Một số thông tin về làng Để Võng

Chủ nhật - 27/08/2023 23:28
Làng Để Võng nay chủ yếu thuộc khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An. Làng/xã Để Võng là một trong những làng/xã người Việt hình thành sớm ở Hội An.
Trang ghi chép về làng Để Võng trong Quảng Nam xã chí Nguồn Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Trang ghi chép về làng Để Võng trong Quảng Nam xã chí. Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
      Về vị trí, theo Quảng Nam xã chí[1] cho biết, làng Để Võng trước năm 1945 nằm ngay giữa con đường tỉnh lộ số 99. Từ một bên là đồn khố xanh, một bên nhà thương Faifo, dọc theo con đường này về hướng Cửa Đại phải đi qua hai cái cống vôi. Làng Để Võng chiều rộng khoảng 400 thước Tây (khoảng 160m), chiều dài khoảng 450m dọc theo con đường tỉnh lộ.
Về sự hình thành của làng, làng Để Võng thành lập từ thời nhà Hậu Lê. Làng còn giữ nhiều bộ thủy điền, địa bộ, cùng đinh bộ như 1 quyển thủy điền năm Thịnh Đức 7 (1655), 1 quyển thủy điền năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), và 4 quyển thủy điền năm Gia Long thứ 11 (1812), thứ 12 (1813), thứ 13 (1814); và địa b năm Gia Long thứ 13 (1814). Đặc biệt, trong làng có sao lại một tờ giấy khai vào năm Khải Định thứ 9 (1924), có tất cả các vị Hương chức và Lý trưởng Trần Duy Phúng đứng chứng nhận rằng: Ông Nguyễn Viết Lệ trước đời Thịnh Đức[2] (1653 - 1657), đi lính thủy binh vào đây, thấy vùng đất này có thể sinh sống được nên khai trưng ra nhiều thủy điền và lập ra xã hiệu là Để Võng thôn. Vì vậy, các Hào mục, Hương chức đều công nhận vị này là Tiền hiền của làng. Đến năm Thịnh Đức thứ 10 (1657), có 2 ông Đoàn Thế Vinh và Nguyễn Viết Phú (con ông Nguyễn Viết Lệ) khai trưng thêm thủy điền địa bộ ghi chép. vậy, làng Để Võng xem 2 người này là Hậu hiền của làng[3].

      Theo văn bia thủy tổ tộc Nguyễn Viết cho biết: Tiền hiền làng Để Võng là Cụ Nguyễn, người gốc Nghệ An, theo nhà Lê tòng quân xuống phía Nam đến đất Quảng Nam, ông thấy cảnh vật ở đây, nghĩ rằng có thể dựng được cơ nghiệp lâu dài. Ông tập trung những ngư dân ở đất phù sa lập lại thành xã hiệu dần dần trở thành làng mạc. Kể từ đời Thịnh Đức (1653 - 1657), Cảnh Trị (1663 - 1671), các vị về sau tiếp tục khai khẩn lập nên địa bạ nhưng vẫn coi ông tiền hiền tộc Nguyễn là người đầu tiên lập làng[4].

      Có thể thấy, qua thông tin ghi trong Quảng Nam xã chí, cũng như căn cứ vào văn bia thủy tổ tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, có thể xác định bước đầu làng/xã Để Võng hình thành vào khoảng giữa thế kỷ XVII, thời vua Lê Thần Tông trị vì.

      Về hành chính, theo địa bạ xã Để Võng lập năm Gia Long thứ 13 (1815) cho biết, xã Để Võng thuộc tổng Thanh Châu, thuộc Võng Nhi, phủ Điện Bàn. Dưới thời vua Đồng Khánh, xã Để Võng thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

      Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Để Võng là 1 trong 18 làng xã của thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1946, sau khi bầu cử Quốc hội khóa I thành công, thực hiện chủ trương hợp nhất của Chính phủ VNDCCH, thị xã Hội An chia làm 8 khu phố, làng Để Võng thuộc Khu 5 - Nguyễn Bính. Tháng 3/1951, Hội An chia thành 5 đơn vị hành chính mới, làng Để Võng thuộc Khu Bắc. Tháng 7/1956 đến năm 1962, làng Để Võng thuộc xã Cẩm Châu, quận Điện Bàn. Từ năm 1976 đến nay, Để Võng là một trong những làng/khối thuộc xã/phường Cẩm Châu, thị xã/thành phố Hội An.

      Về lịch sử - văn hóa, qua hồi cố và những ghi chép trong Quảng Nam xã chí, đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về làng Để Võng trước năm 1945. Theo tư liệu cho biết, dân số làng Để Võng khoảng trên 200 người. Nghề nghiệp của dân làng chủ yếu là nghề đánh cá, nghề lưới, và có một số người làm nghề nông và các nghề khác,...

