Về nguồn gốc ra đời của thúng chai

Thứ hai - 16/10/2023 05:07
Thúng chai là một từ địa phương được dùng phổ biến ở Hội An nói riêng và từ miền Trung trở vào Nam nói chung để chỉ một loại phương tiện đi lại, đánh bắt thuỷ hải sản trên sông biển. Cho đến nay chưa có tư liệu nào cho biết thúng chai ra đời vào thời điểm nào, quê hương của nó ở đâu. Tuy nhiên qua một số truyền thuyết, tư liệu sưu tầm được có thể nhận định ban đầu về nguồn gốc của phương tiện này.
thung chai
Đua thúng chai năm 1924 - Ảnh của Grossard, trưng bày tại bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac, Paris, Pháp.
 
      Theo Vũ Hữu San dẫn lại Nguyễn Huỳnh Anh trong Việt Nam danh nhân tự điển thì: “Ông Trần Ứng Long là “xảo thủ” đóng chiếc thuyền đầu tiên có vỏ mê (vỏ thuyền bằng tre đan) mềm dẻo ở Hà Đông năm 968. Tương truyền ông Long là bộ tướng của Đinh Tiên Hoàng (960 - 980). Khi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc bị đuổi gấp phải chạy trốn qua sông Nhuệ, Thạc qua được sông, ra lệnh đốt hết thuyền bè. Tướng Trần Ứng Long nghĩ ra cách cho lính đốn tre để đan thứ thuyền nan, rồi lấy nhựa bôi vào thân thuyền. Nhờ đó ông đưa được lính qua sông và đuổi bắt được Đỗ Cảnh Thạc[1]. Truyền thuyết không cho biết loại thuyền nan này có hình dáng như thế nào, chỉ biết thuyền được tạo thành bởi tre đan và trét nhựa cây. Thật ra loại thuyền hình tròn, bọc bằng da, vải xuất hiện từ những năm trước Công nguyên ở một số quốc gia vùng Lưỡng Hà[2]. Nhưng loại thuyền thúng, thúng chai hình tròn đan bằng tre lại là một sản phẩm mang đậm dấu ấn của người Việt. Pierre Paris thì khẳng định “truyền thuyết Trần Ứng Long không có gì khoác lác đó là người Việt Nam là dân tộc duy nhất đã phát triển và hoàn thiện loại thuyền này (thuyền đan bằng tre)”, đồng thời ông cũng cho rằng “dù sao, chiếc thúng tròn nổi được, hơi có vẽ lý thuyết khi được coi là điển hình cho các thuyền bằng tre đan, đang được phổ biến trải dài suốt từ ven bờ Đồng Hới cho tới Vũng Tàu. Nó được xảm bằng chai (hỗn hợp của một thứ nhựa và phân trâu bò) và được gọi là cái thúng chai[3]. Ở đây có hai điểm cần lưu ý đó là Pierre Paris cho rằng thúng chai là phương tiện điển hình cho các loại thuyền bằng tre đan của nước ta và không gian phân bố phổ biến là từ Đồng Hới (Quảng Bình) trở vào Nam.
Có giả thuyết cho rằng, thúng chai có nguồn gốc từ Champa bởi lẽ cư dân Chăm có truyền thống biển mạnh mẽ, hơn nữa sự hiện diện của văn hóa thúng chai cũng chỉ chủ yếu nằm trong không gian của vương quốc Champa xưa. Inrasara cho biết: “Đi biển, người Chăm chế tạo nhiều phương tiện với kích thước và hình dáng khác nhau. Thông dụng là thuyền (gilai), nhỏ hơn là ghe (gaiy). Gắn với thuyền có bè (rakik) như là phương tiện phụ để vận chuyển từ thuyền này sang thuyền khác, hay thuyền về đất liền. Thuyền cũng có loại thuyền độc mộc mà người Chăm gọi là Pulk và thuyền thúng (janưk patih)[4]. Rất tiếc Inrasara không cho biết loại thuyền thúng này của người Chăm được chế tác như thế nào và bằng vật liệu gì? Có tương tự như thúng chai hay không? Và cho đến hiện nay, người Chăm dường như cũng rất ít sử dụng thúng chai, không như người Việt sử dụng rất phổ biến.

 
thung chai hoi an 1
Ngư dân Cù Lao Chàm sử dụng thúng chai đi đánh cá - Ảnh: Hồng Việt
 
      Một số ý kiến khác cho rằng thúng chai là một phương tiện ra đời vào lúc các chúa Nguyễn vào kinh dinh, phát triển Đàng Trong. Theo Ngô Văn Thanh người Phú Yên cho biết: “Chưa thấy có công trình nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc thúng chai. Nhưng tôi suy đoán, sự ra đời của thúng chai cũng chỉ sau khi các chúa Nguyễn cho phát triển dải đất miền Trung. Ngư dân phải ra biển từ các bãi ngang sóng lớn nên phát kiến ra thuyền hình tròn để tăng khả năng lướt sóng, chinh phục biển Đông[5]. Đây là ý kiến rất đáng lưu ý tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng những chiếc thúng chai đầu tiên đã ra đời tại các sông rạch, bàu đầm nước ngọt hoặc nước lợ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại đường thuỷ ở phạm vi hẹp cũng như nhu cầu đánh bắt tôm cá mang tính cá nhân, gia đình tại các môi trường sông nước này. Sau đó, do tính tiện lợi, nhiều ưu điểm nên thúng chai đã được sử dụng rộng rãi ở môi trường biển đảo.

      Lại có ý kiến rằng: “Chiếc thuyền thúng ra đời vào thời Pháp thuộc, khi ấy thực dân Pháp áp dụng nhiều thứ thuế đánh vào dân nghèo. Chiếc thuyền mong manh của những ngư dân vẫn không thoát được thuế nặng, thế là họ nghĩ ra chiếc thuyền thúng, vì thuyền thúng không bắt nạp thuế được…”[6]. Tuy nhiên tác giả không đưa ra bất cứ một dẫn chứng cụ thể nào để xác định tính xác thực của thông tin. Vì vậy không có gì chắc chắn để nói rằng trước thời Pháp thuộc ở nước ta thúng chai, thuyền thúng chưa ra đời.
Tại Hội An và các khu vực lân cận, một số tư liệu cho biết thúng chai đã có mặt khá sớm. Hình ảnh những chiếc thúng chai ở Hội An đã được tìm thấy trong tư liệu ảnh chụp vào năm 1924 bởi Grossard tại bảo tàng Quai Branly - Jacques Chirac, Paris, Pháp. Quang cảnh trong hình ảnh chụp cho thấy dường như đó là một cuộc đua thúng chai có chèo trên một đoạn sông[7].

      J.B.Piétri trong Thuyền buồm Đông Dương viết vào năm 1943 đã có một đoạn mô tả lý thú về thúng chai tại địa phương: “Trong khuôn khổ công trình nghiên cứu này, ở đây chúng tôi phải nói tới một dạng thuyền thúng tròn, đặc biệt có ở cảng Đà Nẵng và từ đó chúng toả đi khắp dọc bờ biển Việt Nam. Chúng tôi muốn nói về “ghe thúng chài”[8]. Đó là một chiếc xuồng tròn, cỡ một mét và có khi hơn một chút, rất nhẹ và rất thuận tiện để ủi bãi, chiếm ít chỗ, thuận tiện đặt trên boong thuyền. Đó là một loại xuồng phục vụ có hầu hết ở các ghe câu và ghe giã Việt Nam.

      Thúng chai được vận hành bằng một động tác ngoáy dầm chèo và tại một vài vùng ở Bình Định, trẻ con di chuyển nó chỉ bằng một động tác quán tính đơn giản, một cú lắc mông. Quá trình làm một thúng chai cũng giống như các bước đóng khuôn và xảm trét các thuyền tre cỡ lớn. Đó luôn luôn là những công việc đun nấu, pha trộn một hỗn hợp gồm bột nhựa cây, vôi bột, phân trâu bò, tất cả được nhét vào sau đó dùng dầu rái để đánh bóng và bảo vệ lớp xảm trét. Thúng chai giữ được dạng tròn nhờ bộ khung với vòng tròn như mép mạn và các rã sườn tre bên trong được nối với tre đan thúng. Cái thúng bé nhỏ này có khả năng thích nghi kỳ lạ để có thể nằm mãi trên sóng biển, hình như không biết say sóng là gì. Chúng ta cũng bắt gặp cả những lúc biển động, sóng to, quanh những tàu thuyền đánh cá ven bờ, có những việc giăng hay kéo dây câu, mắc lưới, những việc này thường được thực hiện bởi một chú bé trên thúng chai nhẹ nhàng như một trò chơi vọc nước…”[9].

      Hiện có nhiều ý kiến, lý giải về nguồn gốc, lịch sử ra rời của thúng chai, tuy nhiên có thể nói rằng thúng chai là một phương tiện, công cụ đi lại, đánh bắt sông biển lâu đời của Hội An, xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung. Đó là phương tiện hình tròn như chiếc thúng, đan bằng tre, mây, trét bằng chai phà, dầu rái, phân trâu bò. Thúng chai có cùng cội nguồn văn minh lúa nước, văn minh tre nứa như thúng mủng đựng lúa gạo, lương thực thực phẩm và đến lượt mình thúng chai đã ra đời để đáp ứng nhu cầu đi lại đường thuỷ trước hết ở ven sông rạch, bàu đầm sau đó là ở biển đảo cũng như nhu cầu đánh bắt thuỷ hải sản mang tính cá nhân, gia đình. Có lẽ do tình cờ phát hiện những chiếc thúng mủng quét sơn dầu có thể nổi trên mặt nước và từ đó chiếc thúng chai đầu tiên đã ra đời. Thúng chai do vậy là một phương tiện, công cụ sông biển độc đáo, riêng có thể hiện sự thông minh, sáng tạo, kỹ năng đan đát khéo léo cũng như khả năng thích ứng nhanh với môi trường sông nước, biển đảo và truyền thống đi sông, đi biển của người Việt.
 
[1] Vũ Hữu San, Văn hoá nước và hàng hải thời cổ của Việt Nam, Nxb Phụ nữ, 2017, tr.151-152.
[2] J.B. Piétri, Thuyền buồm Đông Dương, Nxb Trẻ, 2015, tr.52.
[3] Pierre Paris, Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam, Nxb Văn hoá - Văn nghệ, 2018, tr.34.
[4] Inrasara, “Lễ hạ thuỷ tàu thuyền - một mảnh văn hóa biển Chăm”; https:// baodanang.vn ngày 01/8/2015.
[5] ĐDT., “Đặc sắc thúng chai Việt”, https://tapchicuaviet.com.vn ngày 12/12/2016.
[6] Khuê Việt Trường, “Nghệ nhân thuyền thúng”, https://nhandan.vn, ngày 20/7/2004.
[7] Thông tin từ nhà nghiên cứu Võ Văn Hoàng cung cấp.
[8] Ở đây dịch giả đã dịch nhầm hoặc đã in nhầm, đúng ra là “ghe thúng chai” chứ không phải “ghe thúng chài”, vì vậy ở phần trích dẫn chúng tôi đã đổi tất cả thành “thúng chai”.
[9] J.B.Piétri, sđd, tr.51, 52.

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây