về một công trình có sử dụng phương thuật trấn yểm và cố gắng lý giải các mục đích của các phương thuật trấn yểm đó.
1. Trấn yểm đối với kiến trúc dân dụng
Giai đoạn Trung, Cận đại, Hội An là khu vực có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều tộc người mà ngày nay chúng ta vẫn còn thấy rõ dấu vết của nó trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến trúc. Kiến trúc cổ Hội An tiếp nhận sự ảnh hưởng sâu đậm của kiến trúc vùng Nam Trung Hoa, cũng không khó để lý giải điều này, bởi trong quá khứ Hội An từng là một thương cảng và là một trong những điểm đến hấp dẫn của thương nhân, văn nhân, tăng nhân... Trung Hoa mà phần lớn là từ các vùng Đông Nam Trung Hoa như: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam. Khi bộ phận lưu dân này tới Hội An, họ cũng mang theo văn hóa bản xứ của họ, đối với kiến trúc, các phương thuật về phong thủy áp dụng khác phổ biến và dễ dàng nhận ra. Thầy địa lý đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng, sửa chữa các công trình kiến trúc, bao gồm kiến trúc dân dụng. Trước khi xây dựng chủ nhân các công trình thường mời các thầy địa lý tư vấn, và trong quá trình sử dụng nếu có vấn đề thì chủ nhân các công trình đó cũng tham vấn ý kiến của các thầy địa lý, phong thủy.
Kiến trúc cũng là một biểu hiện của văn hóa và do đó tiềm ẩn trong hình thể của kiến trúc là các yếu tố về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng. Người xưa quan niệm rằng, một ngôi nhà có vị trí địa lý tốt về mặt phong thủy sẽ đảm bảo cho gia đình được ấm êm hạnh phúc, làm ăn phát đạt, cuộc sống bình an, trái lại sẽ gặp nhiều tai ương, bất trắc. Vì vậy, việc lựa chọn vị trí dựng nhà hết sức quan trọng trước khi tiến hành xây dựng. Ngoài ra, việc bố trí phòng ốc, nội thất trong nhà cũng theo một số quy định về phong thủy. Bên cạnh đó, gia chủ cũng cần lưu tâm đến môi trường sống xung quanh, đặc biệt là các ngôi nhà lân cận, bởi có thể có các yếu tố xung phạm gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngôi nhà mình, đến vận mệnh của gia chủ.
Dân gian có câu “Nhất góc ao, nhì đao đình” để nói về một trong những điều đại kỵ trong xây dựng kiến trúc truyền thống, đó là góc ao hoặc góc cạnh của mái đình (hoặc các công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác) hướng vào chính diện nhà, mở rộng ra là đòn đông hoặc mái nhọn nhà hàng xóm có hướng đâm thẳng vào nhà mình. “Nóc nhà khác đâm vào nhà mình còn được gọi là thế nhà phạm mũi tên độc. Theo hình thế trong phong thủy, nóc nhà có hình tam giác thuộc hành Hỏa mà theo Ngũ hành thì Hỏa khắc Kim (tiền tài). Điều này khiến nhiều người lo ngại nếu bị nóc nhà khác chĩa vào sẽ khiến tiền tài nhà mình hao tổn. Xét về cấu tạo, nóc nhà trong kiến trúc xưa có các khe hở hai đầu thông gió hình tam giác, là nơi thoát khí tích tụ trong nhà. Khi nhà đối diện mở cửa mà gặp phải “tam giác ấy” thì sẽ bất lợi. Vì thế, người ta không chỉ kiêng đòn đông mà kị cả các đòn tay lợp mái chĩa vào nhà”. Đó là vị trí cần tránh khi dựng nhà hoặc gia chủ phải tìm cách hóa giải khi gặp phải.
Qua tham khảo nhiều bài viết về phong thủy, các cách hóa giải phổ biến nhất cho việc xung phạm này là: Trồng cây xanh, làm hàng rào hay treo mành để che chắn tầm mắt không còn nhìn thấy góc nhọn đó; treo quả cầu thủy tinh hoặc tấm gương (bát quái) phản chiếu lại góc nhọn; (ít phổ biến hơn) treo tấm biển đầu thú phía trên cửa hướng thẳng vào góc nhọn phía trước. Ở Trung Hoa, ngoài những cách trên, người ta còn nhờ hàng xóm xây phần đầu tường phía trên cây đòn đông thành hình vuông thay vì hình tam giác để hóa giải; nếu đâm thẳng vào sân, có thể xây bức bình phong có hình hổ xuống núi; nếu đâm vào cửa sổ thì ảnh hưởng lớn, dễ bị đau đầu, khắc chế bằng cách đặt một chậu cây xanh ở bệ cửa sổ, bên trên có thể treo một cái la bàn phong thủy hoặc một xâu 5 xu tiền (tiền Ngũ Đế), nếu cần thiết thì nên thường xuyên buông rèm…
2. Khảo sát trường hợp nhà số 11/10 đường Trần Phú
Ở Hội An, có một ngôi nhà cũng gặp phải yếu tố bất lợi kể trên và cách hóa giải cũng rất độc đáo là gắn đầu trâu trên nóc nhà. Nó không nằm chính giữa đường bờ nóc mà lại nằm lệch hẳn sang một bên (chếch về phía Đông). Đó là nhà số 11/10 đường Trần Phú, phường Minh An, nép mình trong một con hẻm nhỏ gần chợ Hội An. Trong trang trí kiến trúc truyền thống, hình tượng con trâu thường gắn kết với kiểu thức “ngư - tiều - canh - mục” hoặc “ngư - tiều - canh - độc”. Trong Phật giáo Đại thừa, con trâu thường xuất hiện trong “Thập mục ngưu đồ” (mười bức tranh chăn trâu). Nếu so với các con vật trong tứ linh hoặc các con vật có thật khác như cá chép, hạc, sóc,… thì hình tượng trâu ít được sử dụng hơn nhiều. Dùng đầu trâu cho mục đích trấn yểm thì lại càng ít thấy hơn nữa. Có thể nói, hình thức trấn yểm này là độc nhất vô nhị ở Hội An và cũng rất hiếm gặp ở các địa phương khác.
Nhà số 11/10 đường Trần Phú - Hoàng Phúc
Ngôi nhà này là nơi cư trú của gia đình ông Thái Hải Vân (63 tuổi), người làng Minh Hương, nguyên quán Triều Châu. Gia đình ông mua lại ngôi nhà này vào năm 1947 từ người chủ cũ có tên là Nguyễn Văn Hướng. Hiện không có bất kỳ tư liệu nào để xác định niên đại, tuy nhiên, theo lời ông Vân, ngôi nhà được xây dựng cách nay khoảng trên 150 năm, vì gia đình người chủ cũ đã sinh sống trong ngôi nhà này từ lâu đời trước khi nó được sang nhượng cho gia đình ông.
Nhà có mặt tiền xoay hướng Nam, bố cục tổng thể gồm cổng vào, sân trước, nhà chính và nhà phụ (khu bếp và vệ sinh). Cổng vào có mái che lợp ngói âm dương (hai mái dốc) kiểu truyền thống, cửa bảng gỗ, bên trên có gắn cặp mắt cửa hình bông hoa tám cánh bao bọc vòng tròn âm dương. Ở mỗi mảng của vòng tròn âm dương, người thợ mộc khéo léo chạm thêm vài nét tạo vây, đuôi cách điệu hình hai con cá đang quấn lấy nhau rất sinh động. Bước qua cánh cổng là một khu vườn (sân trước) xanh mát với rất nhiều cây cảnh trang trí.
Nhà chính là nhà một tầng, gồm có hai nếp. Nếp nhà trước có kiểu thức nhà 5 gian, diện tích khoảng 4,7m x 12m, mặt tiền vách gỗ, mái hiên giật cấp. Hệ khung gỗ chịu lực chính, tường bao xây gạch, nền láng xi măng (trước đây là nền đất nện), mái lợp ngói âm dương kiểu bình ngõa. Khoảng trống giữa hai mái được xây kín bằng gạch và vữa, tạo nên một bức tường nhỏ mang tính chất trang trí. Ba gian giữa bằng nhau, rộng 2,4m, hai gian bên rộng 2,0m. Cột tiết diện tròn, chân cột có đá tán. Riêng hàng cột nhất hậu lại là cột gạch. Kèo có hình thức trính chồng trụ đội gồm ba lớp trính chồng lên nhau được tạo dáng mềm mại, chạm trổ trang trí đề tài dây lá. Hệ vách mặt tiền gồm bộ cửa đi 4 cánh thượng song hạ bản ở ba gian giữa; hai gian ngoài cùng là tường xây gạch và bộ cửa sổ 2 cánh lá sách gỗ. Hai cửa chính giữa của bộ cửa đi gian giữa luôn được khép hờ để hạn chế tầm nhìn trực tiếp vào bàn thờ chính bên trong và mọi người ra vào bằng lối này. Trên đầu cửa đi gian chính giữa treo bức hoành: 和 為 貴 (Hòa vi quý).
Để tránh hư mục cho hàng cột hiên (do tiếp xúc trực tiếp với mưa nắng), người ta xây thêm một hàng cột gạch bao bọc lấy một nửa cột gỗ ở phía trước. Hiên là nơi chuyển tiếp giữa không gian bên trong và không gian bên ngoài nhà, sinh hoạt bên trong ít nhiều đều liên quan đến không gian này. Đây cũng là nơi khách nhìn thấy đầu tiên trước khi bước vào nhà chính, vì vậy, các cấu kiện gỗ ở hiên (kèo, bạ kèo) được chạm trổ rất tỉ mỉ, công phu với nhiều đồ án cát tường khác nhau. Có thể nói, đây là không gian có các chi tiết trang trí đẹp nhất trong ngôi nhà này. Đầu kèo chạm trổ dây lá và các cuộn mây đan xoắn vào nhau. Đuôi kèo chạm dây lá và quả lựu cách điệu đầu con giao. Bụng kèo cũng được chú trọng trang trí với hình dơi ngậm dây tua, hoa sen và dây tua, cá chép vờn sóng nước, các loại quả… ở hai đầu. Khoảng giữa bụng hai thanh kèo gian giữa chạm lộng hình cây hoa mai, trúc (đã bị gãy một phần, không còn hoàn thiện. Hai thanh kèo còn lại mất hoàn toàn chi tiết này, có thể trước đây trang trí hình hoa lan, cúc theo đồ án “tứ thời”). Bạ kèo vươn ra đỡ đòn tay ở đuôi mái hiên cũng được chạm trổ, dù bị hư hại và mất chi tiết một nửa cấu kiện nhưng các đường nét còn lại vẫn rất mềm mại, mang tính thẩm mỹ cao.
Nếp nhà sau có kiểu thức nhà 3 gian hai chái, diện tích khoảng 5,65m x 12m. Hệ khung gỗ chịu lực, kèo kẻ chuyền, mái lợp ngói âm dương. Cột tiết diện tròn. Một điều khá thú vị là hai hàng cột lòng nhất được chôn thẳng xuống nền nhà, trong khi đó, hai hàng cột lòng nhì lại có chân đế đá tán. Các cấu kiện gỗ trong nếp nhà này (kèo, vách pano, con ke…) cũng được chú trọng trang trí, tuy nhiên không nhiều so với nếp nhà trước và ở hiên. Trước đây, nếp nhà này còn kéo dài thêm chái về phía sau, có thêm một hàng cột (cột lòng ba hậu), tuy nhiên đã bị hư hỏng, gia đình đã tháo dỡ và xây thêm một bức tường gạch sát hàng cột lòng nhì hậu như hiện nay.
Nhà số 11/10 đường Trần Phú - Hoàng Phúc
Về công năng sử dụng, gian giữa nếp nhà trước là nơi tiếp khách. Hai gian ngoài cùng (và hai chái nếp nhà sau) bố trí phản gỗ, giường ngủ, có vách gỗ ngăn phòng. Gian giữa nếp sau là nơi thờ tự rất tôn nghiêm. Phía trước là bàn thờ Phật. Sát vách tường phía sau, bên dưới là bàn thờ ông bà, tổ tiên; bên trên có khám thờ bằng gỗ thờ Quan Thánh Đế Quân. Khám thờ trang trí các đồ án cát tường như dây lá hóa rồng, long mã. Trán khám có chữ: 至 誠 能 格 (Chí thành năng cách). Hai bên thân khám có cặp câu đối: 神 所 憑 依 將 在 [德]\ 天 惟 陰 隲 相 攸 居 (Thần sở bằng y tương tại [đức] \ Thiên duy âm chất tương du cư).
Do nếp nhà sau của nhà đối diện (nhà số 19 Tiểu La) có trục đòn đông vuông góc với nhà chính ngôi nhà này nên buộc người chủ cũ phải có một hình thức hóa giải (điều này chứng tỏ nhà 19 Tiểu La cũng được xây dựng từ rất lâu rồi) bằng cách gắn đầu trâu trên đường bờ nóc nếp nhà trước thẳng theo trục đòn đông của nhà đối diện với quan niệm rằng (theo lời ông Vân): con trâu rất lành tính nhưng lại vô cùng khỏe mạnh, dẻo dai, do đó dùng đầu trâu với cặp sừng lớn để “húc” (chống) lại những điều xui rủi có thể xảy ra cho gia đình mình. Đây là một cái đầu trâu thật, phần đầu được đắp một lớp vữa phủ bên ngoài. Trải qua thời gian dài, dưới tác động của thời tiết, cặp sừng bị hư hoại, ông Vân đã làm lại hai sừng trâu bằng bê tông để thay thế. Dọc theo trục đòn đông, sát bên trong tường rào còn có một cây thân gỗ (?) khá to, có lẽ được trồng cũng nhằm mục đích khắc chế yếu tố bất lợi kể trên.
“Trâu vốn được coi là con vật mang nhiều đức tính như hiền lành, bền bỉ, mạnh mẽ nên nó là biểu tượng của sự an lành, no đủ. Trong sơ đồ Bát quái, trâu là quẻ Khôn, chủ về đất đai (Thổ), tức là sự thịnh vượng, bền vững”. Theo Ngũ Hành tương sinh, Thổ sinh Kim. Trong khi đó, như đã dẫn ở trên, nóc nhà (hàng xóm) có hình tam giác thuộc hành Hỏa thì lại khắc Kim. Đây là lý do gia chủ chọn con trâu để làm vật hóa giải, nhằm tạo sự cân bằng? Để có thể kiến giải được dụng ý của chủ nhà, cần phải có sự tìm hiểu chuyên sâu hơn nữa, sự nghiên cứu của các chuyên gia phong thủy.
Từ khi ở đến nay, gia đình ông Vân luôn được an ổn, bình yên, mọi việc hanh thông, con cháu làm ăn suôn sẻ. Vì tin vào sức mạnh trấn yểm của cái đầu trâu nên dù ngôi nhà đang dần xuống cấp, gia đình ông cũng không dám sửa chữa lớn, chỉ hư đâu sửa đó, thậm chí không dám tháo đòn đông xuống vì sợ lỡ “phạm” điều gì đó thì e ngại chuyện không hay có thể xảy đến. Nhờ vậy mà kiến trúc ngôi nhà được giữ gìn gần như nguyên vẹn đến ngày nay.
3. Tạm kết
Việc ứng dụng các phương thuật phong thủy trong kiến trúc dân dụng bất luận trên thực tế có mang lại hiệu quả hay không thật khó để kiểm chứng, tuy vậy, nhờ đó mà chủ nhân công có được cảm giác yên tâm vì tin rằng đã hóa giải được các vấn đề mà ngôi nhà mình của mình gặp phải. Các biểu hiện của các phương thuật phong thủy cũng làm cho các công trình kiến trúc có chiều sâu về mặt văn hóa, làm đa dạng các biểu hiện của kiến trúc. Thậm chí, trên giác độ bảo tồn, các phương thuật này cũng hạn chế việc thay đổi, sửa chữa của chủ nhân đối với công trình họ đang sử dụng hoặc sở hữu, giúp cho các công trình kiến trúc cổ đươc bền vững hơn với thời gian.
Sẽ có người cho rằng, việc dùng đầu trâu để trấn yểm như ở nhà 11/10 Trần Phú là mê tín dị doan, u muội. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, đây có thể được xem như một hình thức tín ngưỡng dân gian, là di sản của người xưa để lại và vẫn đang được gìn giữ cẩn trọng, thể hiện ước muốn cầu mong bình an, tốt lành, tránh những điều bất trắc, xấu xa. Hình thức trấn yểm này góp phần làm đa dạng các hình thức trấn yểm ở Hội An, là tư liệu để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về quan niệm tín ngưỡng và văn hóa dân gian của người dân địa phương.
Chúng tôi cũng cho rằng, nghiên cứu về yếu tố phong thủy và các phương thuật phong thủy được áp dụng trong kiến trúc ở phố cổ Hội An vẫn đang là một mảng trống lớn, cần sự quan tâm hơn nữa, ít nhất cũng cần ghi nhận các biểu hiện của nó. Công việc này thực sự cần thiết đối với việc bảo tồn, tu bổ kiến trúc ở Hội An
Viện Ngôn ngữ (2007), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa, trang 1316.
Viện Ngôn ngữ (2007), sđd, trang 1316.
Nguồn tham khảo: https://dothi.net/phong-thuy/tuyet-chieu-hoa-giai-phong-thuy-khong-tot-tu-hang-xom-ar44411.htm
Nguồn tham khảo: https://m.pai-hang-bang.com
Theo https://thuvienhoasen.org/a18729/tranh-chan-trau-dai-thua-va-thien-tong:
“Tranh Đại Thừa vẽ con trâu đen. Lần lượt qua từng bước họa, trâu đen trổ trắng lần lần, trắng từ trên đỉnh đầu, lan dần xuống mình, rồi chót đuôi.
Đó là tượng trưng cho phép tu TIỆM. Theo phép tu tiệm thì phải rất nhiều công phu mới tiến lên được từng nấc thang giác ngộ; nhờ công phu, cái tâm vọng lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được dìu dắt mà con trâu hoang lâu ngày chầy tháng thuần thục lần, và trắng lần lớp da đen dơ dáy”.
Chữ này bị che khuất không quan sát được, xin tạm đoán là chữ 德 (Đức).
Nguồn tham khảo: https://vifengshui.com/tin-tuc/trau-phong-thuy-linh-vat-tran-yem-hung-tinh-va-mang-lai-su-doi-dao-id4330