      Trong làng có đình Để Võng, đình quay mặt về hướng Đông. Đình lợp ngói lại và đổi tên vào năm Đinh Hợi, trùng tu vào năm Nhâm Thân. Đình nhà Đông và nhà Tây. Gian giữa là tiền đường. Gian trong đình, bên trái là bàn thờ Tiền hiền, bên phảibàn thờ Hậu hiền. Gian nhỏ trong cùng là hậu tẩm thờ thần, có bài vị ghi tên những vị thần. Trước đình có một bình phong, bên trái là tượng con rùa bằng đá, bên phải là tượng con lân bằng vôi gạch. Việc tế lễ ở đình tổ chức 3 kỳ trong năm, vào mồng 10 tháng Giêng, rằm tháng 3 và rằm tháng 8. Tại chùa Âm linh, mỗi năm cúng mội kỳ, vào ngày rằm tháng 4. Tùy vào từng năm, lễ vật cúng dùng sing vật heo hoặc cúng chay. Vào dịp cúng này, trong làng có tục lệ đi giảy cỏ mộ.

      Về phong tc tập quán của làng, cũng tương tự các làng bên cạnh. Đối với việc cưới hỏi, nếu người con trai và con gái đều sinh sống trong một làng, thì không nộp tiền cưới và làm lễ trình làng. Nếu người con trai là người khác làng phải trình với làng một mâm cau trầu rượu. Lệ cưới ở làng phải có đủ 3 lễ gồm lễ vấn danh, lễ sính, lễ cưới.

      Về việc tử táng và tang chế, nếu người dân trong làng có người chết thì đến trình làng 1 mâm cau trầu rượu, làng sẽ cho đất chôn, không phải np tiền mộ địa. Làng có tục lệ đi phúng điếu cho người có công đức với làng và giúp cho những người nghèo khổ thiếu thốn. Về việc tang chế thì tương tự như các làng khác.

      Về việc cai trị trong làng, có Chánh phó ban thường trực, Hội đồng Hào mục cùng Ngũ hương, mỗi tháng tổ chức họp 2 kỳ để xét xử những việc kiện cáo, tranh chấp. Nếu làng xét ra người nào vi phạm nặng hay bất tuân luật lệ thì sẽ giải quan nghiêm trị.

      Có thể nói, qua ghi chép trong Quảng Nam xã chí và tư liệu lịch sử, cho thấy làng Để Võng là một trong những làng/xã hình thành khá sớm ở Hội An trong lịch sử. Những thông tin chi chép trong Quảng Nam xã chí đã khắc họa những nét đặc trưng, riêng biệt về lịch sử - văn hóa làng Để Võng xưa.

      Bên cạnh những giá trị lịch sử - văn hóa, qua quá trình sưu tầm tư liệu, đã tiếp cận được 17 sắc phong gốc của làng Để Võng xưa, hiện đang được bảo quản tại nhà thờ tộc Nguyễn Viết, khối Sơn Phô I, phường Cẩm Châu. Theo thống kê, trong 17 sắc phong, có 12 sắc phong riêng cho từng vị thần, còn lại 5 sắc phong chung cho các vị thần. Thần có sắc phong nhiều nhất là Thái Giám Bạch Mã với 8 lần, Thành Hoàng với 7 lần; Tứ Dương tôn thần, Bích Sơn tôn thần, Thái Giám Mộc Thọ, Ngũ Hành tiên nương, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, mỗi thần 2 lần sắc phong.

 
Một sắc phong thần của làng Để Võng Nguồn Trung tâm QLBTDSVH
Một sắc phong thần của làng Để Võng. Nguồn: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
      Về niên đại, sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Minh Mạng thứ 7 (1826) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924). Về nội dung, các sắc phong làng Để Võng cơ bản có 3 phần. Phần mở đầu là chữ “Sắc” hoặc “Sắc chỉ”, tiếp đó là tên của vị thần hoặc tên của địa phương. Phần giữa là lý do, mỹ tự, phẩm trật ban phong. Phần cuối là chuẩn cho địa phương theo lệ cũ mà thờ tự để đền đáp ơn thần hoặc ghi lại ngày vui của đất        nước để làm rõ điển lệ,… và kết thúc bằng hai chữ “Khâm tai”.

      Về giá trị lịch sử - văn hóa: Sắc phong làng Để Võng là tư liệu gốc, quý giá, chứa đựng nhiều thông tin chính xác,  chân thực về tổ chức bộ máy chính quyền triều Nguyễn, sắc phong cũng cung cấp tư liệu chính xác, có giá trị để     xác định việc thực hành tín ngưỡng ở các cộng đồng làng xã, nhất là tín ngưỡng thờ tự các vị thần bảo hộ của địa phương, vai trò của tín ngưỡng này trong việc kết nối cộng đồng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Ngoài ra, sắc phong làng Để Võng còn cung cấp những thông tin quan trọng về kỹ thuật chế tác và nghệ thuật trang trí trên giấy truyền thống, đặc biệt là loại giấy long đằng,   giấy dó dùng cho sắc phong, về thư pháp học, ấn triện học,… dưới thời nhà Nguyễn.

      Có thể nói, thông tin về làng Để Võng là nguồn tư liệu có giá trị khoa học để nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển, những giá trị văn hóa đặc trưng của làng Để Võng nói riêng, các làng xã ở Hội An nói chung trong lịch sử.
 
[1] Bản sao lưu tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[2] Niên hiệu vua Lê Thần Tông. Vua Lê Thần Tông trị vì lần 1 (1619 - 1643) và lần 2 (1649 - 1662).
[3] Theo Quảng Nam xã chí.
[4] Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (2020), Làng xã ở Hội An qua tư liệu Địa bạ triều Nguyễn và Quảng Nam xã chí, Nxb Đà Nẵng, tr.14.

Tác giả: Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây